Thứ Hai, 6 tháng 8, 2012

Trước đèn đọc lại sử xanh (Huỳnh Văn Úc)



Năm 1821 vua Đạo Quang nhà Thanh lên ngôi và bắt đầu cuộc chiến chống lại các lái buôn thuốc phiện người nước ngoài. Trong chín mươi năm (1821 – 1911), về phương diện chính trị và kinh tế, Trung Quốc chịu sự uy hiếp mỗi ngày một tăng của các cường quốc phương Tây, họ vào hùa với nhau rút rỉa, xâu xé con mồi Trung Quốc, nói cách khác Trung Quốc không khác gì một miếng thịt trên thớt mạnh ai nấy cắt xẻo biến Trung Quốc thành một bán thuộc địa. Trung Quốc là kẻ chiến bại trong hai cuộc Chiến tranh Nha phiến với nước Anh, lần thứ nhất từ 1840 đến 1843, lần thứ hai từ 1856 đến 1860, bị buộc phải công nhận quyền tự do buôn bán nha phiến của thương nhân Anh và chịu những khoản tiền bồi thường thiệt hại nặng nề. Năm 1897 nhân có hai giáo sĩ người Đức bị loạn dân giết ở Sơn Đông, người Đức đem binh thuyền chiếm cứ Giao Châu Loan, buộc Trung Quốc phải cho thuê Giao Châu Loan trong 99 năm. Tỉnh Sơn Đông rơi vào thế lực của Đức. Năm 1898 Anh buộc nhà Thanh phải cho thuê cảng Uy Hải Vệ trong 25 năm và Hồng Kông trong 99 năm. Năm 1899 nhân sự kiện có võ quan và giáo sĩ Pháp bị giết ở Quảng Đông, Pháp đem binh thuyền vào Quảng Châu Loan buộc nhà Thanh phải cho họ thuê trong 99 năm và đòi nhà Thanh phải cho Pháp làm đường xe lửa Vân Nam-Lào Cai và Quảng Tây-Trùng Khánh. Nhật đã chiếm cứ Đài Loan và cho rằng tỉnh Phúc Kiến thuộc phạm vi thế lực của mình, nhà Thanh không được phép cho nước khác thuê đất ở đó. Những sự kiện đó tôi kể với tính chất liệt kê, sau đây tôi muốn kể nhiều hơn về những biến cố xảy ra trong hai năm đầu của thế kỷ XX, năm 1900 và năm 1901.



Nghĩa Hòa Đoàn là cuộc khởi nghĩa của nông dân tỉnh Sơn Đông vào năm 1899. Ban đầu họ lấy  "Phản Thanh phục Minh" làm tôn chỉ nhưng sau đó chuyển mũi nhọn đấu tranh vào chủ nghĩa đế quốc với khẩu hiệu "Phù Thanh diệt ngoại xâm" nên từ tháng 6 năm 1900 Từ Hi Thái Hậu cho phép họ vào đóng quân tại Bắc Kinh thao luyện võ nghệ, rèn đúc khí giới. Quân Nghĩa Hòa Đoàn thắt khăn đỏ ở cổ tay, dùng dao hoặc giáo mác chặt đầu những người bị hành hình rồi bêu đầu lên ngọn giáo. Họ đã giết hàng trăm giáo sĩ nước ngoài và giáo dân Trung Hoa, đốt nhà thờ, đập phá đường xe lửa và đường dây thép của người nước ngoài. Công sứ các liệt cường kháng nghị nhưng Từ Hi Thái Hậu bỏ ngoài tai, lại còn đem quân vây đánh các sứ quán nước ngoài. Để trả đủa ngày 10/6/1900, liên quân 8 nước Anh, Nga, Nhật, Pháp, Đức, Mỹ, Ý và Áo với hơn 2000 quân từ Thiên Tân đánh vào Bắc Kinh, bị quân Nghĩa Hòa Đoàn chặn đánh, đến ngày 26/6/1900 phải rút lui về tô giới Thiên Tân. Ngày 4/8/1900 liên quân 8 nước lại tập trung 20 nghìn quân tiến đánh Bắc Kinh. Quân lính Nghĩa Hòa Đoàn ra ứng chiến, cổ đeo bùa, tay bắt quyết, miệng đọc thần chú nhưng càng tiến lên càng bị bắn ngã như rạ.  Ngày 14/8/1900 Bắc Kinh thất thủ, Từ Hi Thái Hậu cải trang đem theo vua Quang Tự trốn về Tây An. Bát Quốc Liên Quân tha hồ dày xéo, Di Hòa Viên và Tử Cấm Thành là những công trình vĩ đại cũng chịu chung số phận. Ngày 7/9/1901, triều đình nhà Thanh cùng đại diện 11 nước Anh, Pháp, Nhật, Nga, Đức, Mỹ, Ý, Áo, Tây Ban Nha, Bỉ, Hà Lan đã ký bản "Hiệp ước Tân Sửu". Đây là một hiệp ước bất bình đẳng, là hiệp ước bán nước nhục nhã xưa nay chưa từng có. Theo Hiệp ước Tân Sửu (1901) triều đình nhà Thanh phải:
- Phái Thân vương, đại thần qua Đức, Nhật tỏ lòng hối tiếc và xin lỗi.
- Trừng trị các quan đã gây ra tai họa (kẻ thì phải phát vãng qua Tân Cương giam cầm vĩnh viễn, kẻ thỉ phải tự tử.)
- Nhưng nơi giết hại người ngoại quốc thì phải đình chỉ các khoa thi văn võ trong 5 năm.
- Vạch rõ ranh giới cho các sứ quán; trong khu vực ấy, sứ quán tự quản lí và được đặt quân đội để phòng thủ.
- Triệt bỏ pháo đài Đại Cổ và 12 pháo đài khác từ Bắc Kinh tới biển.
- Cho các nước đóng binh ở các nơi để bảo hộ đường giao thông từ Bắc Kinh tới biển.
- Bồi thường chiến phí 450 triệu lạng bạc (trong số này, Nga được hưởng nhiểu nhất: trên 130 triệu, rồi Đức 90 triệu, Pháp 70 triệu, Anh 50 triệu, Nhật trên 34 triệu, Mỹ gần 30 triệu ).



