Chiều thứ bảy, sáng chủ nhật Diễn và thằng cu Dũng hay vật vờ trước cổng nhà thờ, chủ yếu là để ngắm gái. Có lần còn theo gái vào tận nơi cha đang làm lễ. Đẹp trai, cao ráo, trắng trẻo, túi lại rủng rỉnh “hào”, các em theo không kể xiết.
Sẵn tiền Diễn bắt đầu sinh tật, bắt đầu thích ăn ngon, thích trưng diện. Diễn kể: “Ngày ấy cháu sắm được vàng, sắm đồng hồ đeo tay, có cả “máy quay dây” để nghe chèo, nghe cải lương, có giầy Tây, quần bò….
Thế rồi đi đêm lắm, lọ mọ nhiều nên cháu “gặp ma”. Ngủ với bao nhiêu em chả sao thế mà chỉ mỗi một đêm với cô bé mới quen lại dính bầu. Cô bé đẹp, mười mấy tuổi đầu nhà chỉ hai mẹ con Hôm nghe em khóc thông báo, mặt cháu cắt không còn hột máu. Tới nhà chơi, nhìn gia cảnh em trái tim cháu như thắt lại, hoàn cảnh em chả khác gì hoàn cảnh cháu ngoài quê.
Từ đó trở đi hầu như cháu không quan hệ với ai nữa, một lòng tôn thờ em. Có đồng nào cháu đều đem về giúp mẹ, giúp em trang trải cuộc sống. Tuy không cưới xin nhưng cháu coi em đã là vợ của mình. Cháu làm bố khi sắp hết thời gian nghĩa vụ.
Cuộc sống ngày một khó khăn công việc của cháu cũng không thuận buồm xuôi gió như trước. Chuyện vợ con của cháu đơn vị chẳng ai biết chỉ tào phào đồn đại vậy thôi. Một hôm ông trưởng phòng cho gọi cháu. Cháu đã kể hết sự tình.
- Thôi chuyện cũng lỡ rồi nhưng cư xử được như mày thế cũng là đáng mặt thằng đàn ông, có tình có nghĩa. - Ông an ủi.
Im lặng một lúc rồi ông nói:
- Mày còn hai ba tháng nữa thì hết nghĩa vụ. Hiện Bộ Quốc phòng có một số chỉ tiêu lao động nước ngoài phân bổ cho đơn vị, có hai nước là Liên Xô và CHDC Đức. Chú định giải quyết cho mày đi đợt đầu”.
Trong tiềm thức của Diễn, Diễn chỉ biết có Liên Xô, ở đấy có ông Lê-nin cùng họ Lê với ông bác bên ngoại của Diễn nên Diễn nhớ. Thế là Diễn đăng ký đi Liên Xô. Quyết định vội vàng này về sau Diễn cứ tiếc.
…
Thưa các bạn! Nếu tôi tiếp tục dông dài như những gì mà Diễn kể tính từ thời điểm bước chân sang Liên Xô cộng với mười mấy năm sau này lang bạt xứ Hàn bán sức kiếm sống, tôi thề để đọc hết các bạn sẽ mất toi cái Tết.
Từng ấy thời gian ba đời vợ, ba mặt con, mạng sống có lúc treo trên sợi tóc. Cánh cửa nhà tù chỉ còn cách bước chân thế mà thoát cả.
Người vợ đầu và đứa con gái lớn sau vài năm đi xa thì đứt liên lạc biệt vô tăm tích, chả biết lang bạt nơi đâu bao năm tìm không thấy nghe nói đã vượt biên.
Người vợ thứ hai sống với nhau bên Tây, khi có bầu thì về nước, một mình Diễn ở lại “chiến đấu”. Thế rồi một năm sau Diễn cũng phải theo vợ chuồn khỏi nước Nga để thoát tù tội. Về quê vợ Củ Chi, gia tài chả còn gì ngoài con “Min-khờ” đưa đón khách. Kinh tế thúc bách hai vợ chồng bàn nhau thế chấp cái nền nhà vay tiền đi Hàn. Đi được năm thì “bùng” làm dân tự do sống ngoài vòng pháp luật, nhặt nhạnh tiển gửi về cho vợ chuộc nhà nuôi con. Năm sáu năm biệt xứ, vợ chán bỏ đi với người khác, để lại con cho ông bà ngoại.
Những năm ở Hàn Diễn sống với một cô gái người Đà Lạt rồi sau này là vợ. Khi vợ có bầu hai đứa trở về Đà Lạt sinh con, con được một tuổi gửi người chị, hai vợ chồng lại đăng ký đi Hàn tua thứ hai, tua này cả chục năm. Cả hai đợt là quãng thời gian dài để hai vợ chồng tích cóp được số tài sản khá.
Thế là đủ! Con đã lớn, những ngày tháng mưu sinh cùng cuộc sống đại công nghiệp và tuổi tác làm cho hai vợ chồng cảm thấy đuối. Họ quyết định về nước, chấm dứt quãng thời gian lang bạt xứ người. Những năm tháng đầu tắt mặt tối bươn trải trả giá bằng gần một năm đứa con gái mới quen gọi hai tiếng “ba, mẹ”.
Chẳng ai biết, người đàn ông chững chạc ngồi trước mặt tôi đây - trong quán Café bên bờ hồ Xuân Hương - giờ ngày ngày hai buổi lái xe đưa con đi học, quanh quẩn bên những chậu cây cảnh với thú nuôi chim. Chẳng ai biết, người đàn ông trầm tĩnh ngồi kia lại “lắm vợ nhiều con” và cuộc đời lại chuân chuyên đến thế!
Đó là thằng cu Diễn, con ông anh cả người chị dâu tôi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét