“Trống đồng” là một loại nhạc cụ gõ bằng đồng có nguồn gốc hàng ngàn năm nay ở vùng Đông Nam Á, bao gồm các nước: Thái Lan, Indonesia, Lào, Cawmpuchia, Trung Quốc, Mianma, Malaysia và còn xuất hiện cả ở hai quốc đảo là: Philippin, Nhật Bản.
Tôi đi khá nhiều nơi ở Quảng Tây-Trung Quốc, một lần sang Mianma, tôi đều được xem trống đồng của họ, được xem họ đánh trống đồng, được nghe tiếng trống đồng vang dội.
Ở Quảng Tây, tại các làng, xã trống đồng hiện nay hãy còn rất nhiều, người ta rất quý trống đồng vì họ coi nó là “linh vật” của gia đình, của dòng họ, hoặc của làng xã. Trống đồng của gia đình thì bé, đường kính ước chừng chỉ 20-30cm, của dòng họ hoặc quan chức thời xưa thì to hơn, người ta xem chữ đúc trên trống là biết được trống của nhà ai, của dòng họ nào. Có làng họ treo trống đồng từ bé đến to ở cây đa của làng, tôi ngạc nhiên hỏi họ: không sợ mất cắp sao? Họ nói rằng: vì đó là linh vật nên không ai là người dân trong vùng dám lấy cắp, còn người lạ lấy cắp thì họ biết ngay và phạt vạ rất nặng, đã có kẻ gian từ nơi khác đến nhưng nghe ngóng tình hình không ổn nên đã bỏ lại trống để chạy !
Họ giải thích với tôi về kỹ thuật tinh xảo của việc đúc trống đồng:
- Trước hết, chưa nói đến chuyện trống đánh có kêu hay không, mà khi treo trống lên đã biết người thợ đúc trống giỏi hay kém ở chỗ nếu người thợ tính toán độ dầy mỏng của mặt trống, tang trống và độ dài của loa trống đúng thì trống sẽ nằm ngang, nếu không thì trống treo lên sẽ bị nghiêng.
- Độ dầy ở từng phần của trống phải đều, không được có rỗ khí vì khi có rỗ khí tiếng trống không khỏe, bì rè như trống nứt, đánh hay bị hỏng trống. Trống mỏng quá tiếng sẽ không hay, nhưng nếu dầy quá tiếng lại gần như tiếng chuông dở.
Tôi là “dân cơ khí”nên tôi hiểu hai việc này khó thế nào !
Người Quảng Tây và người Mianma đều treo trống lên để đánh, trước khi đánh trống họ thắp hương làm nghi lễ rất trịnh trọng. dùi trống làm bằng gỗ chắc, to hơn và dài hơn dùi trông da khoảng 15cm, đầu dùi quấn vải hàng chục lớp rất chặt, sờ vào có cảm giác cũng rắn như gỗ nhưng thực ra lại có tác dụng khác khi đánh trống, họ nói với tôi rằng phải quấn vải như vậy để khi đánh trống vẫn kêu to nhưng không phát ra âm va chạm của dùi với mặt trống. Đặc biệt nhất là họ có một miếng nan tròn đan bằng tre ( trông gần giống như cái mẹt của mình) to gần bằng miệng loe to nhất của trống. Tiếng trống đồng nghe thật đặc biệt ! Âm vang, tiếng vang nhẹ nhàng hơn chuông, thanh hơn tiếng chuông, nhưng nếu đứng gần ta có cảm giác cột âm đi ra từ miệng trống rất mạnh, tiếng trống còn có thể rất ngân nga, du dương, gần như luyến láy khi một người cầm miếng nan tròn xoạc chân đứng trông rất hùng dũng ở phía loa của trống, dùng tay đưa miếng nan tròn đó đi ra đi vào miệng loa để điều khiển cột âm đang phát ra của trống. Hình ảnh ấy cộng với tiếng trống lúc trầm lúc bổng, lúc rung động thôi thúc giữa cảnh núi rừng nghe thật hùng tráng,
Ở Việt Nam, từ khi trống đồng được vinh danh ồn ào trên các phương tiện thông tin đại chúng, tôi đã thấy người ta úp chụp cái loa của nó xuống đất để đánh rồi ? ! Dăm, ba người cầm chày gỗ dài, đội mũ lông chim cùng đánh vào mặt trống làm nó phát ra những âm thanh “cạch cạch”, người ta giải thích với tôi rằng hình ảnh đánh trống đồng như vậy được thể hiện ở hoa văn xung quanh trống ! ? Tôi thì cho rằng: Đây là một ý kiến võ đoán ! Hình ảnh đó có thể là hình ảnh giã gạo (và giã bánh dầy, giã sắn khô, giã dậu v.v…), nếu ai là người đã tứng sống với đồng bào các dân tộc miền núi phía Bắc (Việt Bắc, Tây Bắc)thậm chí ngay cả ở Tây Nguyên thì đều biết loại cối, chầy và cảnh giã gạo như thế, tôi ở Lạng Sơn vào những năm 60, ở Lào Cai vào những năm 70-80 của thế kỷ trước, đều đã giã gạo, giã bánh dầy với đồng bào các dân tộc khá nhiều, chầy giã gạo và giã bánh dầy cần phải dài như vậy để không phải cúi và đặc biệt là mới đủ lực co kéo khi giã bánh dầy. Hính ảnh chiếc cối giã của đồng bào Tày Nùng ở Lạng Sơn cũng thắt giữa như trống đồng, nó được làm bằng một đoạn của một cây gỗ, phía trên khoét thành lỗ cối, ở giữa được đẽo bớt đi cho nhẹ, nhiều khi người ta còn chọn phần cây có đường kính to làm đế dưới cho chắc. Nếu nhìn thấy hình ảnh đó ở các hoa văn trang trí trống đồng rồi kết luận đấy là hình ảnh đánh trống đồng thì không khoa học.
