Trong số lính Trỗi, nhà tôi và nhà Hoàng Mạnh Thắng k7 “gần như” ở 2 đầu của phố Yết Kiêu. Nhà Thắng phía Nguyễn Thượng Hiền, còn nhà tôi phía Trần Hưng Đạo. Các cụ thân nhau từ “ngày bí mật”, lại cùng dân Nam Hà; còn Thắng, Hạnh thì đi sơ tán cùng Nghị, Phúc nhà tôi theo Trại sơ tán của Thành ủy HN về Thiên Thai, Hà Bắc. Nhà Thắng có 3 anh em (Cường, Chiến, Thắng) học Trỗi; còn nhà tôi có 4. Tôi còn gặp Cường làm ăn ở Mat đầu những năm 1990.
Bác cả nhà Thắng là anh Mạnh Hùng (không là Trỗi) nhưng có tình thân với lính Trỗi. Chả biết có phải nhớ sai, chứ bác Hùng có lẽ giống cụ Thịnh nhất; sau này ông anh còn để râu quai nón mới hay. Còn ngày đó, khi chúng tôi vừa tốt nghiệp đại học thì anh Hùng đã là sĩ quan ở Cục Cán bộ. Là dân Đại học Kinh tế quốc dân nên ông anh thoát khỏi cơ chế bao cấp và có ý thức làm ăn từ sớm.
Sau 1975, có lẽ do nhu cầu lưu trữ hồ sơ mà khắp nơi cần dùng giấy ảnh (chưa kể nhu cầu ăn chơi). Nguồn nhập khẩu từ các nước tư bản ở miền Nam từ trước đã cạn kiệt, chỉ còn nguồn từ các nước XHCN. Do “cung-cầu” mà giấy ảnh từ Nga, Đức, Hung… được “xách tay” về VN (trong từng “cặp diplomate” của cán bộ đi công tác nước ngoài, thậm chí được đóng kiện, đóng thùng theo các đoàn VIP); nào giấy BN111, nào ORWO…
Trên bao bì mỗi hộp giấy ảnh đều in “đát sử dụng”. Vì nhiều lí do mà không ít hàng ra đến thị trường bị “quá đát”. Chả lẽ bao nhiêu công lao tìm kiếm, bao nhiêu tiền của lại vứt qua cửa sổ? Vậy là có ngay ý tưởng “sửa đát”. Bác Giao khéo tay, có nghề “viết vẽ”, đã sửa thời hạn của không ít hộp giấy ảnh. Vậy là như mới, lại có “đát” mới và qua tay bác Hùng, lại “có hàng mới của quan chức chính phủ theo máy bay mới về” được đưa ra thị trường. (Nhớ thời kì đó có vụ BN111 quá đát với số lượng lớn được “nhập kho” 1 cơ quan không nhỏ(!). May mà chất lượng hàng ngày xưa quá tốt nên dù "quá đát" mà vẫn "làm việc tốt", không sản phẩm ảnh nào bị lỗi).
Ngày vào TPHCM, anh Hùng vẫn là địa chỉ qua lại của lính Trỗi. Đồng Hiền là bạn nhậu của ông anh. Không may, khi ra Bắc, ông anh lâm bệnh rồi mất. Trưa qua ngồi ăn với Mạnh Thắng, nhắc tới ông anh. Nhanh quá, anh đi xa đã gần chục năm!
Chuyện lan man, khi Thắng nhắc tới em Mai xinh xinh, cao cao, có nước da trăng trắng cùng phố Nguyễn Thượng Hiền (em vợ violist Nguyễn Công Thành) thì tôi lại nhớ tới Trần Huy Hoan (photographer chuyên chụp ảnh nude đã 40 năm nay) là chồng đầu của Mai. Mẹ của Hoan là cô Mến.
Phía đầu phố Phùng Hưng, không xa vườn hoa Hàng Đậu có dãy nhà 2 tầng xây từ thời Pháp. Nhà cô ở tầng chệt của dãy nhà này. Cô hành nghề buôn bán ngoại tệ, giấy ảnh, đầu bút bi, bột B12… từ cuối những năm 1970. Đây cũng là 1 trong vài địa chỉ thân quen. Những năm ấy, chúng tôi tập tọe đi “chạy mánh” lấy vài trăm rúp, vài nghìn Mark Đông Đức cho các “viện sĩ” (cách gọi các cán bộ KH) đi công tác nước ngoài. Mỗi lần ăn chênh lệch có vài hào đã thấy sướng lắm.
Trong SG ngày đó có nhu cầu nhập đầu bút bi kích thước 8 zem (0,8mm) để nong vào nhẫn vàng, nâng lượng từ 1 chỉ thành 2 chỉ, bán có lãi (ấy cũng là lừa đảo!). Vậy là có ngay hàng từ Liên Xô nhập về. Lần đó anh Dũng “trọc” kiếm đâu ra 1 kí đầu bút bi (nhưng là loại 1mm) đưa cho Đoàn Khánh. Đúng dịp ấy anh Ba Hưng ra công tác. Vậy là “có trò” ngay.
