Một lần, cụ Nguyễn Tế Công và hai
học trò ruột của mình là anh Cam Túc Cường và anh Ngô Sỹ Quý đi chơi bên Hồ
Hoàn Kiếm thì gặp một gánh bán thuốc mãi võ kiếm tiền. Người xem rất đông. Một
nam tử đang múa cây côn to. Anh ta điều khiển cây côn rất điêu luyện, tốc độ
ngọn côn rất cao, đứng gần chỉ nghe tiếng gió vù vù. Người xem trầm trồ nể
phục. Bỗng, cây côn vọt lên cao rồi rơi xuống, trang nam tử lấy hai tay đỡ, rồi
cắm thẳng xuống đất. Sau đó, chàng mời mọi người thử rút cây côn. Mấy người
tiến vào, cố sức bình sinh rút. Cây côn vẫn đứng tại chỗ như trời trồng. Anh
Quý nổi máu, định vào khoe nghề, liền bị cụ Nguyễn Tế Công véo tai lôi
lại:" Người ta đi múa võ mưu sinh, mình phải để người ta kiếm tiền
chứ!".
Một lần khác, trong khu phố cổ Hà
Nội có một võ sĩ người Hoa là Chung Sí Fù dạy võ kiếm sống. Muốn có nhiều học
trò thì cần nổi danh. Nghe cụ Nguyễn Tế Công là một võ sư rất có tài thuộc môn
phái khác, Chung Sí Fù liền ngỏ lời thách đấu. Anh Quý rất khó chịu muốn giữ uy
tín cho thầy mình, nên xin thầy cho phép mình phân cao thấp với hắn. Cụ Nguyễn
Tế Công nói: "Nó làm thế là vì miếng ăn thôi. Mày thắng nó, mày không giỏi
hơn, còn nó sẽ mất hết học trò, lấy gì ăn chứ!".
Một ngày kia, vào tháng ba năm
1945, Nhật đảo chính Pháp, giành quyền kiểm soát Hà Nội. Lệnh giới nghiêm toàn
thành phố, sau 9 giờ đêm, mọi người không được ra đường, nếu ai vi phạm, lính
Nhật sẽ xử tại chỗ. Không may, đêm ấy một người họ hàng của anh Quý bắt buộc
phải ra đường vì có người thân đang hấp hối. Một tên lính Nhật nhìn thấy, liền
tuốt trường kiếm khỏi vỏ. Nhát chém ngọt gọn. Anh Quý được tin, tìm đến cụ
Nguyễn Tế Công. Không quản hiểm nguy, hai thầy trò băng đêm đến nhà người bị
nạn để cứu chữa. Cụ Nguyễn Tế Công bảo anh Quý lau vết thương cho người bị nạn,
rồi cụ lấy một lọ thuốc bột, rắc bột
thuốc dọc vết chém, đặt gạc bông rồi băng lại. Cụ kê một đơn thuốc: "May
lắm, chỉ bị rách thịt, phổi không bị thương. Ba ngày nữa là hết đau. Hàng ngày
sắc thuốc cho uống. Không sao đâu!". Quả nhiên, ba ngày sau vết thương dần
se miệng.
Chuyện sau đây vừa bi vừa hài.
Cạnh nhà cụ Nguyễn Tế Thâm có một đôi vợ chồng. Anh rất hiền lành. Chị rất đanh
đá, thường quát nạt chồng, nhiều lần thượng cẳng chân, hạ cẳng tay khiến chồng
đau đớn mà vẫn cam chịu. Cụ nói với anh chồng để cụ giúp rồi nói với chị vợ:"Chồng
cô tốt lắm à, được sống với nó là tốt lắm đấy!". Chị liền lu loa nhạo báng
chồng. Chờ đúng lúc chị đang mồm năm miệng mười nói xấu chồng, cụ ra tay rất
nhanh, khẽ giật hàm dưới của chị. Thế là miệng chị không ngậm lại được nữa. Cụ
quay người bỏ đi. Lúc chồng về, hai người dẫn nhau sang nhà cụ lạy van. Cụ bảo
không được hỗn với chồng nữa thì cụ chữa cho. Chị không nói được vì mồm vẫn há
hốc, chỉ gật lấy gật để. Cụ lại ra tay rất nhanh, giật hàm chị về vị trí cũ.
Chị lặng đi vì đau rồi lắp bắp kính cẩn chào cụ ra về.
Đấy là chuyện về cụ Nguyễn Tế
Công. Bây giờ, xin dành ít dòng kể về người học trò xuất sắc của cụ là ông Ngô
Sỹ Quý, người mà tác giả Trần Việt Trung tôn làm thầy và đã nhận xét: "Cụ
Nguyễn Tế Công là bậc kỳ tài, thầy Ngô Sĩ Quý là bậc tài hoa".
Trong nghề võ, người thầy thường
chọn trò rất kỹ. Ông Quý được cụ Nguyễn Tế Công chọn, được theo học cụ từ tuổi
thiếu niên cho đến lúc trưởng thành. Năm 1946, ông Quý vào Vệ quốc đoàn, rồi rời
Hà Nội lên Việt Bắc. Từ đấy, thầy trò không gặp nhau. Nhưng ông Quý không bao
giờ quên công lao dạy dỗ của thầy.
Thầy Công rất kiệm lời, tận tình
và nghiêm khắc. Thầy dạy võ, còn dạy học trò cách sống. Học võ không phải để
đánh nhau, cũng không phải để mưu sinh mà để xây dựng nhân cách, rèn luyện bản
lĩnh con người. Thầy thường nói:"Học đi à. Cái nguy hiểm nó đến với mày
không có tao ở bên đâu". Thầy còn nói:"Học cái này có khi cả đời
không dùng đến nhưng nếu phải dùng là thoát chết". Nhân lúc vui, ông Quý
hỏi thầy Công:"Nếu luyện tốt, con có giỏi được như thầy không?" Thầy
bảo:"Không bao giờ, vì mày muốn giỏi bằng tao thì mày phải học phải luyện
như tao, làm những việc nguy hiểm như tao đã làm, hiểu biết và từng trải như
tao..." Ông Quý lại hỏi thêm:"Thầy có giấu nghề không, có sợ học trò
phản thầy không?" Thầy cười:"Dạy không cần giấu, chỉ sợ không học
được thôi. Không sợ phản đâu, nó phản hay không là do mình chứ không do nó
mà...".
Với một người thầy như thế, ông
Quý không bao giờ quên được. Ngày trở về Hà Nội, ông Quý cố sức tìm thầy nhưng
thầy đã di cư vào Nam và mất ở Sài Gòn năm 1959. Không được gặp thầy Công để
trả ơn nghĩa, thầy Ngô Sĩ Quý đã hết lòng truyền môn phái võ Vịnh Xuân Quyền
cho người học trò ruột là tác giả Trần Việt Trung và Trần Việt Trung đã noi
gương hai bậc sư phụ cố gắng viết "Quyền sư", góp phần gìn giữ một
môn phái võ rất đặc sắc ở Việt Nam, cũng là bày tỏ lòng biết ơn, trả nghĩa đối
với hai người Thầy đã quá cố mà anh vô cùng yêu mến và kính trọng.
Tôi là người đọc mê mải "Quyền
sư". Hai mẩu chuyện đầu nói về chữ tình (người). Hai mẩu chuyện giữa nói
về chữ nhân. Mẩu chuyện sau cùng nói về chữ nghĩa. Ba chữ này trong một kiếp
người cứ kín đáo, quấn quýt, lặng lẽ lặn vào nhau. Không có ba chữ này thì thế
gian ta đang sống không còn gì để nói nữa. Người đời xưa đã như thế thì người
đời nay hãy cảm rồi ngẫm, ngẫm rồi thấy và thấy rồi thì nhận. Hãy cảm nhận đầy
đủ chữ tình, chữ nhân và chữ nghĩa trong "Quyền sư".
Đại Kim-Hà Nội 1.9.2013
Trương
Tư Tần Quỳnh
9 nhận xét:
"Nhất tự vi sư, bán tự vi sư" - khi sang Mỹ tôi và Việt Trung (tác giả cuốn sách) đã giải thích câu nói của người Việt ta cho Rich, anh bạn người Mỹ.
Thầy Tế Công tôi chỉ được nghe chứ chưa gặp. Còn thầy Quý là bác của Hoàng Quốc Toàn bạn tôi ở Trỗi.
Toàn học bác từ những năm 1970. Đầu những năm 80, là lính ở miền trung du, lạnh, ẩm, cuộc sống khó khăn nên tôi bị bệnh hen phế quản khá nặng. Khó thở về đêm, mất ngủ trầm trọng nên đã về BV108 nhờ BS Toàn khám. Toàn bảo: Tập Vĩnh xuân đi. Tôi ngày ấy còn trẻ, mê cầm mỏ hàn, đồng hồ đi sửa máy móc điện tử vì nghĩa (không lấy tiền) nên không có thời gian tập.
Nhưng chính tôi là người đưa Toàn về nhà 99 giới thiệu với Tiến Long, Hữu Nghị, Việt Trung về môn phái võ này.
Cánh theo trường phái cương, thậm chí Long, Nghị từng dạy võ ở Liên Xô (và Long từng có đẳng cấp - đai gì đó và được mời làm trọng tài trong các trận thi đấu võ thuật ở Kirshinev) khi vào tay với Toàn thì không hiểu đây là võ gì mà không thể cất tay ra đòn. Và từ đó Toàn dạy 3 anh em, sau qua Toàn mà Long, Nghị, Trung... gặp thầy Quý.
Nhớ lần thầy đến nhà trò Trung, có gặp mẹ tôi. Từng nghe thầy đã 70 mà dám đánh trả lại 3 thằng thanh nêin định cướp xe Honda, mẹ tôi nói: "Đ/c lớn tuổi rồi, phải bảo trọng". Thầy cười: "Vâng, nhưng tôi có định đánh chúng nó đâu. Chỉ là phòng vệ thôi".
Những kỉ niệm ấy tôi nhớ mãi.
Để có thể viết nên những cảm xúc như thế này về Quyền Sư, có lẽ đều là những bậc cao nhân trong thiên hạ ! Cháu rất thích bài viết này.
TÌNH - NHÂN - NGHĨA!
VT thử hỏi anh Hữu Việt xem tác giả bài cảm nhận này là ai?
Chú KQ nói vậy thì cháu đoán ra đây là bài viết của ai rồi. Nếu "chẳng may" có gặp cháu sẽ khoanh tay kính chào Sí fù ! (dù không được nhận là Sí Tử)
Lối viết thế này làm cháu nhớ đến câu :
"Chở bao nhiêu đạo thuyền không khảm
Đâm mấy thằng gian bút... có tà ?" !!
Này, VT có khi đoán nhầm, vì chú cũng nỏ hiểu ra răng.
Chú KQ nỏ hiểu ra răng mà sao xui cháu hỏi anh Hữu Việt ? Hihi. Nhưng cháu cảm nhận được khá chính xác lối viết của gần hết mọi người rồi đấy !
Hỏi anh Việt để: may ra anh nghĩa lộ tác giả là ai.
Đọc quyền sư chỉ thấy danh và lợi, buồn
Trương Tư Tần Quỳnh là một nhà văn, chuyên viết tiểu thuyết, đã nghỉ hưu, năm nay ngoài 80 tuổi. Ông là cậu ruột (em mẹ) của anh Việt
Đăng nhận xét