Tôi còn nhớ, khi bình về thơ Phạm Tiến Duật trong chiến tranh, có nhà phê bình đã ví một bài thơ của anh Duật có sức mạnh như một sư đoàn. Nhân ngày chiến thắng 30-4, và 7-5, xin kể về sức mạnh của CA TỪ trong các bài hát thời máu lửa .
Tôi quen cha tuyên úy Nguyễn duy Khương qua một người bạn Việt nam ở Gera (Thüringen) trong dịp Noel 1993 . Hải bạn tôi với anh Khương biết nhau do cùng mối buôn bán thực phẩm Châu Á cho cộng đồng người Việt sinh sống tại trung phần nước Đức . Vì biết nhau từ trong nước nên Hải điện trước và hẹn sẽ cùng bạn đến thăm gia đình tôi. Hải nói sơ qua về Khương để tôi yên tâm: Anh Khương người Nam, trước 75 là Tuyên úy của quân đội Ngụy, di tản sang Tây Đức năm 1976, vẫn gữi tôn giáo nhưng bỏ nghề tuyên úy, hiện chung vốn buôn bán với Hải để nuôi vợ và hai con gái. Gia đình anh Khương định cư tại thị trấn Hof ( cách nơi tôi ở không xa ).
Hải có kể qua về ông anh kết nghĩa ( nói đùa là Cộng sản nòi!) nên anh Khương nhiều lần ngỏ ý muốn qua thăm và diện kiến .
Những năm tháng mới xa quê, kém tiếng Đức lại chưa quen với văn hóa sở tại, sinh hoạt văn hóa văn nghệ chính của chúng tôi là ê a hát theo những bài hát thời chiến ( nhạc đỏ) phát ra từ băng catsec mang từ trong nước sang . Họa lắm, mua được băng đĩa Thúy Nga thì đắt vả lại hay chèn lời bình không hợp tai nên tôi cũng ít nghe ( thời đó chưa có VTV4 !)
Khương ngồi với chúng tôi nói rất ít, uống nhiều và trầm ngâm. Anh chăm chú nghe các bài hát thời chiến tranh của Hoàng Hiệp, Huy Du, Vũ trọng Hối, Nguyễn văn Tý..., hỏi kỹ tên tác giả và rất nhanh thuộc giai điệu, nhớ ca từ của bài hát . Trời về khuya. Gió tuyết. Tôi thuyết phục hai người ngủ lại . Khương giải đệm xuống sàn nhưng chưa muốn ngủ. Hiểu ý bạn, Hải mở thêm chai rượu nữa. Câu chuyện về khuya không còn xã giao mà cởi mở, thân tình.
Khương sinh năm 1949 nên ngay từ đầu đã chủ động xưng em. Bố mẹ Khương có sập hàng vải ở chợ Cần Thơ . Hết tú tài anh đi quân dịch và được chọn học sỹ quan Thủ Đức rồi được cử đi Mỹ học trường Tuyên úy Ha-min-Tơn. Cuối 1973 làm Tuyên úy ở Pleicu , khi Sài gòn thất thủ, Khương chạy về quê, đi học cải tạo bốn năm. 1980 ( không đợi Mỹ gọi ) Khương vượt biên một mình qua ngả Hồng công và được nhận định cư tại Đức. Tuy đã đứng tuổi, Khương thánh tú, khiêm tốn và rất thông minh. Anh giỏi tiếng Anh nên học tiếng Đức nhanh, và giúp đỡ được nhiều bà con mình những ngày đầu hội nhập với xã hội Đức. Khương biết tôi cũng có học hành, biết tiếng Anh, giỏi tiếng Nga và Trung nên anh có sự trọng thị .
Lần đầu gặp Khương, biết qua „ sơ yếu“ của anh, tôi hơi lưỡng lự vì mình có nhiều điểm giống Khương nhưng cũng có khác biệt rất xa.
Tôi mạnh dạn hỏi Khương: Chú có thù hận gì trong hoàn cảnh trắng tay như hiện nay không? Trầm giọng : Thù hận gì anh! Không hiểu biết gì, thù tiếc dữ lắm . Mình có hiểu biết, nên thấy thua là phải! thua trong cuộc chơi thì trả giá thôi! Nghiêng mình chào phục mấy anh!
Nhậy cảm biết tôi không hứng nghe câu sáo vừa rồi, Khương sôi nổi biện minh :
-Anh có thấy em bị hút bởi mấy bài hát vừa nghe ở nhà anh không? Riêng chuyện tuyên truyền tâm lý qua những bài hát , phía Cộng sản và Mặt trận cũng đáng thắng tụi em rồi!
Em lấy chứng cho anh ghen :
Là lính thì phía Cộng sản hay phía Quốc gia đều có cảnh xa vợ con như nhau . Già xa vợ mà trẻ xa người yêu, nhớ khiếp lắm chứ ( phía các anh còn xa xa hơn ! Bắc-Nam cơ mà !).
-Anh bật lại bài hát “Đêm nay anh ở đâu” của Phan huỳnh Điểu, em kể chuyện cho anh nghe ! Bài hát ca từ có đoạn …Anh ơi! Đêm qua em nằm mơ, thấy em được bay ra chiến trường, cùng anh chiến đấu, sống chết cùng có nhau … Trời ơi! Chính trị viên của các anh sướng quá! Họ có phải nói gì nhiều nữa đâu! Bái hát nói hộ rồi ! Người lính của các anh sẽ giáng đánh thêm một trận , trận nữa, trận nữa đợi cô người yêu vô. Cán binh của Cộng sản không có đào binh! Mà có chết thì cũng toại nguyện : sống chết cùng có nhau !
