Hồi
đó tôi học lớp 3 trường Yên Thái (Bưởi). Một hôm cô giáo dạy một bài thơ lục
bát (hình như bài ca dao con cò bay lả bay la). Cô phân tích về cấu trúc thơ
lục bát và nội dung bài thơ. Cuối buổi, cô bảo:” Các em về thử tự làm mỗi em
hai câu thơ lục bát nhé. Hôm sau, em nào làm được thơ đúng là thơ lục bát, cô
sẽ cho 10 điểm”.
Hôm
đó, đi học về, ăn cơm xong, tôi không ngủ được. Trong đầu toàn nghĩ đến thơ lục
bát, cố làm lấy hai câu thơ để lấy điểm 10 của cô. Nằm một lúc, nghĩ lan man,
chợt tôi nhớ đến cảnh cả lớp chăm sóc mấy luống rau xanh ở vườn trường. Tôi nhớ
đến chuyện lấy lá cây bỏ vào hố ủ làm phân xanh bón rau. Thế là câu “sáu” đầu
tiên ra đời:
Chúng em làm hố phân xanh
Tiếp
tục suy nghĩ, tìm từ gì có vần “anh” để làm câu “tám”. Câu thứ 2 bật ra:
Học sinh, cô giáo làm nhanh, làm nhiều
Như
vậy là đã hoàn thành nhiệm vụ với 2 câu lục bát có nội dung, đúng vần, đúng
điệu. Nằm nghĩ tiếp, tôi thêm 2 câu vần “iêu”:
Rau lên xanh tốt bao nhiêu,
Chúng em càng quí, càng yêu sức mình.
Trên
đà thắng lợi, tôi dấn 2 câu kết:
Không để gà phá linh tinh,
Nhắc nhở các bạn, chúng mình giữ rau.
Như
vậy là tôi, cậu học trò lớp ba lúc đó, lần đầu tiên trong đời đã làm được một bài thơ lục bát trọn vẹn. Tôi
rất vui, tự thỏa mãn với chính mình và chắc mẩm sẽ được cô khen và cho điểm 10
một cách xứng đáng.
Tôi
vô cùng sôt ruột đợi đến mấy hôm sau mới lại có giờ văn. Rồi cũng đến cái giờ
tôi mong đợi. Chỉ chờ cô giáo hỏi: ”Em nào có thơ lục bát để đọc cho cả lớp
nghe?” tôi đã vội giơ tay. Cả lớp chỉ có lác đác mấy cánh tay giơ lên. Cô gọi
lần lượt từng người đọc thơ của mình. Tất cả đều là những câu 6-8 nhưng chẳng
có ai có được những câu thơ theo đúng luật. Cũng có người gieo đúng vần, nhưng
lại trúc trắc, chưa ra thơ. Tôi là người cuối cùng trong những đứa giơ tay được
cô giáo gọi. Tôi tự tin, dõng dạc đọc to cho cả lớp nghe:
Chúng em làm hố phân xanh
Học sinh, cô giáo làm nhanh, làm nhiều
Rau lên xanh tốt bao nhiêu,
Chúng em càng quí, càng yêu sức mình.
Không để gà phá linh tinh,
Nhắc nhở các bạn, chúng mình giữ rau.
Đọc
xong, tôi chắc mẩm mình sắp được cô giáo khen và cho 10 điểm đây. Hồi hộp quá.
Một
phút trôi qua. Cô giáo bảo:” Đúng là thơ lục bát rồi, nhưng bài này ai làm hộ
em đấy?”. Tôi thưa:” Thưa cô, tự em làm trưa hôm thứ ba đấy ạ”. Cô bảo:” Rõ
ràng đây là thơ của người lớn làm. Em không được nói dối”. Tôi cãi, giọng ấm
ức:” Thưa cô, chính em làm thật mà”. Cô bảo:” Thôi, em ngồi xuống đi!”, rồi cô nói
với cả lớp: ”Chúng ta bắt đầu vào bài mới nhé”.
Tôi, một đứa trẻ lên 10, cảm
thấy bị tổn thương kinh khủng. Rõ ràng thơ mình làm, mất cả buổi trưa không ngủ,
thế mà không những không được khen, không được điểm 10, lại còn bị qui kết là
nói dối, là lấy cắp thơ của người khác. Đầu ong ong, mắt ngân ngấn nước, cả giờ
ấy tôi chẳng nghe được cô nói những gì nữa. Ra chơi, tôi chẳng còn vô tư đùa
nghịch được với các bạn, cứ đứng thần ra ở một góc sân.
Rồi
chuyện đó cũng qua đi, thời gian cứ thế trôi, đến giờ đã được hơn năm chục năm.
Nghĩ lại, tôi hiểu rằng nếu ở vào vị trí cô giáo lớp 3 của tôi lúc đó, đa số
người lớn có thể sẽ hành xử khác nhau nhưng sẽ đều nghĩ như cô giáo tôi.
Dù
sao, đó cũng là một kỷ niệm của tuổi thơ mà suốt đời tôi không thể nào quên.
8 nhận xét:
Tuổi thơ hay và trong sáng thế. Còn người lớn luôn nghĩ theo kiểu người lớn nên cu Việt (còn nay là cụ) thiệt thòi.
Người lớn luôn lấy quyền người lớn để áp đặt. Rất vô lý khi một đứa bé đang cầm đồ chơi trên tay, bị người lớn "cướp giật" mất, lại phải "ạ", phải "xin" mới lại được có cái mà trước đó là của mình.
Bữa trước lục lọi trong đống giấy má cũ, tôi tìm thấy bài thơ lục bát hồi lớp 4 trong bài kiểm tra của mình như sau:
Chúng em học lớp 4A
Mỗi khi chuyển lớp như là đất rung
Đập bàn đập ghế lung tung
Xô nhau chen lấn tay chân vung bừa
Bài nhận được điểm 6 với lời phê: Nội dung không tốt.
Nhớ lại hồi đó tôi chẳng hiểu gì cả!
HMK6
Mẹ, mấy cái ký tự xác nhận viết xấu quá, đọc ko được. Chắc là học sinh lớp 3?
Thơ HM hay đấy chứ, rất đúng với tuổi học trò. Thế mà lại bị phê là nội dung không tốt. Lại một bằng chứng nữa về sự áp đặt của người lớn.
KQ có thể cho các chữ xác nhận rõ hơn ko?
Xác nhận.
Người lớn mà đều nghĩ như các cô giáo của QV và HM thì trẻ con tịt ngòi hết.
Hai bài thơ trẻ con đều rất hay, thể hiện 2 tính cách khác nhau: tên QV có vẻ hiền lành, khuôn mẫu, còn tên HM chắc là một đứa nghịch ngợm. Người lớn đã làm "thui chột" 2 "tài năng" thơ. Cũng may, chứ nếu mà người lớn cứ khuyến khích tất cả các "năng khiếu bẩm sinh" như 2 tên này thì đất nước mình loạn thơ mất.
Khuyến khích các tải năng thơ kiểu nào thì không biết chứ sau này ,có nhà thơ nổi tiếng có thơ đăng báo mà lại cho ra câu thơ ca ngợi dân quân cửa sông Lạch trường bắn rơi máy bay Mỹ tại chỗ : Máy bay giặc Mỹ rơi ngay cửa mình ... thì thật là tai họa thơ!
Các BT5 hưu cả rời ,có bao nhiêu ông Hưu về sinh hoạt câu lạc bộ thơ tổ hưu? nhân dip này cho ra vài bài thơ tổ hưu đề anh em bình và cười cho vui
Đăng nhận xét