Thứ Sáu, 25 tháng 5, 2012

Tin nhanh 25/5 (QV)

Như đã hẹn, 10 rưỡi sáng tôi đến đón cu Việt để đưa cháu vào chỗ bố, vừa thăm bố, vừa đưa bố bản khai lý lịch (nháp) để làm hồ sơ xin học cho bố sửa chữa, hiệu chỉnh. Phòng cấp cứu đông đúc, gần chục người nhà của bệnh nhân bên cạnh mới chuyển đến từ một buồng bệnh khác. Chắc nhà ở HN, nghe tin cụ bị chuyển sang phòng cấp cứu, con cháu kéo nhau vào đông chật cả phòng. Sơn bảo buổi sáng chỉ tiêm mấy mũi, chiều mới đi xạ. Tình trạng sức khỏe ổn định, 10 phần đã đỡ 3. Hỏi buổi trưa ăn gì, Sơn bảo tí nữa cu lớn mua cua bể luộc mang vào. Hôm trước ăn tôm rồi, hôm nay ăn cua. Trước khi vào với bố Sơn, tôi đã dặn cu Việt, vào thì phải hỏi thăm bố xem hôm nay cảm thấy thế nào, có khỏe không? ăn uống ra sao?...Nhưng cu cậu chỉ ngồi im, chưa cất nên lời được. Chắc tại lâu quá rồi không có thói quen ấy.


       Tôi đưa Sơn xem những giấy tờ liên quan (các thông tin về tuyển sinh, về chính sách ưu tiên của trường Hoa Sữa và bản lý lịch cu Việt đã viết nháp). Tôi bảo Sơn cứ nghiên cứu kỹ, sửa chữa điều chỉnh hết để sau đó đưa cháu chép vào bản chính thức rồi xin xác nhận của phường. Cũng phải chuẩn bị nốt một số giấy tờ cho vào hồ sơ: Bản sao giấy khai sinh, photo CMND, ảnh của cháu, photo công chứng Thẻ Thương binh của bố và giấy xác nhận hoàn cảnh nữa. Chắc hồ sơ sẽ được hoàn tất trong đầu tuần sau. Tôi định sẽ đến trường Hoa Sữa một lần nữa để "trinh sát" cụ thể điều kiện ăn ở, học tập, chế độ quản lý  của nhà trường trước khi nộp hồ sơ chính thức cho cháu.
Đường vào trường

Cổng trường.

Nơi đây Việt sẽ học nghề.

Lớp học may công nghiệp.

