Thứ Ba, 5 tháng 4, 2011

Chuyện HN: Thử vẽ lại hệ thống tầu điện của HN xưa

Tuổi thơ của chúng ta gắn liền với tiếng leng keng của những chuyến tầu điện chạy quanh 36 phố phường và mấy tuyến về ngoại ô… nên mấy chục năm sau, dù giao thông nội đô bằng tầu điện không còn mà sao vẫn nhớ! Nào chuyện nhảy tầu điện, nào trốn vé, nào cho xe điện cán nút chai bia phẳng ra để làm đồng xèng đánh đáo… Ôi, sao nhiều kỉ niệm thế!
Lần này thử cùng các bạn vẽ lại cái hệ thống tầu điện của thủ đô ta từ sau 1954 tới những năm 1977-78.
Ngày đi học vỡ lòng, tôi cùng 1 số bạn (Bắc đen, Bùi Chương, Công Chính, Chí Hòa… ) đã ở tập trung, tuần về nhà 1 lần. Đó là Trại nhi đồng Miền Bắc ở 20 Thụy Khê (chắc Khuê mới đúng, nhưng ngày đó cứ quen gọi thế!). Đường tầu điện chạy qua ngay cổng. Thêm quãng cây số nữa là ga chính. Đêm về, tầu đỗ kín sân Depot. Thứ năm nào được rồng rắn nối đuôi nhau đi chơi Bách Thảo, cũng phải cắt ngang đường tầu. Vậy là tiếng leng keng của tầu điện biết từ những năm đầu 1960.
Đi về hướng Chu Văn An mấy trăm mét có chỗ tránh tầu. Mọi chuyến tầu đều xuất phát từ ga  Thụy Khuê. Ga trung tâm có lẽ là Bờ Hồ vì hầu như tuyến nào cũng phải chạy về đây. Còn nhớ Bờ Hồ có chỗ tránh tầu có thể dừng 4-5 đoàn. Tầu qua trường Chu Văn An, theo đường Quan Thánh (xưa không gọi là Quán) tới vườn hoa Hàng Đậu thì nhập đường tầu từ dốc Hàng Than xuống, ra chợ Đồng Xuân. Từ đây theo Hàng Ngang, Hàng Đào ra Bờ Hồ.
Từ Bờ Hồ có các tuyến:
·         Bờ Hồ - Hà Đông theo: Hàng Bông – Nguyễn Thái Học – Văn Miếu – Hàng Bột – Nam Đồng – gò Đống Đa – Ngã tư Sở - Nguyễn Trãi (tên mới?) – Hà Đông (bên này cầu sông Nhuệ).
·         Bờ Hồ - Bệnh viện Bạch Mai: tới cuối Hàng Bông thì tầu rẽ trái qua rạp Kinh Đô, chợ Cửa Nam rồi nhập vào Nam Bộ, qua cửa ga Hàng Cỏ xuống Kim Liên và Bạch Mai.
·         Bờ Hồ - Cầu Giấy: đi như tuyến Bờ Hồ - Hà Đông nhưng không rẽ Văn Miếu mà theo Kim Mã qua Núi Voi, đền Voi Phục đến Cầu Giấy.
·         Tuyến Yên Phụ - Chợ Mơ thì tầu xuất phát từ dốc Yên Phụ (đầu đường Thanh Niên, nay chắc là bến xe buyt?), xuống dốc Hàng Than tới đầu vườn hoa Hàng Đậu (đài nước) rồi chạy qua chợ Đồng Xuân ra Bờ Hồ. Từ Bờ Hồ theo Đinh Tiên Hoàng, Hàng Bài, Phố Huế qua Chợ Giời xuống chợ  Mơ (ga cuối).

