Thứ Tư, 6 tháng 11, 2013

Tạp chí Gôn ngày nay: Chuyên mục “Nhân vật” số 59 - Cựu tuyển thủ bóng đá TRẦN TUẤN SƠN:


Golfer Trần Tuấn Sơn.
 GÔN MANG ĐẾN NHỮNG GIÁ TRỊ KHÁC BIỆT…
*
                                                                              HOÀI PHAN thực hiện



Là một trong những tuyển thủ bóng đá cùng thời với Từ Như Hiển, Cao Cường và Ba Đẻn…, Trần Tuấn Sơn trở thành một tiền đạo không thể thiếu trong đội hình Đội bóng đá Công an Hà Nội từ năm 1972 đến 1980. Những ngày sôi động và huy hoàng của bóng đá Việt Nam để lại dấu ấn không thể phai mờ trong tâm trí của anh. Nhân số chuyên đề về các tuyển thủ bóng đá trong nước và quốc tế sau khi giải nghệ chuyển sang chơi nghiệp dư hoặc thi đấu chuyên nghiệp môn gôn, anh đã dành cho Tạp chí GNN một cuộc trao đổi chân tình và đầy cảm xúc…


-         Thật ra, nhiều người biết đến tên tuổi của anh trong giới thể thao nghiệp dư thành phố là ở khả năng chơi tennis cực hay, khi anh còn đảm đương cương vị Chánh Thanh tra Cục Hải quan TPHCM. Cơ duyên nào đưa anh đến với môn gôn ?

Tôi biết đến môn gôn từ những năm cuối thập kỷ 90 của thế kỷ trước, khi sân tập gôn Rạch Chiếc bắt đầu khai trương, song một phần do còn bận công việc của một công chức Nhà nước, mặt khác, thời gian đó tôi còn quá đam mê tennis nên cơ hội đến với môn gôn mau chóng bị lãng quên.

Phải đến năm 2004, khi đất nước đã hoàn toàn mở cửa và hội nhập, đời sống của các tầng lớp nhân dân và cán bộ, công chức Nhà nước đã được cải thiện nhiều, làm nảy sinh nhu cầu giao tiếp thông qua chơi gôn của các doanh nhân, các nhà đâu tư nước ngoài, cán bộ lãnh đạo Nhà nước đã trở nên cần thiết và có tác dụng hỗ trợ tốt cho mục đích công việc. Cùng với một số bạn chơi tennis là chủ doanh nghiệp, chúng tôi được các bạn dã chơi gôn lâu năm rủ rê, lôi kéo trong đó có a Dương Thanh (hiện là Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội gôn TPHCM). Tôi bắt dầu mua sắm dụng cụ và lân la ra các sân tập dể nhìn lén các gôn thủ uốn éo thân hình, vung tay múa gậy rất dẹp mắt. Anh Dương Thanh dã bỏ ra 2 buổi hướng dẫn tôi ở sân tập Phú Mỹ Hưng và khoảng 2 tuần sau, đúng vào dịp lễ 30/4 anh đưa nhóm bạn chúng tôi (gồm anh Phạm Văn Hướng, Mạnh Thông dều là member Thủ Đức) đi đánh lần đầu tiên tại sân Long Thành và chiêu đãi miễn phí cho toàn bộ cuộc chơi… Sau đó tôi được anh Lê Kiên Thành và anh Dương Thanh đứng ra giới thiệu để làm thủ tục kết nạp vào Hội gôn TPHCM.
Một cú gốp.

Thời gian đó tôi đã ở tuổi 53, nhưng vì là người ưa hoạt dộng thể thao nên tôi vẫn  chơi tennis vào các buổi chiều sau giờ làm việc và cùng Đội bóng đá cựu sinh viên Bách khoa Số 10, thi đấu giao hữu với Đội tuyển bóng đá nghiệp dư Hàn quốc vào các chiều thứ tư hàng tuần tại sân vận động Quân khu 7 TPHCM. Sau một tai nạn không mong muốn do va chạm của tôi và thủ môn trẻ dội Hàn Quốc, tôi bị gãy xương đòn chân phải. Kể từ lần đó (tháng 8/2004), tôi chính thức chia tay với bóng đá là môn thể thao mà tôi đã yêu từ khi còn là một đứa trẻ và tennis sau hơn 20 năm đam mê, gắn bó. Đầu năm 2005, tôi xin nghỉ việc ở cơ quan Hải quan dể tập trung chữa lành bệnh với mong muốn có thể tiếp tục chơi được thể thao. Kể từ đó, tôi dành tất cả cho với gôn- môn thể thao mà nếu ai đã lỡ yêu thì không bao giờ bỏ được. 

Khi đến với môn gôn tôi đã cảm nhận ngay được những nét rất riêng, khác biệt hẳn với những môn thể thao tôi đã từng chơi qua, kể cả môn tennis đã một thời được coi là môn chơi quý tộc. Tôi thấy mình cần phải học hỏi không chỉ kỹ thuật hết sức phức tạp của môn gôn mà trước hết là cách thức giao tiếp ngay từ khi bước chân vào sân sân gôn, với các nhân viên tiếp nhận túi gậy, nhân viên làm thủ tục check in – check out, cho đến các nhân viên điều phối các nhóm chơi… Bởi lẽ  ở đó tôi thấy mình được các nhân viên trọng thị hơn một buổi chơi thể thao đơn thuần. Không khí thân thiện, lịch thiệp của các gôn thủ  thuộc nhiều quốc tịch khác nhau ở các sân gôn, dù quen biết hay không, họ đều thể hiện một phong cách của quý ông mà các môn thể thao khác khó có được.

Ngoài ra, trong khi chơi còn vô số những quy tắc ứng xử đối với bạn chơi, với phục vụ viên, với caddy cũng làm tôi và những người đã đam mê theo đuổi phải tuân thủ một cách hết sức tự nguyện. Có vậy mới xứng danh là những người thật sự yêu quý môn thể thao quý phái này.

-         Rất lâu sau này tôi mới biết được anh vốn dĩ là cầu thủ bóng đá của Câu lạc bộ Công an Hà Nội danh tiếng... Hóa ra, trình độ chơi gôn mà anh đạt được hiện nay thật ra là sự tiếp nối tố chất của một người có lịch sử trải nghiệm từng chơi nhiều môn thể thao bán chuyên nghiệp ?

Năm 1972, khi đang là sinh viên năm thứ 2 Khoa Chế tạo máy K14 Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, tôi đầu quân cho Đội bóng dá Công An Hà Nội. Thời gian đó, tôi cùng các cầu thủ trẻ Nguyễn Văn Nhã, Văn Hùng, Thông, Thọ… được huấn luyện viên Tô Hiền đưa lên để thay thế một số cầu thủ đàn anh đến tuổi giải nghệ. Tôi được xếp ở vị trí tiền đạo cánh phải và được vinh dự đá cùng đội hình với các danh thủ đương thời như Từ Như Hiển, Từ Như Thành, Nguyễn Ngọc Điệp, Lê Văn Đặng, Duy Lễ (thủ môn)…
Khoảng thời gian từ 1972 đến 1980, Đội bóng đá Công an Hà Nội là một đội mạnh của Thủ Đô, đã cống hiến cho khán giả nhiều trận đấu mang lại dấu ấn sâu đậm, sau này được nhiều người nhắc đến như trận đấu với đội bóng Thanh niên Bắc Kinh, trận đấu ngang ngửa với đội Thiên Tân Trung Quốc năm 1973, trận thắng Câu lạc bộ Thể công 3-2 tại sân Hải Dương năm 1974, trận thắng đội Công An Hải Phòng 5-3 (mặc dù là hai đội cùng ngành nhưng vẫn thi đấu sòng phẳng ) và mang lại chức vô địch cho đội Thể công năm 1974…

Phải nói rằng, thật là tự hào khi tôi được chơi bóng đá va la mot phan lịch sử hào hùng cua bong da Viet Nam giai đoạn trước và sau khi đất nước được giải phóng và sum họp một nhà. Thế hệ cầu thủ bóng đá trong thời kỳ này đã để lại trong lòng những người hâm mộ trong cả nước và người dân Hà Nội xưa lòng mến mộ không bao giờ phai…

Cùng với Thể Công, Bưu Điện, Đường Sắt, Đội bóng đá Công an Hà Nội là một trong những câu lạc bộ bóng đá bán chuyên nghiệp lâu đời và giàu truyền thống (thời kỳ đó nước ta không có bóng đá chuyên nghiệp) bậc nhất tại Việt Nam từ năm 1956 đến khi bị giải thể vào năm 2002.

Năm 1982 tôi chuyển vào Thành phố Hồ Chí Minh sinh sống và làm việc tại Cục Hải quan Thành phố. Mọi người còn nhớ, đất nước ở trong thời kỳ bao cấp, “đóng cửa” với mọi thứ, cuộc sống của người dân còn hết sức khó khăn, hàng hóa rất khan hiếm, trong khi thú chơi tennis được coi là của giới tư sản, quý tộc không được khuyến khích đối với cán bộ công chức Nhà nước. Để đến được với môn thể thao này, tôi xin nhắc lại một vài kỷ niệm thú vị và cũng rất dễ thương. Hàng ngày khi đi làm, chúng tôi không dám mang “quần + vợt” vào cơ quan mà phải gửi ở các quán café gần đó để chiều về ghé lấy rồi dến sân tennis chơi. Khi chơi thì hiếm khi được chơi banh mới mở hộp, mà phần lớn là banh “trọc” đã được nhúng nước lấy bàn chải sới cho xù lông lên trước mỗi séc banh ! Còn giầy thì chỉ có giầy Thượng Đình (Việt Nam), khi đã mòn thì phải mang đi dán đế cao su để dùng tiếp… Ấy vậy mà sau một, hai năm, nhóm tennis Hải quan tại sân 30/4 đường Tôn Thất Thiệp đã nổi tiếng là một đội mạnh, được các nhóm sân khác trong Thành phố biết đến. Các bạn bè trong Nam, ngoài Bắc khi có dịp vào Sài Gòn công tác là ghé chơi, coi đó như một địa điểm sinh hoạt thể thao và giao lưu tinh thần.     

Năm 1988 Liên hiệp Công doàn Thành phố có tổ chức giải tennis mở rộng nhằm phát động phong trào môn thể thao này, các dơn vị tham gia cần đăng ký danh sách và có xác nhận của tổ chức Công doàn nơi công tác. Năm đó nhóm tennis Hải quan gồm có 4 người đăng ký tham gia, kết quả nhóm chúng tôi thắng đội CLB Nguyễn Bỉnh Khiêm ở trận chung kết và giành cúp vô dịch. Vài ngày sau chúng tôi được biết Giám dốc Hải quan Thành phố không hài lòng vì đã có nhân viên  Hải quan tham gia giải này… và là vô địch ! (Cười).

Tuy nhiên đến khoảng những năm 1997, phong trào tennis của Thành phố phát triển rất mạnh và Cục Hải quan Thành phố là một trong những đội mạnh, thường xuyên tổ chức giao lưu với các đơn vị trong và ngoài ngành, đặc biệt là giải truyền thống hàng năm của Khối nội chính do Đoàn Luật sư Thành phố tổ chức…
-         Trên thế giới, tôi được biết có nhiều cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp hiện đang chơi hoặc sau khi giải nghệ đã chuyển sang chơi gôn và nhanh chóng trở thành những gôn thủ khá nổi tiếng như Michael Owen, Andriy Sevchenko… Theo anh, điều gì khiến cho rất nhiều người chơi bóng đá chuyển sang chơi gôn thành công ?
Theo tôi, những cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp khi chuyển sang gôn, về căn bản họ đã được trang bị những tố chất và đức tính cần thiết để thích ứng với môn gôn. Cách tiếp cận ở đây là họ coi trọng việc tập luyện đúng phương pháp những kỹ thuật cơ bản của môn gôn, kiên trì tập luyện để đạt được một trình độ kỹ thuật cần thiết và có một chiến lược thi đấu cho mỗi sân gôn, trước mỗi lỗ gôn. Đặc biệt, tôi nghĩ họ cố gắng tập trung tinh thần vào mỗi cú đánh, kịp thời điều chỉnh, khắc phục ngay những sai sót trong quá trình thi đấu và giữ vững ý chí để thi đấu đến lỗ thứ 18.
Nhìn chung, những cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp, nghiệp dư hay những người chơi tennis khi chuyển sang gôn thường là nhưng người có nền tảng thể lực tốt, có ý chí thi đấu cao, tâm lý thi đấu ổn định, biết cách đánh giá tình huống trên sân để kịp điều chỉnh sửa chữa sai sót và có khả năng chiến đấu đến cùng để lật ngược tình thế, biến bại thành thắng. Đó là những tố chất để họ có thể chơi tốt ở một môn thể thao mới.
Khác với bóng đá và tennis, ở môn gôn, người chơi trong trạng thái tĩnh, không trực tiếp va chạm thể chất với đối thủ. Tuy nhiên, khái niệm tĩnh ở đây chỉ là tương đối, vì người chơi không phải di chuyển khi đánh banh, nhưng không có nghĩa “ tĩnh” là dễ hơn “động” và không va chạm thể chất là không có đối kháng trực tiếp. Bởi trong gôn, đối với từng vị trí banh nằm (trên, dưới dốc, vùng cỏ ráp, hoặc có chướng ngại vật bên trái, bên phải…), người chơi phải có cách xử lý và kỹ thuật khác nhau để thực hiện cú đánh sao cho trái banh đi đúng hướng và cự ly mà người chơi muốn đưa tới. Ngoài ra còn vô vàn những kỹ thuật để xử lý khi trái banh  nằm  quanh hoặc trong khu vực đẩy bóng (green), dưới hố cát… mà người chơi phải toát mồ trước những tình huống khó khăn, muốn buông gậy. Những người chơi hay là người biết đánh giá đúng tình trạng cần xử lý và cần có kỹ thuật tinh tế, có tâm lý ổn định và cảm giác tốt dể thực hiện theo ý muốn.
Tôi chưa được xem A. Sevchenko và M. Owen chơi gôn, nhưng tôi đã được xem nhiều tình huống xử lý kỹ thuật tuyệt vời của hai tiền đạo danh tiếng này để sút tung lưới đối phương, làm xao xuyến lòng người hâm mộ bóng đá trên toàn thế giới. Tôi nghĩ việc các cầu thủ này chơi gôn hay cũng là điều dễ hiểu…
Là một người chơi gôn đã nhiều năm, anh có suy nghĩ như thế nào về hiện tượng một số gôn thủ có những biểu hiện vi phạm quy tắc ứng xử, phản văn hóa trong việc đối xử với bạn chơi và với caddy ?
Sau một thời gian dài chơi gôn, tôi mới thấy sự quý giá, đáng trân trọng của các quy tắc ứng xử chuẩn mực đươc lưu truyền phổ biến cho các gôn thủ đích thực- các gentlement. Được hòa mình trong môi trường, này tôi thấy giá trị con người của mình như được đẩy lên một tầm cao mới mà trước đây ở các trường học, trường đời tôi cũng chưa học đủ. Nhiều người đã nói, “không phải ai có điều kiện hay bước ra sân gôn mà có thể coi là người biết chơi gôn đúng nghĩa”. Bản thân tôi vẫn thường xuyên tự nhủ phải hết sức chú trọng để thực hiện ngày càng chuẩn mực các quy tắc này “theo thang điểm của handicap single” !
Tôi và những bạn chơi thường xuyên trao đổi về đề tài này và rất bất bình với những hành vi thiếu văn hóa như báo chí đã nêu và bình luận. Trong bóng đá là môn chơi đối kháng nhưng họ luôn đề cao tinh thần thượng võ “Fair Play” với đối thủ. Vậy mà ở môn gôn còn tồn tại những hành vi phản thể thao thì thật đáng chê trách, làm xấu cả hình ảnh những người chơi bộ môn thể thao được coi là quý phái nhất trong xã hội này…
-         Anh quan niệm thế nào để có được một vòng chơi gôn thú vị ? Làm sao những người lớn tuổi có thể duy trì được “phong độ” chơi gôn như anh từng thể hiện trên sân ?

Mỗi lần đi chơi gôn về, tôi thường ôn lại những cảm giác đã xảy ra sau buổi chơi. Thường thì đó là những phút giây thư thái khi được hít thở và nhìn ngắm phong cảnh của sân gôn. Tôi cũng nhớ những cú đánh đẹp của bạn chơi và của mình khi đưa bóng “on green”,  nhớ những nghĩa cử đẹp, khi bạn chơi đi tìm giùm banh hay chỉ vị trí trái banh của mình bị lấp dưới lớp lá cây mà tìm mãi không thấy… Nhớ cử chỉ thanh thản khi bạn chơi chịu phạt, thả banh đúng luật ở vị trí không mấy thuận lợi cho cú đánh tiếp khi banh bị rơi vào bẫy nước. Nhớ những lần bạn chơi đi trong rừng ra và tự cộng một gậy cho mình vì “air short”. Và cả những lần mà bạn bè ghé qua nhà đón đi, trên đường cùng chuyện trò vui vẻ… Những cảm giác đó thật tuyệt vời, nó làm cho buổi chơi thật sự thú vị mang đậm chất nhân văn.

Tuy vậy, nhiều khi chơi xong, thấy quãng đường về nhà thật xa vì hôm đó trong nhóm có anh bạn đến trễ hơn 20 phút mà không báo trước cho ai. Cũng có lần trong nhóm có anh hay dùng tiểu xảo làm cho bạn chơi mất tập trung trước mỗi cú đánh bằng cách gây tiếng động, hay tác động bằng lời nói mỗi khi bạn chơi “set up”. Hoặc có vài bạn chơi hay tìm lợi thế cho mình, hay quát tháo caddy, cự cãi với với anh em trong nhóm… Sau những buổi chơi đó, tôi về nhà cứ buồn bực trong lòng và cảm giác đó còn đeo đẳng nhiều giờ sau.

Theo tôi để có buổi chơi gôn thú vị là được chơi gôn với những bạn chơi tuy có handicap khác nhau, nhưng có “etiquette theo thang điểm single”, được chơi trên một sân gôn có green tốt (tốc độ trên 8.5), và dĩ nhiên, có một chút cá cược ở mức độ vừa phải, để tạo áp lực cạnh tranh, còn thắng, thua chỉ là vấn đề thủ tục…

Ở Thành phố Hồ Chí Minh có “nhóm Kim Đồng”, bao gồm những doanh nhân, viên chức, tuổi từ trên 30 đến 50, có điểm chấp (hdc) từ 7 đến 12, nhưng khi chơi là đánh bằng phân hết. Mỗi lần được chơi cùng nhóm này, tôi thấy mình mang được hết khả năng vào trận đấu. Khi chơi xong, cùng ngồi nhâm nhi vài chai bia, anh em trao đổi, bàn luận, phân tích các tình huống trên sân rất sôi nổi. Tôi thấy những buổi chơi như vậy thật thỏa mái và thật có ý nghĩa.

Từ khi chơi gôn, tôi thấy cuộc đời vui hơn, sức khỏe ổn định và tinh thần thư thái hơn. Chẳng có gì quan trọng hơn là thu xếp mọi việc để đến sân tee-off đúng giờ. Và thật là vui khi lại gặp những bạn hữu để cùng chơi một vòng gôn trên một sân gôn nào dó cho đủ trọn vẹn 18 lỗ. Hạnh phúc với tôi bây giờ chỉ dơn giản khi mở điện thoại có tin nhắn: “Ngày mai anh có flight chưa ?”…

Vâng, cám ơn anh về cuộc trao đổi đặc biệt này. Chúc anh và bạn bè mãi duy trì được năng lượng yêu cuộc sống và thể thao…

Thông tin nhân vật:
-         Trần Tuấn Sơn, sinh năm 1951, bạn Trỗi k4 (1965-69).
-         Nguyên Chánh Thanh tra Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh (2002-2005)
-         Thành viên Câu lạc bộ Gôn Thủ Đức. Handicap tháng 9/2013: 10

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

Ông bạn này chơi môn thể thao nào cũng "suya", cũng rất PRO.