Chủ Nhật, 16 tháng 12, 2012

Người vợ tảo tần của vị Tướng “rau muống” (HTN)



Khi thượng tướng Song Hào còn sống, căn phòng ông ở có ô cửa sổ mà mỗi lần mở ra sẽ nhìn thấy cột cờ Hà Nội. Đó là nơi ông luôn thích ngồi mỗi chiều. Sau này Thượng tướng Song Hào qua đời, khi chọn chỗ lập bàn thờ ông, thay vì chọn một nơi hợp với phong thủy, với tuổi tác của người thân trong gia đình, con cái ông đã quyết định lập bàn thờ ông ở ngay vị trí cái giường ông từng nằm, trong căn phòng ông ở suốt mấy chục năm khi còn sống, để dù đang ở một nơi xa xôi nào đó thì mỗi buổi chiều, khi ô cửa sổ mở ra, ông vẫn có thể nhìn thấy cột cờ Hà Nội, vẫn có thể ngắm cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió…

Kết hôn 2 năm mới thực sự thấm tình vợ chồng
Bà Nguyễn Thị Phương – phu nhân của cố Thượng tướng Song Hào đã bước qua tuổi 94, tai đã không còn nghe rõ và thường mệt mỏi vào những ngày thời tiết trở lạnh như thế này. Thế nhưng bà vẫn dành cho tôi một buổi chiều để trò chuyện về người chồng đã khuất của bà, về những kỷ niệm mà ông bà đã từng có với nhau trong suốt cuộc đời mình. Khi kể lại những câu chuyện quá khứ, càng về sau giọng bà càng sang sảng, say mê; dường như được hồi tưởng lại những câu chuyện của mấy chục năm về trước, khiến bà vui hơn và trẻ hơn…
Vợ chồng cố Thượng tướng Song Hào đều cùng quê ở xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, Nam Định. Ông bà thành vợ thành chồng từ trước khi đi theo cách mạng, từ cái thuở ông bà mới 17 – 18 xuân xanh, quen nhau do hai người chị gái mai mối. Ngày trẻ, bà Nguyễn Thị Phương đẹp có tiếng. Bà là hoa khôi trong vùng, lại tháo vát, nhanh nhẹn nên được nhiều thanh niên gia đình giàu có nhờ người đến hỏi về làm vợ. Nhưng cha mẹ bà không phải là những người tham giàu sang phú quý. Khi con gái đến tuổi cập kê, mẹ bà lúc đó dù đang năm trên giường bệnh vẫn không quên gọi con vào dặn dò: “Con đừng lấy chồng giàu. Lấy chồng giàu về bị người ta đối xử không tốt, bắt làm quần quật. Cứ thấy người nào gia đình nghèo khó nhưng tốt tính, hiền lành, con hẵng lấy”. Thượng tướng Song Hào (tên thời trẻ là Nguyễn Văn Khương) – khi đó mới là một chàng trai 17 – 18 tuổi là người được mẹ bà ưng lòng hơn cả. Bà Phương kể: “Anh Song Hào mồ côi từ nhỏ, sống cùng chị gái, nhưng hiền lành, tốt bụng. Mẹ tôi nhìn thấy ưng lắm, thế là tôi được gả về làm dâu nhà anh Song Hào”.
Đến với nhau do mai mối chứ không phải do tình yêu, nên thời gian đầu, tình cảm của ông bà dành cho nhau rất gượng gạo, ngại ngùng. Lúc còn sống, Thượng tướng Song Hào trong những lần trò chuyện vui vẻ thường kể lại cho các con, hôm đi ông đến nhà bà đón bà về làm vợ, bà vẫn còn dùng dằng chưa muốn lấy chồng nên trốn ra đống rơm ngồi rồi ngủ quên luôn ở đó…
Thời gian đầu về sống chung, vừa vì ngại ngần, vừa vì chưa có tình cảm, bà chẳng bao giờ nói với ông một lời, thỉnh thoảng nhớ nhà lại trốn về nhà mẹ đẻ ở vài ngày. Ông làm nghề thêu kiếm sống, buổi tối thường về muộn, nhưng lần nào về đế nhà, bà cũng đã khóa cửa phòng rồi giả vờ ngủ, buộc ông phải trèo qua vách tường vào phòng ngủ. Những hễ lúc ông vào đến giường, vừa đặt lưng nằm xuống, bà lại ngồi dậy, lui xa ra một góc.
