Sáng qua, 10/4/2013, tại Bảo tàng Cách mạng HN, Hội KH Lịch sử VN cùng gia đình đã tổ chức Lễ tưởng niệm lão đ/c Nguyễn Tạo. BT5 xin đăng tải dần các tham luận tại buổi lễ.
Nguyễn Tạo - người cộng sản kiên trung
PGS. TS Nguyễn Mạnh Hà-Viện trưởng
Viện Lịch sử Đảng
Học viện Chính trị-Hành chính
Quốc gia Hồ Chí Minh
Cụ Nguyễn Tạo (1905-1994) |
Đồng chí Nguyễn Tạo (1905 - 1994), thuộc
thế hệ những thanh niên có tinh thần yêu nước và tham gia những hoạt động chống
chính quyền thực dân, phong kiến từ rất sớm, cùng với các đồng chí của mình tại
Tân Việt Cách mạng Đảng và sau này là Đông Dương Cộng sản Liên đoàn, rồi gia
nhập Đảng Cộng sản Việt Nam như Trần Phú, Hà Huy Tập, Tôn Quang Phiệt, Đặng Thai
Mai, Đào Duy Anh, Phan Đăng Lưu, Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Nguyên Giáp…
Đồng chí Nguyễn Tạo (tức Trần Châu Phong;
Nguyễn Phủ Doãn), sinh năm 1905, ở làng Thái Yên, huyện Đức
Thọ, tỉnh Hà Tĩnh trong một gia đình có truyền thống Nho học, yêu nước, có nghề
thuốc Đông y gia truyền. Ông nội của ông Nguyễn Tạo là Cụ Nguyễn Trọng Tốn, đậu
Tú tài Nho học. Khi kinh thành Huế thất thủ, vua Hàm Nghi ra chiếu Cần Vương
kêu gọi toàn dân đứng lên phò vua giúp nước, cụ Tốn đã từ quan và cùng người
bạn tâm giao là Phan Đình Phùng tìm gặp vua Hàm Nghi tham gia phong trào Cần
Vương yêu nước. Cụ được vua Hàm Nghi phong hàm Tu Vũ và sau đó bị Pháp bắt giam
rồi đưa về quê hương quản thúc.
Thân sinh ông Nguyễn Tạo là cụ Nguyễn
Trọng Tấn, cụ Tấn đỗ Tú tài Hàn lâm đại chiếu năm Giáp Ngọ (Triều Nguyễn), lúc
bấy giờ cả xã Thái Yên chỉ có mình Cụ đậu Tú tài, nên bà con ttrong vùng thường
gọi là Cụ Tú Thái Yên. Tiếp nối truyền thống hiếu học, yêu nước của gia đình,
cụ Nguyễn Trọng Tấn cũng là người giàu lòng yêu nước, thương dân, vì vậy, Cụ
không ra làm quan mà quyết học lấy nghề làm thuốc của gia đình để trị bệnh, cứu
người. Sau này, Cụ theo nghiệp thầy thuốc suốt đời, là người rất giỏi về Đông y,
nên được dân gian mệnh danh là "Ông tiên thuốc Nam".
Lớn lên trong một gia đình có truyền
thống Nho học và giàu lòng yêu nước, chứng kiến đồng bào sống trong cảnh nô lệ
dưới chế độ thực dân - phong kiến, chịu bao áp bức, đau khổ, hai người con trai
của cụ Nguyễn Trọng Tấn là Nguyễn Tạo và Nguyễn Trọng Tám đều nung nấu ý chí
tìm con đường đấu tranh chống bất công và sau này trở thành những đảng viên
Đảng Cộng sản Việt Nam từ những ngày đầu thành lập.
Năm 1923, khi vừa 18 tuổi, ông Nguyễn
Tạo đã trốn nhà thoát ly, lên Vinh kiếm kế sinh nhai và mong tìm được những bạn
bè cùng chí hướng để hoạt động. Thời gian này, Vinh là một địa bàn tập trung
nhiều công nhân tại các nhà máy sửa chữa xe lửa Trường Thi, Đề-pô Vinh, hãng
Si Fa, nhà máy Cưa, nhà máy Điện… Nơi đây
cũng sớm có phong trào học sinh, sinh viên yêu nước. Tại Vinh đã nổ ra nhiều
cuộc đấu tranh đòi quyền lợi của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, nhiều
thanh niên được truyền bá tư tưởng cách mạng theo chủ nghĩa Mác đã tập hợp lại
trong các tổ chức yêu nước. Trong thời
kỳ này, nổi bật tại Vinh nói riêng, Trung Kỳ nói chung là Hội Phục Việt được
hình thành bởi các yếu nhân như Trần Đình Thanh, Trần Phú, Hà Huy Tập… Với
mục đích, lý tưởng cao đẹp là đấu tranh chống sự áp bức của Pháp, giải phóng
dân tộc, Hội Phục Việt đã qui tụ được hầu hết thanh niên yêu nước, trí thức tại
Vinh và cả khu vực Trung Kỳ như: Tôn Quang Phiệt, Trần Phú, Đặng Thái Mai, Đào
Duy Anh, Phan Đăng Lưu, Nguyễn Thị Minh Khai…
Đến năm 1926, đồng chí Nguyễn Tạo tham gia vào
Tân Việt Cách Mạng Đảng và ủng hộ xu thế tích cực chuyển hướng tổ chức sang
đường lối cộng sản theo tư tưởng giải phóng dân tộc của Nguyễn Ái Quốc. Từ cuối
năm 1927, Nguyễn Tạo, với tư cách đảng viên của Tân Việt Cách Mạng Đảng, được
cử ra Hà Nội hoạt động trong phong trào công nhân và nhân dân lao động. Rồi ông
Nguyễn Tạo được cử giữ trọng trách phụ trách Kỳ bộ của Tân Việt Cách Mạng Đảng tại
Bắc Kỳ và Hà Nội. Trong cuốn "Những
chiến sỹ cộng sản ưu tú và cơ sở cách
mạng ở Hà Nội" (do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội ấn hành. NXB Hà
Nội-2006) có nhắc nhiều đến ông Nguyễn Tạo trong thời kỳ hoạt động tại Hà Nội
"Tại số 5, Ô Chợ Dừa (nay là 304 Tôn
Đức Thắng), anh Nguyễn Tạo hầu như ăn ở thường xuyên. Đây là nơi qua lại của
các đảng viên Tân Việt trong đó có các ông Lê Duẩn, Ngô Đình Mẫn, Nguyễn Tuân
Thức, Tôn Quang Phiệt, Hoàng Mai, Vũ Đức Diệu và những người khác".
Trong hồi ký của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhớ lại: “Năm 1929, lần đầu tiên ra Hà Nội, tôi được anh Tôn Quang Phiệt đưa tôi
đến gặp anh Nguyễn Tạo (còn gọi là Tạo Rỗ) ở số nhà 24 phố Huế”.
Đầu năm 1930, để thống nhất lực lượng chống đế quốc, thống nhất tôn chỉ, mục
đích của các tổ chức theo đường lối cộng sản tại Việt Nam, lãnh tụ Nguyễn Ái
Quốc đã vận động và chủ trì hội nghị thành
lập Đảng Cộng sản Việt Nam, họp tại Hương Cảng (Trung Quốc). Ngày 3/2/1930, tại
Hội nghị quan trọng này, có đại biểu của hai tổ chức cộng sản là Đông Dương Cộng sản Đảng (Trịnh Đình Cửu và Nguyễn Đức Cảnh)
và hai đại biểu của An Nam Cộng sản Đảng (Nguyễn Thiệu và Châu Văn Liêm). Hội
nghị thành lập chính đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam
do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chủ trì hoàn toàn nhất trí, tán thành việc hợp nhất
hai tổ chức Đông Dương Cộng sản Đảng và An Nam Cộng sản Đảng thành một
đảng duy nhất, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam; thông qua Chính cương vắn
tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt, Điều
lệ vắn tắt của Đảng.
Ngày 24/2/1930, theo yêu cầu của Đông Dương
Cộng sản Liên đoàn, Ban Chấp hành Trung Ương Lâm thời họp và ra Quyết nghị chấp nhận Đông Dương Cộng sản Liên Đoàn gia nhập Đảng
Cộng sản Việt Nam. (.Đảng
Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị
quốc gia, 1998, t.2, tr. 26.).
