Thứ Hai, 17 tháng 12, 2012

Người vợ tần tảo của vị "Tướng rau muống" (tiếp theo và hết)


Ngôi biệt thự chỉ có một cái giường của vị “Tướng rau muống”
Ngôi biệt thự 28 Điện Biên Phủ của gia đình Thượng tướng Song Hào nằm ngay một trong những vị trí đẹp nhất của Thủ đô, bên cạnh cột cờ Hà Nội, nhưng khi bước vào bên trong, điều đầu tiên tôi cảm nhận là sự giản dị bao trùm trong ngôi nhà đó. Cô Chung và chú Hòa – con Thượng tướng Song Hào kể: “Hồi đó khi mới về nhà 28 Điện Biên Phủ, trong nhà không hề có bất cứ một đồ đạc gì. Quân đội có cấp cho bố tôi 1 cái giường, 1 cái tủ, cả nhà nhường cho bố vì sau cuộc kháng chiến chống Pháp, bố tôi rất ốm yếu. Mấy anh chị em tôi đều trải chiếu nằm ra đất. Một buổi trưa, mấy anh chị em tôi đang ngủ thì bị bố tôi khua dậy, bắt đứng ra xếp hàng từ bé đến lớn ở giữa sân. Trong lúc chúng tôi vẫn còn mắt nhắm mắt mở thì Bác Hồ đến thăm. Chúng tôi được bố yêu cầu đồng loạt chào Bác. Bác đến nhà, nhìn thấy anh chị em chúng tôi trứng gà trứng vịt, đứng cạnh nhau ở sân liền cười nói: “Nhà đông con quá”! Mẹ tôi hóm hỉnh đáp lại: “Thưa Bác, nếu không đẻ nhiều thì lấy đâu ra người đi đánh giặc!”.  Hôm đó Bác đi thăm một lượt khắp nhà, từ nhà dưới đến nhà trên, thấy chỉ có một cái giường, một cái tủ, chẳng còn đồ đạc gì khác, lại thấy anh chúng tôi gầy gò, xanh xao thì thương lắm, vì bố tôi dù là một vị Tướng mà sống giản dị, thanh bần quá, nên Bác gọi bố tôi là “Tướng rau muống”. Cái câu “tướng rau muống” bắt nguồn từ đó”!


Thời chiến tranh, cái nghèo, cái khổ không của riêng ai, không của riêng nông dân, công nhân, không chỉ của riêng những người lính ngoài mặt trận. Khó khăn, thiếu thốn cũng là điều rất đỗi bình thường trong gia đình Thượng tướng Song Hào. Có những câu chuyện mà cô Chung – con gái ông kể lại, dù là sự thật, nhưng có lẽ vẫn sẽ có người cảm thấy khó tin: “Bố tôi là Tướng lĩnh, lại sức khỏe yếu, nên có tiêu chuẩn riêng của quân đội, bữa ăn cũng ăn theo tiêu chuẩn riêng, có người phục vụ riêng, mẹ con tôi không được ăn chung. Nhưng cũng như bao ông bố khác, bố tôi cũng rất thương con, chẳng đành lòng khi thấy các con thiếu thốn. Mỗi lần bố tôi ăn cơm, ông đều cố ý để lại một phần thức ăn để cho các con ăn. Nhưng chú phục vụ ngày đó rất nguyên tắc. Dù là phần ăn bố tôi để lại, chú cũng không bao giờ cho chúng tôi ăn, vì làm thế là “vi phạm nguyên tắc”, mà nguyên tắc của quân đội ngày đó thì rất nghiêm. Có lần đến giờ ăn, muốn chia cho em Thắng – em trai tôi một chút thức ăn, bố tôi ngồi trên tầng 2, đã khẽ khàng gọi em tôi ở tầng dưới lên, còn dặn em tôi phải cúi đầu thật thấp, đi men theo cầu thang lên phòng bố, để chú phục vụ không nhìn thấy. Chuyện đó sau này vẫn được kể đi kể lại trong gia đình”.
Con gái Thượng tướng Song Hào sau này cũng về làm dâu trong một gia đình cách mạng, may mắn sống cạnh những người Cộng sản thực sự, thấy họ vừa cao cả, vừa ấm áp, gần gũi, cô Chúng nói: “Thế hệ cha mẹ chúng tôi là thế hệ khác xa với các quan chức bây giờ”. Khi Thượng tướng Song Hào còn làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, mỗi khi được quà biếu từ các nơi gửi về, dù là quà biếu cá nhân hay quà biếu chung cho cả Tổng cục, ông cũng đều để lại, không bao giờ mang về nhà. Đến lúc ông rời cương vị Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, số quà biếu đó đã cất đầy một kho đồ, ông để lại hết, để phân phát cho các cán bộ trong Tổng cục. Có không ít những món đồ trong đó sau này được đưa vào Bảo tàng.
Lúc còn sống, không bao giờ Thượng tướng Song Hào nghĩ đến chuyện vun vén cá nhân cho gia đình mình. Thời ông làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, ông là một trong những người xét duyệt chuyện cấp nhà cho các cán bộ, sĩ quan trong quân đội. Nhưng ông không dùng quyền hạn đó của mình để lo cho gia đình. Nhà ông có 7 người con đều công tác trong quân đội và các cơ quan nhà nước, khi lập gia đình đều thuộc diện đủ tiêu chuẩn cấp nhà riêng, nhưng đến lúc xét duyệt cấp nhà, các con ông đều được cấp trên trả lời: “Bố anh chị là Tướng, đã có tiêu chuẩn nhà rộng, anh chị ở với bố mẹ, để nhường xuất nhà này cho những người khó khăn hơn”. Kể từ đó cho đến nay, con cái ông vẫn sống cùng cha mẹ trong ngôi nhà 28 Điện Biên Phủ đó. Bây giờ, khi khu nhà 28 Điện Biên Phủ đang nằm trong diện di dời vì nằm trong khu di tích Hoàng thành, những người con của ông bỗng nhiên trở nên thiệt thòi hơn rất nhiều so với những cán bộ nhà nước bình thường khác.
Các con của Thượng tướng Song Hào kể: “Bố tôi luôn có tính cách nhường nhịn như thế. Ngay cả mẹ tôi cũng vì tính cách của bố mà thiệt thòi. Khi bố tôi còn sống, có lần mẹ tôi định làm hồ sơ công nhận lão thành cách mạng, nhưng bố tôi nói: “một mình tôi được Đảng và Nhà nước công nhận là được rồi. Bà theo tôi, chăm sóc tôi, cùng nhận vinh dự đó với tôi là được. Cái công lao đó để dành cho những người khác”. Mẹ tôi nghe bố tôi nói thấy hợp lý nên thôi. NHưng sau này, bố tôi mất, mẹ tôi thấy nhiều người dù không xứng đáng bằng mình vẫn được công nhận lão thành cách mạng,bà buồn và bức xúc nên đổi ý, muốn làm hồ sơ công nhận một lần nữa. Nhưng đến lúc đó thì những người hoạt động với bà, những người có thể chứng nhận cho bà đều đã mất. Nhiều năm nay, anh em chúng tôi cố gắng hoàn thiện hồ sơ để hoàn thành tâm nguyện lớn cuối cùng của mẹ mà chưa được”.
Dù thiệt thòi, nhưng  bà Phương và những người con của Thượng tướng Song Hào vẫn luôn tự hào vì được sống bên cạnh hình bóng vĩ đại của ông, một người có công lao lớn với cách mạng, như lời Chủ tịch Trương Tấn Sang đã nói trong một lần đến thăm bà Nguyễn Thị Phương: “Đây là gia đình Cộng sản “chúa!”.
Khi Thượng tướng Song Hào còn sống, căn phòng ông ở có ô cửa sổ mà mỗi lần mở ra sẽ nhìn thấy cột cờ Hà Nội. Đó là nơi ông luôn thích ngồi mỗi chiều. Sau này Thượng tướng Song Hào qua đời, khi chọn chỗ lập bàn thờ ông, thay vì chọn một nơi hợp với phong thủy, với tuổi tác của người thân trong gia đình, con cái ông đã quyết định lập bàn thờ ông ở ngay vị trí cái giường ông từng nằm, trong căn phòng ông ở suốt mấy chục năm khi còn sống, để dù đang ở một nơi xa xôi nào đó thì mỗi buổi chiều, khi ô cửa sổ mở ra, ông vẫn có thể nhìn thấy cột cờ Hà Nội, vẫn có thể ngắm cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió…
Hương Thảo Nguyên 