Ngày đó Thượng tướng Song Hào đã phải tìm mọi cách để bắt chuyện với người vợ mới cưới. Lúc thì ông cố tình để chiếc đèn thêu ngoài hiên nhà nhờ bà cất rồi mới đi làm, lúc thì ông nhờ bà cùng giã gạo giúp bà chị gái bán hàng xáo. Kiên nhẫn như thế suốt hơn 1 năm trời, ông mới dành được tình cảm của bà để chính thức bắt đầu cuộc sống vợ chồng thực sự.
Đó cũng là thời điểm Thượng tướng Song Hào bắt đầu giác ngộ cách mạng. Tin tưởng vào con đường mình đã chọn, ông động viên vợ cùng làm nhiệm vụ gây quỹ cho Đảng hoạt động. Quê của Thượng tướng Song Hào cách Tp. Nam Định  8km. Ông thường lên thành phố bắt liên lạc với tổ chức qua một cơ sở là một quán ăn. Mỗi lần đến nơi, nếu thấy chiếc khăn mặt vắt trên dây theo quy ước của tổ chức, biết là an toàn ông mới bước vào quán. Nhưng một lần không biết vì sao mà thông tin bị lộ, giặc Pháp đã biết được bí mật đó. Chúng vẫn để cái khăn mặt treo trên dây phơi để giăng bẫy bắt ông. Thượng tướng Song Hào bị địch bắt năm 1940, đúng lúc phong trào cách mạng đang sôi nổi.
Hôm quân Pháp áp giải ông về làng khám nhà, vợ ông đang ở đầu làng, nghe tin chồng bị bắt vội về nhà giấu hết những giấy tờ, tài liệu quan trọng. Bà cùng kịp thời thời đánh động cho hai cán bộ Đảng mà bà nuôi giấu trong nhà đi trốn trước khi giặc đến. Vì thế mà giặc Pháp không có thêm chứng cứ gì để kết tội thêm cho ông. Dù vậy Thượng tướng Song Hào vẫn bị xử 14 năm tù khổ sai, bị đưa đi qua nhiều nhà tù cho đến khi vượt ngục thành công năm 1944.
Ngày ông bị giặc Pháp giải đi, vì cố chạy theo ôm ông mà mẹ con bà bị giặc Pháp đánh cho một trận nhừ tử. Ông bị địch bắt đi tù giữa lúc con thơ còn nhỏ dại, gia cảnh khốn khó, hàng xóm lại xa lánh vì sợ liên lụy nhưng bà vẫn cắn răng chịu đựng mọi điều. Hồi mới cưới nhau, theo phong tục của cả làng, ông bà phải nấu xôi, mổ lợn để mời làng. Vì nhà nghèo, ông phải đi vay tiền làm đám cưới rồi sau đó hai vợ chồng nai lưng ra trả nợ. Đến lúc Thượng tướng Song Hào bị bắt, con trai ông bà đã gần 3 tuổi, mà món nợ ấy vẫn chưa trả xong, bà vừa làm trả nợ, vừa nuôi con, chờ chồng ra tù, vừa hoạt động cách mạng.
Tháng 9 năm 1944, Thượng tướng Song Hào cùng với một số tù chính trị ở nhà tù Chợ Chu (Việt Bắc) đã vượt ngục thành công và quay trở lại với cách mạng. Đây cũng là khoảng thời gian Thượng tướng Song Hào cùng với Đại tướng Võ Nguyên Giáp tích cực làm việc để xây dựng ATK thành chiến khu cách mạng vì nhận định đây là một nơi hoang vắng, địa bàn hiểm trở, thích hợp với việc xây dựng một căn cứ an toàn cho đầu não cách mạng trong cuộc chiến còn gian khổ phía trước. Là người có tài thương thuyết, Thượng tướng Song Hào là người đã có công giải phóng 6 tỉnh Cao – Bắc – Lạng – Tuyên – Thái – Hà mà không hề phải đổ một giọt máu. Ngày đó ở những tình này có những đồn lính khố xanh, khố đỏ của giặc Pháp đóng làm nhiệm vụ cai quản cả vùng. Thượng tướng Song Hào đã vào thẳng đồn địch, thuyết phục lính khố xanh, khố đỏ trong đồn đầu hàng mà không phải nổ một tiếng súng. Đó là  một chiến công lớn của vị Tướng thành Nam những ngày cách mạng còn non trẻ.



Những hi sinh chẳng phải ai cũng biết
“Phía sau một người đàn ông thành công, luôn có bóng dáng của một người phụ nữ”, phía sau cuộc đời mỗi vị Tướng thời chiến của đất nước ta, luôn có bóng dáng một người vợ tần tảo, hi sinh hết mình cho chồng con. Đó là điều tôi đã rút ra sau khi may mắn được quen biết rất nhiều gia đình các vị Tướng. Những điều tôi nghe kể khi gặp gỡ gia đình Thượng tướng Song Hào càng khiến tôi tin vào điều đó.
Trong suốt cuộc đời mình, bà Phương luôn là hậu phương vững chắc của Thượng tướng Song Hào. Khi lên chiến khu sống và làm việc, Thượng tướng Song Hào đã cho người về Vụ Bản đưa cả vợ con lên, nhưng ông vẫn làm việc một nơi, vợ con ở một nơi, cách nhau vài cây số, mỗi khi được nghỉ, ông lại tạt qua nhà thăm vợ con một lúc rồi đi. 3 người con sau đó của ông bà cũng lần lượt ra đời trên chiến khu.  Thời trẻ, bà là người phụ nữ nổi tiếng vừa mạnh mẽ, vừa đảm đang. Đã có lần hồi sống ở Tuyên Quang, bà đứng lên cái mỏm đất cao giữa làng, hô hào cả làng cho con đi bộ đội đánh giặc. Nhà nào vẫn còn do dự, bà lại vào tận nhà thuyết phục họ bằng đồng ý mới thôi.
Dù là cán bộ cao cấp của cách mạng, nhưng hoàn cảnh sống của gia đình Thượng tướng Song Hào khi ấy cũng không hề dư dả. Bộ đội như ông ngày đó không hề có lương, chỉ có phụ cấp, mọi chuyện sinh hoạt, ăn uống trong nhà, hầu như đều phải trông cậy vào sự tháo vát của bà. Ở chiến khu, bà vừa trồng rau, nuôi lợn, tăng gia sản xuất, sao cho đủ để nuôi con và để mỗi dịp ông về qua nhà, dẫn theo một tiểu đội, bà vẫn có thể nấu cho ông và các đồng chí một bữa cơm giản dị. Sau khi tiếp quản Thủ đô, trở về sống ở Hà Nội trong ngôi nhà 28 Điện Biên Phủ, bà vẫn là người gánh trên vai phần lớn trách nhiệm nuôi dạy con cái, để ông yên tâm hoạt động cách mạng.
Hồi mới về Hà Nội, đã có khoảng thời gian bà đi làm nhà nước theo giờ hành chính, nhưng thấy làm hành chính lương thấp, trong khi con cái ở nhà nheo nhóc, không người chăm sóc, bà lại bỏ về nhà nuôi lợn, trồng rau, hái từng quả roi, quả ổi trong vườn đem bán, chấp nhận vất vả để nuôi con, vì không đành lòng thấy con khổ. Ngày đó ông có chế độ ăn riêng theo chính sách của quân đội, còn chuyện ăn uống của các con, bà phải một mình cáng đáng. Mỗi bữa ăn, bà thường nhường con phần cơm, còn mình ăn phần cháy. Nhưng có bữa đang cầm miếng cháy định ăn, cậu con nhỏ của bà đã nói: “Mẹ ơi con thích ăn cháy”, bà lại nhường miếng cháy đó cho con, còn mình thì nhịn đói. Các con bà lớn lên có phần không nhỏ là nhờ sự tần tảo ấy của bà. Chứng kiến sự hi sinh, tảo tần của vợ, Thượng tướng Song Hào rất yêu và tự hào về vợ mình. Khi còn sống, ông luôn để cái ảnh bà chụp năm 40 tuổi treo ở góc tường phía cuối giường ông nằm. Có lần bà hỏi ông sao không treo ở chỗ khác cho đẹp mà lại treo ở chỗ đó, ông nói: “Treo ở đây để tôi luôn được ngắm bà”. Chẳng mấy khi ông nói ra những câu lãng mạn như thế. Nhưng mỗi câu nói, bà đều cảm nhận sự chân thành tự đáy lòng ông.

(Còn tiếp)
Hương Thảo Nguyên 


1 nhận xét:

Nặc danh nói...

Bài hay. Có thế mới hiểu thế hệ các cụ sống và hy sinh thế nào.