Vì đường tầu điện bám theo phố chỉ là 1 chiều nên trên các tuyến đều có những trạm dừng, tránh nhau. Sau này khi chúng tôi về học ở Cấp 1-2 Lý Thường Kiệt thì cổng trường có đường tầu điện. Chếch bên trái cổng có 1 trạm dừng tránh.
Ngày ở trường, để đề phòng tai nạn do làm trật bánh tầu mà nhà trường phát động “Tháng an toàn xe điện” với thông báo: không được nhảy tầu; không được đặt bất kì vật cứng nào (gạch đá, sắt thép…) lên đường tầu. Nhưng chơi đánh đáo mà không có đồng xèng phẳng như tờ giấy thì không ăn. Vậy mà khi nghe thông báo này, cấm thằng nào dám đặt chỉ 1 vỏ bao diêm xuống đường tầu. Rồi ít ngày “cao điểm” cũng qua và lại lấy nắp bia đặt xuống cho tầu chạy qua, không phải 1 mà vài chục nắp sau khi đã gõ phẳng.
Tầu ta ọp ẹp, chạy lắc la lắc lư, có lẽ chỉ 15km/g. (Sau này sang Tây thấy tầu nó chạy 60-80km/g, 2 chiều nhưng rất an toàn). Mỗi tầu chỉ chạy 2 toa, điện móc vào toa đầu. Phía toa kéo có 2 ụ máy, trên có cần gắn tay quay, mỗi lần đổi tầu là thấy bác tài tháo tay quay ra mang theo. Cấp điện cho tầu qua 2 thanh quét tì lên đường dẫn điện trông như râu của con ốc sên. Tài phụ phải móc thật khéo cho 2 thanh tì vào 2 dây điện trên cao. Mỗi lần móc lại nghe tiếng lẹt xẹt kèm theo tia lửa điện. Nghe nói tầu điện dùng điện 1 chiều nên khi lùi tầu thấy tài phụ phải móc đảo lại 2 dây nối lên đường dẫn điện.
Tài phụ vừa phụ móc điện vừa bán vé. Mỗi vé 5 xu. Vì không có chỗ nối 2 toa nên trốn vé tầu điện rất khó. Đã có ý định trốn phải nhìn tài phụ ở đâu thì ngồi thật xa, sao cho tầu dừng ở bến tới đón khách thì anh ta chưa bán tới chỗ mình; còn kịp mà xuống tầu. Bọn giỏi thì cứ đi, khi thấy tài phụ đến thì nhảy xuống đường.
Ở toa kéo, cửa lên xuống nằm ở đầu toa, còn toa sau thì cửa ở giữa. Cửa sổ thì hầu như mở suốt 4 mùa. Mưa thì bà con trong toa mặc thêm áo mưa. Cuối toa thấy có móc treo cho các bà bán rau móc quang, móc thúng. Ghế gỗ đóng bằng những thanh gỗ dài, nằm dọc theo toa.
Về nhảy tầu tôi chưa dám nhảy bao giờ, chỉ xem bọn Thái Dũng, An Hồng Vân lớn hơn nhảy 1 cách điệu nghệ. Bọn nó chân xỏ guốc mộc có gắn thêm đồng xèng dưới đế (để nghe loẹt xoẹt cho nó oai!). Tầu đang chạy nhanh mà dám ra cửa toa, tay xách cặp, tay bám vào thanh vịn ở cửa lên xuống, người thì ngả hẳn về phía sau. Tới chỗ trống an toàn, nó thả tay ra. Rõ ràng thấy người như sắp ngã ra nhưng khi chân vừa chạm đất thì trở về vị trí cân bằng. “Theo quán tình thì thân người có cùng tốc độ với tầu. Dù đã nhảy khỏi tầu nhưng thân vẫn lao theo, nên ngã thế quái nào được!”, chúng nó giải thích.
Thấy bọn nó tài nhưng mấy đứa chúng tôi chớ dám theo. Bài này chỉ được áp dụng khi là học viên QS năm cuối, tức là 15 năm sau, khi đi tầu hỏa từ Vĩnh Yên về HN, trốn vé phải nhảy xuống “ga” Trần Phú, Cửa Nam...
Sau 1975, khoảng 1977-78, do dân số HN tăng trưởng, xe đạp nhiều, để tồn tại đường tầu điện chạy giữa phố dễ gây tai nạn mà HN tháo hết đường ray xe điện, trang bị mới xe điện bánh lốp. Đâu cũng vài năm không hiệu quả mà loại hình bày cũng bỏ. Giờ Depot Thụy Khuê là ga cho xe buýt.
À, có 1 tuyến, tầu chạy từ vườn hoa Hàng Đầu, qua gầm cầu đường sắt (sát ga Đầu Cầu), qua cửa trường Thanh Quan thì chạy tiếp đi đâu nhỉ? Các bác quanh khu Lý Nam Đế có nhớ???

4 nhận xét:

Tien "gu" nói...

Bạn chưa nói đến cái "tổ con chuồn chuồn" nó nằm chỗ nào do đó bạn thiếu hẳn một tuyến . Xin góp chuyện vui Xe điện Hà nội ngày xưa có hai địa điểm là những trụ sở , văn phòng chính: 1-/"Sở xe điện" và Tổng ga xe điện ở phố Thụy khuê ( hiện vẫn là trụ sở của Cty xe điện Hà nội nhưng họ chuyển sang chạy xe bus cả rồi )
2-/ Sở xe điện ở Bờ Hồ ( chỗ nhà tròn mà vừa qua có thời gian bị gọi là "hàm cá mập" )
Tất cả tầu sau 22h từ các tuyến đều về ga tổng là "Sở xe điện" , 4-5h sáng hôm sau thì các tầu tỏa đi các tuyến , vì thế còn tuyến từ chợ Đồng xuân - Thụy khuê chạy qua Quan thánh , lên Thụy khuê , tuyến này là tuyến "Bưởi- Chợ Mơ" ga cuối của tuyến này ở phố Thụy khê phía sau chợ Bưởi .

TranKienQuoc nói...

Cảm ơn bác Tiến!
- Đúng là có tuyến Bưởi - Chợ Mơ. Vậy là có đầu a cuối ở Bưởi nữa.
- Sở xe điện Bờ Hồ, chỗ vòng vòng đầu Cửa hàng Bách hóa Thiếu nhi. Có thể vào mua vé tháng.

Nặc danh nói...

Thế còn tuyến qua cổng trường Thanh Quan sẽ đi đâu nữa?

Nặc danh nói...

Nhẩy tầu cũng có 2 kiểu :
- Kiểu bình thường : Mặt nhìn theo hướng tầu chạy, thả chân sau xuống trước, rồi mới bỏ tay và chân trước xuống sau. Nếu chưa vững thì chạy thêm vài bước xuôi theo tầu.
- Kiểu cao cấp : Thả chân trước xuống trước, xoay người, úp mặt vào phìa thân tầu, bỏ tay, thà chân kia, quay người nửa vòng hướng mặt xuôi theo phía tầu chạy. Kiểu này, người "bổ" xuống như con quay, trông rất điệu nghệ và vững chãi, không cần phải chạy theo tầu, cùng lắm (nếu tầu chạy nhanh quá) thì lại quay thw6m nửa vòng nữa, hướng mặt ngược lại phía tầu chạy. Tuy nhiên nếu không quay kịp là té ngay!
Hồi năm 70, 71 được tôi tụi "lính tẩy" dậy cho làm các em HN lác hết cả mắt!!!

HMK6