Thứ Sáu, 20 tháng 4, 2012

Thư cụ Trần Độ gửi con trai (1)

Thư cho con

Con T. thân yêu,

Bố nhận được thư con đã lâu, nhưng nay mới có điều kiện để trả lời con. Đó là vì như con mong muốn : mỗi thư trao đổi giữa bố con mình không phải chỉ là những tờ “thông tin sức khoẻ” mà là một sự trao đổi tâm tình. Bố đọc thấy thư con thấy trong thư đầy những lo âu suy nghĩ về những cái con nghe và thấy chung quanh, chuyện “nhân tình thế thái”, những suy nghĩ lo âu của con về cuộc sống và tiền đồ của các em con. Bố rất mừng vì thấy ở đó có những sự chia sẻ rất thân tình và sâu sắc những suy nghĩ của Bố.


Trước hết, Bố nói để con yên tâm về việc thu xếp cho các em con mà con đã đồng ý. Cho một em đi học công nhân và một em vào bộ đội. Đó là một ý nghĩ nhất quán của Bố từ trước đến nay, vì không thể tất cả mọi thanh niên đã đi học đều là phải thi vào đại học hết và đều phải đạt được những học vị và chức vị công tác xứng đáng với học vị đó. Ai cũng phải cố nâng cao kiến thức của mình để đạt tới trình độ đại học và trên đại học, nhưng phải căn cứ vào tình hình cụ thể và phải coi việc sớm được thực sự tham gia lao động phục vụ là việc chủ yếu nhất.

Trong xã hội bây giờ cũng phổ biến một tâm lý “phải lên đại học” như là một tất yếu xã hội đối với thanh niên. Nhiều bậc cha mẹ lao tâm khổ trí để tất cả các con đều được vào đại học và cũng có tâm lý cho rằng đi nước ngoài là một vinh dự đặc biệt (thậm chí là con đường có lợi cho cuộc sống với sự chế giễu một cách thực dụng, bỉ ổi chữ tiền đồ là tiền và đồ). Chính cái tâm lý đó là một trong những điều kiện để nảy sinh ra tệ nạn hối lộ để vào đại học và đi học nước ngoài.

Con có thể yên tâm về em con. Bố thấy nó nhận thức được phần nào vấn đề cơ bản nhất trong mục đích cuộc sống : làm việc gì cũng nhằm phục vụ nhân dân, phục vụ xã hội, xây dựng Tổ quốc. Bố rất ủng hộ những ý kiến của con về việc sắp xếp công tác của con : hoàn toàn để do tổ chức sắp xếp và luôn luôn chuẩn bị tư thế để thích hợp với hoàn cảnh công tác mới, khi cần đề đạt nguyện vọng thì đề đạt, chứ nhất thiết không dựa vào một quyền lực tinh thần hoặc tình cảm nào để làm một việc như là “vận động” ! Vả lại, Bố vẫn nghĩ công tác ở chỗ này hay chỗ khác, chỗ nào cũng có mặt thuận lợi này và lại gặp khó khăn khác. Và những thuận lợi, khó khăn như thế nào lại còn do cách nhìn của từng người. Có người cho điều này là thuận lợi, nhưng đối với người khác lại là khó khăn.

Theo Bố, thuận lợi cơ bản nhất là có sự “ăn ý trong tập thể công tác”. Trong bước đường sự nghiệp của mỗi người, có thể có lúc ta gặp được chỗ có sự “ăn ý”, “được không tranh công, thua không đổ lỗi”, cùng nhau hưởng vui sướng của thành công, cùng nhau chia sẻ đắng cay của thất bại. Đó là thú vị nhất. Điều đó thú vị hơn bất cứ một sự thuận lợi nào về điều kiện sinh hoạt vật chất, con ạ. Có chỗ ta có khả năng tạo ra sự ăn ý đó. Có chỗ, thực ra, ta không đủ sức tạo ra được sự “ăn ý” đó. Nhưng, bất kể thế nào, lòng ham mê sự nghiệp vẫn là nguồn gốc của tất cả các thú vị khác, vì đó là điều có ý nghĩa nhất trong cuộc sống của mình.

Đối với việc học tập cũng như vậy. Các con bây giờ hơn thế hệ của Bố về chế độ học tập đầy đủ, có hệ thống, có kiến thức cơ bản, có học vị đàng hoàng. Nhưng, Bố vẫn thấy trong bất cứ hoàn cảnh nào, mình có một lòng khát khao hiểu biết, cứ tìm đọc, tìm hỏi, rồi trong thực tiễn nhận thức thêm điều này điều khác trong thế giới chung quanh mình, như người say đắm tình yêu thì rất thanh thản về tinh thần và sung sướng. Còn nếu như để sự học tập lệ thuộc vào điều kiện học vị, chức vụ, đãi ngộ, v.v… thì như vậy khó đem lại cho mình sự thanh thản trong tâm hồn.

Nhân tiện Bố trao đổi thêm với con vài điều mà thường trước đây Bố con mình có nhắc đến. Đó là về tình hình, hoàn cảnh sống của một số bạn như con trong điều kiện của hoàn cảnh lịch sử hiện tại. Có những vấn đề đặt ra mà các con phải suy nghĩ và có cách giải đáp cho đúng đắn.

