Thứ Tư, 27 tháng 3, 2013

Chị Niệm với lính Trỗi (Quang VIệt)

Chị, em phải 3 năm mới gặp nhau.

Thời gian trôi nhanh thế. Mới đó còn tin đi tin lại hẹn nhau ngày giờ lên đường về lại Quế Lâm thăm trường cũ, thế mà thấm thoắt đã 3 năm trôi qua. Hôm rồi, chị Lư Mỹ Niệm qua Việt Nam công tác, có dịp chị em gặp nhau, những kỷ niệm về chuyến đi ấy lại ùa về, nao lòng.

Đến thăm Quán cà phê của Hồng Thanh. (Vắng ông chủ). 

Cô và trò sang VN lần này.
Xa Quế Lâm từ mùa hè 1967, đến 2010 là đã 43 năm. So với lịch sử, khoảng thời gian 43 năm chỉ là cái chớp mắt. Nhưng với một con người thì 43 năm đã là quá nửa cuộc đời. Khóa 2 rời Quế Lâm ở cái tuổi “bẻ gẫy sừng trâu” hoặc hơn một chút. Đến thời điểm 2010, người trẻ nhất của Trỗi 2 cũng đã bước vào tuổi 60. Bốn ba năm của Trỗi 2 trôi qua với biết bao biến cố: Tốt nghiệp lớp 10 rời Quế Lâm về nước, nhập ngũ, rồi 80% được gửi sang Liên Xô học ở các Học viện, nhà trường quân sự, số còn lại vào học ở ĐHKTQS và một vài ĐH khác. Sau khi tốt nghiệp, mối đứa đi một ngả. phục vụ ở những lĩnh vực khác nhau – đứa thành giáo viên, đứa làm nghiên cứu, đứa thì làm kỹ thuật ở các đơn vị…Rồi theo thời gian, trưởng thành dần cho đến lúc nghỉ hưu. Nhiều bạn giật mình, thấy mình chưa kịp làm gì nhiều thì đã già béng mất rồi.