6 nhận xét:

QV nói...

Bao giờ cho đến ngày xưa,
Cán bộ gương mẫu, lại vừa yêu dân.
Không đo đắn, chẳng phân vân,
Cái gì ích nước lợi dân thì làm.
Bây giờ chỉ thấy quan tham,
Thi nhau tham nhũng, thích làm khổ dân.

Nặc danh nói...

Mấy hôm nay ,trên báo chí thấy đăng nhiều lần Đ/c X, đến huấn thị các Hội nghị: Khi thì dạy bảo thanh niên, lúc yêu cầu các cán bô Công an nhân dân phải rèn luyện nâng cao cảnh giác CM, không bị vật chất thấp hèn lung lạc, nghiêm minh xem xét bổ nhiệm đề bạt những người có nhiều kinh nghiệm, có đóng góp trí tuệ cho sự nghiệp chung...Mình nghiêm túc lắm rồi mà đọc không hết phần tâng của báo chí!
Tự bực với mình, mãi mới nhận ra: Lòng mình còn có tin gì vào Đ/c ấy đâu mà tiếp thu, để quán triệt lời huấn thị vàng ngọc!
Khi hai mươi tám tuổi có 14 năm tuổi quân, là kỹ sư bằng đỏ, đang đứng trên bục giảng của ĐHKTQS danh giá nhất nhì đất nước mới được phong hàm Trung úy ( Dù không bị kỷ luật kể từ cấp tiểu đội trở lên lần nào vậy mà còn bị xem nên xét xuống mấy lần)- Bây giờ Đ/c X bị kỷ luật nặng nhất toàn Đảng mà vẫn mạnh mồm giao giảng lý tưởng đạo đức, chức quyền chót vót. Có thằng con mũi còn thò lò đã chui được vào làm cán bộ Trung ương. Vậy nghĩ kỹ lại, mình không tin yêu gì đồng chí đó cũng là cái lý của mình.
Đọc về Ông tướng rau muống, chắc chắn cha con tay X nó xem thời của mính, thời các Cụ khoai lang ,rau muống là thời cổ tích hoang tưởng! ( TĐ)

TranKienQuoc nói...

Cảm ơn HTN có bài viết cảm động về thế hệ phụ huynh của trường Trỗi. Cháu trẻ nhưng nhập được vào cuộc sống giản dị, quý đức, trọng tài, coi khinh tiền bạc, ăn bẩn... của các cô chú. Mong cháu còn có nhiều bài viêt như thế.

Viên Thạch nói...

Chú ơi, thiếu chữ "g" quan trọng trong tiêu đề bài viết kìa !

TranKienQuoc nói...

Tks VT! Đã sửa.

Nặc danh nói...

Nên có nhiều bài viết như thế này để lớp trẻ sau này biết được đã từng có 1 thế hệ như thế chú ạ!Cháu cám ơn chú!!