Thứ Sáu, 14 tháng 9, 2012

Hành trình đi tìm ba 7 (Nam Khánh k2)


          Phòng kỹ thuật tỉnh đội đã giúp chúng tôi một chiếc xe UAZ để đi xác minh. Có nguồn tin cho rằng đoàn đi cùng với ông Hoàng Cường có thể bị hy sinh cùng ông Ngưu tỉnh đội phó quê ở Phù Cát khi qua đầm Thị Nại. Chúng tôi gặp chị Đào ở tháp đôi tỉnh Bình Định. Chị cho biết khoảng thời gian tháng 4/1968 chị có đưa chú Ngưu là tỉnh đội phó cùng một bảo vệ vượt qua đầm Thị Nại. Địch phát hiện và bắn. chú Ngưu chết đứng, anh bảo vệ bị hy sinh, chị bị bắn gãy cánh tay. Chị bơi được vào bờ, đến tháng 10/1968 chị được đi ra Bắc để trị bệnh và học tập. Chị khẳng định chị là giao liên khu vực nầy và không biết ba tôi. Như vậy là khả năng Ba tôi hy sinh cùng chú Ngưu ở đầm Thị Nại là không thể có. 
Chúng tôi tiến hành đi đến gia đình một vài người trong danh sách mà mọi người nói là cùng hy sinh một đợt với Ba tôi để xem ngày hy sinh của họ có cùng ngày và có phải ở đầm Thị Nại không? Chúng tôi đến gia đình ông Nguyễn Thanh Bình trợ lý quân lực quê ở Cát Hiệp – Phù Cát, gia đình không biết ông hy sinh ở đâu? Mộ trong nghĩa trang xã Cát Lâm là mộ gió (không hài cốt), trong bằng TQGC thì ghi ngày hy sinh 03/9/1968. Đến gia đình ông Phạm Tài (cũng trợ lý quân lực) ở xã Cát Minh cũng giống như trường hợp của ông Bình và trong bằng TQGC ghi ngày hy sinh: 01/4/1969. Nguồn của ban chính sách cho biết ông Nguyễn Hữu Tờ hy sinh ngày 05/11/1968 và ông Lê Quang Hợi hy sinh ngày 21/11/1967 ( âm lịch ). Như vậy khả năng Ba tôi cùng hy sinh với những người trên ở đầm Thị Nại là không có cơ sở .
Ngày 25/5/2009 chúng tôi đi vào gặp cô T ở QN đến trước 8 giờ nhưng mãi đến 11 giờ mới tới lượt tụi tôi. Sau khi thắp mấy nén nhang xong, tôi ngồi xuống và nghe bà nói: Anh đi tìm Ba anh có 2 tên nhưng lại tìm chính tên sau nầy. Ông tên là Hoàng và bà viết thêm chữ Cường nhưng những chữ đằng sau chữ C thì viết rất ẩu. Chúng tôi nói không biết chữ sau chữ C là chữ gì thì bà nói khi nào đi vào đánh dấu mộ xong tôi sẽ nói tên đầy đủ của ông ấy. Bà cho tôi một tờ giấy và viết vài chữ vào đó thứ chữ mà chỉ có một mình bà biết, bà kêu cất kỹ vào bóp, không cho ai biết kèm theo một sơ đồ để đánh dấu mộ. Bà nói từ dưới nghĩa trang đi lên đến hàng số 3 bên tay phải thì đếm lấy 6 ngôi mộ liên tiếp trong 6 cái thì chọn lấy 3 cái mà đánh dấu. Xong rồi về đây tôi sẽ nói anh đã đánh dấu những ngôi mộ nào và ngôi mộ nào là của Ba anh và ngôi mộ đó anh đánh dấu cái gì? Bà nói mộ Ba tôi ở thị trấn Bình Dương huyện Phù Mỹ, tôi nghĩ làm gì có thị trấn Bình Dương ở đây mà cho rằng bà nói nhầm tôi nghĩ Bình Dương gần TP HCM. Một phần do tiếng nói của bà yếu cho nên tôi nghe cũng không rõ lắm. Bà không