Khánh dẫn anh Ba tới nhà cô Mến, giới thiệu:
- Có anh bạn lái xe từ Lào mới về. (Mà trông ông anh đen chả khác gì dân lái xe đường dài!). Anh có mang về kí đầu bút bi 8 zem. Nhớ đến cô nên…
- Tốt, cô xem nào. Ừ, hàng mới, bóng lắm.
- Cô đo lại kích thước đi, không… - Khánh với tay lấy pame trên bàn đưa cho cô.
- Thôi! Ai chứ, Khánh thì cô tin. Tiền đây. Này, nhưng cơ mà cô giảm chút chút nhé!
- Vâng, thế nào cũng được.
Mừng thầm trong bụng, nhét tiền vào túi rồi nhưng 2 anh em vẫn phải đóng kịch, tỉnh bơ, nhảy lên Mifa đèo nhau ra vườn hoa Hàng Đậu. Ở đó đã thấy anh Mạnh Thanh cười tít mắt: “Trúng mánh hả?”. Cả bọn rủ nhau ra Thị chó Ô Quan Chưởng làm 1 chầu bí tỉ.
Nhưng… ngay sáng hôm sau, cô cho người lại nhà, giục Khánh đến ngay. Đang mắt nhắm mắt mở ngái ngủ, vội rửa mặt rồi phi đến.
- Có gì không cô?
- Cháu ơi, đầu bút bi hôm qua toàn rởm.
- Sao vậy, cô?
- Toàn 1 ly. Chết rồi, cô lõm nặng rồi.
- Cháu đã cẩn thận dặn cô kiểm tra, cô lại…
- Ừ, cô tin cháu, làm ăn với nhau mãi rồi. Thế cái nhà anh tài xế đường đài đâu rồi?
- Anh ta đi đêm qua rồi.
- Có cách nào tìm anh ta để cô xin lại, phần nào cũng được?
- Khó rồi. Thôi để chờ anh ra vậy.
Lần đó cô thua mấy trăm. Đúng là kẻ cắp, bà già gặp nhau. Chuyện cười ra nước mắt. Mặc dù vậy, nhà cô vẫn là nơi qua lại của chúng tôi. Nghe nói những năm 80, khi HN đánh tư sản, cô cũng bị tạm giam ở bốt Hàng Trống vì can tội buôn bán ngoại tệ. Vậy mà vẫn có sếp mang chăn len vào cho cô đắp.
Quãng cuối năm 1990, tôi gặp cô ở nhà ga TSN khi Hoan tiễn mẹ ra HN. Bà già nhưng vẫn nhanh nhẹn và không quên chuyện xưa. Bà đi xa cũng đã chục năm.
8 nhận xét:
Hồi ấy cô Mến xem hột xoàn tinh nhất Hà nội.
Huy Hoan toàn quen những em đẹp vào loại thôi rồi!
N.TV
Sao KQ lại chơi với mấy người lừa đảo đó nhỉ ???
Ôi,khó trả lời quá, Thắng ơi! Chuyện xưa mà.
HN ta vốn mấy chục năm trước quen bao cấp, chuyện mánh mung bị coi là xấu. Sau 1975, thói quen cơ chế thị trường từ miền Nam chảy ngược ra Bắc và bắt đầu có chuyện "chạy cò", buôn bán những gì nhà nước cấm. Và từ đó có nhiều chuyện như thế...
Chưa kể, cô Mến cũng sảnh sỏi trong chuyện mua bán và có không ít cú làm ăn "ngoạn mục".
Nói vậy chắc bạn hiểu?
KQ
Những chuyện này mà kể bên bàn nhậu thì vô tư nhưng tôi nghĩ là không cần thiết phải đăng trên blog.
Anh trai Hoàng Hùng là người đào hoa, rất phong độ. Chỉ tiếc anh ấy "đi" quá sớm.
Qx.
Ừ, chuyện xưa. Cũng chỉ nghĩ đơn giản, bàn tay có mặt trái, mặt phải.
KQ
Có câu chuyện thế này, ngày ngồi với nhau uống rượu nhạt và nộm tai heo mua ở gần Hàng Vôi, ông anh bảo: "Nghèo như mấy tay xích lô, ba gác ngồi ở đầu đường cũng có thể là bạn mình, miễn là họ sống tốt với mình".
N.D.
Hì hì ! tay ND nói lại sao mà lọt tai thế. Cứ ai tốt với mình thì làm bạn cho nó lành, còn kẻ quyền cao chức trọng, sang giàu mà mưu mô chước quỷ thì chỉ có Sầu.
Đăng nhận xét