Kể từ ngày sát nhập (tháng 2/1930), Nguyễn Tạo
và các đồng chí của ông trong Đông Dương Cộng sản Liên đoàn trở thành đảng viên
Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ngày 31/3/1931, Nguyễn Tạo bị mật thám Pháp
bắt tại Hải Phòng, đồng chí bị chính
quyền thực dân kết án 20 năm tù và giam tại Hỏa Lò (Hà Nội). Tại nhà tù Hỏa Lò
(Hà Nội), nơi giam giữ nhiều chiến sĩ cách mạng và những người dân yêu nước,
ngay từ những năm 1930-1931, những cán bộ Đảng bị địch bắt như các đồng chí
Tống Văn Trân, Nguyễn Đức Cảnh, Ngô Gia Tự, Nguyễn Hới, Hạ Bá Cang (Hoàng Quốc
Việt), Lương Khánh Thiện, Trịnh Đình Cửu, Nguyễn Lương Bằng, Đặng Xuân Khu
(Trường Chinh), Nguyễn Khắc Xứng (Lê Thanh Nghị), Lê Duẩn, Nguyễn Tạo (Tạo
Cuội), Khuất Duy Tiến, Đặng Việt Châu… đã có ý thức xây dựng tổ chức Đảng trong
tù. Khoảng cuối năm 1931, đầu năm 1932, Chi bộ Cộng sản trong nhà tù Hỏa Lò
được thành lập, do đồng chí Hạ Bá Cang (Hoàng Quốc Việt) làm Bí thư.
Quyết
không chịu chết mòn trong ngục tù đế quốc, đồng chí Nguyễn Tạo ngày đêm nghĩ kế
trốn tù và cùng nhóm chiến sĩ Cộng sản trung kiên, trong đó có đồng chí Nguyễn
Lương Bằng (sau này là Phó Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam), lên kế hoạch
vượt ngục. Thấy nhà tù Hỏa Lò quá kiên cố, đồng chí Nguyễn Tạo và Nguyễn Lương
Bằng đã bàn bạc với nhóm tham gia vượt ngục gồm các đồng chí Bùi Xuân Mẫn,
Nguyễn Trọng Đàm, Hào Lịch, Lê Đình Tuyển và Võ Duy Cương tính kế giả ốm để
được đưa ra bệnh viện. Mỗi người nghĩ ra một căn bệnh hiểm nghèo buộc địch phải
cho chuyển từ nhà tù Hỏa Lò sang nhà thương Phủ Doãn điều trị. Còn việc chuẩn
bị tiền, thẻ thuế thân, lưỡi cưa sắt, đồng chí Nguyễn Lương Bằng vận động và
giao cho đồng chí Hào Lịch, một người cộng sản kiên trung, quê Thái Bình, xuất
thân từ một gia đình khá giả, giúp cho anh em. Đồng chí Hào Lịch sốt sắng nhận
và thực hiện có kết quả, sau đồng chí Hào Lịch cũng được chọn vào nhóm vượt
ngục.
Sau
nhiều ngày cưa chấn song sắt, vào đúng đêm Noel (24/12/1932), lợi dụng kẻ địch
lơ là canh gác, 7 chiến sĩ cộng sản bẻ song sắt trốn thoát khỏi buồng bệnh,
vượt tường ra phố Quán Sứ. Đây là vụ vượt ngục Hỏa Lò thành công đầu tiên của
các chiến sĩ cách mạng. Vụ vượt ngục Hỏa Lò năm đó trở thành nổi tiếng trong
lịch sử cách mạng Việt Nam. Và cũng từ vụ vượt ngục táo bạo đó, ông Nguyễn Tạo
có thêm biệt danh là Nguyễn Phủ Doãn, hay như một số anh em gọi tắt là Tạo
Doãn. Trong cuốn sách “Đấu tranh của các
chiến sĩ yêu nước và cách mạng tại nhà tù Hỏa Lò” (NXB Chính trị Quốc gia -
năm 1994, tr 142) nêu rõ: “Tin bảy tù
nhân Cộng sản vượt ngục Hỏa Lò đã làm cho kẻ địch vô cùng tức tối. Chúng ra
lệnh vây ráp, truy nã khắp nơi, thông báo, dán ảnh, đăng tin trên các báo chí.
Đồng thời, chúng treo giải thưởng cho ai bắt được tù Cộng sản vượt ngục sẽ được
thưởng to. Chánh Tổng, xã trưởng ở địa phương nào bắt được tù trốn sẽ được
thăng quan, tiến chức. Nhưng nhân dân ở các nơi anh em đến ở đều tìm cách che
dấu, nuôi dưỡng anh em trong nhà, mà không sợ liên lụy đến bản thân”
Sau
khi vượt ngục Hỏa Lò, đồng chí Nguyễn Tạo và Lê Đình Tuyển đã liên lạc được với
chi bộ Đảng bí mật tại làng Trung Tự (gần chợ Khâm Thiên- Hà Nội)). Chi bộ này
có 4 đồng chí gồm Đỗ Danh Vưu, Hoàng Đình Dinh, Nguyễn Thị Nhâm, Nguyễn Trần
Đỗ. Tại đây, đồng chí Nguyễn Tạo đã góp nhiều ý kiến cho chi bộ tiến hành biên
soạn tài liệu huấn luyện và phát triển cơ sở cách mạng.
Đầu
năm 1933, đang hoạt động bí mật tại Ninh Bình, do bị lộ và bị kẻ địch truy bắt,
đồng chí Nguyễn Tạo đã lên Phúc Yên, làm việc và trú ngụ tại đồn điền của địa
chủ Đỗ Đình Thông tại Đa Phúc (nay là thôn Tân Yên, xã Hồng Kỳ, huyện Sóc Sơn,
thuộc TP Hà Nội). Khi đến đồn điền, đồng chí Nguyễn Tạo đã thâm nhập quần chúng,
lao động thực sự để sinh nhai và có điều kiện gần gũi quần chúng lao động. Ông tìm
người tốt để tuyên truyền, giác ngộ và tạo được một số cốt cán. Cơ sở cách mạng
lúc đầu xây dựng ở 2 ấp Tân Yên và Đồng Thố, chỉ sau mấy tháng đã lan rộng ra
khắp 24 ấp của đồn điền. Một số cơ sở cốt cán tiêu biểu nhất được kết nạp vào
Đảng.
Giữa
tháng 3 năm 1933, đồng chí Nguyễn Tạo đã triệu tập các đảng viên đến họp ở khu
Lò Bát (ấp Tân Yên), tuyên bố thành lập chi bộ. Chi bộ có 6 đảng viên do đồng
chí Nguyễn Tạo làm Bí thư. Để có tài liệu tuyên truyền, giáo dục đảng viên và
hội viên Nông hội, chi bộ đã ra tờ báo mang tên “Tia Sáng”. Tuy chỉ ra được 3 số, nhưng báo “Tia Sáng” đã góp phần quan trọng trong công tác giáo dục đảng viên,
vận động quần chúng tại vùng Đa Phúc, Vĩnh Yên. Báo “Tia Sáng” cũng là tờ báo đánh dấu sự ra đời đầu tiên của báo Đảng
tại địa phương.
Sau
một thời gian hoạt động, chi bộ đảng tại Đa Phúc đã kết nối liên lạc được với
các tổ chức đảng tại vùng Hà Nội, Vĩnh Yên, Hưng Yên, Sơn Tây, Tuyên Quang, rồi
phát triển vào tận Thanh Hóa.
Tháng 10/1933, đồng chí Nguyễn Tạo hoạt động tại Thái Bình, sau được Xứ ủy Bắc
Kỳ cử vào Thanh Hóa tham gia khôi phục tổ chức Đảng tại địa phương. Tại Hậu
Lộc, đồng chí Nguyễn Tạo cùng đồng chí Đinh Chương Dương tiến hành huấn luyện,
đào tạo cán bộ, củng cố cơ sở, tổ chức quần chúng.
Ngày 28/2/1934, các đồng chí Nguyễn
Tạo, Lê Chủ, Bùi Đạt đã tổ chức hội nghị tại làng Yên Lộ (Thiệu Vũ, Thiệu Hóa),
kiểm điểm tình hình, định ra chương trình hoạt động phát triển cơ sở Đảng và
phong trào quần chúng trong tỉnh.
Ngày 17/3/1934, Hội nghị đại biểu các
cơ sở cách mạng trong tỉnh được triệu tập tại làng Thuần Hậu, dưới sự chủ trì
của đồng chí Lê Chủ và Nguyễn Tạo. Hội nghị đã cử ra Ban Chấp hành Tỉnh Đảng bộ
lâm thời, gồm 7 ủy viên, đồng chí Lê Chủ được cử làm Bí thư Tỉnh ủy lâm thời.
Hội nghị Thuần Hậu là sự kiện lịch sử, đánh dấu sự phục hồi và phát triển của
Đảng bộ và phong trào cách mạng tỉnh Thanh Hóa.
Trong cuốn sách “Lịch sử Đảng bộ tỉnh
Thanh Hóa giai đoạn 1930 - 1954” (NXB Thanh Hóa, tháng 9/2010; tr 79) nêu rõ: “Trong những năm 1932 - 1935, mặc dù chính
quyền thực dân, phong kiến tăng cường bộ máy đàn áp, liên tiếp khủng bố
trắng…nhưng quần chúng cách mạng trong tỉnh vẫn dũng cảm đấu tranh bảo vệ và
khôi phục Đảng bộ và phong trào cách mạng tỉnh nhà. Cuộc đấu tranh khôi phục
Đảng và phong trào cách mạng đã diễn ra quyết liệt với những phương pháp sinh
động, sáng tạo…Mặc dù chưa liên hệ được với Xứ ủy Bắc kỳ, Trung kỳ và TƯ Đảng,
nhưng căn cứ vào đường lối cách mạng của Đảng. Nhờ sự giúp đỡ của đồng chí Nguyễn Tạo (một trong bảy chiến sĩ cách
mạng vượt ngục Hỏa Lò), các chi bộ cộng sản được xây dựng, củng cố, đặt nền
móng cho việc khôi phục lại Đảng bộ Thanh Hóa vào tháng 3 năm 1934”.
Đảng bộ vừa được củng cố, mọi
mặt hoạt động đang tiến triển thì bọn mật thám Pháp ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ phối
hợp truy bắt các đồng chí lãnh đạo tổ chức Đảng tại đây. Ngày 18/4/1934, đồng
chí Nguyễn Tạo và 2 công nhân bị mật thám Pháp theo dõi và bắt giữ tại đồn điền
Vạn Lạc, ấp Hải Mao (huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa).
Pháp đưa đồng chí Nguyễn Tạo về Hà
Nội xét hỏi, tra tấn, rồi kết án 5 năm tù, cộng với án cũ 20 năm, tổng cộng
đồng chí chịu mức án tù 25 năm, bị chính quyền thực dân đưa lên nhà tù Lao Bảo
(Quảng Trị), rồi lên nhà ngục ĐăkMil (Ban Mê Thuột; nay thuộc tỉnh Đăk Nông).
Ngay sau khi bị đày tới ngục Đắk Mil,
các tù chính trị đã lựa chọn và bầu ra Ban chỉ đạo đầu tiên của nhà ngục gồm
các đồng chí Trần Văn Quang, Nguyễn Tạo, Kinh, Hòa, Trinh, Bửu, Toàn… đồng thời
đề ra chủ trương trong giai đoạn này là nhanh chóng chuẩn bị đấu tranh, chống
đàn áp, bảo về quyền lợi của tù nhân và tổ chức vượt ngục. Năm 1943, một chi bộ
Cộng sản được thành lập trong Ngục Đắk Mil do đồng chí Nguyễn Tạo làm Bí thư. Đây
cũng là chi bộ Đảng đầu tiên ra đời tại Ban Mê Thuột.
Chi bộ
cộng sản trong nhà ngục Đắk Mil đã tổ chức đấu tranh kiên cường chống chế độ hà
khắc, chống đàn áp, giữ vững khí tiết cộng sản. Tháng 3/1943, các đồng chí
Nguyễn Tạo, Trương Văn Lĩnh, Chu Huệ, Trần Ngọc Oánh đã tổ chức vượt ngục thành
công. Sau khi thoát khỏi nhà tù đế quốc, đồng chí Nguyễn Tạo cùng với Trương
Văn Lĩnh tìm đường ra Bắc để liên lạc với tổ chức rồi tiếp tục công tác.
Giữa năm 1945, trong cao trào cách
mạng tiến tới Tổng khởi nghĩa, tổ chức Đảng cử một số đảng viên về Trung Bộ để
chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền. Đồng chí Nguyễn Tạo được bổ sung vào Ủy
Ban khởi nghĩa liên tỉnh Nghệ - Tĩnh.
