Bọn con trai lớp tôi đã tụ tập trước
cổng trường để bàn tán về trận đánh nhau buổi sáng ở sân bóng Long Biên, nên
khi nghe Thép “thông báo” về trận đánh nhau chặn đường vừa xảy ra thì tất cả
đều quay sang nhìn tôi. Đàn Đại bàng đang chờ đợi một tín hiệu ở con đầu đàn!
Tiết học thứ nhất vừa kết thúc, chờ
cho Thầy giáo dạy toán bước ra khỏi cửa lớp, tôi đứng lên lẳng lặng đi một mình
về phía lớp 10H. Tôi không cho ai đi theo. Bọn con trai 10H đang đứng hết ở
hành lang cùng tầng 3 với lớp tôi. Thấy tôi đi tới, cả bọn đều cúi mặt xuống mà
không dám nhìn thẳng.
Tôi cất giọng lạnh lùng hỏi:
-
Sao?
Đánh nhau cậy đông, chặn đường, có sư phụ mà lại phải bỏ chạy à? - Không thấy
thằng nào ngước lên, tôi nói tiếp - loại tiểu nhân tao không thèm chấp, bây
giờ tao hỏi có thằng nào dám đánh một – một với tao không?
Vẫn là cái yên lặng
của một đám người.
– Một-hai? Một-ba? Thôi được rồi, suy nghĩ đi, từ giờ cho
đến hết buổi học bất cứ lúc nào nếu thằng nào nhận đánh thì viết “chiến thư”
đưa sang, nhớ ghi rõ địa điểm, thời gian.
Tôi quay người đi về lớp mình trong
cái tĩnh tại của bản thân mình và cái yên ắng của tập thể con trai lớp 10H.
Trước khi bước vào tiết học cuối cùng
của buổi chiều, tôi nhận được “chiến thư” của một thằng lớp 10H, hẹn ở cổng
Công viên Thống Nhất đối diện với Hồ Thuyền Quang, thời gian sau buổi học
chiều.
Tất cả con trai lớp tôi đều rất hào
hứng để chứng kiến một trận đánh trong đó người bạn của họ là nhân vật chính.
Không ai hoài nghi về sức mạnh và sự quyết liệt mà tôi có sẵn, vấn đề chỉ là
chứng kiến việc tôi hạ thủ thế nào.
5 giờ 30 chiều, trống trường điểm giờ
tan trường. 5 giờ 45 gần như tất cả bọn con trai của lớp chúng tôi đã có mặt ở
cổng công viên, không hề có một thằng nào có mặt như đã hẹn. 6 giờ rồi, mặt
trời đã lặn ở phía bến xe Kim Liên hướng Tây, thay cho mầu vàng lúc tịch dương,
không gian đã chuyển sang sâm sẩm tối.
Cả toán con trai đang chán ngán vì
một thằng lớp 10H nuốt lời hứa, thì từ đường Quang Trung đi lại một đoàn xe đạp
hơn 10 chiếc, chiếc nào cũng chở hai người. Vừa đến gần cổng công viên, hơn 10
thằng ngồi sau nhẩy vội xuống, chạy cắt qua đường và quây tròn tôi ở giữa,
những thằng còn lại sau khi vứt xe đạp xuống vỉa hè cũng chạy sang và nhập vào
vòng vây. Một tình huống nữa xảy ra với tôi mà mức độ nguy hiểm đã tăng lên gấp
bội. Gần 20 thằng đều là một bọn lưu manh, được thuê để giải quyết chuyện va
chạm. Mặt thằng nào cũng sạm đen nguội lạnh không vương chút ánh mắt thân
thiện, áo thụng buông ngoài quần bên trong cộm lên các chuôi cán. Nhìn vào tôi
biết chúng dùng “đồ”, đa phần là rìu, búa, dao găm, côn nhị khúc. Hai ba thằng
cho tay vào trong áo vẻ mặt sẵn sàng động thủ.
Tôi liếc nhanh, trong đầu đã định sẵn
lối đánh phá vòng vây. Tôi tự tin vì trong tay còn có chiếc cặp sách, nó sẽ là
vật che chắn các đòn dao búa. Nhìn sang các bạn lớp tôi, họ đứng yên vẻ mặt ngơ
ngác căng thẳng trong một tình huống không ngờ. Tôi tự liệu: Phá vòng vây tôi
sẽ thoát nhưng các bạn tôi ở lại sẽ gặp chuyện gì? Nhất định đó là sự bất ổn và
từ xưa đến nay không bao giờ tôi chọn cách thoát một mình, tôi luôn luôn là
người sau cùng!.
Tôi chỉ mặt thằng gửi thư “thách đấu”
lớp 10H nói: “Tao với mày đánh luôn”. Thằng này nhìn tôi rồi trả lời “tôi đánh
thế nào được ông, nhưng vì ông hạ nhục bọn tôi quá!!!”. Đúng là thằng hèn,
không dám đánh nhưng vẫn thách đấu, đến cả lúc này khi có một bọn thuê đến hùng
hổ làm chỗ dựa mà vẫn không dám đánh.
Mấy thằng lưu manh được thuê đến dáng
chừng sốt ruột, cứ sùng sục muốn hạ thủ tôi. Trước tình thế đó tôi chủ động nói
luôn:
-
Hôm
nay, mày thách đấu mà không dám đánh, tao nói trước nếu tao bị thương tất có
người trả thù cho tao, nếu tao chết mạng mày sẽ phải đi theo. Còn bây giờ thích
làm gì thì làm đi.
Tất cả mọi người có mặt đều im lặng,
các bạn lớp tôi đều căng thẳng nhìn tôi để chờ đón một sự diễn biến tiếp theo
ngoài dự kiến. Bọn kia cũng chùn lại khi gặp một đối tượng sòng phẳng không bị
mềm yếu sợ hãi, hình như chúng cũng biết tôi là em của các thế hệ học sinh
trường Nguyễn Văn Trỗi – gọi tắt là Trỗi, những người vẫn có ảnh hưởng trong
lứa thanh thiếu niên thời ký 1970-1975 ở Hà Nội, nhất là trong chuyện va chạm
đánh nhau. Học sinh Trỗi để lại dấu ấn đậm nét về tình đoàn kết và sẵn sàng đối
đầu.
Trước lời tuyên bố của tôi, một thằng
trông “cứng” tuổi và “sạn” mặt của đám thuê đến đứng ra nói:
-
Thôi,
mày đã nói thế thì ta biết nhau rồi, tao đứng ra giảng hòa chuyện này. Bọn
thằng Hòa không được khiêu khích nữa. Còn Trung mày đừng kiêu ngạo quá- quay
sang tất cả bọn đi theo hắn nói- Rút thôi, hôm nay không động thủ.
Bọn chúng nhảy lên xe đạp kéo nhau
đi, con trai lớp tôi cũng từng tốp đi về.
Hôm đó là ngày thứ bảy, anh Phan Nam
ở Vĩnh Yên về Hà Nội. Chiều tối anh qua nhà tôi . Nhìn thấy anh, nhất là khi
anh hỏi câu đầu tiên về việc luyện tập của tôi, tôi uất quá nước mắt trào ra.
Biết là có chuyện khác thường, anh bắt tôi kể lại toàn bộ câu chuyện. Tôi trấn
tĩnh kể lại một ngày đặc biệt đó: sáng đấu bóng – đánh nhau, trưa đi học – đánh
nhau, chiều: Nhận lời đánh nhau – gặp nguy hiểm. Tôi không phải là cậu thanh
niên hiếu chiến mà là con người cương cường, chuộng đạo nghĩa, bất khuất. Dường
như sự uất ức của tôi cũng lan truyền sang anh Phan Nam, nhất là sự tự trọng,
anh nói: “Trung đưa anh đi gặp bọn nó luôn” với vẻ mặt dứt khoát. “Không được
anh ạ, nếu là đánh nhau thua thì phải đánh tiếp, còn bọn nó đã nhận là thua
không dám đánh với em rồi, làm sao mà bắt nó đánh được?”. Tôi nói đúng, nhưng
để đối chọi lại bọn dùng vũ khí là dao, anh Nam dạy tôi đánh khăn mùi –xoa, nếu
bọn dùng rìu búa thì cởi áo ra, dùng áo chống lại, bắt lấy dao búa. Đây là bài
học đầu tiên mà anh nói là lấy nhu chế cương (Dĩ nhu chế cương).
Còn sau đó bọn lưu manh được thuê để
hạ thủ tôi cũng có thằng bị trả giá. Khi bọn nó đang ngồi xổm trên ghế băng ở
quán nước chè phố Quang Trung đối diện hồ Thuyền Quang thì Vinh và anh Trọng
Thắng - học Trỗi khóa cuối với anh Nghị
nhà tôi ghé vào. Nhận ra mặt bọn này, Vinh nói với anh Trọng Thắng: “bọn này
hôm trước được thuê, cậy đông quay Trung đấy”. Hồi đó, có hai anh Quốc Bình và
Trọng Thắng là học sinh Trỗi cũng cầm đầu một băng có hạng ở Hà Nội, nên bọn
tép riu gặp là đều kính trọng, nghe thấy vậy anh Trọng Thắng liên tung hai cú
đá, hai thằng thụ đòn văng ra gần hết vỉa hè, anh nói: “Thằng nào động vào
thằng Trung thì tao giết”.
1 nhận xét:
Bắt đầu vào mạch đấy,gắng lên em.Anh chờ em-phải là người đàn ông đích thực.Xin lỗi-nếu ai xem cái còm này,cho là"thiếu khiêm"thì tôi sẻ nhận điều ấy.Nhưng với cá nhân-tôi thích cái thằng học trò của tôi lắm.
Đăng nhận xét