Trước thềm của những diễn biến năm 1900 và 1901 là cuộc chính biến Mậu Tuất 1898. Đó là cuộc vận động cải cách chính trị-xã hội do Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu và Đàm Tự Đồng chủ trương có sự tán thành của vua Quang Tự. Cuộc vận động chủ trương cải cách chế độ quan lại, khuyến khích phát triển kinh tế dân tộc, lập hệ thống giáo dục mới, huấn luyện quân đội theo kiểu phương Tây. Phái bảo thủ do Từ Hi Thái Hậu cầm đầu đã bắt giam vua Quang Tự, truy nã Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu và đàn áp các thủ lĩnh phong trào. Đàm Tự Đồng khảng khái không chịu trốn nên bị hành hình cùng với năm chiến hữu. Phong trào thất bại sau 100 ngày tồn tại, sử sách gọi là cuộc Bách Nhật Duy Tân.



Trước đèn đọc lại sử xanh, một giai đoạn đáng buồn trong lịch sử Trung Quốc. Đọc và suy ngẫm. Cái giai đoạn ấy triều chính thối nát vì rơi vào tay một con mụ đàn bà, những thế lực đen tối đứng đằng sau bà ta hèn với giặc, ác với dân. Giá như cuộc vận động Duy Tân của  Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu và Đàm Tự Đồng thành công thì biết đâu đấy, lịch sử Trung Quốc đã rẽ sang một lối đi khác ít nhục nhã hơn.



2 nhận xét:

Quang Vinh nói...

Khi chính quyền rơi vào tay nam nhi với đủ bộ phận và cả tính xấu của người đàn ông nhưng lại có đủ mọi tính xấu của đàn bà thì còn đáng sợ hơn. Vơ vét hết tài sản về cho mình, giành giật vị trí cao bổng lộc lớn về cho con cháu của mình, tính toán thiển cận, gặp thù thì sợ, gặp dân thì trắng trợn chèn ép. Con cái thì nuông chiều cấp chức to, bổng lộc lớn, hành động bỏ qua vương pháp, không tính kế lâu dài, ăn xổi ở thì, dân bị đói khổ bần cùng, kinh tế suy thoái, kẻ thù ngang ngược. Cái khoản xấu xa thì đàn ông không kém đàn bà, nhưng nếu mang cả cái xấu của cả "ông lẫn bà" thì còn khủng khiếp hơn nhiều.

Nặc danh nói...

Thầy Út luôn có nhiều bài thật ý nghĩa và sâu sắc.Bái phục.