Một là chung quanh vấn đề học xong đi ra làm việc có đúng ngành nghề hay không, có đúng chỗ để có thể phát huy được sở trường trong lúc học tập hay không ?

Hai là chung quanh vấn đề điều kiện về tổ chức và vật chất để làm việc – có cơ sở vật chất kỹ thuật để phát huy tài năng hay không, có sách vở tài liệu và những thông tin cần thiết để tiếp tục phát triển kiến thức trong lúc làm việc hay không ?

Điều này thường là thiếu thốn.

Ba là chung quanh vấn đề phân phối thời gian giữa lao động trí óc và lao động chân tay, giữa lao động chân tay những việc thuộc ngành nghề và lao động chân tay những việc để giải quyết những nhu cầu sinh hoạt (vệ sinh, doanh trại, tăng gia sản xuất, v.v…) và thời gian giữa học tập nghề nghiệp và những sinh hoạt học tập chính trị xã hội chung.

Nhiều anh em thường cảm thấy thiếu thì giờ lao động ngành nghề, thiếu thì giờ nghiên cứu học tập nghề nghiệp. Những thì giờ lao động chung và sinh hoạt chính trị xã hội chung chiếm quá nhiều.

Bốn là vấn đề lãnh đạo và tổ chức làm việc. Một số lớn anh em gặp những hoàn cảnh mà theo anh em là không hợp lý.

- Cán bộ lãnh đạo là cán bộ chính trị chung, thiếu hiểu biết về khoa học, chuyên môn, thường chỉ thành thạo hoặc say sưa trong việc lãnh đạo và tổ chức sinh hoạt, lao động chung, không thông cảm và tạo điều kiện thuận lợi cho anh em làm việc,

- Cán bộ lãnh đạo cũng là cán bộ chuyên môn, nhưng lại lớn tuổi, có kinh nghiệm về chính trị và đấu tranh, nhưng về trình dộ chuyên môn lại kém.

Bốn vấn đề trên, Bố nêu lại với dụng ý cố gắng cho khách quan, giảm nhẹ những ý kiến nhận xét cường điệu của một số anh em về từng điểm. Bố chỉ ví dụ một câu nói về điểm thứ hai là : “Ở cả một cơ quan kỹ thuật của sư đoàn (thuộc một quân chủng kỹ thuật) mà chẳng có quyển sách chuyên môn mẹ nào cả. Tao rồi đến quên hết ngoại ngữ thôi !”.

Hoặc có câu nói về điểm thứ ba và thứ tư là : “Mấy ông lãnh đạo toàn dân bần nông, cố nông dốt nát, chỉ biết bắt anh em chặt tre, cuốc đất, vác gạo, chẳng biết mẹ gì về công việc khoa học”. Và có nhiều anh em hay so sánh : so sánh với nước ngoài, “ở nước người ta thế này, thế nọ … mà ở mình thì …”. Trong bộ đội thì phân bì với các cơ quan ngoài, cơ quan ngoài thì phân bì với bộ đội, ngành nọ phân bì với ngành kia, địa phương nọ phân bì với địa phương kia rồi từ chỗ phân bì cụ thể lại rút ra kết luận là “chỉ có mình là trăm cay nghìn đắng, thiệt thòi khổ sở hết chỗ nói, tài năng mai một (!), v.v…

Thực ra bốn điểm nói trên là do Bố nghe được và thấy được phần nào, ở đây đều có những vấn đề phải đặt ra giải quyết thật. Đó cũng là những tình trạng có thật trong hoàn cảnh lịch sử của nước ta hiện nay đang phải ra sức đào tạo những con người để xây dựng đất nước trong một thời đại mà khoa học kỹ thuật phát triển rất nhanh, phải đào tạo sớm và phải dự kiến sự đào tạo cho những nhu cầu 10 năm, 20 năm về sau.

Thế nhưng, trước mắt, ta lại cũng đang phải ra sức tập trung sự nỗ lực cao độ của cả nước vào cuộc chiến đấu cho lý tưởng “Không có gì quý hơn độc lập tự do” (và cuộc chiến đấu đó vừa mới chấm dứt, toàn thắng được hơn một năm, với một khối lượng khổng lồ công việc phải giải quyết sau nó). Do đó, khó mà có thể có ngay một kế hoạch cân đối, ổn định về việc sử dụng cả người đã được học xong, chứ đừng nói đến việc thực hiện một cách ăn khớp các kế hoạch tốt đẹp đó.

Và ngay trong cuộc sống bình thường của một người, những tiện nghi tối thiểu cũng còn phải chịu thiếu thốn trong một thời gian dài. Cứ bình tĩnh mà suy xét hoàn cảnh đất nước ấy thì sẽ có thể dễ hiểu cả bốn điểm Bố nêu trên kia.
Thật ra, bốn điểm đó liên quan mật thiết với nhau, nếu có quan điểm đúng đắn nhìn vào một điểm nào thì cũng có thể nhìn nhận đúng đắn các điểm khác. Nhưng trong bốn điểm đó Bố muốn tập trung nói vào điểm thứ tư, là điểm Bố cho là quan trọng nhất, phần nào nó phản ánh những mối quan hệ giữa hai thế hệ, giữa cá nhân và tổ chức, giữa người với người nói chung và giữa đồng chí với nhau nói riêng.

(Còn tiếp)

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

Thư viết và đăng trên QĐND năm 1976.