sgtt.vn, 04/07/2011:
Từ chỉ dẫn của người bản địa Sơn Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình), chúng tôi vạch rừng chạm vào hai hang động từng một thời là xưởng rượu và nhà máy sản xuất xà phòng phục vụ bộ đội giữa đại ngàn Trường Sơn.
Vạch rừng tìm hang. Từng nghe kể nhiều về hang động đặt cả nhà máy sản xuất rượu và nhà máy xà phòng phục vụ cho bộ đội giữa núi rừng Trường Sơn, nhiều lần muốn vạch rừng tìm kiếm, nhưng trí nhớ của người già trong vùng chỉ đoan chắc hai hang động ấy nằm đâu đó, con đường dẫn vào họ hoàn toàn không còn nhớ. Tình cờ, một nhóm người chăn dê và trẻ con đi tìm tổ chim đã phát hiện được cửa hang, chúng tôi liền lên đường tìm về hang xưởng rượu. Giữa thung lũng Trằm Mé bên sông Son có một hoang mạc đá vôi sừng sững. Nơi ấy giây leo, bụi rậm và hệ tầng thực vật trên núi đá vôi bao phủ, vượn hót, vọoc kêu suốt ngày. Chốn thâm sơn ấy là nơi lui tới của những người tìm kiếm mật ong và thảo qủa làm thuốc. Đi chừng ba mươi phút đò máy trên sông Son, chạm vào thung lũng ngàn hoa sim tím, lội bộ giữa sung cổ thụ, len giữa rùng rú ken dày cây cối trên tuyến tây Trường Sơn chừng ba mươi phút sẽ chạm vào một trong những nơi từng một thời tấp nập ngày đêm sản xuất nhu yếu phẩm phục vụ quân đội.
Núi đá cao chất ngất, tiếng nai giữa buổi sớm càng làm cho cung đường vạch rừng tìm hang thêm thi vị. Bởi sẽ chạm vào một trong những quá khứ sinh hoạt, sản xuất thời chiến có một không hai.
Tươi nguyên những câu khẩu hiệu. Giữa trùng điệp núi rừng, nhìn bề ngoài của những ngọn núi đá vôi kỳ vĩ, không ai nghĩ trong đó có lòng hang chứa cả một nhà máy sản xuất rượu to lớn. Một nhân chứng từng phục vụ sản xuất tại hang xưởng rượu cho biết hang động này sản xuất rượu cung cấp cho các nhu cầu của người dân miền Trung, một phần miền Bắc, và cung cấp cho bộ đội, các binh trạm, các hợp tác xã để đối nội, đối ngoại. Bà Nguyễn Thị Lan (67 tuổi), từng là công nhân ở xưởng rượu nói “Hang không chỉ sản xuất rượu mà còn sản xuất cả vải vóc, áo quần cùng nhiều nhu yếu phẩm khác đáp ứng hầu hết các nhu cầu bức thiết của thời chiến. Nhiều tổ đội được phân công sản xuất theo tình hình chỉ đạo của trên. Lúc cao điểm, cụm hang xưởng rượu lên đến hơn 1000 nhân công phục vụ các đoàn quân qua lại ở đây và chuyên chở các nhu yếu phẩm ra khắp Trường Sơn, vào Nam. Trên các vách hang động của hang xưởng rượu, có đó những câu khẩu hiệu chưa kề phai nhạt như: “Tinh thần một người làm việc bằng hai để đền đáp cho đồng bào miền Nam ruột thịt”. Rồi các bệ đỡ, giá treo vẫn còn gắn nguyên vào tường hang như minh chứng một thời sản xuất sôi nổi trong không khí căng thẳng bom đạn. Hang xưởng rượu được hình thành từ những năm 60 của thế kỷ trước. Đến năm 1975, khi hoà bình lập lại, máy móc trong hang được di chuyển về xuôi và từ đó đến nay, không gian của hang với ba cửa vào nằm im lặng dưới những rặng núi đá vôi.
Những người già nhất đã thoả được lòng mong muốn tìm lại những hang động từng một thời nổi tiếng sản xuất phục vụ nhu cầu thiết yếu. Họ cứ ngỡ núi rừng rậm rạp phủ lấp những kỳ tích hang động thời chiến, nhưng cơ may đã trở lại, họ lại được và hang và trầm tư nhìn lại một quá khứ sôi nỗi thời trước họ đã trải qua. Trước thông tin tìm kiếm ra hai hang động trên, UBND xã Sơn Trạch trao đổi với SGTT rằng; sẽ báo cáo lên với cấp trên để có hướng bảo vệ tốt những hang động như di tích lịch sử này. Ông Nguyễn Mậu Nam, phó giám đốc sở VH-TT-DL Quảng Bình cho biết: Từ thông tin của báo giới, chúng tôi sẽ yêu cầu địa phường cùng các phòng ban chuyên môn lập hồ sơ để công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh. Hai hang động trên nằm trong diện tích di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha-Kẻ Bàng. Ban quản lý di sản cho biết việc phát hiện lại các hang động này có ý nghĩa rất lớn với di sản và địa phương.
Quốc Nam./.
1 nhận xét:
Nhìn lại cái tinh thần ngày xưa hay thế! Bao giờ cho đến ngày xưa?
Đăng nhận xét