Thứ Sáu, 10 tháng 2, 2012

Chuyện năm 2010: Vĩnh biệt sân Cột Cờ (ST)

Cùng với nỗi buồn Thể Công xuống hạng ở tuổi 50, Thể Công lại phải đối mặt thêm một sự thật phũ phàng khác. Sân Cột Cờ - mái nhà gắn bó với những cầu thủ áo lính gần nửa thế kỷ - sẽ chỉ còn là những ký ức đẹp đẽ mà thôi.
Sân Cột Cờ không còn dùng để thi đấu nữa. Ảnh: Anh Tuấn



Đường biên thành khu bán bia.
Khán đài A ngổn ngang phế liệu.
Sân Cột Cờ hiện nay không còn được sử dụng vào mục đích thi đấu nữa. Đội bóng Thể Công thuê sân Hàng Đẫy (Hà Nội) làm sân nhà, và tập luyện ở sân Bạch Mai (gần sân bay Bạch Mai cũ). Nhưng đối với những người hâm mộ đội bóng áo lính, sân Cột Cờ chính là một phần thiêng liêng không thể tách rời.







 
Còn đối với những người lính đá bóng mà đôi giày của họ đã mòn đinh trên sân cỏ, đường piste, lời chia tay với sân Cột Cờ lại càng khó khăn hơn. Ông Ngô Xuân Quýnh, cựu danh thủ Thể Công, lòng đau như thắt: "Đau lắm, buồn lắm. Sân Cột Cờ đã gắn với chúng tôi 50 năm rồi. Thế hệ cầu thủ nào của Thể Công mà chẳng gắn bó với sân Cột Cờ, chẳng được nơi đây nuôi lớn. Mảnh đất thiêng này đã đem đến cho chúng tôi bao may mắn và hạnh phúc, đã chứng kiến bao thăng trầm của Thể Công chúng tôi". Cũng như ông Quýnh, lớp lớp các danh thủ tiền bối đã in đậm dấu ấn một thời của Thể Công cũng đều có những năm tháng chia sẻ hạnh phúc đắng cay cùng sân Cột Cờ.
Sân Cột Cờ, tên cũ là SVĐ Manzin, do Pháp xây dựng từ những năm 40 của thế kỷ trước. Khi đội Thể Công được thành lập vào ngày 23/9/1954 tại Trung Quốc, hơn nửa tháng sau, những cầu thủ áo lính đầu tiên của Thể Công đã tiếp quản và tập luyện trên sân này (ngày 10/10).  
Trong những năm tháng chiến tranh, đoàn bóng đá Thể Công đã có một thời gian rời xa mái nhà yêu dấu. Đó là vào năm 1965, đoàn Thể Công chuyển biên chế thành Đoàn TDTT, trực thuộc Trường Sỹ quan lục quân. 5 năm sau đó, các cầu thủ, HLV đã quay trở về với mái nhà xưa, gắn bó cho tới tận bây giờ.
Hiện nay, khu vực sân Cột Cờ đã được chuyển sang mục đích sử dụng khác, thuộc về 2 đơn vị quân đội quản lý: Ban quản lý Dự án 678, và Công ty Trường An.
H. Liên

1 nhận xét:

TranKienQuoc nói...

Trận đấu cuối cùng tại sân Cột Cờ?
Chiều nay 16/4/2010, anh em CLB Những Người Bạn tập trung ra sân như thường lệ. Đến nơi đã thấy từng tốp công nhân đào bới 1 phần sân lên? Họ làm gì vậy? Đào lấy mẫu đất ư?
Từ mấy tháng nay, C59 BTTM đã bàn giao cho Ban quản lý khu di tích Hoàng thành Thăng Long khu Thành Hoàng Diệu, rồi cả sân vận động Cột Cờ. Nhà ở của đội Thể Công cũ đã bị san bằng. Nay bắt đầu đào bới để chuẩn bị cho sân làm lễ tế của Ngày hội 1000 năm Thăng Long.
Anh em ai cũng bần thần, nuối tiếc. Có lẽ nào trận này là trận đấu cuối cùng trên sân Cột Cờ? Chả lẽ không bao giờ bóng còn lăn trên sân Măng-danh nữa?
Hơn chục mạng (gồm các bác Thắng "tụt" k2, Thanh TC2 cùng Kiến Quốc k5, Mạnh Thắng, Trần Thắng k7, Thắng "đen", Lê Hiền k8 cùng Thái, Hoàng Hùng, Nghĩa, Thắng "bác sĩ", Lợi, Hùng TC2, Yên, Kiên, Tiến và Cường, thêm mấy cháu lính trẻ) chia làm 2 đội tỉ thí. "Đội già" dẫn trước 2-0 nhờ 2 cú sút của cánh trẻ. "Đội trẻ" vất vả tấn công, đá bật ra bật vào đến 3 lần mới gỡ 1-2.

Nhưng đón đường chuyền từ quả phạt góc của bác sĩ Thắng, thủ quân "Đội già" tâng bóng 1 nhịp rồi sút 1 đường căng như kẻ chỉ, lọt háng thủ môn Tiến vào lưới.
Tan trận, anh em ngồi uống bia và thầm nghĩ, có còn được uống như thế này 1 lần nữa?