Thứ Ba, 29 tháng 3, 2011

Chuyện HN: Đi chơi Bờ Hồ (Tiến "gù)

Xem phim
Nhưng hồi ấy lên Bờ Hồ trước hết phải xem “xi nê nhòm”. Hai ba ông “ci nê” có những cái thùng sắt to bằng thùng phi 200 lít, hai bên sườn đục lỗ và gắn vào đó những cặp ống như ống nhòm có nắp che, được ông chủ điều khiền đóng mở theo ý muốn. Phía trước là một màn ảnh cỡ chừng 21”, phía sau cùng của thùng là một máy chiếu phim 16mm (quay tay), nguồn ánh sáng đèn chiếu là một bóng điện cỡ 60w. Tôi từng thấy có ông dùng đèn pin to.

Bỏ ra 5 xu, được ông chủ xếp vào chỗ là một cái ghế con, ngồi và hau háu để mắt nhòm vào ống nhòm (cho dù trong ấy vẫn còn tối đen). Khi đã đủ khách xem (mỗi bên 4 ghế) thì ông chủ thông báo “buổi chiếu phim bắt đầu”. Tiếng máy sè sè, nắp che các lỗ nhòm được mở ra, vừa quay máy chiếu ông chủ vừa thuyết minh, giọng thì khàn khàn (chắc vì phải nói cả ngày!) nhưng thuyết minh thì rất hay. Vì là phim câm nên ông chủ kiêm cả tiếng động: từ tiếng xe ô tô chạy, tiếng tầu hỏa, còi tầu, tiếng súng bắn, rồi cả âm nhạc… và tiếng kèn đồng lúc khải hoàn.
Nói chung là đủ tất, phim thì có chừng 4, 5 bộ, nào “Thế chiến thứ 2”, “Béo và Gầy”, “Cao bồi Tếch dát”, “Chuột Mickey”, “Vịt Donan”… cực kỳ ngắn (chỉ được 10 phút xem) nhưng chúng tôi vẫn cứ thích, xem đi xem lại mà không chán.

Ăn quà ở Bờ Hồ
Sau khi “nhòm ci nê” xong chúng tôi quay sang việc thú vị khác là ăn quà. Rất nhiều thứ nhưng tôi thích nhất là ăn “kẹo kéo”: bỏ 5 xu ra đứng xem anh bán kẹo biểu diễn. Từ một cục kẹo to, anh ta lấy tay vuốt ra một que kẹo nhỏ bằng chừng ngón tay trỏ của tôi hồi ấy. Sau khi đủ độ dài cho số tiền 5 xu, chỉ bằng một cái búng ngón tay “cắc” que kẹo đứt ngang như cắt bằng dao sắc. Anh ta lót tờ giấy đưa cho tôi. Vị ngọt lim của thứ mạch nha dân gian ấy bây giờ hiếm có
Còn một mục nữa không thể không có trong buổi đi chơi lang thang ngày chủ nhật của chúng tôi là: thả bộ đi xuống rạp Sirot – trẻ con chúng tôi gọi là “sia rốt” (thời gian 1955-1956 vẫn tên là Sirot, sau này mới đổi tên là rạp Kim Đồng), rạp chiếu phim trẻ con, ngay phố Hàng Bài. Nhưng không phải là để xem phim mà là để… xem, nghe và ăn “thịt bò khô” .
Trước cửa rạp Sirot có tới 5-6 hàng thịt bò khô, đều là những xe đẩy thùng gỗ. Trên mặt thùng là chỗ bầy đĩa làm hàng, hai bên là giá để toàn các loại chai gia vị pha chế dấm , nước mắm, tương ớt và những chai gì nữa thì không biết hết. Bên dưới thùng là tủ kính nơi để đu đủ, cà rốt đã nạo thành sợi. Nhìn màu sắc của những thứ nguyên vật liệu đó, công thêm mùi của dấm, tỏi, mùi thịt bò khô nướng đã thấy thèm. Song chưa hết, điều thú vị ở đây là lúc nào cũng vang lên tiếng đánh kéo của các ông bán hàng -  tiếng đánh kéo rất nhanh, không phải lạch cạch, không phải leng keng mà tiếng đánh kéo của họ rất đặc biệt, không cắt thịt họ vẫn giơ kéo lên đánh, rồi vừa cắt thịt vừa đánh kéo, trong 3 tiếng “lích tích tích” thì chỉ có tiếng “lích” là kéo cắt vào thịt, còn “tích tích” là tiếng kéo đánh ngoài, nghe thật vui tai và hấp dẫn. Món này hơi “lục tốn”, phải chi những 1 hào! Sau khi đã bầy đu đủ , cắt thịt bò khô , rải rau thơm lên trên đĩa nộm xong, các ông bán hàng lại “múa”, bây giờ là “múa chai”. Hai tay cùng một lúc nhấc rất đều hai chai ở hai giá hai bên với độ nghiêng vừa phải, vừa xóc, vừa dốc; những cái chai phát ra những âm thanh “póc póc” gọn và đanh. Thật không gì thích hơn, hình như tất cả các chai đều được dùng đến, không biết là những thứ gì (tương ớt, dấm tỏi?)? Nhưng khi ăn thì thấy đủ “ngũ vị” chua, cay, mặn, ngọt, bùi, béo. Chúng tôi thường xin thêm tí tương ớt , ăn cay sè cho đã đời! Để lại một sợi thịt bò khô to cuối cùng, chúng tôi ngậm nó trong miệng tiếp tục đi về rạp Majestic ( Tháng Tám bây giờ).
Việc quan trọng nhất ở rạp Majestic là xin bằng được một tờ “bô gam” (tờ program  được trẻ con gọi là “bô gam”. Thời đó “bô gam” được sưu tập và có giá trị trao đổi “hàng hóa” cao trong bọn trẻ). Những tờ “bô gam” rất đẹp, chỉ to hơn kém một trang giấy học sinh, trên có in ảnh, tranh minh họa cho bộ phim đang chiếu, một bài tóm tắt nội dung phim. Xin được tờ “bô gam” rồi mới nhai nốt sợi thịt bò khô trong miệng. Lững thững về nhà, kết thúc một buổi sáng chủ nhật vui vẻ của “trẻ ranh” .

                                                                   Nguyễn-Viết-Tiến ( Tiến “gù” )

3 nhận xét:

Nặc danh nói...

Thú vị đấy

Nặc danh nói...

Thời Tiến xem xine nhòm ở bờ hồ vậy là còn oai ! Còn nhớ, 1959, xine nhòm bờ hố là một cái thùng to cỡ can 20lít bây giớ ,có ba chân chống trông giống cái máy chiếu phim bãi!
Đít can đục hai ba cái lỗ nhìm ra phía hồ, 5xu vé một lỗ nhưng những hai ba thằng bạn cùng ghé! Đang thuyết minh phim "Công khắc bec-lanh" : Stalin đang đi, Stalin đang đi...bom nổ rồi!bom nổ rất to! Hai thằng ngã không biết ta hay nó... (Đ, mẹ mấy thằng này chem nhau đổ thùng ông bây giờ!...) đám đông đang hoan hô, thằng có râu kiến là Hitle đấy... (TĐN góp chuyện)

Nặc danh nói...

"Xi nê nhòm" còn được gọi là "xi nê chổng mông" vì khi nhòm vào khe để xem thì phải chổng mông. Vé xem xi nê cổng mông mất 5 xu, chỉ 4 lần xem là mất bát phở chín, 6 lần xem là mất bát phở tái.