Thứ Sáu, 28 tháng 8, 2015

Chuyện về lá cờ vàng sao đỏ (ST: KQ)

Chuyện tác giả lá cờ đỏ sao vàng chắc ai cũng đã biết? Ông là Nguyễn Hữu Tiến, 1 chiến sĩ cách mạng kiên cường, đã hy sinh trong Khởi nghĩa Nam Kỳ. Còn cờ xưa (treo ngày 19/8 ở HN) còn được gọi là cờ béo vì cánh sao không thẳng như bây giờ. 
Nhưng lại có cả cờ vàng, sao đỏ ở Nam Kỳ. Chắc ít người biết chuyện này?
*
... Sau khi Nhật đảo chính Pháp ngày 9/3/1945, để tranh thủ lực lượng quần chúng đông đảo ở Nam Kỳ, Thống đốc Nam Kỳ Minoda Fujio và Tổng lãnh sự Nhật Ida mời bác sĩ Phạm Ngọc Thạch và kỹ sư Ngô Tấn Nhơn tổ chức thanh niên ở Nam Kỳ. 

Phong trào Thanh niên Tiền phong được thành lập vào ngày 21/4/1945. Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch (trước đó đã được Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ TrầnVăn Giàu bí mật kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam), được cử làm Chủ tịch Hội đồng quản trị Phong trào. Xứ ủy Nam Kỳ do ông Trần Văn Giàu đứng đầu theo đề nghị của Trần Văn Giàu và Hà Huy Giáp đồng ý cho Phạm Ngọc Thạch đứng ra công khai tổ chức phong trào Thanh niên.
Khi đó ở Nam Bộ có hai Xứ ủy, một do ông Trần Văn Giàu làm Bí thư. Một do bà Nguyễn Thị Thập làm Bí thư, tổ chức Thanh niên Giải phóng và lấy cờ Việt Minh làm cờ tổ chức.
Mục tiêu của Xứ ủy Nam Kỳ là "...Phải tìm một số hình thức tổ chức và hoạt động công khai – không nhất thiết phải là hợp pháp – hợp với ý đồ của ta, mang tính chất động viên chính trị cao, trước hết là cho thanh niên, động viên được hàng vạn, hàng chục vạn, hàng triệu người dân, đưa họ xuống đường theo khẩu hiệu cách mạng giải phóng dân tộc... Nói cho rõ hơn, nếu hồi 1942, 1943 mà Nhật lật đổ Pháp, tuyên bố Việt Nam độc lập, lúc ấy uy thế Nhật lên cao, Nhật đang thắng, chiến tranh đang mở rộng, nếu lúc bấy giờ mà Nhật mời bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đứng ra tập hợp thanh niên, làm thủ lãnh thanh niên, thì Xứ ủy chắc không tán thành. Còn như vào giữa năm 1945, Ý, Đức đầu hàng, Nhật Bản trơ trọi, chết tới nơi, ta rất có thể và cần phải đứng ra lợi dụng công khai để huy động hàng chục vạn, hàng trăm vạn nhân dân làm lực lượng chính trị giành chính quyền khi thời cơ chín muồi, khi quân phiệt Nhật sụp đổ. Ở Nam Kỳ mà không làm như vậy thì cô độc, không tranh nổi với các đảng quốc gia, và giáo phái, tức là không có cách mạng thắng lợi...".
Ban đầu phong trào Thanh niên Tiền phong được thành lập dựa trên nòng cốt tổ chức Hướng đạo Việt Nam và Tổng hội Sinh viên Đông Dương. Khi đó chính phủ của Trần Trọng Kim không có Bộ Quốc phòng, nhưng Phan Anh khi đó Bộ trưởng Thanh niên tổ chức các lực lượng thanh niên dưới sự bảo trợ của Nhật (Một nhóm "Đại Việt trẻ" (Thanh niên tiền tuyến) của Tạ Quang Bửu thành lập ở ở miền bắc và trung, sau lực lượng của Phan Anh và Tạ Quang Bửu hợp nhất với lực lượng của Võ Nguyên Giáp ở Bắc kỳ).
Lá cờ của Thanh niên Tiền phong có nền vàng, chính giữa có ngôi sao đỏ mang ý nghĩa cách mạng dân tộc vì màu vàng là màu của dân tộc, còn màu đỏ là màu cách mạng. Lá cờ này là một trong số các lá cờ huy động các thanh niên ái quốc Việt Nam đấu tranh với Pháp.
Đến ngày 16/8/1945, Thanh niên Tiền phong tuyên bố gia nhập Việt Minh. Trước đó tổ chức này tham gia Mặt trận Quốc gia Thống nhất. Việc hai Xứ ủy và nhóm lãnh đạo Thanh niên Tiền phong lấy cờ vàng sao đỏ làm lá cờ của tổ chức gây nhiều tranh cãi sau này.

Không có nhận xét nào: