29.7 - đã sang ngày thứ tư, bầu trời Quảng Ninh vẫn xám trắng màu cánh vạc và chưa có dấu hiệu gì phong quang trở lại. Vậy là chỉ sau hai trận mưa dồn dập trong hai ngày 27 và 28, nhiều thành phố và địa phương của Quảng Ninh đã bị tàn phá một cách không tin nổi. Thống kê sơ bộ cho biết: 23 thường dân tử nạn, mức thiệt hại ước tính không dưới 1.100 tỉ đồng. Nhưng điều chua xót nhất là những cái chết không đáng có và hầu hết đều rơi vào những người nghèo - những gia đình sống trong những ngôi nhà cấp bốn thuộc những vùng đồi núi ngoại ô. Riêng thành phố Hạ Long, con số này đã chiếm 14 người.
Trong cơn bĩ cực, đã có ý kiến buộc tội nha khí tượng đưa ra những dự báo thời tiết không chính xác và sau nữa là do một số dự án đang xây dựng tại các khu vực ven bờ vịnh thuộc thành phố Hạ Long gây tắc nghẽn nguồn nước xả - tất cả đều không thỏa đáng. Đơn giản là thiên nhiên vốn dĩ vô thường, còn khoa học dự báo là chủ quan và hữu hạn. Trong trường hợp này, giả sử cơ quan khí tượng có đưa ra thông tin về lượng mưa chính xác tuyệt đối thì liệu ai có thể kịp bốc đi những ngôi nhà, những công trình, đường sá cố hữu như bao nhiêu năm vẫn thế? Hơn nữa trong tâm lý của mọi người: Mưa không phải là bão! Về ý kiến thứ hai, rằng: Một số dự án đang thi công tại các khu vực nói trên đã làm cản trở tốc độ nước xả, gây lụt úng cục bộ cũng là sự tưởng tượng đầy võ đoán.
Trên thực tế, lụt lũ diễn ra suốt chiều dài các đô thị vùng mỏ và nhiều địa phương dọc quốc lộ 18A. Ngay cả đảo Bản Sen thuộc huyện Vân Đồn, 27 hộ dân cũng chìm trong nước. Nhìn toàn cục, những tổn thất Quảng Ninh đang gánh chịu mà điển hình là hai thành phố Hạ Long và Cẩm Phả là hệ quả của một chuỗi sai lầm tích tụ từ hơn hai thập niên trở lại đây.
Đó là sự không “cầm cương” được quy hoạch; không kiểm soát được tốc độ đô thị hóa; không giữ được rừng phòng hộ; tàn phá trơ trụi rừng ngập mặn; các công trình công nghiệp chồng lấn hủy hoại môi trường và thôn tính nhau. Điển hình là cảng nước sâu Cái Lân đang chết dần dần... Tất cả đều có thể gói gọn trong cụm từ: “Tham vọng phát triển nóng”.
Hiện tượng trong cơn nước dâng, dân chúng dọc nhiều tuyến đường ở thành phố Hạ Long phải tự phá vỡ các miệng cống để cho nước thoát nhanh cũng không ngoài câu chuyện giữa quy hoạch và kiến thiết không đồng nhất. Vai trò của kiến trúc sư trưởng hầu như không có và nếu có cũng vô cùng mờ nhạt.
Xung quanh hai trận mưa dẫu mới chỉ ở mức “tiểu hồng thủy” đã bộc lộ bao nhiêu điều bất cập. Liệu có nên trách ông trời kia sao không mưa cho nông dân Hà Tĩnh hay Ninh Thuận mà lại trút xuống đây? Trong lịch sử của những thành phố bờ biển Quảng Ninh, chưa bao giờ có hiện tượng ngập lụt trớ trêu này. Bình tĩnh mà ngẫm, sẽ không có ai có lỗi ngoài ta cả. Và bi kịch này, âu cũng là bài học cay đắng mà ông trời muốn chỉ cho ta. Làm gì có chuyện không công bằng hay lơ đễnh ở đây!
1 nhận xét:
Từng ra Quảng Ninh những năm 80s, từng ở Hòn Gai, Cẫm Phả, Bãi Cháy... thấy rừng xanh rì, núi cao chắn trước mặt. Vậy mà 2009, ra đó, núi lùi sâu vào trong và bị bạt hết nửa. Con người tàn phá, lãnh đạo ngu dốt không biết quy hoạch còn dân thì chịu khổ thế này.
Đăng nhận xét