Thứ Bảy, 21 tháng 4, 2012

Nhớ Huỳnh Kim Trung, đăng lại bài của thầy Chiêu

KỶ NIỆM VỀ ANH HÙNG LIỆT SĨ
HUỲNH KIM TRUNG (*)
NGÔ HỒNG CHIÊU (Cán bộ quản lý khóa 5, khóa 8)
AHLS Huỳnh Kim Trung
(1952 - 1972) 
Huỳnh Kim Trung nguyên là học sinh của trường Thiếu sinh quân mang tên Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi. Suốt 5 năm ngồi trên ghế nhà trường, Trung luôn tỏ ra là một học sinh ngoan, tính tình cương trực, chịu khó tu dưỡng rèn luyện, được thầy cô giáo thương yêu, bạn bè mến phục.
Tôi nhớ, cuối năm học lớp 8 (chương trình phổ thông 10 năm), do bị ốm, việc học tập chệch choạc nên điểm thi học kỳ 2 môn Vật lý của Trung chỉ đạt điểm 3 (lúc đó áp dụng thang điểm 5 bậc). Vì lẽ ấy mà Trung không đủ tiêu chuẩn học sinh tiên tiến, đồng thời ảnh hưởng đến tiêu chuẩn thi đua của lớp. Chuyện này khiến thầy giáo chủ nhiệm lớp 8C băn khoăn. Được giáo viên bộ môn đồng tình, tập thể cán bộ lớp ủng hộ, thầy chủ nhiệm lớp đề xuất xin cho Trung được cùng thi lại với số học sinh vắng có lý do lần trước. Cân nhắc kỹ, tôi và Ban chỉ huy khối thống nhất rằng, Trung có quá trình liên tục là học sinh khá, kết quả chỉ đạt trung bình lần này có lý do chính đáng. Bởi vậy, chúng tôi quyết định chấp thuận đềnghị của thầy trò lớp 8C.




Thật bất ngờ, Huỳnh Kim Trung tỏ ý không vui, nhất định từ chối sự chiếu cố của các thầy và tập thể lớp đối với mình. Trung  nói: “Em rất xấu hổ và ân hận về việc học hành không cẩn thận để các thầy, các bạn không hài lòng, phải bận tâm. Nhưng em muốn coi đây là bài học sâu sắc của mình. Em thành thật xin lỗi, em không thể…” Cảm kích trước đức tính dũng cảm, trung thực, lòng tự trọng của Huỳng Kim Trung, tôi thật sự lúng túng, không biết xử lý ra sao cho phải lẽ, đành nêu một khả năng bỏ ngỏ: “Tùy cậu”. Tất nhiên, Trung  kiên quyết hành động theo suy nghĩ độc lập của mình. Đó là một kỷ niệm đáng nhớ của thầy trò chúng tôi.
Sau mùa Thu 1970, phần đông bạn bè cùng khóa với Trung được đưa đi đào tạo tại các trường đại học trong và ngoài nước. Số còn lại tình nguyện trực tiếp chiến đấu, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang ở thời kỳ vô cùng ác liệt, trong số đó có Huỳnh Kim Trung. (Trung mang sắc phục Công an nhân dân). Do tình hình nhiệm vụ thay đổi, trường Nguyễn Văn Trỗi giải thể, thầy trò chúng tôi mỗi người mỗi nhiệm vụ ở khắp mọi phương trời, rất ít có điều kiện gặp nhau. Mãi tới cuối năm 1973, nghe trên Đài tiếng nói Việt Nam, tôi thấy nêu gương một chiến sĩ Cảnh sát nhân dân trẻ đã chiến đấu dũng cảm, lập công xuất sắc, anh dũng hy sinh. Chiến sĩ ấy tên là Huỳnh Kim Trung. Thoạt đầu tôi ngờ ngợ, có phải em hay một người trùng tên? Tuy nhiên, nhớ về tư chất, bản lĩnh của người học trò cũ năm xưa với những kỷ niệm sâu sắc đầy ấn tượng, lòng tôi thấy bồi hồi xúc động, tin chắc đến 90 %! Hoà bình, thống nhất đất nước, thông tin chính xác được ghi nhận: Ngoài Huỳnh Kim Trung, còn Nguyễn Lâm, Vũ Kiên Cường, Trịnh Thúc Doanh, Võ Dũng là những em học sinh khóa 5 thuộc đại đội 72 của tôi, đã anh dũng hy sinh trong chiến đấu.


Gần 30 năm đã trôi qua, lớp thầy cô giáo ngày ấy đã nghỉ hưu, hàng trăm bạn bè của Trung nay đã thành đạt, đang là những cán bộ chỉ huy, những nhà khoa học đầu ngành, những chuyên viên nghiên cứu giỏi, dồi dào khả năng, tràn đầy sức lực, hăng say nhiệt tình cống hiến cho sự nghiệp đổi mới vì mục tiêu “dân giầu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ , văn minh”. Trong lòng họ luôn ghi nhớ, biết ơn những ngưới đã ngã xuống để quê hương, đất nước có được cuộc sống vui tươi, tốt đẹp như ngày hôm nay. Sổ vàng lưu danh của trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi nổi bật trên hàng đầu là Huỳnh Kim Trung – Anh hùng LLVT. Huỳnh Kim Trung sống mãi trong lòng thầy cô và bạn bè!


Nhân ngày 27 tháng 7, xin thành kính ghi lại hồi ức những kỷ niệm thân thương như là một nén hương tưởng niệm.


                                                  








(*) Bài đăng trên nguyệt san Công an Nhân dân tháng 7 năm 1996,  nhân Ngày Thương binh – Liệt sĩ.






2 nhận xét:

Nặc danh nói...

Tìm được Cao Bắc, nhớ ngay đến thằng bạn cùng khu 1A Hoàng Văn Thụ của Bắc là Huỳnh Kim Trung. Nên BT5 đăng tải lại bài này (bài đã đăng trong Tập 1 SRTKL).

Nặc danh nói...

Nhìn cái nét mặt, cái ánh mắt ấy toát lên sự trung thực, trong sáng của con người Trung. Thầy Chiêu viết thật đúng. Vậy mà bạn hy sinh đã 40 năm!