Dân ca quan họ Bắc Ninh được hình thành từ rất lâu, do cộng đồng người Việt (Kinh) ở 49 làng quan họ và một số làng lân cận thuộc hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang hiện nay của Việt Nam sáng tạo ra.
Dân ca quan họ là hát đối đáp nam, nữ. Họ hát quan họ vào mùa xuân, mùa thu khi có lễ hội hay khi có bạn bè. Một cặp nữ của làng này hát với một cặp nam của làng kia với một bài hát cùng giai điệu, khác về ca từ và đối giọng. Cặp hát phân công người hát dẫn, người hát luồn nhưng giọng hát của hai người phải hợp thành một giọng. Họ hát những bài ca mà lời là thơ, ca dao có từ ngữ trongsáng, mẫu mực thể hiện tình yêu lứa đôi, không có nhạc đệm kèm theo.
Có 4 kỹ thuật hát đặc trưng: Vang, rền nền, nảy. Hát quan họ có 3 hình thức chính: Hát canh, hát thi lấy giải, hát hội. Hát quan họ gắn liền với tục kết chạ, tục kết bạn giữa các bọn quan họ, tục “ngủ bọn”. Mặc dù các phong tục này không được thực hành nhiều như trước đây, cộng đồng cư dân các làng quan họ vẫn bảo tồn và truyền dạy nghệ thuật dân ca quan họ này.
Hiện nay vẫn chưa có câu trả lời cuối cùng về thời điểm ra đời của Dân ca quan họ trong lịch sử. Đối chiếu lời của các bài quan họ trong sự phát triển của Tiếng Việt, có thể nghĩ rằng Dân ca quan họ phát triển đến đỉnh cao vào giữa thế kỉ XVIII. Chủ nhân của quan họ là những người nông dân Việt (Kinh), sống bằng nghề trồng lúa nước.
Trang phục quan họ bao gồm trang phục của các liền anh và trang phục của các liền chị.Trong các lễ hội quan họ có cả những cuộc thi trang phục quan họ.
Liền anh mặc áo dài 5 thân, cổ đứng, có lá sen, viền tà, gấu to, dài tới quá đầu gối. Thường bên trong mặc một hoặc hai áo cánh, sau đó đến hai áo dài. Riêng áo dài bên ngoài thường màu đen, chất liệu là lương, the, hoặc đối với người khá giả hơn thì áo ngoài may bằng đoạn mầu đen, cũng có người áo dài phủ ngoài may hai lần với một lần ngoài bằng lương hoặc the, đoạn, lần trong bằng lụa mỏng màu xanh cốm, xanh lá mạ non, màu vàng chanh… gọi là áo kép. Quần của liền anh là quần dài trắng, ống rộng, may kiểu có chân què dài tới mắt cá chân, chất liệu may quần cũng bằng diềm bâu, phin, trúc bâu, hoặc lụa truội màu mỡ gà. Có thắtlưng nhỏ để thắt chặt cạp quần. Đầu liền anh đội nhiễu quấn hoặc khăn xếp. Thời trước, đàn ông còn nhiều người búi tó nên phải vấn tóc bằng khăn nhiễu. Sau này phần nhiều cắt tóc, rẽ đường ngôi nên chuyển sang dùng loại khăn xếp bán sẵn ở các cửa hàng cho tiện.
Ngày nay, quan họ đã có sự cải biên thành những làn điệu quan họ mới. Quan họ mới còn được gọi là "hát Quan họ", là hình thức biểu diễn (hát) quan họ chủ yếu trên sân khấu hoặc trong các sinh hoạt cộng đồng Tết đầu xuân, lễ hội, hoạt động du lịch, nhà hàng,... Thực tế, quan họ mới được trình diễn vào bất kỳ ngày nào trong năm, người hát trao đổi tình cảm với khán thính giả chứ không còn riêng là tình cảm giữa bạn hát với nhau. Quan họ mới không còn nằm ở không gian làng xã mà đã vươn ra ở nhiều nơi, đến với nhiều thính giả ở các quốc gia trên trên thế giới. Quan họ mới có hình thức biểu diễn phong phú hơn quan họ truyền thống, bao gồm cả hát đơn, hát đôi, hát tốp, hát có múa phụ họa.
Vài nét giới thiệu với các bạn về dân ca quan họ Bắc Ninh. Xin mời các bạn cùng thưởng thức 2 bài quan họ Bắc Ninh: “Vào chùa” và “Thân lươn bao quản lấm đầu” do nghệ sỹ Thúy Hường trình bày.
Bài đăng Phổ biến
- Bài hát chế "HN - niềm tin và hy vọng"
- MỘT ĐỜI NHỚ NHAU (Trần Phong k5)
- NHỚ DUY ĐẢO
- Thăm tư gia của Nhất Trung
- SINH VIÊN QUÂN SỰ CÙNG NHỮNG CHUYẾN TẦU (KQ)
- Nghề xin ăn không chỉ có ở VN (ST: Trần Đình Ngân)
- Cây từ Vũng Chùa (Quang Việt)
- Lần đầu công bố: Những phút cuối cùng của Lưu Thế Dũng (Tư liệu gia đình)
- Hồ Xuân Hương và bài thơ Vịnh cái quạt (Huỳnh Văn Úc)
- KỶ NIỆM ĐỜI LÍNH (Phần II) (Việt Dũng)
Thứ Năm, 12 tháng 1, 2012
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét