Thứ Sáu, 12 tháng 7, 2013

Giới thiệu sách mới: QUYỀN SƯ

Thay cho lời bạt

Tôi rất vinh dự được tác giả Quyền sư và cũng là người thầy dạy võ của tôi – võ sư Trần Việt Trung, cho phép chia sẻ những suy nghĩ khi đọc xong cuốn sách này.
Có lẽ rất lâu rồi trên văn đàn mới lại có một tác phẩm văn học phi hư cấu viết về các nhân vật là huyền thoại một thời trong giới võ thuật Việt Nam. Đặc biệt hơn, những nhân vật này đều là những tôn sư của môn võ được gọi là Vịnh Xuân quyền, vốn nổi danh qua những câu chuyện truyền khẩu và trên màn ảnh những năm gần đây.


Thế nhưng đây lại không phải là cuốn sách dành riêng cho người học võ. Dưới ngòi bút của tác giả hiện lên hai nhân vật, một thầy một trò, một già một trẻ, một Hoa một Việt… với biết bao biến động, thăng trầm cuộc sống trong một giai đoạn lịch sử vô cùng đặc biệt, mà giữa họ lại có những nét tương đồng kỳ lạ về tình cảm, tính cách và số phận.
Có hai nơi đặc biệt quan trọng đối với một con người, đó là nơi người ta sinh ra và nơi nhắm mắt từ giã cõi đời này.
Cụ Nguyễn Tế Công, một cao thủ tuyệt đỉnh ở Phật Sơn (Quảng Châu, Trung Quốc) sau nhiều chục năm lăn lộn nơi núi đao rừng kiếm, đã đến Việt Nam nương náu hơn 20 năm cuối đời để lánh xa mọi ân oán giang hồ. Đất nước Việt Nam chính là quê hương thứ hai và hơn 20 năm đó có thể coi là giai đoạn đắc ý nhất trong cuộc đời võ thuật của cụ. Phải chăng đến lúc “rửa tay gác kiếm” trong điều kiện cư ngụ khá yên bình, cụ mới có đủ thời gian và tâm thế để tổng kết và truyền dạy học thuật của cụ mà Vịnh Xuân quyền chỉ là nền tảng? Bởi vì, là một nhân tài kiệt xuất, sở học của cụ Nguyễn Tế Công rất đa dạng và phức tạp, lại trải qua những thử thách khắc nghiệt, nhiều lần cận kề với cái chết, cụ đã đúc kết những kiến thức võ thuật vô giá cho riêng mình?
Đó phải chăng cũng là lý do để giải thích cho một câu hỏi hóc búa trong giới võ thuật: tại sao những nội dung Vịnh Xuân quyền được biết đến hiện nay ở Trung Quốc và trên thế giới thì các học trò của cụ ở Việt Nam cũng có; nhưng ngược lại, nhiều nội dung cụ dạy các đệ tử ở Việt Nam thì các trường phái Vịnh Xuân quyền khác lại không có! Và phải chăng nguồn gốc Vịnh Xuân quyền Việt Nam chính là Vịnh Xuân quyền Nguyễn Tế Công?! Nếu đúng như thế thì những vấn đề đặt ra từ cuốn sách này có thể trở thành tiền đề cho những nghiên cứu khác về một trường phái võ mang tên người sáng lập ra nó chăng!
Đến với môn võ này khá muộn, tôi không có may mắn được tiếp xúc nhiều với thầy Ngô Sỹ Quý và không có hạnh phúc được thầy trực tiếp chỉ dạy. Thế nhưng đọc Quyền sư, tôi đã gặp lại một chân dung đầy đủ và tin cậy nhất được viết ra với tất cả lòng yêu thương, kính trọng, thương nhớ của võ sư Trần Việt Trung, một trong những đệ tử đích truyền tâm giao gần gũi của thầy Ngô Sỹ Quý. Tôi tin rằng nhưng ai đã gặp, từng gặp và chưa gặp thầy Ngô Sỹ Quý sẽ có chung suy nghĩ như tôi khi đọc cuốn sách này.
Với sự vị kỷ của người viết, tôi xin chia sẻ thêm hai điều tâm đắc được nghe thầy Ngô Sỹ Quý chỉ dạy.
Thầy dạy: “Học môn võ này không phải để đánh người mà để người không đánh mình”.
Thầy còn dạy: “Môn võ này dạy người ta biết thua, người biết thua thì không chết”.
Phải chăng, đó chính là “quân tử vô sở tranh”? Học thuật phải đến mức nào thì mới tự tin để người không đánh (được) mình, trình độ tu luyện phải đến đâu để mình có hơn người nhưng vẫn “biết thua” những lúc cần thiết. Đạo lý này hiện diện trong nhiều câu chuyện của Quyền sư. Và trên hết, tôi cảm nhận từ những lời dạy đó phép ứng xử mang cái đạo của võ áp dụng với con người văn minh trong thế giới hiện đại.
Bằng hình thức chương hồi, với ngôn từ giản dị nhưng biến hóa linh hoạt và giàu hình ảnh, Quyền sư kể cho chúng ta nghe những câu chuyện khác thường, đặc biệt hấp dẫn, mang những thông điệp bất biến về đời sống, tư tưởng và võ đạo, khiến người đọc cảm giác tiếc nuối khi phải gấp cuốn sách lại. Nhưng Quyền sư chưa dừng lại ở đây. Là câu chuyện có thực được truyền tải qua ngôn ngữ văn học, Quyền sư còn mang giá trị học thuật, đem đến những tư liệu quý về tình cảm, đạo nghĩa thầy trò thông qua cuộc trò chuyện của tác giả với thầy Ngô Sỹ Quý cùng nhiều hình ảnh ở các phụ lục, như là một phần không thể thiếu để làm nên sự toàn bích của cuốn sách này.
Hữu Việt


5 nhận xét:

Nặc danh nói...

Đọc những gì Hữu Việt giới thiệu thấy cuốn sách này không chỉ là sách võ thuật mà rất nhân bản, đời thường. Chúng tôi chờ sách được xuất bản. NXB Trẻ à?

Viên Thạch nói...

Đúng là đọc lời giới thiệu của anh Hữu Việt thì chưa nhìn thấy sách đã thấy hay rồi ! Không biết anh có biệt danh gì chưa chứ qua tài năng viết lời dẫn hay thế này VT chợt có nickname cho anh đấy ! Có một thứ thiêu thiếu ở đây là dù anh có rõ mười mươi tác giả thì cũng nên post kèm lên đây một tấm hình, không sách thì người để độc giả còn chiêm ngưỡng chứ ?

Viên Thạch nói...

À, lần đầu đọc thấy hai từ "lời bạt", không biết nguồn gốc và ý nghĩa của hai từ này như thế nào vậy nhỉ anh Hữu Việt ?

TranKienQuoc nói...

Lời bạt - gốc Tàu (như lời tựa).
Anh Hữu Việt là Phó TBT báo Phụ nữ Thủ đô đấy. Mê viết và mê võ. VT qua Quán Sứ là gặp liền, hoặc mời anh Việt ra Cafe Cung Văn hóa.

Nặc danh nói...

Tôi được Võ sư V.Trung đưa bản thảo đọc trên đường ta "ba lô" đi Phượt sang Lưỡng Quảng . Đến Quảng Đông có anh bạn quen đưa về Phật Sơn ,thăm miếu "Hải Thần" xây cách đây 800 năm.Trong Miếu có phòng trưng bầy về Vịnh Xuân Quyền , môn phái của võ sư Diệp Vấn.Tôi hỏi người bạn,hiểu ra rằng ,đất Phật Sơn sinh ra,phát tích của các võ sư nổi tiếng trong nhiều thời kỳ của Vịnh Xuân Quyên.
Cụ Tế Công là một trong những võ sư như vậy.
Khi đọc cuốn sách tôi hình dung được mạch giòng chảy của Vịnh Xuân quyền,về con người cụ Tề Công , truyền cho hai võ sinh một Hoa ,một Việt tại Hà Nôi trước 1940 .Tôi là một người được chứng kiến giòng Vịnh Xuân đó phát triển với sự đam mê, gắn bó của các võ sinh do thầy Quý học trò người Việt của cụ Tế Công truyền dậy.
Khi đọc cuốn sách tôi bị cuốn hút bởi tính trân thực,sự hấp dẫn của cách dẫn truyện của tác giả. Qua cuốn sách tôi nhận ra cách trình bầy uyên bác tri thức võ thuật Vịnh Xuân quyền của tác giả.
Tôi mong cuốn sách sớm được ra mắt bạn đọc. KC