Sinh ra ở Hà Nội, là người con của Hà Nội gốc nhưng Tôi từng muốn vào Nam lập nghiệp khi ra trường, nhưng đến khi vào Sài Gòn, tôi mới hiểu Sài Gòn không dành cho tôi, mà đúng ra là tôi không dành cho nó. Tôi ngơ ngác giữa cái thành phố náo nhiệt và dường như không bao giờ ngủ ấy.
Nhịp sống ở Sài Gòn luôn vận động ào ạt như thác lũ, nơi người ta hối hả trong dòng đời mà dường như cũng không biết bao giờ mình sẽ dừng lại ấy, không hợp với tôi. Trái lại, Hà Nội có một sự bình thản của một Thủ đô mang không khí tỉnh lẻ và một nhịp sống vừa phải để không ai bị cuốn vào mà không có lối ra.
Mỗi thành phố có những nét đẹp riêng của nó, và những người sống ở đó cảm thấy yêu nó theo cách của riêng mình. Những người mới đến đó phải mở lòng mình mới thấy hết những nét đẹp của mỗi căn nhà, mỗi góc phố, con đường nơi họ đi qua.
Tôi yêu Hà Nội ở sự yên ả của những ngày Thu ngập nắng, những ánh nắng thu vàng vọt lúc chiều xuống, những con phố nhỏ còn thoang thoảng mùi hương hoa sữa vương lại ngày cuối Thu, những hàng hoa lúc tinh sương của cô gái ngoại thành hối hả cho kịp buổi chợ sớm, những cơn mưa rào ngúng nguẩy bất chợt ảnh hưởng bởi đợt gió mùa và những chiều đá bóng dưới mưa đến tối mịt để đi về trên những con đường ngập nước đặc trưng của Hà Nội.
Hà Nội giống như cô thôn nữ đang lớn và bắt đầu quen với cuộc sống hiện đại. Ngược lại, Sài Gòn lại mang dáng vẻ của cô tiểu thư đài các và xinh đẹp nhưng có một cuộc đời quá gian nan và rất truân chuyên. Mỗi thành phố có một cuộc sống của nó, tâm hồn của nó và những trăn trở riêng chung. Ở Hà nội tôi bắt gặp ông lão tóc bạc ngả chiếc mũ phớt trên đầu và xuống dắt xe khi gặp đám tang đi qua.
Tôi yêu Hà Nội ở những nếp ăn, nếp ở mà người mẹ dạy cô con gái mới lớn những lời mời khi ăn cơm, người Hà Nội ăn uống rất thanh tao, đủ no, trong bữa ăn rất ít khi phát ra những âm thanh xì sụp mà trong các quán sá người ta thường nghe thấy, ở việc cô thôn nữ lớn khi về nhà chồng cũng chí ít có thể chế biến và làm một số món ăn cho bữa cơm gia đình êm ấm và hạnh phúc. Tôi còn yêu Hà Nội trong cái ngữ điệu mà người Hà Nội phát âm, cái giọng âm ấm sau đệm sau mỗi chữ “ạ” đặc trưng của người trẻ Hà Nội sao mà thân thương thế.
Nhiều người Hà Nội hiện tại có chung một suy nghĩ: thành phố bây giờ bẩn quá, ồn ã và nhếch nhác quá! Cái bụi bặm của thị thành và sự biến đổi quá nhanh chóng của cuộc sống dẫn đến những biến đổi lớn hơn về tâm hồn con người. Hà Nội không còn là chính nó, đã lai -căng đi nhiều, đã mất đi những nét quyến rũ mà bây giờ chỉ còn gợi lại những hoài niệm trong các bài hát về mùa thu Hà Nội của Trịnh Công Sơn, Phú Quang...
Tình yêu Hà Nội ấy đã thành một điều gì đó như là tiếc nuối. Có những lúc cáu gắt vì đường sá, vì điện nước, vì tắc đường, vì ô nhiễm, vì sự thay đổi nhanh chóng của chính sách chưa thật sự hợp lý, của xã hội và quan niệm khác nhau của mỗi người dân nhập cư ở đây khiến cho Hà Nội mất đi những nét yêu kiều. Để đến khi xa Hà Nội, lại thấy nhớ vô cùng, nhớ những quán Cà- fê vỉa hè trên phố Bắc Ninh xưa ( nay là Nguyễn Hữu Huân) ngồi nhâm nhi không thuốc lá với cậu bạn thân, nhớ cả những buổi tối chớm Thu tháng 8 cùng người yêu phóng xe dưới những gốc si già trên con đường Hoàng Diệu rợp bóng, nhớ những lần nắm tay người ấy chen chân ra Tràng Tiền chỉ để ăn 1 cây kem đậu xanh mà chỉ biết câu chuyện về kem Trang Tiền có từ bao giờ qua lời kể của bố , nhớ những ổ gà trên những con đường chằng chịt những vết sẹo, nhớ con phố Phan Huy Chú nhỏ, vắng mà chỉ có mình và người ấy mới hiểu tại sao bây giờ đó là kỷ niệm...