Chị Niệm là người cực kỳ nhiệt tình  với dân Trỗi. Hôm đoàn mình sang Quế Lâm, chị cùng con gái Việt Hoa từ Quế Lâm về tận Nam Ninh đón đoàn, phối hợp với một số bạn TQ khác bố trí chỗ ăn, chỗ nghỉ cho đoàn, hướng dẫn đoàn đi tham quan các nơi. Ngay buổi tối đến Quế Lâm, vừa bố trí xong các phòng nghỉ cho quân ta ở KS Ly Giang thì chị nhận được tin anh Tạ - chồng chị phải vào cấp cứu ở BV QL. Thế là 2 mẹ con tất tả sang BV (ngay cạnh KS) để trông nom anh. Chị cũng chẳng thông báo với ai. Mãi sáng hôm sau, khi mình đợi mãi chẳng thấy chị xuống nhà để cùng đi ăn sáng (theo lời hẹn từ hôm trước), gọi điện cho chị thì chị mới bừng tỉnh và nói rằng chị vừa chợp mắt sau một đêm thức trắng. Khi đó mình mới biết. Chị dẫn mấy đứa cùng đi ăn sáng , xong thì dẫn bọn mình vào thăm anh Tạ. Trên đường đi, chị ghé mua sữa và bánh cho anh.  Sau bữa đó, từ sáng hôm sau trở đi, mình với Hồng Thanh (ở cùng phòng trong KS) sáng nào cũng mua bánh và sữa mang vào viện cho anh Tạ. Hôm rồi, gặp nhau, chị bảo anh Tạ chẳng nhớ tên các chú, nhưng cứ nhắc mãi chuyện một chú thấp (QV) một chú cao (HT) hôm nào cũng vào thăm anh, nhưng chuyên môn mua nhầm phải loại sữa giành cho con nít uống.  Suốt đợt du lịch đó, chị và cháu Việt Hoa vừa phải chăm sóc anh Tạ trong BV, lại vừa bố trí thời gian giúp quân ta trong các hoạt động tham quan, dự chiêu đãi, giao lưu…
Chị Niệm sang VN lần này là đưa sinh viên TQ đến thực tập tiếng Việt ở trường ĐH Ngoại thương. Chị sang từ mấy hôm trước, nhưng mãi đến hôm thứ Sáu vừa rồi chị mới liên lạc. Chị bảo: “Sợ phiền các chú”. Nhận được phôn của chị, mình hẹn thứ  7 sẽ bố trí đưa chị đi chơi. Chị hẹn chiều thứ 7 đón chị. Đi cùng chị sang VN có 1 cô học trò của chị mà bây giờ đã thành đồng nghiệp. Tên cô bé là Trân. Biết tiếng Việt (đã học 1 năm ở HN) nhưng chưa giỏi bằng cô giáo.
Đúng hẹn, mình đến khách sạn đón chị và bé Trân (SN 1987). Đầu tiên, chị muốn đến thăm gia đình Vũ Hồng Thanh. HT đang ở Pháp, ở nhà chỉ có phu nhân Bình. Bắt taxi đến 2F Quang Trung. Bình đãi kem và bánh kiểu Pháp các loại. Trò chuyện, trao quà xong, mình đưa 2 người lên tầng 2 Nhà hàng Thủy tọa Bờ Hồ ăn tối. Trong bữa ăn, có giàn nhạc dân tộc biểu diễn phục vụ. Cô ca sỹ mang cả nón quai thao đội cho bé Trân và chị Niệm. Cả ba ăn uống ngon miệng, chuyện trò vui vẻ, nửa tiếng Việt, nửa tiếng Hoa. Theo KH, hôm sau bé Trân về TQ. Mình rủ bé ở lại để tham gia chuyến picnic với Trỗi 2 mà bé ko ở vì đã mua vé rồi. Chỉ có chị Niệm đồng ý sau một chút lưỡng lự vì đã có kế hoạch đến thắp hương cho Lê Bình. Kế hoạch đó được bố trí lùi lại vào ngày thứ 2 (25/3).
Sáng sớm CN, mình cùng Viên Thạch (K9) đến đón chị Niệm ở KS trên phố Cầu Gỗ. Trên đường đi, dừng ở Lý Văn Phúc đón Giao (K2). Đến đoạn từ Hai Bà Trưng rẽ sang Hàng Bài, mải chuyện, VT đưa xe sang làn đường xe máy. Một chú áo vàng xuất hiện tuýt còi. VT bình tĩnh xuống xe.  Cậu áo vàng đọc “cáo trạng”: “Chị đi sai làn đường”. VT quay vào xe lấy giấy tờ. Giao hỏi: “Có cần “Thượng phương bảo kiếm không?”.  VT: “Vâng, chú xuống với cháu”. Hai người sang bên bốt CA. Sau cú điện thoại, mọi việc qua. Lên xe, Giao bảo: “Phải gọi cho 1 thiếu tướng CA mới xong”.
Chuyến pícnic diễn ra cực kỳ vui vẻ. Bên hàng xóm của Thái Dũng có việc, nhiều xe cộ vướng đường nên địa điểm giao lưu được chuyển qua trang trại Hữu Thành- Hòa Bình. Chủ điểm chính của bữa giao lưu là “lợn nuôi bằng cám”.  Viên Thạch vừa rời tay lái, nhập ngay vào đám “chị nuôi”. Bạn K9 này rất nhiều tài, trong đó có tài nấu nướng.
Tất cả đều tuyệt vời, nhưng tuyệt vời nhất là màn văn nghệ sau bữa ăn. Thái mang theo một cây Ghi-ta, nhưng do không kiểm tra trước, đàn bị đứt 1 dây. Đức Duy hí hoáy một lúc thì sửa xong từ trước khi vào tiệc. Cơm no, rượu say, cả hội vây quanh cây đàn Ghita số 1 của Trỗi 2 – Trần Đức Duy (đồng thời cũng là một trong những giọng ca mượt mà nhất khóa). Thôi thì có bao nhiêu ca khúc trong kho Trỗi lôi ra bằng hết: Trường ca TSQ NVT của thầy Hồng Tuyến, các bài hát thời chống Pháp (Nhạc rừng, Tiểu đoàn 307, Diệt phát xít, Tầm vu…), các bài hát thời chống Mỹ (Không cho chúng nó thoát, Chiến sỹ Giải phóng quân, Bước chân trên dải Trường Sơn…), các bài hát Nga (Chiều Matscova, Đôi bờ, Tuổi thanh niên sôi nổi, Cánh đồng Nga, Chim Họa mi…), các bài hát Trung quốc từ thời Quế lâm (Ra khơi nhờ tay lai vững, Chủ nghĩa xã hội tốt - Xưa huây chu ý hao…) rồi những bài hát hiện đại (Mùa hoa đỏ, các bài về Hà nội…).  Chị Niệm đơn ca bài Chiều Matscova bằng tiếng Hoa rất hay. Hát hò phải đến 2 giờ đồng hồ mà mọi người vẫn còn muốn hát tiếp.
Cuộc vui nào rồi cũng phải đến hồi kết thúc. Mọi người kéo nhau ra chụp ảnh lưu niệm trước khi lên đường sang trang trại Thái Dũng. Chia tay vui vẻ và lưu luyến, hẹn nhau ngày nào đó lại lên.
Viên Thạch là người cực kỳ chu đáo. Cháu đã lần lượt đưa hết mọi người về các địa điểm khác nhau. Nói chuyện với Lan Hương về chuyến đi, cháu cứ tiếc là đã không thể tham gia.
Chị Niệm rất vui vì đã có một ngày tuyệt vời bên lính Trỗi. Chị bảo mấy bữa nữa chị lại sang. Sáng nay chị đã tạm biệt VN, lên đường về nước.
Giá như chúng mình chỉ có những mối quan hệ hữu hảo, thân thiện như thế thì tuyệt vời biết bao.
MỜi xem slide show!

8 nhận xét:

TranKienQuoc nói...

Đúng là tình cảm của chị em ta không thể phai nhạt cho dù bè lũ lãnh đạo BK luôn bá quyền.

Đàm Thị Ngọc Thơ nói...

Thật cảm động phải không QV.Và cũng thật hạnh phúc khi người ta luôn nghĩ,nhớ và yêu thương ,trân trọng nhau,giữ mãi nhau trong cuộc đời mình,khiến ta giàu có bội phần.

Viên Thạch nói...

Đúng là Lan Hương không đi chuyến này sẽ tiếc đấy !

TranKienQuoc nói...

Lại có còm của cô Thơ. Ở tận Cà Mau mà cô luôn chia sẻ với bạn bè ngoài Bắc. Vui quá! Thế giới này phẳng thật, gần thật.

QV nói...

Lan Hương đừng bỏ lỡ cơ hội đi Nghĩa Lộ lần này nữa nhé.

QV nói...

Cô Thơ ở tận Cà mau,
Có In-to-nét làm cầu giao lưu.
Chúc cô dù đã nghỉ hưu,
Lúc nào cũng có thật nhiều niềm vui.
Năm nay cố gắng, cô ơi,
Đến mùa Thu tới ra chơi ngoài này.
Cô trò mình lại sum vầy,
Lại vui hết cỡ, những ngày bên nhau.



Nặc danh nói...

Có khác gì 'lúc Cà Mau'
Cô, trò vui sướng, cười đau hết mình
Trên xe đã tán linh tinh
Xuống xuồng lại hát 'ình ình' khúc sông
Gặp mưa tạt ướt cả... mông
Nhưng đoàn dũng sĩ vẫn không lo... sờ (sợ)
Vẫn phi, vẫn hát, vẫn thơ
Lính Trỗi cùng với cô Thơ Mau Cà...

Nặc danh nói...

Tôi và chị Lư Mỹ Niệm gặp nhau vào 8-2003 khi chị tham gia Đoàn tp Quế Lâm sang dự lể kỷ niệm 50 năm thành lập Trường thiếu nhi Việt nam tại QuếLâm(25-8-1953-25-8-2003),mà tôi được theo học.
Gia đình chị Niệm trước cách mạng tháng 8-1945 sinh sống tại Hải Phòng ,sau đó tản cư lên Hà Giang.Trong nhà có một thanh niên người Việt được nhận là con nuôi tên là Lư Minh. Anh Lư Minh sang Vân Nam tham gia du kích do Đảng cộng sản lãnh đạo chống lại Quốc dân đảng cho đến ngày cách mạng Trung Quốc thành công,anh trở thành cán bộ.Năm 1953 Chính phủ Trung Quốc tiếp nhận Trường thiếu nhi Việt Nam .Anh Lư Minh được phân công làm cán bộ phiên dịch cho Trường. Anh Lư Minh năm 1955 đón hai chị em Lư Mỹ Niệm (sinh 1945),Lư Vĩnh Thắng (sinh 1947) đến Quế Lâm học tập ,với tiêu chuẩn là học sinh hoa kiều. Chị Niệm sau này là học sinh Trường trung học số 1 thành phố Quế Lâm (chúng ta thường gọi là "Y Trung ").Sau khi chị tốt nghiệp cấp 3, lúc đó nhân dân tiến hành cuộc chiến tranh chống Mỹ ,chị tham gia quân đội làm phiên dịch,dây tiếng Việt cho học viên quân sự Trung Quốc sang giúp Việt Nam. anh Lư Vĩnh Thắng sau này làm việc tại Sở ngoại vụ thành phố Quế Lâm . Chị Niệm tham gia công tác giảng dậy tiếng Việt tại Quế Lâm, Nam Ninh .Chị rất gắn bó với Việt Nam,với các thế hệ học sinh Việt Nam từng học tại Quế Lâm,đặc biệt là các thế hệ học sinh Trường Miền Nam . Chị được phân công làm hị là phiên dịch cho Trường Miền Nam,cho Hiệu trưởng Y Ngông . Chị Niệm luôn mong muốn nhân dân hai nước Việt -Trung sống bên nhau trong quan hệ hữu nghị .
Cám ơn bài viết của Quang Việt . Kháng Chiến