cho ghi âm ở nhà mà chỉ cho ghi khi gọi hồn ở nghĩa trang thôi. Do vậy Ấn đã ghi chép lại cẩn thận cho tôi. Tôi và Ấn về Đà Nẵng và ngày hôm sau tôi đón xe đi vào huyện Phù Mỹ. Đến huyện Phù Mỹ thì thấy ngay nghĩa trang huyện Phù Mỹ đang xây dựng rất hoành tráng nhưng không có một ngôi mộ nào thì ra đây là đài tưởng niệm của 19 xã trong huyện có khoảng 9.000 liệt sỹ đã hy sinh cho quê hương Bình Định. Tôi gọi điện cho bà và nói rằng ở đây không có ngôi mộ liệt sỹ nào, bà nói tôi chỉ ở thị trấn Bình Dương mà. Tôi hỏi dân ở đó họ bảo  thị trấn Bình Dương cách đây 14 km nhưng nghĩa trang ở phía trong cách quốc lộ hơn 2 km. Tôi lại lên xe buýt đi ngược lại. Xuống thị trấn tôi gọi ngay xe ôm và vào nghĩa trang, tới nơi tôi thấy bảng nghĩa trang liệt sỹ xã Mỹ Lợi và thị trấn Bình Dương ( thuộc huyện Phù Mỹ ). Tôi vào nghĩa trang và xác định ngay vị trí theo sơ đồ bà chỉ. Rõ ràng là giống như sơ đồ của bà vẽ. Tôi tìm 3 mảnh vỡ của gạch ống xây nhà, 3 miếng sứ và 3 nút chai nhựa bỏ trong bịch ny lông xách theo. Tôi thắp nhang khấn mong vong linh các liệt sỹ ở đây giúp tôi để tôi xác định được ngôi mộ của Ba mà mấy chục năm nay chúng tôi cất công tìm kiếm. Tôi đi đến hàng số 3 và quan sát, trong 6 ngôi mộ liên tục thì có mộ thứ 4 có tên của một liệt sỹ. Tôi đi vòng ngôi mộ thứ 3 đến mấy lần, sau đó tôi nhìn quanh nghĩa trang không có một bóng người nào. Tôi quyết định đánh dấu mộ số 3 bằng 3 mảnh gạch ống, mộ thứ 5 bằng 3 mảnh sứ và mộ thứ 6 bằng 3 nút chai nhựa. Tôi lấy giấy ra vẽ lại sơ đồ đã đánh dấu và xin phép vong linh các liệt sỹ cho tôi về.
Ngày 28/5/2009 Tôi và Ấn lại vào nhà bà T để xem kết quả của chuyến đi vừa rồi như thế nào? Chúng tôi cũng đi thật sớm và đến nơi khoảng 7h 30. ngồi chờ tới 11h mới tới lượt. Tôi thắp nhang và ngồi xuống nghe bà nói: Ông nầy tên là Hoàng Văn Cường. Tôi lắc đầu bà gạt chữ Văn đi, như vậy là tên Hoàng Cường, đúng với biệt danh của Ba tôi rồi. Người nầy có 2 họ Nguyễn và Hoàng, họ Hoàng là họ bên vợ. Năm người con trai là họ Nguyễn, tôi thấy quá đúng. Tự nhiên bà nói: chị đang nói chuyện với em đây. Tôi ngạc nhiên và nghĩ mình làm gì có chị gái. Chị nói nhà mình có 3 đôi chị là chị cả nhưng bây giờ em là cả. Tôi nghĩ cứ cho là mình có chị gái đi hồi sau phân giải. Tôi hỏi chị có biết em vào nghĩa trang đã đánh dấu những mộ nào không ? Chị nói:
-   Em đã đánh dấu mộ số 3, 5 và 6. còn các mộ 1, 2 và 4 không đánh dấu trong đó mộ số 4 có tên người ta rồi.
-         Thế thì mộ của Ba ở ngôi số mấy?
-         Ngôi thứ 3.
-         Em đã đánh dấu cái gì trong ngôi mộ nầy.
-         Em đã bỏ 3 miếng gạch đỏ.
-         Má hiện nay ở với ai?
-         Ở với thằng út.
