Từ hôm nay, mùng 3 tết, Bantroi5 sẽ đăng tải loạt bài kỉ niệm về Trường Sơn của anh Nguyễn Thanh Sơn, học viên khóa 1 ĐHKTQS (tốt nghiệp 1971).
BÂY GIỜ EM Ở ĐÂU?
Nguyễn Thanh Sơn
Học viên khóa 1 Xe máy quân sự
Cuối chiều hôm đó, tôi với Trọng vừa về tới phố Hàm Long, bỗng nghe tiếng gọi lớn, giật giọng: “Anh Sơn, vào đây uống nước đã!”. À, Hùng "phễu" đang ngồi cùng mấy cậu bạn tổ điện, mặc đồng phục màu lửa, đỏ rực cả một góc quán.
Tôi bảo Trọng, ta vào tý đã. Hùng giới thiệu tôi với mấy anh em tổ điện: “Đây là anh Sơn, đại đội trưởng của tôi hồi ở Trường Sơn”. Còn tôi thì giới thiệu với Trọng và có thể cả với mấy anh em còn chưa biết: “Đây là Hùng, còn gọi là Hùng "phễu"! Các cậu có biết là tại sao lại có cái tên như thế? Là vì thế này, ở Trường Sơn không nói tới bom đạn, tới sốt rét… mà chỉ riêng sự vất vả mùa khô, bụi phủ đầy đầu tóc. Anh em ta thì người nhỏ bé, cả ngày vần cái xe 3 cầu rất mệt. Không phải là không đói, mệt quá, chả thiết ăn gì. Thấy anh em trệu trạo nhai miếng lương khô mà thương. Còn Hùng, lúc nào cũng ăn ngon lành! Cứ ngửa cổ ra nhét hết vào miệng: thịt hộp, măng rừng, rau tàu bay... rất hồn nhiên và vui vẻ. Chính vì thế nên anh em mới trêu là "phễu" và bây giờ mới to khoẻ thế chứ”.
Chúng tôi cùng cười... “Nào, xin mời!”. Đột ngột Hùng hỏi: “Thế anh đã tìm thấy em Lương chưa?”. “Chưa thấy”. Mọi con mắt đều đổ dồn vào tôi, như sắp được nghe một câu chuyện tình mùi mẫn ở chiến trường. Trọng cũng có vẻ để ý, (tôi với Trọng chơi với nhau từ nhỏ, không dấu nhau điều gì, hơn nữa Trọng rất thân với... vợ tôi).
Hùng hỏi: “Sao anh không nhờ chị em Trưng Trắc tìm cho?”. “Nhờ rồi, không thấy”, tôi lại giải thích: “Năm 1971, tỉnh Hà Tây có tổ chức một Tiểu đoàn toàn nữ, gọi là Tiểu đoàn Trưng Trắc với hơn 600 chị em đi vào chiến trường, phần lớn ở sư đoàn tôi. Tuổi trẻ 17,18 tuổi cô nào cũng khoẻ đẹp cả. Con gái mà vào chiến trường thì gian khổ lắm, vất vả lắm, hơn con trai bội phần. Cô thì nuôi quân, cô thì y tá, cô thì bốc hàng ở kho. Các cậu có biết không, như cô Yên bốc hàng ở kho KĐ1 có ngày bốc tới 22 tấn hàng!
Song phải nói là ngày đó rất nghiêm túc, chứ không phải những chuyện trai gái giữa rừng như đám trẻ bây giờ tưởng tượng đâu...”.
Câu hỏi của Hùng làm cho tôi nhớ lại một kỷ niệm:
Cuối năm 1971, sau hơn 1 tháng đi bộ, tôi về được đến đúng cái đại đội mà tôi được cử vào công tác. Đó là đại đội sửa chữa, tiểu đoàn 102, binh trạm 32. Cậu Quang y tá dẫn tôi đi men rừng, vượt qua bãi bom B52 dài hơn 9 km thì về tới đơn vị, (có nghĩa: về đúng “cái nhà cuối cùng” của mình).
Người nhà đầu tiên mà tôi gặp lại là một cô gái, chính là cái cô Lương mà Hùng vừa hỏi. Lương không ra đón tôi mà cô ấy đang rửa rau ở suối, thấy tôi cô ấy e lệ gật đầu chào. Như Quang kể thì mọi người đều đã biết tôi về, một kỹ sư trẻ, đẹp trai... Song tôi chả để ý gì cả, chỉ cảm thấy cô ấy như cái ảnh cô dân quân trong buổi duyệt binh ngày nào, áo nâu căng lẳn, khoác súng trường, khuôn mặt tươi sáng... Khác với tưởng tượng của tôi, không phải là tay bắt mặt mừng, mà chỉ có những cái gật đầu chào lặng lẽ(?!). Lạ, mọi người đều như là... đi nhẹ, nói khẽ vậy... Lúc đó mới biết, anh em trên chòi quan sát mới báo về là máy bay vừa thả hai cây thu phát nhiệt đới xuống khu vực này, mới tìm được một, còn một đang tìm.
Cây nhiệt đới là một loại máy thu phát vô tuyến điện, cực nhạy. Được nguỵ trang dưới dạng một cành cây, tất cả đều bọc nhựa xanh, dễ lẫn với cây rừng. Mọi tiếng động (tiếng người cười nói, tiếng chân bước, tiếng máy nổ...) đều thu lại và phát về căn cứ, và lập tức máy bay đến ném bom. Hèn gì mà tất cả đều im lặng.
Nửa tiếng sau mới tìm thấy, nó mắc trên một cây cổ thụ. Cậu Tuyến xách ra một khẩu CKC và một... thùng đạn. Sau khi bắn một phát xuyên thủng thân cây nhiệt đới, để phá hỏng, cậu ta lần lượt bắn đứt... từng sợi dây dù cho rơi xuống, để tháo ra lấy bóng bán dẫn lắp đài!
Bấy giờ anh em mới nói chuyện vui vẻ, và đơn vị tổ chức liên hoan...
5 nhận xét:
Anh Thanh Sơn là anh trai Nguyễn Trung Quốc - con cụ Nguyễn Tạo, Lâm nghiệp. Một ông anh gần gụi, rất lính, rất QS.
Lâm ly đây. Đang chờ coi tiếp. Nhanh lên ông tổng quản ơi.
Xin chào anh Sơn, lâu quá không được gặp lại anh.
Tôn Gia Quý
Vậy anh Ng. Thanh Sơn có học trg Trỗi không ?
Còn Trung Quốc chả thấy làm Bloger bao giờ cả nhỉ ?
Anh Sơn sinh 1947, không học TRỗi nhưng học với ca1cba1c Trỗi k1 ở ĐHQS.
Ông em Trung Quốc thì hơi "nười nên bờ-nốc". Rất thích vi vu đây đó.
Đăng nhận xét