Tin Hà Nội khởi nghĩa thành công (ngày
19/8/1945) đã làm nức lòng các đồng chí trong UB khởi nghĩa liên tỉnh Nghệ -
Tĩnh và làm rệu rã chính quyền cai trị tại Vinh. Cuộc khởi nghĩa giành chính
quyền sớm nhất vùng tại huyện Can Lộc (ngày 16/8/1945) càng củng cố quyết tâm
của tổ chức Đảng. Dưới sự lãnh đạo của Việt Minh, ngày 21/8, lực lượng công
nhân và quần chúng nhân dân đã vùng dậy giành chính quyền tại Vinh, đập tan bộ
máy cai trị của chế độ thực dân, phong kiến, chính quyền cách mạng được thành
lập. Cùng với sự ra đời của chính quyền nhân dân hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh,
UB Cách mạng lâm thời tỉnh Nghệ An đã thành lập Ty Trinh sát Nghệ An và phân
công đồng chí Nguyễn Tạo phụ trách. Đến tháng 10/1945, Ty Trinh sát đổi thành
Nghệ An Công an Cục. Đồng chí Nguyễn Tạo giữ cương vị Giám đóc. Đây chính là tổ
chức tiền thân của Ty Công an Nghệ An sau này.
Cuối
năm 1945, khi đang công tác tại Nghệ
An trên cương vị lãnh đạo của Nghệ An Công an Cục, đồng chí Nguyễn Tạo được
Trung ương và Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ dẫn một đội Nam Tiến vào chi
viện cho lực lượng Công an Nam Bộ (khi đó CA Nam Bộ mang tên Quốc gia Tự vệ
Cuộc). Sau một thời gian công tác tại Nam Bộ, đầu năm 1946, đồng chí Nguyễn Tạo
nhận lệnh của Trung ương quay ra Bắc. Trong kỳ bầu cử Quốc Hội đầu tiên của
nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (Quốc hội khóa I, tháng 1/1946), đồng chí Nguyễn
Tạo được bầu làm đại biểu Quốc hội, đại diện cho cử tri tại vùng Vinh - Bến
Thủy. Cũng thời gian này, đồng chí được Trung Ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh
điều về công tác tại Sở Liêm phóng Bắc Bộ.
Trên cương vị Trưởng ban Trinh sát Sở Liêm phóng Bắc
Bộ, đồng chí Nguyễn Tạo giữ vai trò rất quan trọng trong quá trình chỉ đạo phá
vụ án phố Ôn Như Hầu (Hà Nội), ngày 12 tháng 7 năm 1946, đập tan âm mưu đảo
chính của bọn phản động câu kết với thực dân Pháp.
Khám phá vụ án Ôn Như Hầu là một chiến công vô cùng
xuất sắc của lực lượng Công an cách mạng. Chiến công này có ý nghĩa lịch sử to
lớn, đập tan âm mưu lật đổ, cướp chính quyền của bè lũ Đế quốc và bọn phản động
tay sai. Đánh giá ý nghĩa vô cùng quan trọng và ca ngợi chiến công xuất sắc của
lực lượng Công an cách mạng, đồng chí Trường Chinh - Tổng Bí thư Ban Chấp hành
Trung ương khi đó đã nhận định: “Những vụ
khám, bắt trên đây có một tác dụng vô cùng quan trọng; nó lột mặt nạ của bọn
phản động bên trong, tay sai của bọn phản động bên ngoài…Nó có ý nghĩa tẩy uế
mặt trận thống nhất chống Pháp. Nó lôi ra ánh sáng dư luận một bọn giả danh
quốc gia, dân tộc; và do đó, nó làm cho sự đoàn kết của các đảng phái yêu nước
và của toàn dân ngày một chặt chẽ thêm… Mấy cuộc khám bắt vừa đây cắm một cái
mốc trên con đường thống nhất dân tộc và biểu lộ sức mạnh và uy tín của Chính
quyền nhân dân” (Lịch sử Công an nhân
dân Việt Nam 1945 - 1954; NXB Công an nhân dân - 1996; tr 105). Để đánh dấu
một chiến công có ý nghĩa lịch sử quan trọng của lực lượng Công an nhân dân (CAND),
ngày khám phá vụ án phố Ôn Như Hầu (ngày 12 tháng 7) đã được lãnh đạo CAND lấy
làm ngày truyền thống lực lượng An ninh nhân dân.
Trong
suốt cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đồng chí Nguyễn Tạo đã liên
tục công tác trong lực lượng CAND và được tổ chức cử giữ nhiều cương vị quan
trọng như: Trưởng Ty Điệp báo - Nha Công an; Trưởng Ty Công an Hà Nội, Cục
trưởng đầu tiên của Cục Chấp pháp - Bộ Công an.
Đồng chí Nguyễn Tạo đã chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ dưới
quyền lập nhiều chiến công vang dội, trong đó có chiến công đánh đắm chiến hạm
của Pháp mang tên Amyot d’ Inville (Amiô-đanh-vin),
diệt 200 binh lính và sĩ quan Pháp tại vùng biển Sầm Sơn (Thanh Hóa) vào
rạng sáng 19/5/1950. Chiến công đánh đắm Thông báo hạm Amiô-đanh-vin là một
trong những chiến công tiêu biểu của lực lượng CAND.
Kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược
và can thiệp Mỹ, hòa bình lập lại trên miền Bắc XHCN, theo yêu cầu của cấp
trên, năm 1958, đồng chí Nguyễn Tạo chuyển sang công tác tại Bộ Nông Lâm. Năm
1960, Bộ Nông Lâm được chia tách ra làm nhiều bộ và cơ quan ngang bộ, đồng chí
Nguyễn Tạo được phân công làm Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (trực thuộc
Chính phủ). Sau này đồng chí Nguyễn Tạo được TƯ Đảng và Chính phủ giao trọng
trách Phó Chủ nhiệm UB Nông nghiệp TƯ.
Trên cương vị Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm Nghiệp, được
các kỹ sư lâm nghiệp báo cáo về khu rừng quý ở khu vực nằm giữa ba tỉnh Hòa
Bình, Ninh Bình và Thanh Hóa, đồng chí Nguyễn Tạo đã vào tận nơi khảo sát, điều
tra. Sau đó, đồng chí đã làm tờ trình lên Thủ tướng Chính phủ xin lập rừng Quốc
gia Cúc Phương để bảo vệ, phục vụ công tác nghiên cứu khoa học và bảo vệ nguồn
gien động - thực vật phong phú và môi sinh quý hiếm của đất nước.
Ngày 20/12/1962, đồng chí Phạm Hùng, Phó Thủ tướng
Chính phủ, đã ký quyết định cho triển khai công tác lập Vườn Quốc gia và bảo
tồn, qui hoạch, xây dựng, bảo vệ. Đó chính là Vườn Quốc gia Cúc Phương ngày
nay. Vườn quốc gia Cúc Phương không chỉ là vườn quốc gia đầu tiên của Việt Nam,
mà còn là vườn quốc gia thuộc hạng sớm nhất của thế giới.
“Người suốt đời hy sinh, phấn đấu tận tụy
đến cùng cho sự nghiệp cách mạng hơn 40 năm nay. Người đó là đồng chí Nguyễn
Tạo thân yêu của chúng ta”.
Trên đây là lời phát biểu chí tình của ông Phạm văn Đồng - Thủ tướng
Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong Lễ chia tay của đông đảo cán bộ,
nhân viên ngành Lâm nghiệp với vị thủ trưởng đáng kính của mình vào năm 1971. Thủ
tướng Chính phủ đến dự và phát biểu những lời cảm động, chân tình về người đồng
chí đã bao năm sát cánh đóng góp cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam: “Ở đây các đồng chí chắc chắn phần lớn là
đảng viên phải không? Tôi không biết rõ tất cả các đồng chí, nhưng có một người
mà tôi biết rất rõ, người đó đã suốt đời hy sinh, phấn đấu tận tụy đến cùng cho
sự nghiệp cách mạng hơn 40 năm nay. Người đó là đồng chí Nguyễn Tạo thân yêu
của chúng ta”.
Còn
Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người đã từng gặp ông Nguyễn Tạo tại cơ sở của Tân
Việt Cách mạng Đảng (số nhà 24 phố Huế) ở Hà Nội từ năm 1929, đã viết những
dòng đầy xúc động về người đồng chí của mình: “Tôi có nhiều dịp làm việc với anh Nguyễn Tạo. Anh Tạo là một người ngay
thẳng, kiên cường, toàn tâm, toàn ý phục cách mạng, phục vụ nhân dân, trọn vẹn
thủy chung với đồng chí, đồng bào”.
2 nhận xét:
Cụ Tạo đúng là con người tài ba, nghĩa khí. Cụ là tác giả của nói với TBT Lê Duẩn: "Chúng ta đã cơ bản hoàn thành việc phá rừng".
Nguyễn Mạnh Hà là bạn Trỗi k7, từng làm ở Viện NCKH Lịch sử Quân sự.
Đăng nhận xét