Không cần phải lý luận dài dòng phức tạp, tôi chỉ cần nêu vài ví dụ thực tế: để làm một chiếc kẻng báo hiệu lệnh cho làng, xóm, hoặc cơ quan, đơn vị, người ta chỉ cần kiếm một mảnh bom, một khúc tà vẹt, một cái vành bánh ô tô ( la giăng ) rồi dùng một cái thanh sắt gõ thì đến cả tổng cũng nghe thấy.
Thế mà đây là trống đồng hẳn hoi mà đánh đến trẹo cả tay, nếu đứng cách đó năm chục mét là chả nghe thấy gì !?
Ở đây, những người chủ trương úp chụp trồng đồng xuống để đánh đã không để ý đến nguyên lý phát ra âm thanh, từ mặt trống da, cái lam kèn, dây đàn, thanh tà vẹt, cái la giăng v. v…muốn phát ra được âm thanh thì vật liệu của những dụng cụ đó đều phải tự do dao động khi được tác động vào, nếu vậy cả cái trống đồng nặng như thế đem úp chụp xuống đất thì bề mặt trống đồng sẽ rung động kiều gì để phát ra âm thanh “trầm hùng”như đã từng quảng cáo !? Tôi thật sự thất vọng từ hàng chục năm trời nay khi thấy người ta úp trống đồng xuống để đánh, có lẽ vì thế khi có dịp là tôi phải đi xem thế giới họ đánh trống đồng như thế nào!
Chúng ta có nên khăng khăng giữ cách đánh trống đồng như hiện nay ? ?
Tôi được biết nước ta cũng đã tranh nhau với một số nước về chuyện “nước nào làm ra trống đồng đầu tiên?” Tôi nghĩ “ai làm ra đầu tiên” không quan trọng bằng việc “ai sử dụng nó tốt nhất”! Trung quốc làm ra thuốc súng đầu tiên nhưng Trung quốc không phải là nước dùng thuốc súng vào mọi việc tốt nhất!
Chúng ta úp trống đồng xuống đất, ngồi rung đùi, nhổ râu, tự hào là người đầu tiên làm ra trống đồng, nhưng khi đánh lên thì người ta chả nghe thấy gì, trong khi đó họ đánh trống đồng vang khắp thiên hạ, vậy chúng ta cứ ngồi “gậm nhấm” niềm “tự hào” mãi sao ?! Một lần thừa nhận sai, thì chỉ sai và dốt một lần! nếu không, tệ hại hơn là con cháu chúng ta lại theo tổ tiên “úp trống đồng xuống đất” mà ngồi tự hào, kiểu như “bố con nhà Bờm” ! ? Thật vậy sao ?
Tiến “gù”
4 nhận xét:
Bác này lắm trò thế!!!
Anh Tiến tư duy rất sâu sắc, đặt vấn đề rất xác đáng. Rất ủng hộ quan điểm của anh. Đề nghị gửi đăng ở các tờ báo lớn hơn để nhiều người được đọc.
Có câu này mời anh đối:
"Viết Tiến gù không gù, viết thẳng, nói thẳng"
Cám ơn anh Tiến.
Đúng là bác "gù"! Bác mà không "vạch" ra thì mọi người cũng chẳng ai có ý kiến gì cứ thế giương mắt lên nhìn mấy thằng gõ trống đồng hẳn hoi mà tiếng lại "cạch cạch",cả nước nghe tiếng trống đồng "cạch cạch", may mà nó không phải là âm thanh của cái trống tập múa của bác "gù"!hi ha!
Đăng nhận xét