Thứ Bảy, 9 tháng 1, 2016

Cuộc chiến của những mái đầu bạc

Image
Người đàn ông vừa bước vào võ đường ấy, tuổi phải ngoài 60, mái tóc bạc gần hết cắt húi cua sát đầu, khuôn mặt khắc khổ, vóc người cao lớn, bước đi vững chắc, hai bàn tay gân guốc vươn ra ngoài bộ võ phục đã sờn. Những tưởng ông phải làm một võ sư đến làm giám khảo cho cuộc thi lên cấp này. Nhưng không, ông lặng lẽ ngồi xuống xếp vào hàng chờ thi cùng với bọn trẻ con lít nhít 7,8 tuổi đáng tuổi cháu mình. Đây là cuộc thi sơ cấp của môn kiếm đạo, dành cho những người mới tập vài tháng, chủ yếu là trẻ con. Đến khi ông thi, tôi không khỏi ngạc nhiên về tinh thần thi đấu của ông, mỗi đòn đánh đều dồn hết sức, mỗi tiếng hét đều chứa đầy ý chí, khổ thân cho cậu bé đối thủ, bị đập siêu vẹo từ bên này sang bên kia. Nhưng kỹ thuât thì sai hết cả. Khi người ta đọc danh sách đỗ, không có tên ông. Ông già ấy đến chào và cảm ơn các thầy giám khảo rồi lặng lẽ sắp xếp đồ đạc đi về. Tôi ở lại, lặng người đi trước ông già ấy, con người mà kỹ thuật thua một thằng bé 7 tuổi, nhưng tinh thần thì có lẽ học cả đời chưa chắc đã theo được.


Thầy gọi điện cho tôi, cười khà khà:
– Tôi thi trượt rồi.
– Tiếc quá, năm sau thầy có thi lại nữa không?
– Ờ, hẳn chứ, năm sau tháng 5 lại có đợt, tôi lại thi.
Thầy tôi vừa thi trượt cuộc thi từ 6 đẳng lên 7 đẳng kiếm đạo*, cuộc thi mà tôi gọi là cuộc chiến của những mái đầu bạc. Rất ít người tham gia cuộc thi này tuổi dưới 40, hầu hết đều đã qua 50, và như thầy tôi nói, tuổi 65 của thầy là tuổi “trung bình”. Cái vòm tròn thi đấu của tòa nhà nổi tiếng Trung tâm võ thuật Nhật Bản** đặc quánh tiếng thét, tiếng kiếm tre va vào nhau chan chát, và sự bồn chồn của những thí sinh chuẩn bị vào thi. Ở chỗ đầu mũi kiếm tre của hai thí sinh chạm nhau, không khí cảm giác như đông lại, cầm nắm được. Nhiều người trong số hàng trăm kiếm sư đang thi giữ những vị trí rất cao trong xã hội, giám đốc công ty này, giáo sư trường đại học kia, bác sĩ bệnh viện kia. Trong võ đạo, 6 đẳng là một đẳng rất cao, nó là cả cuộc đời tu tập. Không đến nỗi khét tiếng khó như cuộc thi từ 7 đẳng lên 8 đẳng mà 100 người không nổi một người qua, nhưng từ 6 đẳng lên 7 đẳng, 10 võ sư bước vào, chỉ 1 người có thể bước ra mà được thay đổi 1 chữ trong danh hiệu của mình. Vậy vì sao những mái đầu bạc ấy, những con người mà khả năng và sự thành đạt của họ không ai có thể chối cãi được, ở cái tuổi được nghỉ ngơi, vẫn tiếp tục, theo câu chữ của thầy tôi, là “tự thách thức bản thân mình”?
Trong quá trình học tập và làm việc của tôi, tôi đã gặp không ít những mái đầu bạc 60, 70, 80, thậm chí 90 tuổi vẫn không nghỉ ngơi trong công việc của mình. Họ dự hội thảo, họ tham gia các công việc quốc tế, họ tiếp tục đi dạy, hay chỉ làm những công việc đơn giản như tham gia tổ chức lễ hội, đi nhặt rác thải ở khu du lịch, hay đi chăng dây đảm bảo an toàn cho học sinh sau khi tan trường.
Nhưng 2 người đàn ông kia, một người mới bắt đầu việc học một môn võ ở cái tuổi xế chiều, và một người đã ở hàng cao thủ, cái tinh thần của họ còn đáng trọng hơn nữa ở chỗ trong những việc họ làm, họ có thể thất bại. Tôi biết vị của thất bại đắng thế nào. Thậm chí ngay lúc còn ngồi ở trong Trung tâm võ thuật Nhật Bản, tôi đã nhận được kết quả của một cuộc thi viết luận mà tôi tham gia “Cảm ơn bạn đã tham gia cuộc thi của chúng tôi, năm nay số lượng người tham gia…”. Đọc đến đây, tôi tắt máy, vứt vào túi, ngửng đầu lên thở một hơi dài. Lại một lần nữa tôi không có cái người ta cần. Tôi biết cái cảm giác thất bại khi lần đầu tiên tham gia giải sinh viên và bị loại ở vòng đầu tiên sau khi ghi ngay một điểm trong 10 giây đầu. Có lẽ cái cảm giác đáng sợ nhất không phải là mình đã thua, mà là mình *đã có thể thắng*. Thầy tôi luôn nói, thắng thua thì có gì đâu, nhưng để được cái cảnh giới thắng thua có gì đâu, thật sự là không dễ.
Người mà mình cần chiến thắng nhất, là bản thân mình, vào ngay lúc này đây, đó là điều tôi luôn nghĩ. Nhưng cái đối thủ mình cần thắng đó, là cái đối thủ sẽ đi theo mình cả cuộc đời. Và chấp nhận thất bại trong tư thể ngửng cao đầu cũng là một chiến thắng. Tokugawa Ieyasu có một câu nói đại ý là cuộc đời con người cũng giống như một hành trình dài mà trên lưng luôn phải đeo một vật nặng, nếu coi việc gian khổ cũng là việc thường ngày, thì tự khắc gian khổ sẽ không còn là gian khổ nữa. Hai người đàn ông tôi vừa kể chuyện, đã gánh gánh nặng của mình hơn 60 năm, mà vẫn còn có tinh thần cho thêm vật nặng vào để thử sức mình hơn nữa. Còn tôi, tôi chỉ mong mỗi sáng thức dậy có đủ sức gánh cái gánh nhẹ của mình cho hết một ngày.
*Trong kiếm đạo hiện đại, 8 đẳng là đẳng cao nhất.
** 日本武道館 – Nhật Bản Võ Đạo Quán

Không có nhận xét nào: