Thứ Hai, 16 tháng 1, 2012

Lan man ngày cận Tết (Quang Việt)

Ngày xưa, Tết hấp dẫn để mọi người háo hức bởi có:
                   Thịt mỡ, Dưa hành, Câu đối đỏ,
                   Cây nêu, Tràng pháo, Bánh chưng xanh.
Bây giờ:
                   Thịt mỡ ai còn thèm ăn nữa?
                   Dưa hành - ừ, vẫn vị ngày xưa.
                   Câu đối – còn mấy ai biêt đối?
                   Cây nêu – biến mất tự bao giờ.
Tràng pháo – lâu lắm rồi, bị cấm.
Bánh chưng – quanh năm đã chán chưa?
Xem ra, Tết chẳng còn mấy thứ,
Ngày xưa sẽ tới? Tận bao giờ?



          Sắp Tết rồi. Rỗi hơi ngồi lẩn thẩn suy nghĩ lung tung. Nhớ lại những cái Tết thời trẻ con, sao mà thích thế. Độ sau rằm tháng chạp là đã nghe đây đó đì đùng pháo nổ. Vài hôm sau, thấy mẹ sắm lá dong. Gạo nếp và đỗ xanh thì phải chuẩn bị từ trước. 26,27 Tết thì rửa lá dong, ngâm gạo nếp, ngâm đỗ xanh. Đến hôm sau thì  cả nhà tíu tít gói bánh chưng. Thịt được thái thành những miếng to, có cả mỡ và nạc, rồi tẩm ướp với chút muối, nước mắm, hạt tiêu, mì chính. Trẻ con giúp những việc vặt: lau lá, lấy cái này cái kia và kì kèo để được tự tay gói chiếc bánh chưng con. Người lớn ai có hoa tay thì gói vo, ai không gói vo được thì dùng khuôn. Ngày đó mỗi nhà thường gói đến hàng chục cân gạo để ăn đến ra giêng. Gói xong, bánh được xếp vào cái thùng tôn đặt sẵn trên ba hòn gạch lớn ở trong bếp, góc sân hoặc góc vườn. Nước được đổ đầy và lửa được nhóm lên. Có nhà luộc ban ngày, nhưng có những nhà chuyên luộc ban đêm. Tôi cũng thích được tham gia canh nồi bánh vào ban đêm. Tiết trời rét ngọt. Mấy anh chị em ngồi xúm quanh lửa hồng, trò chuyện râm ran. Lũ trẻ bé hơn thì chạy đuổi nhau, đùa nghịch xung quanh. Trẻ con thì chỉ mong đến lúc vớt được cái bánh chưng con do tự tay mình gói. Chốc chốc lại hỏi : “Vớt bánh được chưa?”….

           Ôi, nhớ quá những cái Tết của Ngày xưa ấy, Ngày xưa của khó khăn vất vả mà lúc nào cũng đầy ắp tình người, Ngày xưa của thiếu thốn vật chất mà chẳng thiếu tiếng cười, Ngày xưa của cảm xúc dạt dào tình yêu Tổ quốc và lòng tự hào dân tộc, Ngày xưa của tình thần sẵn sàng nhường thuận lợi cho bạn, nhận khó khăn về mình, thậm chí cả phần hy sinh xương máu….

          Bao giờ cho đến Ngày xưa?

          Nghĩ đi thì thế, nghĩ lại thì …

          Ai lại thích ăn cơm độn hết sắn lại ngô, hết mì hôi lại bo bo và lúc nào cũng ở trạng thái đói? Ai lại thích xếp hàng rồng rắn để mua được lạng thịt (có khi thay bằng mỡ cừu), dúm mì chính, mấy lạng đường (có khi thay bằng chà là)? Ai lại thích ăn cơm với rau muống luộc chấm nước muối, sang lắm thì có chút mắm tôm trưng? Ai lại thích suốt ngày mặc áo “da”, đi xe “cố vấn”? Ai lại thích…..

          Chắc ai cũng muốn có cuộc sống no đủ nhưng đầy ắp tình người. Chắc ai cũng thích cuộc sống vất chất không thiếu thốn nhưng cũng không được thiếu tiếng cười (sảng khóa, thoải mái, mãn nguyện). Chắc ai cũng thích đi đến bất cứ nơi nào trên trái đất này, cũng có thể ngẩng cao đầu tự hào ta là người Việt nam và hai tiếng Việt Nam luôn được bạn bè quốc tế tin yêu, mến mộ.

          Làm thế nào để có những cái ai cũng muốn đó? Một bài toán hiện còn nan giải.

          Thôi, quay lại với bạn Trỗi của ta. Một lần nghe Long bảo “Bạn Trỗi” nó như một “thương hiệu” nổi tiếng. Hễ ở đâu, cứ nghe đến từ “dân Trỗi” là mọi người rất dễ nhận ra nhau và ngay lập tức trở nên thân thiết. Thật thế, cứ nghe thấy “bạn Trỗi”, “dân Trỗi” là trong người trào dâng một cảm xúc thân thương, gần gũi, tin cậy. Chúc các bạn Trỗi (từ khóa 1 đến khóa 9) một mùa Xuân mới ngọt ngào, đầy niềm hưng phấn với cuộc sống tuy còn nhiều điều chưa ưng ý, nhưng vẫn rất đẹp, rất đáng yêu.  Chúc tất cả mọi người và mọi nhà sức khỏe dồi dào, hạnh phúc tràn trề, thành công mĩ mãn trong năm Nhâm Thìn .

          Để góp phần giữ gìn một trong sáu đặc sản Tết nói đến ở phần đầu, QV mời các bạn đối:

          Đi học có bạn, đi làm có bè, riêng lính Trỗi vừa bè, vừa bạn.

          Chúc mọi gia đình đón Tết đầm ấm, vui vẻ.

Không có nhận xét nào: