Được thực dân Pháp thành lập với mục đích đào tạo nhân viên cho bộ máy cai trị thuộc địa, trường Bưởi - Chu Văn An đã lại trở thành cái nôi đào tạo nhiều thế hệ trí thức yêu nước, nhiều người đã trở thành danh nhân của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực như Phạm Văn Đồng, Tôn Thất Tùng, Nguyễn Khắc Viện... Trong số các giáo viên từng dạy ở trường Bưởi cũng có các giáo sư nổi tiếng như Dương Quảng Hàm, Nguyễn Văn Huyên, Hoàng Xuân Hãn... Sau Cách mạng tháng Tám 1945, trường tiếp tục là nơi đào tạo nhân tài cho Hà Nội và đất nước với rất nhiều cựu học sinh đã và đang thành công trên lĩnh vực của mình.
Trường Chu Văn An, còn được gọi là trường Bưởi, trường Chu, là một trường trung học phổ thông công ở Hà Nội. Được thành lập từ năm 1908, cho đến nay trường Chu Văn An là một trong những trường phổ thông lâu đời và có truyền thống nhất của nền giáo dục Việt Nam.
Hiện nay, trường Chu Văn An và trường Trung học chuyên Hà Nội - Amsterdam là hai trường có hệ thống lớp chuyên của Sở giáo dục và Đào tạo Hà Nội. Cùng với Quốc học Huế và chuyên Lê Hồng Phong thành phố Hồ Chí Minh, trường đang được chính phủ đầu tư trong Dự án 3 trường trung học phổ thông trọng điểm của Việt Nam.
Lịch sử
Giai đoạn 1908 - 1945
Ngày 9 tháng 12 năm 1908, Toàn quyền Đông Dương Klobukowski ra quyết định thành lập Collège du Protectorat
(Trường thành chung bảo hộ - tương đương trường cấp II hiện nay) trên cơ sở sáp nhập hai trường Thông ngôn ở Bờ sông và trường trung học Jules Ferry Nam Định. Năm 1931 trường được nâng cấp thành một lycée (li-xê - tương đương trường cấp III hiện nay) - Lycée du Protectorat (Trường trung học bảo hộ). Tuy nhiên do trường được xây dựng trên đất làng Thụy Khuê ở vùng Kẻ Bưởi, ven hồ Tây nên người dân vẫn gọi là trường Bưởi.
Cuối năm 1943 do Thế chiến thứ hai lan rộng, trường phải sơ tán một phần về tu chủng viện Phúc Nhạc (Ninh Bình) và phần còn lại vào Thanh Hoá, mãi đến giữa năm 1945 mới quay lại Hà Nội. Sau khi Nhật đảo chính Pháp, ngày 12 tháng 6 năm 1945, Khâm sai Bắc Bộ Phan Kế Toại ra quyết định đổi tên trường thành Trường quốc lập trung học hiệu Chu Văn An - lấy theo tên vị danh sư Chu Văn An dưới thời nhà Trần. Tên Trường Chu Văn An được giữ từ ngày đó đến nay, dù có lúc phải sơ tán, phải chia đôi trong thời kỳ kháng chiến.
Là một trường học của chính quyền thực dân mở ra với mục đích đào tạo công chức trung cao cấp người Việt, nhưng cả
Bắc Kỳ khi đó chỉ có trường Bưởi là lycée dành cho học sinh người Việt vì lycée Albert Sarraut (nay là trường Trần Phú) là của học sinh Pháp, họ lấy rất ít học sinh Việt, và mãi sau mới thêm mấy trường trung học nữa ở Hải Phòng, Nam Định... Vì vậy nơi đây đã là cái nôi của lớp trí thức trẻ người Việt, học trò ra trường đi vào khắp các ngành kinh tế - văn hoá, những người đại diện phần đông là xuất sắc. Không chỉ có học sinh người Việt, trường Bưởi còn là nơi học tập của một số học sinh Lào và Campuchia trong đó phải kể tới Xu-pha-nu-vông và Cay-xỏn Phôm-vi-hẳn.
Tuy nhà cầm quyền Pháp lúc bấy giờ không đề ra mục tiêu giáo dục lòng ái quốc, các học sinh trong trường đã thông qua những hành động cụ thể đi ngược lại chủ trương của thực dân Pháp. Họ tổ chức bãi khóa đòi ân xá nhà yêu nước Phan Bội Châu hay để tang Phan Chu Trinh, hưởng ứng phong trào Việt Minh... Một số học sinh đã sớm đi làm Cách mạng như Ngô Gia Tự, Nguyễn Văn Cừ, Phạm Văn Đồng.
Giai đoạn 1945 - 1954
Sau Cách mạng tháng Tám trường phải học tạm ở thị xã Hà Đông vì trường phải dùng làm nơi đóng quân của quân
Tưởng Giới Thạch. Đến đầu năm 1946, trường chuyển về Việt Nam học xá (tức Đông Dương học xá trước đó, nay là Đại học Bách khoa Hà Nội). Sau kỳ nghỉ hè 1946, trường lại chuyển về một trường trung học nữ Pháp (bây giờ là Đại sứ quán Liên bang Nga).
Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, trường Chu Văn An được chuyển về Đào Giã - Phú Thọ do thầy giáo Trần Văn Khang làm hiệu trưởng. Trong những năm Hà Nội bị tạm chiến, nhà trường bị binh đoàn xe tăng Pháp chiếm đóng, nên thầy và trò phải tạm trú tại trường nữ sinh Đồng Khánh (nay là trường Trưng Vương) ở phố Hàng Bài, sau lên Cửa Bắc chung với trường Sư phạm Đỗ Hữu Vị cũ (nay là trường Phan Đình Phùng). Sau ngày giải phóng Thủ đô tháng 10 năm 1954, trường Chu Văn An mới lại trở về địa điểm ban đầu cạnh hồ Tây.
Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, rất nhiều học sinh Chu Văn An đã gia nhập tự vệ và bộ đội Việt Minh. Nhiều người sau đó trở thành cán bộ cao cấp của chính quyền như Nguyễn Xiển, Phan Anh... Một số sau này trở thành tướng lĩnh như thượng tướng Đặng Vũ Hiệp, thiếu tướng Nguyễn Đôn Tự...
Giai đoạn 1954 - 1975
Trong giai đoạn máy bay Mỹ đánh phá Hà Nội, trường lại phải sơ tán một lần nữa, lần này là về Khoái Châu (Hưng Yên). Rất nhiều con em cán bộ tập kết miền Nam cũng đã học tập tại trường.Nhiều học sinh Chu Văn An sau đó đã cầm súng chiến đấu ở chiến trường miền Nam, nhiều người đã trở thành liệt sĩ và được phong Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân như liệt sĩ - bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm, liệt sĩ Nguyễn Văn Chư (học sinh miền Nam, được truy tặng danh hiệu Anh hùng). Nhiều học sinh và cả giáo viên của trường đã tham gia bảo vệ bầu trời miền Bắc trong các binh chủng không quân, phòng không trong đó có hai người đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng là Nguyễn Tiến Sâm, Tứ Đễ.
Nhiều thế hệ học sinh Chu Văn An xuất sắc trong những lĩnh vực khác cũng đã lớn lên trong giai đoạn này. Về văn học nghệ thuật có nhà văn Lữ Huy Nghiên, nhà thơ Vũ Quần Phương, các nghệ sỹ Trung Kiên, Trần Hiếu,... Có nhiều học sinh đã trở thành các nhà khoa học.
Giai đoạn 1975 - 1986
Cho đến trước năm 1986, trường Chu Văn An là trường chuyên duy nhất của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, nơi đã đào
tạo nhiều thế hệ học sinh chuyên Toán giành thành tích cao trong các cuộc thi Học sinh giỏi Quốc gia, các kì thi Olympic Toán Quốc tế (IMO) và sau đó đã thành công trên nhiều lĩnh vực, tiêu biểu như GS. TSKH Nguyễn Hữu Việt Hưng, chủ nhiệm bộ môn Đại số tuyến tính trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, PGS. TS Trương Gia Bình, tổng giám đốc công ty FPT, PGS. TS Đào Tiến Khoa, giám đốc Trung tâm tính toán cơ bản, Viện Khoa học và kỹ thuật hạt nhân.
Từ năm 1986 đến nay
Từ năm 1986, các giáo viên và học sinh nòng cốt của trường được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cử sang xây dựng trường chuyên mới của Hà Nội, trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam, trường Chu Văn An sau đó phải chung cơ sở vật chất với trường Ba Đình.Ngày 17 tháng 2 năm 1995, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã ra quyết định xây dựng trường Chu Văn An trở thành một trong 3 trường trung học phổ thông trọng điểm của Việt Nam cùng với trường Quốc học Huế và trường chuyên Lê Hồng Phong Thành phố Hồ Chí Minh, trường Chu Văn An bước sang một giai đoạn mới, giai đoạn đầu tư cơ sở mạnh mẽ cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên, tiến tới kỉ niệm 100 năm ngày thành lập.
Cơ cấu tổ chức
- Hiệu trưởng : Đinh Sĩ Đại.
- Hiệu phó : Lê Mai Anh, Nguyễn Thanh Lâm, Phạm Vương Tấn.
- 13 tổ bộ môn: Toán học, Vật lý, Hoá học, Sinh học, Văn học, Sử học, Địa lý, Giáo dục công dân, Anh văn, Pháp văn, Tin học, Kỹ thuật công nghiệp và Thể dục.
- 7 phòng ban chức năng : Văn thư, Thí nghiệm, Thư viện, Bảo vệ, Quản trị, Lao công và Y tế.
Cơ sở vật chất
Chu Văn An là trường phổ thông có cơ sở vật chất hàng đầu của Hà Nội, pha trộn giữa nét cổ kính kiểu Pháp đã gần 100
năm tuổi với công trình mới được xây dựng trong thời gian gần đây nằm trong dự án xây dựng trường điểm quốc gia của chính phủ. Cơ sở vật chất của trường gồm:
- Hệ thống nhà học gồm 2 dãy nhà 3 tầng và 2 dãy nhà 1 tầng đã được xây dựng từ thời Pháp và liên tục được cải tạo trên cơ sở giữ nguyên những nét kiến trúc cổ và tạo điều kiện học tập tốt nhất cho học sinh Chu Văn An.
- Một nhà học thực nghiệm gồm phòng đa phương tiện (multimedia), phòng đựng giáo cụ trực quan và đồ thí nghiệm, phòng thí nghiệm.
- Thư viện và phòng truyền thống.
- Hội trường hiện đại 200 chỗ ngồi.
- Nhà thi đấu.
- Khu luyện tập thể chất ngoài trời gồm một sân bóng đá và một sân bóng rổ.
- Kí túc xá giành cho các học sinh ở xa.
- Khu vườn thực vật.
Toà nhà cổ kính và đẹp nhất của trường là khu thư viện và phòng truyền thống, hay được gọi với cái tên nhà Bát Giác,
được xây dựng từ năm 1898. Ban đầu tòa nhà có tên Biệt thự Schneider (La Villa Schneider) lấy theo tên người chủ căn biệt thự, một ông chủ xưởng giấy người Pháp tên là Henri Schneider. Sau đó tòa nhà được dùng làm nơi ở của Hiệu trưởng người Pháp của trường Trung học bảo hộ. Năm 1999, với sự giúp đỡ tài chính của vùng Île-de-France (Pháp), tòa nhà đã được tu sửa và hiện được dùng làm phòng truyền thống và thư viện của trường.
Ngày 19 tháng 1 năm 2007, trường đã khánh thành bức tượng Danh sư Chu Văn An, một trong các công trình chuẩn bị cho lễ kỉ niệm 100 năm trường Bưởi - Chu Văn An.
Hoạt động ngoại khóa
Lễ khai giảng được tổ chức vào ngày 5 tháng 9, còn lễ bế giảng được tổ chức vào ngày 23 tháng 5 hàng năm.
Hàng năm, trường Chu Văn An đều tổ chức lễ hội truyền thống vào thứ Bảy và Chủ nhật tuần đầu tiên của tháng 11. Lễ hội thường bao gồm buổi họp mặt của cựu học sinh, hội cắm trại của học sinh lớp 11, 12 và đêm văn nghệ của học sinh Chu Văn An. Tháng 5 năm 2008 trường sẽ kỉ niệm 100 năm ngày thành lập.
Với khung cảnh cổ kính nên thơ, trường Chu Văn An đã được chọn làm bối cảnh cho bộ phim 12A và 4H của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, đặc biệt nguyên một lớp học đã được chọn làm diễn viên phụ cho bộ phim.
Thành tích đào tạo
Học sinh Chu Văn An thường xuyên đỗ tốt nghiệp và đại học với tỉ lệ cao hàng đầu Hà Nội và Việt Nam.
Trong các kì thi Olympic Toán Quốc tế (IMO), học sinh Chu Văn An đã đạt được 6 huy chương trong đó có 2 Huy chương Bạc và 4 Huy chương Đồng.
Do thành tích dạy và học, trường đã được Nhà nước trao tặng:
- Huân chương Lao Động hạng ba (năm 1964)
- Huân chương Lao Động hạng nhì (năm 1992)
- Huân chương Độc Lập hạng nhất (năm 1998)
Ngày 6 tháng 11 năm 2004, trường Chu Văn An đã được nhận bằng Di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia.
Giáo viên và cựu học sinh nổi tiếng
Với truyền thống lâu đời của mình, trường Bưởi - Chu Văn An đã là nơi học tập và giảng dạy của rất nhiều danh nhân trên mọi lĩnh vực của Việt Nam. Dưới đây là một số giáo viên và cựu học sinh nổi tiếng của trường Bưởi - Chu Văn An.
- Giáo viên
- Nguyễn Phan Chánh.
- Dương Quảng Hàm (từ năm 1920 đến năm 1946).
- Hoàng Xuân Hãn (học sinh khóa 1926, giảng dạy từ năm 1936 đến năm 1939).
- Nguyễn Văn Huyên (1935 - 1938).
- Nguỵ Như Kon Tum (1941 - 1945).
- Nguyễn Mạnh Tường.
- Nguyễn Xiển (học sinh khóa 1925, giảng dạy từ năm 1935 đến năm 1937).
- Học sinh
-
- Chính trị
- Trần Điền
- Phan Anh.
- Nguyễn Văn Cừ (khóa 1928).
- Trịnh Đình Cửu.
- Nguyễn Khoa Điềm.
- Phạm Văn Đồng (khóa 1924).
- Kaysone Phomvihane (Cay-xỏn Phôm-vi-hẳn).
- Souphanouvong (Xu-pha-nu-vông).
- Lê Trọng Tấn.
- Nguyễn Cơ Thạch.
- Ngô Gia Tự (khóa 1922).
- Nguyễn Cao Kỳ
-
- Khoa học
- Tạ Quang Bửu (khóa 1926).
- Nguyễn Văn Chiển (khóa 1934).
- Bùi Huy Đáp (khóa 1931).
- Đỗ Xuân Hợp.
- Nguyễn Đình Ngọc.
- Nguyễn Xuân Nguyên.
- Dương Trung Quốc.
- Trần Đức Thảo.
- Lê Văn Thiêm (khóa 1936).
- Tôn Thất Tùng.
- Nguyễn Khắc Viện (khóa 1932).
-
- Văn học - Nghệ thuật
- Ngô Xuân Diệu (Xuân Diệu) (khóa 1933).
- Hồ Trọng Hiếu (Tú Mỡ) (khóa 1920).
- Nguyễn Hiến Lê (khóa 1926).
- Vũ Đình Liên (khóa 1930).
- Vương Trí Nhàn (khóa 1958).
- Võ An Ninh[38].
- Hoàng Ngọc Phách (khóa 1914).
- Nguyễn Tường Tam (Nhất Linh).
- Nguyễn Đình Thi (khóa 1941).
- Trần Tiến.
- Thanh Tùng.
- Tô Ngọc Vân.
-
- Lĩnh vực khác
- Trương Gia Bình (khóa 1970).
- Bùi Quang Ngọc (khóa 1970).
- Hoàng Đạo Thuý.
- Đặng Thuỳ Trâm (khóa 1958).
1 nhận xét:
Tôi không đuợc học tại đây nhưng có anh chị ruột cùng nhiều bạn Trỗi là cựu học sinh CVA những năm 1960, 1970.
KQ
Đăng nhận xét