-         Chị có biết hoàn cảnh của các em hiện nay như thế nào không?
    -   Có 2 đứa bị đau (Nguyên và Đông đang chạy thận nhân tạo), có 2 đứa nghèo (Quang và Đông) nhưng cũng đủ ăn.
-         Ba hy sinh ở đâu ? và được đưa về chôn ở đây là lần thứ mấy?
-         Ba hy sinh gần biển và người ta đem về đây chôn là lần thứ 2. - Chị nói tiếp - Chị biết em còn nghi ngờ chưa tin hoàn toàn đâu. Tuần tới em mượn xác cô T vào nghĩa trang ở mộ số 3 em đã tìm, Ba sẽ nói chuyện cho em nghe. 
Tôi gật đầu và  nói:
-         Để em bàn với gia đình đã. Thế chị có biết em có mấy đứa con không?
-         Em có 2 đứa: 1 trai và 1 gái. Con trai đầu.
Tôi nghe và thán phục vô cùng. Tôi xin phép chị lần sau chị em mình gặp lại. Rồi chúng tôi làm thủ tục ra về. Tôi gọi điện hỏi má và cô tôi trước tôi má có bị sẩy thai không? Má và cô đều nói có.
Ngày 30/5/2008 Tôi và Ấn đi Quãng Ngãi nhân dịp Ấn về quê ăn đám giỗ, chúng tôi đi vào nhà bà N để gọi hồn Ba tôi. Khi hồn Ba tôi nhập vào bà N nói:
 -  Con đi tìm Ba chỉ có một mình, còn người đi theo con là cháu đích tôn và là trưởng nam.
-         Ba hiện nay nằm ở nghĩa trang nào?
-         Người ta đã chỉ cho con đi đến đó rồi mà.
-   Từ trước tới giờ họ chỉ cho con nhiều nghĩa trang lắm con không biết Ba nằm ở đâu?
-         Con đã đi ở nghĩa trang ở huyện Phù Mỹ rồi.
-         Nghĩa trang Ba nằm cách quốc lộ 1 bao nhiêu cây số?
-         Khoảng 1 tới 2 cây số thôi. (Sau nầy tôi xác định lại khoảng 2km).
-         Vậy thì nghĩa trang xã Mỹ Đức hay Mỹ Lợi?
-         Ở nghĩa trang Mỹ Lợi – thị trấn Bình Dương.
-         Mộ của Ba ở vị trí nào trong nghĩa trang?
-         Từ sau đi lên phía bên phải là hàng thứ 3 và là ngôi mộ thứ 3.
Tôi vô cùng mừng vì từ trước tới giờ chưa có trường hợp nào mà 2 người ở cách nhau  hàng trăm km nhưng lại nói rất trùng nhau. Tôi cũng hỏi về gia cảnh và trường hợp hy sinh của Ba tôi thì Ba tôi cũng nói giống như chị tôi nói ở nhà cô T. Ba tôi cũng nói Ba lấy họ Hoàng là họ của Má con để luôn nhớ tới Má con. Tôi muốn hỏi nhiều nữa nhưng sau tôi còn có nhiều người ngồi chờ đợi nên tôi đành phải chấm dứt phần của mình.
Sau khi gọi hồn xong, tôi gặp con dâu của bà N xin số điện thoại di động của cô ta đồng thời nhờ cô ta khi nào tôi tới nghĩa trang thì cô nói với má cô xem tôi đứng ở vị trí đó có đúng là mộ của Ba tôi không? Cô ta nói khi đó tôi phải nói lại tên của Ba tôi thì mẹ cô mới hỏi lại ba tôi mới biết được. Chúng tôi chào tạm biệt và ra về.

2 nhận xét:

Đàm Thị Ngọc Thơ nói...

Chuyện tâm linh người ta đã nói nhiều rồi và cô đã từng chứng kiến.Cô muốn nói là cô vô cùng cảm động trước tấm lòng của những người con,như các em.

Nặc danh nói...

Vất vả quá, tâm quá và chắc chắn sẽ có quả!