Thứ Bảy, 29 tháng 8, 2015

Chuyện ghi được khi trò chuyện với nhà cách mạng Nguyễn Thọ Chân



Chúng tôi đưa đoàn làm phim của QPVN đến nhà cụ Chân. Các cháu ghi lại hình ảnh cụ cùng hồi ức về ngày 2/9/1945 và ngày 23/9 "mùa thu về"... Cụ già tuổi đã 95, tai hơi nghễnh ngãng nhưng vẫn tinh tường nhớ lại chuyện xưa.
- Tôi sinh ra ở HN, lớn lên ở HN, là học sinh HN rồi 2 lần bị bắt và bị tù ở Hỏa Lò rồi đày ra Côn Đảo. Đến sau 23/9/1945 mới được tổ chức đưa ghe xuồng ra đón về đất liền... -
... Hồi đó, từ Côn Đảo thông tin về đất liền chủ yếu qua điện tín (morse, hay còn gọi là đánh dây thép). Radio thì tù nhân làm gì có. Trên đảo có 1 trạm "dây thép". Chúng tôi biết tin cách mạng thánh công rồi ngày 2/9, Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập qua đường này.
(Những năm hoạt động bí mật ngoài Bắc, khi phong trào Mặt trận Việt Minh bắt đầu phát triển, tôi có nghe nói về Nguyễn Ái Quốc sẽ về lãnh đạo đất nước. Anh em thì chả biết Hồ Chí Minh là ai, còn tôi đoán là Nguyễn Ái Quốc).

Biết tin cả nước đã giành chính quyền, tù chính trị chúng tôi mừng lắm, đã thành lập ban quản lí đảo mà 1 nửa là anh em tù. Chúng tôi tập trung ra sân Chuồng Bò làm mit-tinh. Vui quá!
Sau đó, yêu cầu đảo cho tầu chở về đất liền. Có mỗi cái ca-nô thì hỏng máy, cụ Tôn phải bắt tay vào sửa. Tới tận 20/9 mới thấy có cả đoàn ghe xuồng ra đón về đến đất liền. Tôi đi trên con tàu mang tên Phú Quốc và cập bến Sóc Trăng. Thấy bà con mang cờ hoa ra đón. Cảm động chảy nước mắt. Nhưng cũng biết ngay, quân Pháp đã gây hấn ở Nam Bộ. Anh em chúng tôi chia nhau về các tỉnh. Tôi được phân về tỉnh Gia Định (khi ấy cơ quan đóng ở Gò Vấp).
Dân trí thức, tư sản, địa chủ SG ngày ấy đóng góp cho cuộc kháng chiến của Nam Bộ nhiều lắm. SG có đến 12 chi đội (tương đương trung đoàn). Các chi đội được trang bị quần áo, súng ống toàn bằng tiền của bà con giúp đỡ. Trong đó có cả tiền ông Trần Văn Giàu xin con vua Thái-lan (là bạn học từ ngày ở Pháp) để mua vũ khí... Nhiều đảng viên là con nhà tư sản giàu có đã ủng hộ đất nước, như ông Phạm Ngọc Thạch, ở làng Tây, lấy vợ đầm, đã hiến cả 500ha đất cho chính phủ...
Từng là Bí thư Thành ủy HN 1943 rồi Bí thư Gia Định 1947, tôi rất hiểu HN và SG. HN có ngàn năm văn hiến nên con người cũng có những đặc điểm riêng: nho nhã, văn chương, chín chắn, có việc gì cũng suy xét đắn đo, cẩn thận... Còn SG lịch sử mới có mấy trăm năm, cư dân là dân tứ chiếng từ bắc vào, trung vô... họ phải tự vật lộn kiếm sống nên đoàn kết gắn bó với nhau, khi thành đạt lại phóng khoáng chia sẻ cùng anh em bạn bè. Hơn nữa, thiên nhiên rất ưu đãi với Nam Bộ nên con người cũng hào sảng hơn, quyết đoán hơn, làm cái gì cũng dám chịu trách nhiệm.
Tôi được giao là Bí thư Gia Định, sau đó làm phó cho anh Nguyễn Văn Linh. Từng theo đoàn Nam Bộ ra Bắc dự Đại hội Đảng 2 rồi lại trở về Nam, tới 1954 mới ra Bắc...
... Hỏi chuyện cụ có biết nhiều về cụ Nguyễn Tạo. Cụ bảo:
- Có chứ. Ông Tạo còn có tên Tạo Quậy. Cũng tù Hỏa Lò và vượt ngục cùng ông Nguyễn Lương Bằng năm 1932, qua đường Nhà thương Phủ Doãn.
- Thế chú có biết ông Tạo từng là Giám đốc Nha CA Nam Bộ năm 1947?
- Có chứ. Sau này có chuyện vui khi ông Tạo là Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp. Ông Tạo đề xuất 1 phương an bảo vệ rừng quốc gia (hình như thành lập rừng quốc gia Cúc Phương) nhưng không được mấy ông thứ, bộ trưởng đồng ý. Ông Tạo lên báo cáo Thủ tướng Đồng. Ông Đồng nghe xong, nói: "Để tôi cho họp tất cả mấy ông ấy lại".
Hôm họp, ai cũng vỗ tay bảo: "Đây là ý mới của anh Tô. Hay quá, hay quá!". Sau đó thì thực hiện. VN ta khổ thế đấy.
- Giờ vẫn thế, chú à. - Anh em tôi góp vào.
- Thế à, thế thì nước ta còn khổ!
...

2 nhận xét:

Nặc danh nói...

Tôi có một thắc mắc: Ngày 25/08/1945 CMT8 đã thành công ở Sài Gòn, tại sao mãi đến ngày 20/09/1945 các cụ mới được chính quyền cách mạng trong đất liền đón về? Xứ ủy Nam Kì có nhận được chỉ thị của TW đón các cụ ở Côn Đảo về không? Đến nay, chắc cụ Nguyễn Thọ Chân vẫn còn nhớ tên các cụ được đón về đất liền lúc ấy? Qua lời kể của cụ Nguyễn Thọ Chân, chúng ta mới thấy rõ lòng yêu nước, sự đóng góp đáng trân trọng của các tầng lớp trí thức, địa chủ, thương gia cho cách mạng. Đây là một điểm mới chúng ta được nghe.

TranKienQuoc nói...

Sau gần 1 tháng tù chính trị Côn Đảo mới được đón là chuyện bình thường. Chính quyền mới thành lập, còn nghèo, phương tiện không có. Họ từng chủ động yêu cầu Chúa đảo đưa về đất liền nhưng không có tầu thuyền.
Các cụ về từ Côn Đảo: cụ Tôn, các ông Ba Duẩn, Phạm Hùng, Vũ Xuân Chiêm, Trần Diệp, Nguyễn Đức Thuận...