Không hiểu tại sao, những bài hát hay về Hà Nội, nhất là mùa Thu Hà Nội lại được viết ra bởi những người không sống hoặc ít sống ở Hà Nội ( và NS.Phú Quang là một minh chứng), có lẽ bởi những người sống lâu năm ở đây không nhận ra được trong những cái quá quen thuộc đến mức nhàm chán của thành phố này?! có những điều thật thú vị mà phải chú ý lắm mới có thể cảm nhận được.
Nhưng điều đó không có nghĩa là những người sống ở đây không có đủ cảm xúc để yêu Hà Nội. Tôi đã tê lòng khi đi làm về qua bờ Hồ và nghe những giai điệu bồi hồi đến xuyến xao của bài hát “Hà Nội ngày trở về” mà loa phường đang phát, có lẽ chẳng thể diễn tả được cảm xúc mà chỉ có nghe lại ca khúc đó thì mỗi người con của Hà Nội mới thấu hiểu cảm xúc của mình mỗi khi đi xa, sau mỗi chuyến công tác dài ngày.
Nhạc sỹ Hoàng Hiệp có ca khúc "Nhớ về Hà Nội", với những ca từ nhẹ nhàng đến xúc động lòng người "Dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ về Hà Nội", nghe sao mà da diết đến nhường ấy. Tôi chẳng thể biết được, vài năm nữa, mình sẽ ra sao lúc Thành phố sinh nhật nghìn tuổi và tình cảm của mình với nó có sứt mẻ hơn nữa hay không khi Hà Nội còn cả Hà Tây, cả Mê Linh- Vĩnh Phúc?.
Nhưng tôi tin là thành phố này vẫn còn biết bao những nét đẹp ta chưa tìm ra. Những nét đẹp mà đôi khi phải tách ra khỏi Hà Tây, tách ra khỏi cuộc sống hối hả ngày ngày cuốn ta vào đó, để phải sống hết mình với nó, làm cho nó bớt nhếch nhác và luộm thuộm đi, mới có thể tìm ra, yêu hơn và thấu hiểu: "Hà Nội đẹp, vì chúng ta sống đẹp"…
( St )
Bài đăng Phổ biến
- Bài hát chế "HN - niềm tin và hy vọng"
- MỘT ĐỜI NHỚ NHAU (Trần Phong k5)
- NHỚ DUY ĐẢO
- Thăm tư gia của Nhất Trung
- SINH VIÊN QUÂN SỰ CÙNG NHỮNG CHUYẾN TẦU (KQ)
- Nghề xin ăn không chỉ có ở VN (ST: Trần Đình Ngân)
- Lần đầu công bố: Những phút cuối cùng của Lưu Thế Dũng (Tư liệu gia đình)
- Hồ Xuân Hương và bài thơ Vịnh cái quạt (Huỳnh Văn Úc)
- CÂU CHUYỆN TẬP KẾT RA BẮC (1954 – 1956) - (Việt Dũng)
- Bài thơ Xứ Quảng (Phan Hoài Thuận)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
2 nhận xét:
Sợ rằng HN giờ không của mình nữa. (Ai đi xa HN, giờ trở về hay nghĩ vậy). Bẩn quá, nhếch nhác quá.
Mà người ta nói bậy như hát hay, cái gì cũng có thể văng đ. được, ra chợ mặc cả không mua là bị chửi ngay là "đồ mặt này mặt kia"...
Ở SG khác, khi đã là khách hàng thì được nhà hàng trân trọng, kính nể. Có họ thì tôi mới có tiền để mà sống. Cần gì là nghe dạ vâng, có ngay. Còn ở HN thì "ông không ăn được thì biến, đây chỉ có thế thôi". Eo ôi, thật là buồn.
Đi xe vẫn nhớ đấy, nhưng mà...
Đi xa...
Đăng nhận xét