Nếu sống lại, thi sĩ
Hàn Mặc Tử hẳn sẽ ngạc nhiên vô cùng khi "lời rao" thuở nào của ông
được hưởng ứng. Vâng, có một người Mỹ đã trở thành triệu phú bằng hình thức
kinh doanh "ai mua trăng tôi bán trăng cho".
Nếu gọi hình thức kinh doanh của Dennis Hope
là điên rồ thì đó là một sự điên rồ được tính toán chặt chẽ. Câu chuyện này
cũng cho thấy kỹ năng làm giàu siêu hạng của người Mỹ, họ có thể kiếm tiền từ
những thứ mà họ chưa bao giờ chạm tay tới.
Từ văn phòng Công ty Lunar Embassy (Sứ quán
Mặt trăng) ở Nevada, doanh nhân người Mỹ Dennis Hope đang bán đất trên Mặt
trăng với giá vào khoảng 5 USD cho mỗi 1.000 m2. Đến nay, ông đã bán được tổng
cộng trên 1,6 triệu km2 và đang cố gắng bán "nốt" 32,3 triệu km2
còn lại. Trung bình mỗi ngày công ty bán được 1.500 lô đất. Khách hàng của
Lunar Embassy đủ mọi thành phần, từ minh tinh Hollywood đến doanh nhân, từ
siêu sao thể thao đến chính trị gia. Trong số đó phải kể đến các cựu Tổng
thống Mỹ Ronald Reagan và Jimmy Carter, các chuỗi khách sạn Hilton và
Marriot. Tổng thống Mỹ đương nhiệm G.Bush nghe đâu cũng định mua vài khoảnh
đất trên cung trăng.
Sau thành công tại Mỹ, Lunar Embassy bắt đầu
tìm khách hàng trên khắp hành tinh. Theo báo China Daily, năm 2005, Lunar
Embassy đã chào hàng tại Trung Quốc. Hầu như tất cả khách hàng đều bỏ vài USD
ra "cho vui" chứ không nghĩ đến một ngày nọ họ sẽ lên mặt trăng
để... xây nhà, mở trang trại hoặc kiếm lời bằng cách nào đó từ miếng đất mua
được. Thế nhưng, cái sự ham vui của người đời đến nay đã mang về cho Hope tới
9 triệu USD. Vậy là một ý tưởng điên rồ đã biến thành hình thức kinh doanh
đại thành công cho dù trên thực tế thì không quốc gia nào công nhận việc mua
bán của Hope. Không công nhận nhưng cũng khó bác bỏ, bởi luật pháp nhiều nước
không có điều khoản cấm cá nhân, tổ chức sở hữu "tài sản trong vũ
trụ".
Để biết tường tận quá trình làm giàu của
Hope, xin trở lại với một sự kiện cách đây 40 năm. Vào năm 1967, LHQ đã thông
qua Hiệp ước Không gian, trong đó không cho phép bất cứ quốc gia nào tuyên bố
chủ quyền đối với các thiên thể ngoài không gian. Hiệp ước này có một kẽ hở
to tướng là chỉ cấm chính phủ chứ không cấm cá nhân hoặc tổ chức. Sau đó, LHQ
đã đưa ra bản hiệp ước mới, trong đó cụm từ "bất cứ quốc gia nào"
được thay bằng "bất cứ ai", tức mọi cá nhân, tổ chức, chính phủ đều
không có quyền sở hữu mặt trăng và các thiên thể khác. Tuy nhiên, không phải
tất cả các nước thành viên LHQ đều ký vào hiệp ước sửa đổi nên lỗ hổng trong
vấn đề này vẫn cứ to tướng như lỗ hổng vũ trụ.
Dennis Hope đã tận dụng ngay kẽ hở này để
làm giàu. Năm 1980, ông gửi thư tới LHQ, Chính phủ Mỹ và Liên Xô để thông báo
rằng mình là chủ sở hữu tất cả các hành tinh và vệ tinh thuộc hệ Mặt trời
(ngoại trừ trái đất, tất nhiên rồi!). Hope thậm chí còn đưa ra thời hạn cho
các tổ chức và quốc gia trả lời trong trường hợp họ bác bỏ tuyên bố của ông.
Khi thời hạn trôi qua, Hope không nhận được một câu trả lời chính thức nào và
thế là ông bắt đầu... bán mặt trăng. Việc buôn bán rất đơn giản, khách hàng
chỉ cần trỏ vào một điểm nào đó trên bản đồ mặt trăng là Hope khoanh vùng lại
và sau đó làm hợp đồng, thu tiền. Đến nay Lunar Embassy đã có hơn 2 triệu
khách hàng và Hope hy vọng con số này sẽ tiếp tục tăng, để đến một lúc nào đó
LHQ và Chính phủ Mỹ phải công nhận "quốc gia mặt trăng" của ông ta.
Cứ đà này, nếu một ngày nọ, Mỹ, Nga hoặc một cường quốc không gian khác lên
thám hiểm mặt trăng thì rất có thể sẽ bị Hope kiện về việc vi phạm chủ quyền!
Toàn những điều điên rồ nhưng ông chủ Hope
lại có lập luận rất đơn giản để bảo vệ hình thức kinh doanh của mình:
"Chúng tôi đang làm điều mà ông cha mình đã làm cách nay hàng thế kỷ khi
từ châu Âu tìm đến châu Mỹ". Vâng, trước khi người châu Âu đến, Tân lục
địa là một miền đất hoang vu của thổ dân da đỏ. Giờ thì hầu hết đất đai tại
đây đều thuộc con cháu của người Âu. Nam Cực cũng có số phận tương tự, nhiều
quốc gia trên thế giới đã tới "cắm dùi chủ quyền" tại vùng đất băng
giá này. Lập luận của Hope "nghe có lý" là thế nhưng hình thức kinh
doanh của ông vẫn là đề tài tranh cãi. Và trong khi thiên hạ đang cãi nhau
thì Hope vẫn tiếp tục làm giàu.
Châu Minh Linh
|
1 nhận xét:
Thế mà vẫn có người mua mới tài.
Đăng nhận xét