       Ngồi với Sơn một lúc rồi chia tay. Hai bố con bắt tay nhau (hình như đây là lần đầu tiên Việt làm động tác này với bố nên trông chưa "thành thạo" lắm!). Tôi đưa cu Việt đi ăn cơm trưa. Ngồi ăn ở nơi hôm trước ăn với Kiến Quốc và có cả nhà thơ tay ngang Xuân Dũng (quán Amy đầu hồ Halle). Bước chân vào đó, cháu bảo, bác ga-lăng quá. Cu Việt chọn cơm sườn nướng. Tôi chọn cơm chả mực Hạ long. Khi cơm được mang ra, tôi xẻ bớt nửa phần cơm, mấy miếng chả mực nhờ cu Việt ăn hộ (mình lớn tuổi rồi, chỉ nên ăn 70% khả năng thôi, không thì dễ bệnh lắm).
       Hai bác cháu vừa ăn, vừa nói chuyện. Tôi hỏi thế đã hoàn toàn tin cậy bác chưa? Cháu bẽn lẽn: "Cái ấy thì bác biết rồi chứ ạ?". (Trả lời khôn phết). Tôi bảo, bác cảm nhận được nhưng vẫn muốn cháu khẳng định chính thức. Cháu trả lời: "Rồi ạ". Tôi tâm sự với cháu về tuổi thơ không kém phần "dữ dội" của mình. Ấy là hồi tôi học lớp 5, lúc đó bố dượng đang công tác ở Hải quân. Hai anh em (tôi và Hoàng Sơn K3) ở dưới Hải phòng với bố, mẹ tôi và 2 đứa em còn ở trên Hà nội. Bố thì suốt ngày đi công tác. Hai anh em tự lo tổ chức cuộc sống. Hàng tháng, gạo thì đong đủ theo phiếu. Nước mắm và mỡ thì bố nhờ các chú hậu cần đưa ra. Bố cho hai anh em tiền mua thức ăn. Với 2 đứa trẻ lứa tuổi 11-12 được nắm trong tay một lúc hàng chục đồng (tương đương hàng trăm ngàn bây giờ) thì cũng không khó lắm để tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra. May mà hồi đó chưa có nhiều cám dỗ như bây giờ. Hai thằng suốt ngày rủ nhau ăn nộm thịt bò khô. Đến bữa, hai thằng cũng biết đường thổi cơm (hồi đó toàn đun củi với mùn cưa) nhưng thức ăn thì cứ nước mắm với mỡ tương vào.. Tôi còn kể cho nó nghe chuyện hồi lớp 2, vì mải chơi, lười học nên cuối học kỳ 1 bị xếp thứ 48/50. Sợ mẹ mắng, tôi đã dùng tẩy tẩy đi con số 8 để lên xếp thứ 4. Mẹ nào nhìn thấy con được xếp thứ 4 trong lớp mà chả phấn khởi? Nhưng khi đọc đến lời phê thì mẹ nhăn mặt hỏi: "Sao lại thế nay?". Lời phê toàn những thông tin không tương thích: "lười học", "không làm bài tập", "mất trật tự trong lớp", "vô kỷ luật"... Tiếp theo đương nhiên là một trận đòn nên thân. Lại còn phải nợ thêm một số roi đáng kể với lời hứa "tháng sau sẽ phấn đấu nằm trong tốp 10, nếu không được sẽ phải nhận nốt số roi đó". Tháng tiếp theo leo lên được thứ 3. Cu Việt nghe chuyện có vẻ khoái chí. Tôi cảm thấy cu Việt đã cởi mở đến trên 90% với tôi. Tôi hỏi:" Những chuyện của cháu, bác viết lên blog có sao không?" "Không sao đâu bác ạ. Nhưng bác đừng kể chuyện "ấy" nhé". (Chuyện "ấy" mà Việt nói tới hiện giờ đang là chuyện mật của hai bác cháu. Chưa biết bao giờ mới được giải mật).
       Cơm xong, hai bác cháu uống trà rồi đưa cháu về. Trên đường về, chuyện trò với cháu về họ hàng, người thân. Cháu có vẻ ít gắn bó với họ hàng. Theo quan điểm của tôi, đây là thiếu sót của ông bố. Mối quan hệ tình cảm với người thân rất cần thiết trong quá trình hình thành nhân cách một con người. Đặc biệt là khi rơi vào tình huống như hiện nay. Đưa cháu về A5 rồi chia tay. Hà nội mấy hôm nay mưa quá. À, còn một chi tiết nữa là hai bác cháu có thảo luận về vấn đề cháu sẽ đi làm tạm ở đâu đó từ nay đến hôm đi học. Bản thân cháu thích thế và tôi thấy nếu kiếm được việc gì cho cháu làm thì cũng tốt, để cháu quen dần với nếp sống lao động và biết quí đồng tiền hơn khi phải đổ mồ hôi mới có được nó. Cháu bảo bác cứ kiếm việc cho cháu, làm gì cũng được. Tôi cũng đang có một vài phương án nhưng chưa hiện thực hóa được. Có bạn nào giúp ngay được khoản này chăng?
       Chiều nay Sơn đã xạ xong mũi thứ 10 (thế là hết 1 đợt xạ trị). Không sốt nhưng hơi đau bụng, đi ngoài phân nát. Không biết do phản ứng của cơ thể hay bị rối loạn tiêu hóa do ăn nhiều đạm (cua bể) khi cơ thể chưa thật khỏe. Hỏi đã nói BS chưa, Sơn bảo chưa. Tôi yêu cầu nói với BS ngay, và ít nhất bảo cu lớn đi mua berberin và Orizon dùng đã để cho nó cầm. Dứt khoát phải nói cho BS biết.

2 nhận xét:

Nặc danh nói...

Một người thầy đúng nghĩa của 2 chữ NGƯỜI THẦY. Không vỗ ngực, không đao to búa lớn, không dạy thêm để kiếm tiền... mà tất cả chỉ vì tấm lòng dạy 1 học trò nên người. Mọi việc cứ nhẹ như lông hồng. (Mà đi như thế bà chị ở nhà có gì gì không bác?).

Nặc danh nói...

Tôi cùng QV được cử sang học LX vào 1967.Tôi láng máng biết Việt qua cac bạntroik2 cùng học.Tháng 5-2010 cùng Việt về Quế Lâm,tôi biết thêm về con người tuyệt vời này.
Nay qua các bài của anh viết về bạn Sơn,về cháu ,tôi cảm phục nhân cách của anh-một người bạn-một người thầy giáo. KC