Phía Quốc gia, chị em cô ThanhTuyến-Sơn Tuyền suốt ngày ca bài ca“Chuyến tầu sân ga”, khi cô gái tiễn người tình lên tầu ra mặt trận … Anh ơi! Đêm nay tiễn anh lên tầu, mai này ai đón đưa em?...Tầu chạy qua được một ga, thằng lính em nó đào binh rồi, vì nó sợ ngay đêm đó sẽ có thằng khác đưa đón mất cô người yêu!
Làm tuyên úy trên Cao nguyên, em đã chứng kiến có đơn vị đào binh đến một nửa…
Đêm vế sáng . Ngà ngà say nhưng không ngủ được, Khương tha thiết với tôi : Tết này anh cho em đưa cả vợ con em sang ăn tết với anh nhé! Em thích tập quán của bà con bên Đông, cứ hội ngộ nhau là ca hát, hát caraoke những bài hát Đỏ thời chiến tranh. Em muốn cho vợ con em cùng nhớ và hát được vài bài !
Từng là người lính có một thời máu lửa, tôi cũng đã nhiều lần được nghe tổng kết về nguyên nhân thắng lợi của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước , nhưng sao lần này nghe qua miệng một cưu chiến binh tâm lý chiến của phía bên kia, vẻn vẹn câu chuyện nhỏ về một ca từ trong trăm nghìn bài hát thời chống Mỹ, tôi vỡ ra một điều, sự vĩ đại tích tụ từ trong cái nhỏ. Mà các vần thơ, lời ca thời chống Mỹ có nhỏ đâu! Sức mạnh của nó như hàng sư đoàn .
( Berlin Tháng 5-2011)
Bài đăng Phổ biến
- Bài hát chế "HN - niềm tin và hy vọng"
- Nguồn Gốc Chữ Nôm của Đỗ Thành (ST: Quốc Việt)
- Làng Cổ Nhuế qua bài viết của Phạm Thế Việt (ST: KC)
- Bài thơ Xứ Quảng (Phan Hoài Thuận)
- Thơ gửi từ Úc: THƯỜNG DÂN (Ngô Hà, dân Guilin 1950)
- TẠI SAO GIỚI TUYẾN HAI MIỀN LẠI LÀ VĨ TUYẾN 17? (Việt Dũng)
- Hồ Xuân Hương và bài thơ Vịnh cái quạt (Huỳnh Văn Úc)
- CÂU CHUYỆN TẬP KẾT RA BẮC (1954 – 1956) - (Việt Dũng)
- Thiên An Môn (Huy Đức)
- Bức tranh sơn dầu "Bắc Kinh 2008", họa sĩ Lưu Dật có ý gì?
Chủ Nhật, 8 tháng 5, 2011
Sức mạnh của ca từ (Trần Đình Ngân, Berlin)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
6 nhận xét:
Cám ơn anh Ngân đã kể câu chuyện rất hay.
Những bài hát thời đó sẽ còn sống mãi với thời gian. Giai điệu đẹp. Ca từ đi vào lòng người. Còn bây giờ...Hưng phấn với cuộc sống đi đâu hết rồi? Lòng tự hào, niềm kiêu hãnh đi đâu hết rồi? Sao mấy năm gần đây chẳng có được những baì hát hay như vậy? Hay là mình đã quá già nên chẳng còn rung động được với những bài hát của thế hệ @? Tổ quốc mình dù có bị phá phách rất nhiều vẫn đẹp lắm! Nhân dân mình vẫn kiên cường lắm! Vậy mà lòng tự hào dân tộc biến đi đâu? Gặp bè bạn năm châu ta đem khoe cái gì của thời hiện tại? Những gì ta có thể khoe được đều là của quá khứ. Những thứ đó giống như những huân chương được thưởng vì những chiến công thuở trước. Người ta sẽ nghĩ gì về những người suốt ngày mang huân chương ra ngắm nghía và khoe khoang?
Cách đây cũng khoảng trên 10 năm nhà văn Cao Tiến Lê cũng kể chuyện đi Mỹ và gặp một nhóm các sĩ quan ngụy di tản sang đó. Họ tha thiết mời đến chơi, cứ hàng tuần tụ tập tại nhà một người bạn và chỉ để hát nhạc đỏ. Họ thuộc nhờ những năm cải tạo suốt ngày được nghe và Cao Tiến Lê ngạc nhiên là nói bài nào là họ hát được bài đó. Họ có nhu cầu hàng tuần gặp nhau để được hát nhạc đỏ và nói có những bài hát đó làm gì cách mạng không thắng
Bài viết hay thật. Em đảm bảo bài này TN hay TT. mà vớ được thì anh em chúng em được chầu nhậu bí tỷ đấy.
Nhân danh dân QL tôi co kiến nghị,anh TĐN gọt dũa lại sang năm vào ngày 30-4-2012 nhờ KQ chuyển chon cho đăng trên BEE.NET,đển nhiều người được đọc,hiểu thêm giá trị văn hóa Việt, công sức của các nhạc sỹ góp phần cho ngày Thống Nhất Tổ Quốc.
Đã thực hiện. Có thể Bee.net.vn sẽ sớm đăng.
Hai anh em họ Trần ( Anh Trần Kháng Chiến và Anh Trần Đình Ngân ) nhân những ngày tháng 5 cho Ae BT5đọc hai bài viết về bài hat và ca từ rất hay và bổ ích. Thế hệ chúng ta giờ không chỉ hoài cổ nhưng làm sao quên được một thời khói lửa đã ngầm vào máu thịt .
Bạn QV nói rất đúng, hiện tại nhiều bức xúc quá, các anh gợi cho chúng ta vế chuyện NGÀY XƯA, âu cũng là một điểm tựa để vịn vào!Xin cảm ơn.
Đăng nhận xét