Khi chúng tôi bắt đầu đi học thì cha tôi đã đi công tác xa nhà. Mỗi năm ông thường về 2 lần - họp hành (thường giữa năm) và nghỉ Tết. Những lần đó, bọn nhóc nhà tôi được gần cha.
Gia đình tôi, ông bà nội là dân "Công giáo toàn tòng" (ở xứ Đạo Tiêu Động, Bình Lục, Hà Nam) phải tha phương cầu thực vì con (cha tôi) lâm tội "phản Chúa" (đi làm cách mạng). Hết Hưng Hóa, Phú Thọ rồi về Ân Thi, Hưng Yên. Vì thế Hưng Yên được coi là quê hương thứ 2 của gia đình.
Kháng chiến, cha mẹ đón ông bà nội lên Chiến khu Việt Bắc rồi vì phải đi công tác xa mà bàn giao, nhờ bạn bè trông các cụ. Vốn là nhà nông chất phác, các cụ tăng gia, làm nương, trồng lúa, trồng rau tự túc; thậm chí còn có rau, lúa ủng hộ bộ đội.
Đi làm cách mạng, cha mẹ có nhiều bạn bè. Riêng mẹ tôi - cán bộ dưới quyền chú Lê Liêm (Thường vụ Xứ ủy 1945) - từng tham gia lãnh đạo khởi nghĩa ở Kim Động rồi thị xã Hưng Yên nên có tình cảm gắn bó với Hưng Yên. Chú Lê Quý Quỳnh ngày đó là bí thư Tỉnh ủy, chú Tạo là giám đốc Công an tỉnh... đều là chỗ thân quen. Sau năm 1954, chú Quỳnh bàn với cha mẹ "Anh chị cứ đưa các cụ về lại Ân Thi, em ở gần lo cho các cụ...". Vì thế ông bà nội về lại Ân Thi, sống cùng vợ chồng cô Lành, em gái cha tôi.
Vậy là Tết đến, mỗi khi về nhà, cha mẹ thường đưa chúng tôi xuống ăn tết dưới Hưng Yên. Còn nhớ ngày đó mấy anh em được diện "đồng phục" là áo nhung xanh bằng vải nhung cha mua về. Các chú bố trí cho gia đình nghỉ ngơi ở nhà khách. Trong mắt chúng tôi Hưng Yên ngày đó là thị xã nho nhỏ, nằm ngay bên sông, có những hàng cây trồng dọc đường cái (mà cha mẹ bảo là nhãn lồng) và có trại ong của chú Quỳnh. (Chú Quỳnh mê ong lắm, cho quây hẳn 1 khu làm trại nuôi ong, lấy mật. Hàng năm luôn có mật ong gửi biếu Bác và TW. Chả thế có cô cháu đặt tên là Ong. Chú Quỳnh còn có con trai là LS Vương Đình Cung, hy sinh trong B2, tấm gương cho thế hệ trẻ 1 thời. Nay chú ngoài 90, vẫn sống ở TpHCM).
Vì cha tôi có đam mê đi săn nên mấy ngày nghỉ hay cùng các chú đi thuyền qua sông, lội ruộng bắn vịt trời, bắn le le, bồ nông... Cha bảo: "Mùa đông, chim từ phương bắc bay về đây tránh rét, thường trú ở những cánh đồng ngập nước...". Chiều về, ai cũng lấm đầy bùn, nhưng hể hả xách theo buộc chim, vịt. (Ngày đó chưa cấm săn bắn vịt trời như ngày nay). Chim vịt cha cho các chú xách về cho gia đình.
Ngoài việc nghỉ ngơi, cha mẹ còn đưa chúng tôi về Ân Thi thăm và chúc Tết ông bà, cô chú. Sau khi tạt qua thăm Huyện ủy thì về xã Chiến Thắng. Đường từ thị xã về không xa, chỉ hơn chục cây. Ông bà thấy cha mẹ tôi về thì mừng lắm. Lần nào ông bà cũng làm dấu Thánh như báo tin vui với Chúa. Cha tôi là con chiên nhưng ngỗ ngược từ bé nên đọc ngay thơ "Đức Chúa Giê-su..." trêu 2 cụ. Nhìn bầy cháu lít nhít đứng trước mặt, khoanh tay chúc tết, ông bà cứ lẩm bẩm: "Ơn Đảng, ơn Chính phủ, con cháu cứ như ngan như ngỗng". Quả thật, cha mẹ tôi có 8 đứa con, còn cô Lành chú Truyền có đến 11(!). Ghê chưa!
Bao giờ cũng có bữa cơm Tết với ông bà. Ngày đó vệ sinh nông thôn kém nên ruồi nhặng nhiều. Cha tôi dặn cô chú làm cơm phải che đậy cẩn thận và dặn con cái ở HN về "cuộc sống của ông bà thực tế là như vậy, các con phải cùng sống, cùng ăn mới hiểu được cuộc sống của người nông dân vất vả như thế nào để có hạt thóc, hạt gạo...". Chả thế anh Chiến đã lớn nên hè hay đạp xe từ HN về Ân Thi sống với ông bà và cô chú, các em. Đó là những lần "đi thực tế" và làm vui lòng ông bà thay cha.
Lần nào về Chiến Thắng, cha tôi hay cùng chú Võ, chú Vinh (bảo vệ) xách khẩu ca-lip-đui 2 nòng bắn đạn ria, mặc áo rằn ri (may bằng dù chiến lợi phẩm hồi 9 năm còn giữ được), chèo thuyền thúng ra đầm sau làng bắn le le, mòng két. Làng tôi có cái đầm to lắm. Vịt trời, le le hay về đây trú đông. Cái giống le le khôn lắm, bị thương toàn lặn xuống đáy đầm, ngậm cỏ chết chứ không cho rơi vào tay săn thủ.
Có lần giữa ngày đông tháng giá, chú Vinh chèo thuyền cho ông đi thì bị lật giữa đầm. Hai thầy trò phải lật lại thuyền và bơi vội vào bờ. Chú Vinh lo lắm, chỉ sợ cha tôi bị cảm lạnh. Còn cha tôi thay quần áo ấm xong thì bảo: "Có việc gì, dưới thời Pháp bị tù đày cả chục năm còn không sợ nữa là chuyện lật thuyền. Chú khỏi làm kiểm điểm!".
Chúng tôi có vài ba cái Tết, trước chiến tranh phá hoại, được cùng cha mẹ về Hưng Yên. Sau khi cha mất (1967) mẹ tôi đưa xí nghiệp May XK của Tocontap sơ tán về Hưng Yên, được các chú ở tỉnh giúp đỡ. Chú Quỳnh còn nhớ "đó là cơ sở May CNXK đầu tiên của tỉnh".
Nay mỗi khi ra Bắc, chúng tôi đều về thắp hương cho ông bà, cô chú và thăm các em. Giờ đứa nào cũng yên bề gia thất, con cái đã trưởng thành và ra ở riêng.
... Chuyện mới:
Nhân kỉ niệm 100 ngày sinh cha tôi (1907-2007), chúng tôi cùng các em con bà cô và bà con xã nhà xây dựng trường mẫu giáo mang tên ông. Vậy là giải quyết được chuyện thiếu trường.
Ngay sát bờ đầm, không xa trường mẫu giáo là ngôi đình làng đã bị tàn phá trong chiến tranh nhưng còn để lại bia đá ngay trên bờ, bà con đi làm đồng về hay khua nước rửa chân mà không hay biết. Bao nhiêu năm đình làng tan hoang, bên cạnh là nhà kho HTX và... chuyện học hành kém hẳn.
Khoảng dăm bảy năm gần đây, các cụ ở làng phát hiện ra điều này, có thư ra HN nhờ chú Trung (út nhà tôi) mời cụ Thiên Tích (người thông kinh, y, lý, số) về xem hộ. Chú Trung, tháp tùng cụ về làng; sau đó copy toàn bộ nội dung văn bia, viết bằng chữ Hán-Nôm. (Các bạn có hiểu thế nào là "copy nội dung văn bia"? Phải lấy giấy bồi bản rộng, tô dần từng góc bằng bút chì, cho đến hết. Mà bia đá có đến 4 mặt. Kì công lắm).
Trung về giương kính lúp đọc, dịch rồi trình cụ Tích xem, sửa lại. (Nội dung sẽ được giới thiệu sau). Theo văn bia thì làng tôi được lập cách đây đã 5-6 thế kỷ, có tới 16 tiến sĩ các thời... Cái móng của đình vẫn còn.
Sau đó đình làng được cho xây lại, có hướng nhìn ra đầm. Rất mát. Cũng từ sau đó, con cái ở làng học hành đỗ đạt. Riêng gia đình chú Mười, em họ nhà tôi, có 2 thằng con trai thì cả 2 đều lên HN học đại học.
Đó là kỉ niệm quý báu của chúng tôi với Hưng Yên.
Bài đăng Phổ biến
- Bài hát chế "HN - niềm tin và hy vọng"
- Nguồn Gốc Chữ Nôm của Đỗ Thành (ST: Quốc Việt)
- Làng Cổ Nhuế qua bài viết của Phạm Thế Việt (ST: KC)
- Bài thơ Xứ Quảng (Phan Hoài Thuận)
- Thơ gửi từ Úc: THƯỜNG DÂN (Ngô Hà, dân Guilin 1950)
- TẠI SAO GIỚI TUYẾN HAI MIỀN LẠI LÀ VĨ TUYẾN 17? (Việt Dũng)
- CÂU CHUYỆN TẬP KẾT RA BẮC (1954 – 1956) - (Việt Dũng)
- Hồ Xuân Hương và bài thơ Vịnh cái quạt (Huỳnh Văn Úc)
- Thiên An Môn (Huy Đức)
- Bức tranh sơn dầu "Bắc Kinh 2008", họa sĩ Lưu Dật có ý gì?
Chủ Nhật, 29 tháng 1, 2012
Đọc bài của Thủy về Hưng Yên, nhớ chuyện xửa chuyện xưa (KQ)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
11 nhận xét:
KQ quý HY vì là nơi tá túc, còn tớ, thị xã Ân Thi lại là quê mẹ tớ, chán thế đấy.
Pha-vơ-rít
đạp ít chạy nhiều
Giá cả bao nhiêu?
1500 đồng 1 chiếc
Xin đừng có tiếc
Mua đi, mua đi!
Khánh Hòa
Vậy hả Thắng, gần như đồng hương?
KQ
Quê hương, nếu ai không nhở ơ, sẽ không lớn nối thành người.
Gắn liền với lịch sử của đất nước, kỷ niệm về gia đình được viết lại bởi chính những người con, thật tự hào chú KQ nhỉ ? Cháu vẫn theo dõi blog hàng ngày đấy chú nhé ! Cảm ơn comments của các bác/chú nữa. Chúc các bác các cô, chú một mùa Xuân mới sức khỏe và hạnh phúc !
Cảm ơn Viên Thạch. Tưởng cháu phải đổi tên rồi? Hì!
Hi, Theo lời nhận xét của cô em gái cháu : Ân Thi và huyện cháu là 2 huyện nghèo nhất tỉnh Hưng Yên.
Ân Thi xưa nghèo lắm, đúng vậy.
ngày nay đã đổi thay, hiện có nhiều đại gia người Sơn La, Lai châu, Điện Biên, một vài kẻ buôn bán thuốc phiện thành đạt đang tá túc nhé.
Quê ngoại có khác, nắm vững ghê!!!
Phuc thich doc Bantroi5 hon la doc vn.express.
Bai viet ve Hung yen goi lai cho Phuc thoi tho au em dep,thanh binh cua anh em nha minh duoc song trong tinh cam yeu thuong cua cha me.Tuy rang ngan ngui nhung kg bao gio co the quen duoc.
Phuc rat cam on anh Quoc da goi y cho Phuc doc Bantroi5.
Phuc-Mat
"Trong mắt chúng tôi Hưng Yên ngày đó là thị xã nho nhỏ, nằm ngay bên sông, có những hàng cây trồng dọc đường cái (mà cha mẹ bảo là nhãn lồng)." - Đây cũng là kí ức của những người thân cháu sống xa quê hương ạ.
Bác cháu ở Mỹ vẫn thường biên thư gửi về để kể lại những kỉ niệm xa xưa, kỉ niệm thuở nhỏ sống ở làng quê nghèo Hưng Yên, kỉ niệm ngày ông nội tiễn các cháu của ông rời xa quê hương đến một miền đất mới cách xa nửa vòng trái đất... Và chia sẻ nỗi nhớ quê nhà da diết. Nỗi nhớ ấy luôn thường trực nhưng thổn thức nhất là vào ngày tết cổ truyền.
Đăng nhận xét