Chủ Nhật, 22 tháng 4, 2012

Thư cụ Trần Độ gửi con trai (2)


Trong cái suy nghĩ của anh em đối với cán bộ lãnh đạo và tổ chức, Bố thấy có ba loại thái độ như sau :

Các anh em thấy được những nhược điểm của một số cán bộ lãnh đạo, nhưng rất thương và quý cán bộ lãnh đạo có nhược điểm, mặt khác tự mình tìm mọi cách thích hợp để giải quyết mọi nhu cầu của mình cho hợp lý.

Có những anh em bất bình với cán bộ lãnh đạo có nhược điểm, thường chế giễu và cô lập họ - anh em không có ác ý, nhưng thiếu mặt tích cực xây dựng, nên rốt cuộc, tình trạng cứ kéo dài, không có lợi cho quan hệ và công việc.

Có một số ít anh em thấy những nhược điểm của cán bộ lãnh đạo lại tìm cách khoét sâu thêm nhược điểm ấy, phủ nhận mọi động cơ của cán bộ, khinh khi, coi thường, đi tới đối lập, rồi còn hun nấu sự bất bình lên cao đến chỗ phản kháng, nhiều khi để tình hình đi đến chỗ không thể cứu vãn được.


Đó là nói chung, thực ra theo Bố nhận xét thì về phía các cán bộ lãnh đạo cũng có thể chia ra như sau :

Có anh em thực tình muốn lãnh đạo tốt, muốn đoàn kết, thúc đẩy công việc, nhưng nhận xét và điều khiển công việc cứ theo cách chủ quan. Đó là những anh em có động cơ tốt, tinh thần tận tuỵ (và phải nói là đa số như vậy). Có anh em thấy được nhược điểm của mình, nhưng cũng có anh em còn chủ quan, thường ỷ vào thành tích, ý chí và động cơ của bản thân mà chủ quan.

Có anh em có động cơ tốt, nhưng phương pháp kém, nhãn quan hẹp hòi, hay có định kiến và thành kiến, khó đoàn kết mọi người.

Và cá biệt cũng có anh em thì sợ mất uy tín cá nhân, thích củng cố quyền lực, không thành thật trong việc thừa nhận những nhược điểm của mình, từ chỗ hẹp hòi đi tới độc đoán và thủ đoạn.

Về phía anh em trẻ được học tập thì cũng có nhiều mức độ tư tưởng khác nhau.

Có anh em hết sức thành khẩn, hăng hái, dũng cảm và say sưa, muốn đem cả sức lực và tinh thần của tuổi trẻ, cùng những kiến thức của mình ra để phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân.

Những anh em này dễ dàng gạt bỏ mọi thành kiến và dễ dàng thích ứng với hoàn cảnh, biết yêu mến mọi người, biết cách biết ơn và giúp đỡ cán bộ lãnh đạo, có thể đóng góp tích cực vào việc xây dựng một tập thể ăn ý làm việc.

Nhưng cũng có anh em hoặc do quá ỷ vào năng lực, kiến thức, thần thánh hoá kiến thức, ít nhiều phủ nhận những điều kiện khó khăn cụ thể, ít nhiều phủ nhận sự cần thiết phải rèn luyện trong lao động chân tay, luôn luôn băn khoăn cân nhắc và đánh giá sự đóng góp của mình đối với sự nghiệp và mong muốn sự đối đãi sao cho xứng đáng – nghĩa là cũng thực sự rơi vào một phía chủ quan khác.

Lại có những anh em quả thực là sợ nguy hiểm, sợ gian khổ, muốn có một cách nào đó “có danh dự” để che giấu những khuyết điểm, thiếu sót, kém cỏi của mình, nên có những động cơ thật không đúng trong khi nhận xét và đánh giá mọi vấn đề, từ điều kiện vật chất của sinh hoạt, công tác đến đánh giá các cán bộ lãnh đạo và những người chung quanh, luôn luôn tìm cách nguỵ biện để tranh cái phải về mình. Và điều đó nhiều khi hậu quả rất tai hại.

Vì vậy, đối với bốn điểm tình hình Bố kể trên phải xem xét từ nhiều mặt mới rõ được vấn đề con ạ. Những nhận xét nói trên của Bố có thể còn chưa đầy đủ và chưa hoàn toàn chính xác. Những điều Bố muốn khuyên con là : con luôn luôn nhằm cho chắc vào lý tưởng cuộc sống của con, luôn luôn kiểm tra động cơ cho đầy đủ, trên cơ sở đó mà xác định thái độ và quan điểm mỗi khi đứng trước những “tình hình thực tế” cụ thể trong hoàn cảnh sống và điều kiện công tác.

Cũng từ những vấn đề trên, hiện nay đang có tình hình này nữa.

Bố được nghe nhiều (trực tiếp hoặc gián tiếp) những chuyện chung quanh vấn đề hợp lý và không hợp lý, may và không may, công bằng và không công bằng, “chính sách” và không “chính sách”. Đại khái có những loại chuyện như thế này :

Có địa phương địch chiếm lâu ngày, nhân dân bị áp bức bóc lột, nhưng đất đai, nhà cửa, cây trái ít bị tàn phá - mỗi gia đình đều có mua sắm được ít tiện nghi hiện đại của hàng hoá các nước tư bản, nhiều gia đình có người đi làm lính và sĩ quan nguỵ, số anh em đó phần lớn nay được trở về sum họp với gia đình.

Một địa phương khác có nhiều người thoát ly đi làm cách mạng - địa phương chiến đấu du kích quyết liệt, làng xóm bị tàn phá, nhiều gia đình trở về nay bị nghèo túng, thiếu sức lao động, anh chị em cán bộ đi thoát ly cách mạng nay còn bận rộn không thể trở về giúp đỡ được gia đình nhiều.

Trong một xã hoặc một xóm nhỏ (thường là ở miền Bắc) có gia đình hăng hái cho nhiều con đi bộ đội chống Mỹ cứu nước, có gia đình hai người, ba người, có gia đình tới năm người. Trong số những gia đình đó, có khi những người đi đã hy sinh cả, hoặc có gia đình đến nay chưa có tin tức về các con đã đi bộ đội. Đời sống không có gì khó khăn, nhưng cũng không có được niềm vui náo nhiệt của sự sum họp, không có được thêm tiện nghi gì trong đời sống. Trong khi đó, có những gia đình chỉ mới có một người đi bộ đội, thậm chí mới đi bộ đội năm 1975 khi bắt đầu cuộc tổng tiến công, thì nay đã trở về đầy đủ, gia đình sum họp vui vẻ và sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, nước nhà thống nhất có điều kiện có thêm nhà ở, phương tiện sinh hoạt khá hơn (xe đạp, xe máy, đài, ghi âm hoặc máy khâu, v.v…). Hoặc có gia đình cũng ít người tham gia cách mạng, nhưng có liên hệ bà con với những người trong vùng mới giải phóng – nay cũng có điều kiện như trên.

Thực tế trên cũng tương ứng với một số tình hình của tuổi trẻ như sau:

Có anh em tốt nghiệp (hoặc chưa tốt nghiệp, đi kháng chiến từ sớm, công tác và chiến đấu 5, 7, 10 năm ở chiến trường, nay trở về đã lớn tuổi, đi học thêm cũng khó khăn, đường tình duyên cũng không thật thuận lợi, cấp bậc có khi tăng hơn nhiều anh em tiếp tục học tập và công tác ở nhà, được đi nước ngoài, thậm chí có anh lại bị “hao hụt” vì chuyển đi chuyển lại cấp bậc của các chương trình khác nhau.

Bây giờ sau chiến tranh, tất nhiên một số lớn bộ đội (có cả cán bộ lớn tuổi và đa số là hạ sĩ, chiến sĩ đều là thanh niên) không còn tiếp tục ở bộ đội nữa và trở về. Nhưng trở về nông thôn thì không thích, đi xây dựng kinh tế mới cũng không thích lắm, tiếp tục đi học thì có người còn có điều kiện (cả khách quan và chủ quan), nhưng không thể có điều kiện cho tất cả mọi người : muốn có một nghề có thu nhập khá thì lại chưa hề được học tập để có nghề và cũng không đủ chỗ để thu nhận, v.v…

Như vậy là hầu như những người không tích cực, không lăn lộn kháng chiến thì hiện nay đời sống cũng vẫn yên ổn thuận lợi đi lên. Còn những người có lăn lộn kháng chiến thì các vấn đề của đời sống lại có những khó khăn, thậm chí có điều “thiệt thòi”. Như vậy phải chăng là những người không tích cực kháng chiến là “khôn” còn những người tích cực kháng chiến là “dại” ??? Và một số thanh niên không tích cực kháng chiến bây giờ có tiền đồ thuận lợi, còn những người tích cực kháng chiến thì đến nay tiền đồ không thuận lợi chăng ???

