Thứ Tư, 1 tháng 12, 2010

Đỗ Trung Việt, bạn chúng ta

Anh sinh năm 1951 cùng Trần Thắng Lợi anh tôi, nhưng vì sống gần nhau từ bé, sau này về HN lại cùng khu tập thể, nên coi như là bạn tâm giao. Anh chơi với Toàn Thắng, Toàn Thắng lại chơi với tôi nên mối quan hệ dây dưa này làm mấy đứa gần nhau hơn, thậm chí “mày tao chi tớ”. Còn nhớ, ngày ấy anh vẽ máy bay, xe tăng hay vẽ các nhân vật trong Tam Quốc Diễn Nghĩa: Quan Vân Truờng, Truơng Phi, Lưu Bị… rất đẹp. Lên Trỗi 1965, lên Quân sự 1970 đều gặp anh.
Năm 1972-73, cánh Trỗi k3 học tên lửa, radar, thông tin ở cùng 1 góc đồi Bảo Sơn (cùng khoa với chúng tôi). Cứ rảnh là mò lên chơi với khóa trên vì cùng là Trỗi và sẽ là đồng nghiệp. Tôi còn đuợc nhờ vẽ, trình bày cho nhiều đồ án tốt nghiệp của lính Trỗi k3. (Riêng cái ông Trung Việt này viết, vẽ giỏi nên không cần nhờ).
Cũng vì hay lang thang, lọ mọ mà phát hiện ra ở anh rất hài (humor). Anh hay sưu tầm truyện tiếu lâm hiện đại, kể cho bạn bè nghe rồi ghi lại vào sổ. (Một thói quen đáng quý mà ngày đó chúng ta không chú ý). Từng đọc những cuốn truyện, tập thờ anh mua mà trang đầu đều lưu bút bằng tiếng Anh. (Mẹ ơi, phục thật! Vì ngày ấy học tiếng Nga, có “chua” chắc cũng chỉ chua bằng thứ tiếng này?).
Không  những vậy, Việt làm thơ rất hay. Anh không làm theo các thể thơ chuẩn mà thích làm thơ tự do (kiểu Majakôpxki). Rất sáng tạo, rất phá cách nhưng rất có hồn.
Ra truờng, anh về Viện Kỹ thuật quân sự. Anh em vẫn giao lưu. Dáng người cao, mặc đồ lính (nhất là đồ dã ngoại rằn ri), đội mũ vải kiểu Cu ba rất phù hợp. Từng được xem bức ảnh anh cùng đồng đội đang triển khai khí tài trong diễn tập trông rất khí thế.
Khi làm Tập 2, đã mời anh viết bài. Anh hứa và đã gửi bài như 1 trách nhiệm phải làm. Con người như thế mà mệnh lại đoản. Anh bị ung thư đại tràng, chữa chạy các kịểu, nhưng sống vẫn lạc quan và đuợc bạn bè quý mến. Khi Tập 2 xuất bản thì anh đã đi.
Đỗ Trung Việt 1 bạn Trỗi tài ba, tình nghĩa!

2 nhận xét:

Tualinh nói...

Tôi có chung với TV rất nhiều kỷ niệm vui buồn, nhưng đấy là sau này-từ khi cả 2 vào bộ đội.Ở Trường Trỗi tôi ko thân với anh,chỉ biết tiếng 'Việt còi' vì học giỏi,thông minh.
Tuy vậy có một hình ảnh của Việt mà tôi rất ấn tượng và nhớ mãi : đó là lúc K3(lớp 8/10) ở trại Bưởi, vào một buổi tối Đại đội tập trung sinh hoạt phát động thi đua cho dịp ôn thi cuối kỳ 1. Trên một cái sân rộng nhà Thầy Phú,Thầy Bính gần 200 HS ngồi xếp hàng nghe các thầy động viên,dặn dò,im phăng phắc. Hai thầy ngồi sau một cái bàn gỗ đối diện với đám HS,trời tối, hai cái đèn 'bão' ,1 để trên mặt bàn,1 để dưới chân bàn soi ánh sáng lờ mờ được một khoảng hẹp mặt sân.
Kết thúc lời dặn về yêu cầu kết qủa thi cần đạt và phương pháp ôn,Thầy Bính nói : bây giờ chúng ta sang phần văn nghệ.Em nào xung phong lên hát một bài ? cả đại đội im lặng hồi lâu,hồi hộp chờ đợi.Đột ngột một cánh tay dơ lên "Em".Thế là cả đại đội dồn mắt về nơi phát ra tiếng hô.Tất cả gần như ồ lên vì ngạc nhiên "Việt còi!".
Việt bình tĩnh đi lên phía trước hàng quân, quay mặt lại,hình dáng bé nhỏ của Việt in lên nền trời tối mờ nhờ ánh sánh hắt lên từ cái đèn bão làm tôi nhớ mãi.Mọi người nín thở xem 'Việt còi' hát bài gì. Sau khoảng khắc im lặng,với giọng thong thả và rất nhẹ nhàng Việt cất tiếng hát :" Hò khoan chúng em khuya mái chèo,đưa các anh qua dòng sông lạnh lẽo....".
Sau này chúng tôi mới biết đấy là bài hát 'Qua sông' của một nhạc sỹ QGPMN,phát trên đài GP.Tên bài hát Việt không nhớ, cậu nhập tâm thuộc lời bởi âm diệu du dương của ca khúc.
...
Trung Việt ra đi năm 2003,thế cũng đã 7 năm rồi! Mỗi khi suy tưởng về anh,trong tôi lại hiện về trong ký ức cai hình ảnh nhỏ bé thanh thản của 'Việt còi' buổi tối hôm ấy.Và tôi -với tình cảm yêu quí và xót thương -chợt nhận ra Việt giống như là một 'thiên thần'.

TranKienQuoc nói...

Còn nhớ ngày k3 ở trong rừng, phía ngoài là bãi đá dừng xe khai thác gỗ lâm nghiệp. Nhà nằm dọc bờ suối. Chủ nhật, tôi hay rủ Công em trai vào rừng chơi với ông anh.
Lên mới thấy k3 có phong trào làm mô hình máy bay. Các kiều nào Míg 17, 21 (hình như cả Mig 23) của Liên XÔ; nào Thần sấm, Con ma, cả AD4... của Mỹ. Hay quá.
Các ông anh lấy cây rừng (hình như gỗ mít) làm thân, cánh rồi ghép lại. Dùng là duối thay cho giấy ráp mịn đánh bóng. Phục lăn. Mà không hiều kiếm đâu ra cả sách vở, ghi rõ kích thước máy bay rồi giảm tỉ lệ xuống. Cái nhà ông Trung Việt, Dũng "gỗ"... là những "thợ đẽo" cự phách.
Trung Việt là 1 trong những người tài ba của k3.
Kỉ niệm này tôi nhớ mãi.