Bắt đầu từ ngày 8/5/2015, chương trình “Chuyện nhạc phố cổ” đầu tiên đã ra mắt khán giả tại Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ, 50 Đào Duy Từ, Hà Nội. Đây là đêm diễn mở màn của chuỗi chương trình âm nhạc mang tên “Chuyện nhạc phố cổ”, nhằm mang đến cho khán giả một không gian văn hóa độc đáo về âm nhạc xưa của đất kinh kỳ Thăng Long. Cùng với “Chuyện nhạc phố cổ”, một không gian âm nhạc khác là “Một cuối tuần của Nhạc cổ và Truyền thống mới” đang mở một lối đi đúng để bảo tồn vốn cổ.
Nghe nhạc cổ ở… phố cổ
“Chuyện nhạc phố cổ” của nhóm Nghệ thuật Đông Kinh Cổ Nhạc gồm các nghệ sĩ gạo cội như NSND Thanh Hoài, NSND Xuân Hoạch, NSƯT Thanh Bình, NSƯT Vũ Ngọc… vừa diễn ra ngày 8/5 vừa qua tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa phố cổ (50 Đào Duy Từ, Hà Nội). “Chuyện nhạc phố cổ” dự kiến sẽ được biểu diễn mỗi tháng một lần vào tối thứ sáu tuần thứ hai của tháng. Với mục đích mang tới một không gian văn hóa độc đáo về âm nhạc xưa của đất kinh kỳ Thăng Long, gồm cả những loại hình phát tích tại Thăng Long, hay cả những loại hình nghệ thuật được du nhập và phát triển. Chương trình đầu ra mắt mang đến cái nhìn khái quát hơn và những chương trình tiếp theo sẽ đi sâu giới thiệu, biểu diễn từng loại hình âm nhạc cổ truyền.
Nét thú vị khi đến với “Chuyện nhạc phố cổ” là khán giả được thưởng thức giọng hát, tiếng đàn “mộc”, không qua bất kỳ phương tiện điện tử nào. Bởi những người thực hiện muốn khôi phục hình thức “bỏ thẻ”– một hình thức tặng thưởng cho những nghệ nhân các loại hình nghệ thuật truyền thống trước đây. Cách xây dựng hình thức biểu diễn này nhằm tạo ra một không gian âm nhạc giống như hàng trăm năm trước. NSND Xuân Hoạch cho thấy, một sân khấu “mộc” theo lối cổ, không tăng âm là mơ ước của những người tâm huyết với âm nhạc truyền thống. Và nay, các nghệ sĩ được thỏa nguyện thực hiện trong “Chuyện nhạc phố cổ”.
Nhạc cổ trong nhạc mới
Một không gian nhạc cổ nữa cũng cùng xuất hiện trong tháng 5 là “Một cuối tuần của Nhạc cổ và Truyền thống mới” diễn ra ở địa chỉ Heritage Space 28 Trần Bình, Mỹ Đình, Hà Nội. 2 đêm tới đây sẽ giới thiệu đến khán giả “Chuyện nhạc của những lời ru Việt” (20h, 15/5) và “Chương trình hòa nhạc của nhóm truyền thống mới Hà Nội – một sự kết hợp giữa đàn tranh Việt Nam cùng piano và nhạc điện tử”(20h, 16/5). Vẫn gồm các nghệ sĩ ở Nghệ thuật Đông Kinh Cổ Nhạc của “Chuyện nhạc phố cổ”, vẫn cùng ý tưởng từ nhạc sĩ Vũ Nhật Tân và Đàm Quang Minh (2 người xây dựng lên “Chuyện nhạc phố cổ” và “Một cuối tuần của Nhạc cổ và Truyền thống mới”), song không gian thứ 2 này được kết hợp cùng nhạc mới.
