Nhà Lý Toét cúng cụ. Là bậc có vai có vế trong làng trong xã dĩ nhiên là cỗ phải đầy, phải to, lắm thứ sơn hào hải vị. Quan khách đến dự rất chi là nhiều, nhiều vị tai to mặt lớn. Thế nhưng cụ Lý vẫn có lời mời, nói chính xác hơn là cho gọi thằng Mõ. Tại sao lại thế? Cụ là người thuộc phe dân chủ, xem bình dân cũng như quý tộc chăng? Không phải! Cụ là người rộng rãi chăng? Cũng không phải! Lòng dạ cụ hẹp hòi lắm! Vậy thì tại sao? Tại vì thằng Mõ có con mắt và nhất là cái lưỡi tinh đời lắm, nó chỉ cần liếc qua hoặc nếm thử là biết ngay món ngon hay món dở, thực phẩm có nguồn gốc từ đâu, thịt tươi hay thịt ôi, trâu già hay nghé non…
Vậy là thằng Mõ ăn cỗ nhà Lý Toét. Cái tính thằng này thật thà, thẳng ruột ngựa, lại được cụ Lý khuyến khích: “ Mày cứ chân thành mà góp ý kiến, cứ sự thật mà nói để tao còn rút kinh nghiệm!”. Vậy là thằng Mõ cứ sự thật mà nói:
- Bát yến sào của cụ là yến giả rồi! Yến thật có màu đỏ hoặc đỏ da cam, yến của cụ màu trắng được chế tạo từ rau câu hoặc bằng kẹo agenat trộn với tinh bột.
Lý Toét trong bụng hơi có sự nghi ngờ nhưng dẫu sao cũng nếm thử một thìa, trong bụng nghĩ: “ Dễ thằng này nó nói thật!” Nói thật mất lòng. Cụ Lý đã có ý ghét thằng Mõ vì cái tính nói thật rồi. Đến khi nó giơ hai hai tay lên trời như thể phi công Mỹ bị bắn rơi đầu hàng du kích còn miệng thì cười hô hố:
- Giò lụa thế này mà cũng gọi là giò ư ? Con bảo đảm với cụ nó phải độn vào chí ít một nửa là bột, nửa còn lại mới là thịt. Cụ mua ở chợ nào thế?
- Chợ huyện. Nhưng mà tiên sư bố nhà mày! Cút ngay không thì rác tai ông!
Hà Nội 2010
1 nhận xét:
Đúng là "trung ngôn nghịch nhĩ".
Nh.Tinhvi
Đăng nhận xét