Thứ Ba, 5 tháng 7, 2011

Ba thằng bạn cùng làng (6) - Duy Đảo

Hà kể, sau khi trả phép vốn quen mò tôm bắt cá lặn, lội sông nước nên Hà xin bác cho chuyển ngành về xí nghiệp đánh cá Chiến thắng. Ngày ấy đám thuỷ thủ Chiến Thắng giàu lắm. Cá vừa kéo lưới là con buôn đã thu mua ngay trên biển. Tiền cá, tiền dầu, tiền vượt biên hối lộ…  có chuyến đột xuất mỗi thuỷ thủ kiếm cả cây vàng. Tàu thuyền ra khơi ngày ấy rất khó, biên phòng cấp phép kỹ và kiểm soát gắt gao. Chỉ riêng xí nghiệp đánh cá Chiến Thắng mới được cấp phép ra khơi xa, nên đôi khi vớ được tàu vượt biên, bị hối lộ là vì thế.


Hà giữ tôi ở lại chơi. Được hai ba ngày thì rủ tôi đi Vũng Tàu. Chúng tôi nhảy xe đò, xuống bến kêu xe ôm chạy thẳng ra Bãi Trước. Dúi cho tôi ổ bánh mỳ kẹp thịt còn nóng và bịch café đá Hà vừa mua rồi chỉ vào chiếc ghế đá ven bờ biển, bảo tôi ngồi chờ. Hà lững thững đi về phía đám đông đang bu quanh hai tàu cá cập dưới bãi. Vừa nhìn thấy Hà đám đàn bà con gái thương lái bỏ cả cá, bu lấy:

-          Sếp Hà! Sếp Hà! Hôm nay không đi biển à?

Thì ra đó là đám bạn hàng của Hà mỗi lần tàu về Vũng Tàu. Hà nói với một cô dáng như chủ vựa: “Chuẩn bị cho anh ít tôm, cá ngon để tối tiếp bạn. Có con Mú, con Hồng cỡ 2-3 kí giữ lại cho anh để sáng mai đem về thành phố làm quà cho ông bác”.

- Có chứ! Sếp cần loại 2-3 kí chứ “ loại” 50-60 kí tươi rói lúc nào cũng sẵn hầu sếp.

Giọng cô chủ vựa oang oang cất lên. Cả lũ đàn bà con gái trên bãi hùa theo cười xoe xóe.

- Tối nay bọn anh nghỉ ở nhà Duyên.

- Được rồi! Hai sếp cứ yên tâm về trước tắm giặt, nghỉ ngơi giữ sức đi, mọi cái bọn em sẽ lo. Vừa nói cặp mắt cô chủ vựa vừa đong đưa như rượu trong ly trên tay của kẻ say.

Duyên là em gái cô chủ vựa, có đứa con nhỏ, chồng chết trận. Nhà ngay chợ trung tâm là điểm phân phối cá cho các bạn hàng bán lẻ. Duyên mặn mà chứ không đẹp ngỗ nghịch ào ạt như bà chị không chồng của mình. Đêm ấy cơm ngon, rượu say và lần đầu tiên trong đời tôi biết thế nào là sự ấm áp dịu dàng của cánh phụ nữ phương nam.

Trong xí nghiệp của Hà, đám thuỷ thủ hầu như đều dân bắc, gốc gác lính tráng trận mạc với nhau. Hà sống một mình phóng khoáng, hay giúp đỡ mọi người nên anh em rất thương. Ngay đến căn nhà sau này Hà cũng rủ những anh em độc thân khó khăn chưa có nhà đến ở. Khi bạn có gia đình Hà cũng nhường hai tầng lầu cùng một căn phòng nơi tầng 2 còn trống cho bạn.

Rồi căn bệnh cũ, “động kinh”, như định mệnh sau mười mấy năm bỗng dưng tái phát. Nhưng lần này thì nặng hơn. Xí nghiệp đưa Hà vào viện điều trị. Được ít ngày thì Hà trốn viện và bắt đầu cuộc sống lang thang vô định. Anh em trong xí nghiệp bổ đi tìm. Nhưng tìm làm sao giữa cái thành phố lộn xộn và rộng lớn, lại đang khó khăn vật lộn sau chiến tranh. Hà lang thang chẳng biết những đâu cả năm rồi bỗng nhiên mò về được quê. Cơ quan biết tin cho người về nhà đón Hà vào lại Sài Gòn để chữa bệnh. Nhưng bệnh tình Hà ngày càng nặng, nhớ nhớ quên quên, lúc thì ngồi ôm đầu hét: “Máy bay ném bom”. Lúc thì khóc gào kêu tên những thằng bạn đã chết. Lúc thì ôm khúc cây bắn súng miệng “pằng pằng”… Hà điên thực rồi. Xí nghiệp đành cho người đưa Hà trở lại quê. Hàng tháng vẫn gửi tiền lương và thuốc cho Hà điều trị.

Sau nhiều năm, xí nghiệp làm nghĩa cử cuối cùng với Hà, với một người lính đã giải ngũ - đó là giải quyết chính sách. Hàng tháng Hà có sổ mất sức hơn 600.000 đ. Nghe nói số tiền này hai mẹ con, rồi cả cô em bị bệnh như Hà, sống nhờ vào đó mấy chục năm qua.

Câu chuyện tình nghĩa xí nghiệp cũ nơi Hà công tác bây giờ kể lại người nghe ngỡ chuyện hoang đường. Nhưng đúng là đã có một thời người ta sống với nhau tử tế như thế. Thời quá vãng xa xôi ấy không còn nữa. Nhiều khi gặp bạn bè cũ trong hơi men chỉ biết thều thào vào tai nhau ngậm ngùi: “Bao giờ cho tới ngày xưa”.

Hà vẫn sống. Mấy năm nay tôi không về quê, nghe người làng nói dạo này Hà không còn tỉnh,  người gầy đét, mắt trũng sâu, hai gò má nhô cao. Cứ sáng sớm đầu đội mũ bảo hiểm, quần dài, áo bảo hộ chân đất là Hà đi. Đi cho tới khi lặn mặt giời Hà lại mò về nhà. Có hôm người làng thấy Hà tha thẩn trên sân ga Tiền Trung cách nhà gần 20 km. Hà tìm đến đúng sân ga nơi mà 40 năm trước Hà cùng những đứa bạn tuổi 18-20 ngờ ngệch hồn nhiên bước chân lên tàu. Hà vẫn còn may mắn, nhiều đứa bạn ra đi với Hà chiều đông năm ấy không có cơ hội như Hà, dù chỉ mong được làm cái bóng vật vờ của chính mình để quay về làm khổ cha khổ mẹ. Hình hài những thằng bạn đã chết giờ chỉ còn là những tấm ảnh truyền thần nhoè nhoẹt màu do ông thợ vẽ trên phố huyện nghĩ ra. Cho dù bạn có căng mắt hàng giờ, dù hồi ức kỷ niệm của bạn có sâu đậm, dạt dào đến bao nhiêu chăng nữa, tài thánh bạn cũng không thể nào luận ra được là ai, là thằngbạn nào đang ngồi kia chơ vơ trên nóc tủ bên tấm bằng Tổ quốc ghi công loang lổ màu thời gian, tư lự ngắm lũ nhện giăng tơ bắt muỗi mỗi chiều chạng vạng.

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

Cuộc đời Hà thật 3 chìm 7 nổi, sướng khổ đan xen. Thật trớ thêu!