Những “thực tế” trên đây chỉ là một gói nhỏ của một cái thực tế cơ bản và toàn cục là nhân dân cả nước ta đã toàn thắng, Tổ quốc ta đã độc lập, hoà bình và thống nhất. Ta cảm ơn cả thế giới tiến bộ giúp đỡ ta, nhưng cả loài người cũng đang nhiệt liệt cảm ơn ta và thành thật cảm ơn ta (tất nhiên trừ những người là kẻ thù của Việt Nam độc lập và tự do thực sự). Cả nước ta đang nô nức xây dựng lại đất nước. Hàng vạn, hàng triệu người có công với nước đang được Tổ quốc và nhân dân ưu đãi, hàng nghìn hàng vạn tấm gương anh hùng nghĩa liệt được nêu lên trong sử sách, được vẻ vang cùng với non sông …

Bố nói với con những điều trên đây không phải là để giải thích cho con, mà là để tâm sự với con. Vì chắc cũng tiếp xúc không ít với những điều mà Bố kể trên và vì trong các bạn con, cũng có người gặp cảnh “trớ trêu” và không ít người có những day dứt, u uất triền miên, không giải đáp được ngay như trường hợp cậu N.T. mà con đã biết. Bố đã có lần nói với cậu ấy thế này :

Nếu trong người xác định được một cách sâu sắc rằng mình chiến đấu cho nhân dân, cho Tổ quốc, lấy độc lập của Tổ quốc, tự do và hạnh phúc của nhân dân làm lẽ sống của đời mình thì không việc gì phải day dứt với những điều trớ trêu như trên. Vì rõ rằng sự nỗ lực, sự vất vả và gian khổ, thậm chí có cả giòng máu của mình, đã đóng góp xứng đáng vào lẽ sống của mình và niềm hạnh phúc của mình là mơ ước đối với Tổ quốc, với nhân dân, đã được thực hiện. Vậy là ta đã có hạnh phúc, có tiền đồ đẹp đẽ hết sức rồi. Không thể có hạnh phúc nào lớn hơn, cao hơn trong cái tất nhiên chung của lịch sử. Cũng có những cái ngẫu nhiên - những ngẫu nhiên cụ thể. Ví dụ đấu tranh cho độc lập thì phải có hy sinh xương máu – đó là tất nhiên. Nhưng cái ngẫu nhiên là sau ngày anh em bạn cùng đi chiến đấu mà lại anh A đã hy sinh và anh B còn sống. Chúng ta sống trong một thời kỳ nhiều biến động sâu xa trong xã hội, trong dân tộc. Và cơ bản ta đang xây dựng một xã hội mới. Trong quá trình biến động đó, nhiều cái cũ đã bị phá bỏ, nhưng nhiều cái vẫn còn di hại. Trong khi đang xây dựng cái mới, ta gặp biết bao bỡ ngỡ. Bao nhiêu mâu thuẫn cụ thể chằng chịt trong các sự việc mới, có khi giải quyết được mặt này thì mặt khác không giải quyết được. Ta chỉ mong sao giải quyết cho trúng được các mặt cơ bản. Chính trong một bối cảnh như vậy, nên có nhiều cái gọi là “ngẫu nhiên” cụ thể ta không tránh được. Bố nhớ mãi cảm xúc của Bố khi Cách mạng tháng Tám thành công, Bố nghĩ đến những bạn tù của Bố đã không còn nữa. Bố nghĩ đến Bố cũng đã suýt chết và nếu Bố lúc ấy có chết đi rồi thì cũng không hề có sự thay đổi gì trong lịch sử của dân tộc. Lại cũng giống như thế, Bố đã cảm xúc rất nhiều khi đứng bên bờ sông Nậm Rốm nhìn lá cờ của ta phấp phới trên nóc hầm tướng Đờ Cát ở Điện Biên Phủ năm 1954, nghĩ đến các đồng chí của Bố đã hy sinh trên mảnh đất ấy.

Bố lại nói với cậu ấy rằng, nếu cứ để trong người có một nỗi niềm u uất có tính chất bất bình như vậy, rồi lại đâm ra có một tâm trạng như là “hối tiếc những ngày tháng thanh xuân” thì thực sự đã làm hoen ố cái lý tưởng vốn rất trong sáng, rất đẹp đẽ của mình, mà đáng ra, bất kể thế nào mình cũng phải thấy tự hào sâu sắc với những tháng năm cống hiến rất đẹp của mình chứ.

Mình cần phải có một lý tưởng sâu sắc đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng mà nhìn vào những trường hợp cụ thể, những thời kỳ cụ thể và những biến đổi tất yếu. Những gì mình đã đóng góp được, mà không được thể hiện ra rõ rệt thì vẫn là những đóng góp của mình, vẫn là niềm tự hào chính đáng của mình, bất kể có sự công nhận hay không được có sự công nhận.

Ấy thế mà cũng có người do có những tâm trạng như trên mà “chưa già đã lấy làm già”, có anh em chưa đến 30 tuổi hoặc ngoài 30 tuổi một chút đã tự xem mình là “lão” rồi, không thiết “đua chen với đời”. Có người thì tự thấy mình là Mai An Tiêm bị “vua cha” ghét bỏ, thôi thì đành sống âm thầm một mình một “hải đảo”. Người thì muốn sống một cuộc sống cô đơn yếm thế với tâm trạng “sinh ra chẳng gặp thời”, thôi thì “câu cá bên bờ suối” cho qua ngày. Bố cũng nghĩ đến những tâm trạng như vậy và có nói với N.T.

Ta có thể thừa nhận là có những sự việc chưa được hài lòng lắm trong cuộc sống. Nhưng đó lại chính là điều thúc đẩy ta say mê xây dựng cuộc sống mới. Mà cuộc sống mới đây là toàn bộ sự nghiệp của Đảng, của dân tộc đang xây đắp nên và đó là một sự thực hiển nhiên đầy ánh sáng và niềm tự hào của mỗi chúng ta.

Cậu đừng làm mất đi những cái gì tươi mát của tuổi 30, cái chín chắn, trầm sâu của tuổi ngoài 30, phải được bổ sung và tăng thêm cái tươi mát của tâm hồn, được nảy mầm lên từ những ước mơ say đắm của tuổi trẻ. Đừng rơi vào những suy nghĩ yếm thế của một sự “bất đắc dĩ” nào đó.

Đời cậu ít nhất còn một thời gian phục vụ cách mạng gấp đôi hoặc gấp ba thời gian đã qua, mà thời gian này cậu lại có một vốn tích luỹ và khả năng kiến thức cũng như kinh nghiệm cuộc sống gấp nhiều lần lúc cậu mới bước vào đời. Phải thấy được những vị ngọt ngào sâu xa của những kinh nghiệm cuộc sống đó.

Hãy tìm thấy lửa nhiệt tình trong lý tưởng và không nên dìm nguội nhiệt tình trong “nhân tình thế thái”, trong những tâm tư lạc lõng. Cuộc sống đa dạng, không thể khuôn theo những mong muốn chủ quan của mình, dù cho những mong muốn đó lành mạnh và chân thành đến đâu chăng nữa. Cải tạo một xã hội phải cần đến nhiều thế hệ. Ta mới là một thế hệ. Nhưng thế hệ ta là thế hệ sôi động nhất và nhiều sự kiện long trời chuyển đất. Ta có thể rất tự hào, nhưng lại cũng không thể sốt ruột được.

Đấy Bố nói thế. Có điều Bố cứ lo là với trình độ nhận thức như N.T. hay như con và các bạn con thì con cũng thưa lý lẽ và lập luận như Bố vậy. Nhưng khổ cái là tâm hồn ! Tâm hồn đã bị thấm cái vị “đắng cay”, “bất đắc chí”, “u uất” thì tự nó cứ làm nguội cái nhiệt tình tươi thắm của lý tưởng. Mà suy cho cùng, tâm hồn như vậy thì rút cục cũng là do tiếp thu những quan điểm, nhận thức chưa thật chính xác, bị nhiễm những thế giới quan lạc hậu, cứ muốn thấy cá nhân mình là trung tâm của vũ trụ để xem xét sự đời.

Thôi con nhé, thư này Bố tâm sự dài với con là vì Bố cũng đang phải suy nghĩ nhiều về những vấn đề mà Bố cần trao đổi với con. Bố không thể nói đến những phương hướng, những kế hoạch, những tổ chức cụ thể của công việc sắp tới. Mà Bố chỉ muốn nói đến những mặt nhận thức, suy nghĩ có liên quan tới một số mặt về quyền lợi và nghĩa vụ tuổi trẻ của con và các bạn con trong lúc này mà thôi.

Mong con giữ gìn sức khoẻ tốt và nhiều thắng lợi trong công tác.

Bố yêu của con.                




1 nhận xét:

Nặc danh nói...

Rất thực tế.