“Chuyện nhạc của những lời ru Việt” có sự góp mặt của nhóm Nghệ thuật Đông kinh cổ nhạc sẽ tái hiện một không gian âm nhạc đặc biệt, khơi gợi những kí ức của tuổi thơ mỗi người bằng những khúc hát ru một thuở theo những cách điệu rất lạ của xẩm, chèo, chầu văn, ca trù… như một cách để giữ gìn, bảo tồn những tinh hoa của ca nhạc cổ truyền dân tộc không bị phai mờ. “Chương trình hòa nhạc của nhóm truyền thống mới Hà Nội” với ý đồ tạo ra sự khác lạ, độc đáo, sự kết hợp thú vị giữa nhạc truyền thống và hiện đại, bước đầu có thể gây được ấn tượng mạnh đối với đông đảo khán giả.
Một cuối tuần của Nhạc cổ và truyền thống mới.
Nhóm Nghệ thuật Đông Kinh Cổ Nhạc sẽ cùng Vũ Nhật Tân đưa nhạc truyền thống đến gần khán giả hơn, tiếp cận cả khán giả yêu nhạc cổ truyền nguyên bản lẫn sự mới lạ trong kết hợp nhạc truyền thống và điện tử. Ý đồ rất đáng khích lệ của những người làm nghệ thuật truyền thống và hiện đại có thành công hay không, chắc rằng cần sự dài hơn trong các chuỗi chương trình tiếp theo, và cũng cần sáng tạo nhiều hình thức biểu diễn độc đáo, nhiều sự hun đúc và tiếp nối…
Một lối đi để bảo tồn vốn cổ
Phố cổ Hà Nội từng chứng kiến sự nỗ lực khơi gợi và duy trì hoạt động của nhiều loại hình âm nhạc cổ truyền, nhiều tổ chức, CLB: Giáo phường Ca trù Thăng Long, Câu lạc bộ Ca trù Hà Nội tại Ngôi nhà Di sản (phố Mã Mây) và đình Kim Ngân (phố Hàng Bạc); hát xẩm ở đền Quán Đế, chợ Đồng Xuân, diễn xướng chầu văn tại ngã ba Lương Ngọc Quyến – Mã Mây… Lần này, hy vọng với cách giới thiệu âm nhạc truyền thống một cách bài bản, gồm những nghệ sĩ hàng đầu đến với công chúng,“Chuyện nhạc phố cổ” sẽ tạo ra một lối đi, tạo ra không gian sống cho âm nhạc cổ. Và từ những bước đi này, còn nhiều những việc cần làm tiếp theo để nhân rộng mô hình, trường vốn cho những câu chuyện thú vị và nhất là tiếp tục tạo ra các nghệ sĩ, nghệ nhân mới, tiếp nối những nghệ sĩ, nghệ nhân hiện nay đều đã lớn tuổi.
Tại “Chuyện nhạc phố cổ” những người yêu, quan tâm tới âm nhạc dân tộc, có thể trở thành học viên, được các nghệ sĩ trực tiếp tập luyện, truyền dạy miễn phí. NSND Thanh Hoài đã chia sẻ: “Có rất nhiều người trẻ chưa hề được tiếp cận, được nghe các chương trình nghệ thuật dân tộc thì thử hỏi làm sao họ có thể yêu được âm nhạc dân tộc. Các chương trình của Chuyện nhạc phố cổ là cơ hội để nghệ sĩ dân tộc truyền lửa đam mê cho khán giả nói chung, lớp người trẻ nói riêng”.
Lưu giữ và phát triển nghệ thuật truyền thống cần nhiều con đường, cần nhiều sự nỗ lực từ nghệ sĩ, nhà tổ chức, Nhà nước hay các tổ chức… Ý kiến của Nhà văn Ngô Thảo là một cách để bảo tồn vốn cổ quý giá: “Việc lưu giữ, truyền dạy nghệ thuật dân tộc không thể chỉ dựa vào một nhóm nghệ sĩ. Hà Nội cần có một chính sách để duy trì và hỗ trợ cho các nghệ nhân dân gian, nghệ sĩ các loại hình nghệ thuật dân tộc này.”❏
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét