Tiễn khách đến chơi muộn ra khỏi cổng đến tận lòng đường, trong lòng đang vui và cũng cảm nhận thấy cái tuyệt diệu của trời thu do ngọn gió se khô mát vừa thư thả lay nhẹ các tán lá phượng vỹ, ngước lên nhìn xuôi về cuối phố: Ga Hàng Cỏ sừng sững như một dãy thiên sơn tĩnh tại mà trên đỉnh là vầng trăng ngoài mười rằm. Đẹp quá! Trải qua bao nhiêu biến động Ga của chúng ta vẫn đứng đó vững chãi, nhân hậu bao dung. Tôi thầm tự trách mình đã quá vô tình khi sống bên ga hơn bốn chục năm rồi mà bây giờ mới thấy hết vẻ đẹp của Ga. Một tiếng còi tàu hú lên trong đêm thanh vắng, với tôi lúc này tiếng “tu..u..u..” không phải là một quy ước báo hiệu tàu sắp vào ga hay chuẩn bị chuyển bánh, nó là lời nhắc nhở cho người đang có tâm cảnh trở lại với thời quá vãng đầy ký ức.
Ngồi xuống bàn và lấy vội giấy bút ra, tôi muốn ghi lại cảm xúc bất chợt như một lời tâm sự với chính mình hay một lời nhắc nhở ai đó đã có ấn tượng thân thương sâu sắc với ga Hàng Cỏ. Ga là bậc trượng phu độ lượng che chở những mảnh đời cô đơn mỏng manh lang thang trong những đêm đông giá rét, là nhân chứng của những cuộc phân ly kẻ Nam người Bắc, là nguồn sống cho những chuyến tàu đã đủ khách để bắt đầu một hành trình hay tiếp sức cho những chuyến tàu ghé qua…thế mà Ga có bao giờ cất lên một tiếng nào đâu, mọi âm thanh thúc giục, lưu luyến tiễn biệt, khởi hành, rao hàng là của người và tàu đấy chứ! Suy tư như vậy, tôi bắt đầu với chữ Ga – Tàu.
Đỗ lại sân ga chuyến tàu đêm
Thu về giăng mắc biển sương êm
Hà nội đẹp sao mùa lá rụng
Duyên kia gợi nhớ khách bên thềm.
Tĩnh lặng đêm thu một mình ta
Nhà ga cổ kính người mới qua
Tàu em chỉ dừng trong giây lát
Tiếp thêm nhịp sống, sắp đi xa.
Chứng kiến đảo điên giữa đời thường
Tháng năm biến đổi ngói màu sương
Trái tim hóa đá luôn hồn hậu
Dõi nhìn nhân thế đầy tình thương.
Hai dòng thép lạnh làm đường ray
Định hướng cho em cuộc đời này
Hình như ai đó cho là số
Để tàu em đến trong đêm nay.
Mùa thu tuyệt diệu của riêng ta
Cây quỳnh e ấp chờ nở hoa
Ga anh tĩnh lặng nhìn em đó
Tàu em lăn bánh, thu nhạt nhòa.
Trước đây mặt tiền của ga được người Pháp xây theo đúng kiến trúc của các ga tàu hỏa Phương tây, có một nét riêng không lẫn với các kiểu kiến trúc khác như ngân hàng, bảo tàng, thị chính hay sở thuế. Phía dưới rộng rãi thoáng đãng để một lượng lớn người đến và đi thoải mái nhanh tiện, mà nếu mưa gió lại chứa được nhiều người chờ đợi, tiễn đưa, cửa ra vào sân ga cũng nhiều. Phía trên được ốp đá sẫm theo chiều càng lên cao càng thu hẹp lại, lâu ngày đá ngả màu bạc giống như mái tóc muối tiêu của người đàn ông từng trải. Chính giữa mặt trước ở trên cao là một chiếc đồng hồ tròn to, có lẽ nó và chiếc đồng hồ ở tòa nhà bưu điện thành phố là to nhất của Hà Nội, mà đứng ở dốc Bà triệu nhìn dọc theo phố Trần Hưng Đạo với hai hàng cây hoa sữa và sấu thẳng tắp mặt trước ga với chiếc đồng hồ như một lời khẳng định cho những lữ khách sắp sửa bước vào một hành trình của sự ly biệt hay canh cải và đã từng là một điểm xuất phát bi tráng của những đoàn chiến binh Nam tiến.
“Di chứng” của một đợt “tai biến” tất yếu khi Hà nội phải đón nhận những đợt dội bom thảm khốc cuối năm 1972 là gian giữa trúng rốc-két bị phá hủy, thành phố đã cho xây lại như ngày hôm nay, nhưng quả thật nó không phải là kiến trúc của ga xe lửa mà nhìn lại giống như nhà văn hóa hay cửa hàng mậu dịch hoặc cung thể thao cũng như ủy ban nhân dân tỉnh…tóm lại nó đã mất đi cái hình ảnh hồn hậu sâu thẳm vốn có của Ga Hàng Cỏ.
Đi ngược lại dòng thời gian từ giữa thế kỷ 19 về trước, khu vực ga vẫn còn là ao đầm, ruộng hồ, chếch lên phía bắc là phường dân Cửa Nam của kinh thành, lùi lại phía tây là một vài chòm xóm dân cư ở hồ Thịnh Quang, còn dịch xuống phía nam là các làng Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng chạy liền một dải. Đường xá không sin sít, dân cư không chen chúc như giai đoạn sau này. Nơi đây là “trạm cỏ”. Thời trước, phương tiện giao thông đi lại chính là con ngựa, sức chở chính là xe bò, mà trong kinh thành không có nơi nào để cho ngựa từ tứ xứ về ăn cỏ, vậy là cần một nơi để cung cấp cỏ cho ngựa, bò, trâu, nếu có ở tỉnh xa về kinh thành cũng không lo ngựa đói, nếu có chở hàng vào kinh thành hết một ngày cũng không sợ bò gày. Rồi từ kinh thành đi cũng vậy người đã sẵn sàng, qua trạm cỏ ngựa đã no nê chỉ một mạch rong ruổi kinh lý. Rồi dân cư tăng dần lên, dòng người từ các tỉnh, các huyện, các xã cũng đem cái nghề của nơi mình ở ra kinh kỳ mà tụ lại thành phường. Sản xuất tại chỗ, hàng hóa buôn bán ngay tại kinh kỳ là nhanh lắm, khách buôn đến lấy hàng xuôi ngược trên bến dưới thuyền, tạo sức thông thương trù phú nên các phường cũng phát triển rất nhanh cùng với cái tên ‘hàng” của từng phường ra đời: Hàng Mắm, Hàng Nón, Hàng Điếu…cũng như thế cái tên Hàng Cỏ được đặt và giữ nguyên địa danh khi người Pháp cho xây Ga ở đây cùng với các tuyến xe lửa.
1 nhận xét:
Ga HN được đặt tên là ga Hàng Cỏ, còn con phố chạy từ đường Điện Biên giờ tới trước cửa ga (hoặc xa hơn nữa) trước 1954 tới 1960 là phố Hàng Lọng. (Chắc ngày xưa làm lọng chăng?). Sau 1960 đổi tên là đường Nam Bộ, ý là đường này hướng về miền Nam thân yêu. Sau 1975 đổi tiếp là đường Lê Duẩn.
Đăng nhận xét