Thế là một mùa xuân mới lại về. Người ta thêm
một xuân mới là thêm một tuổi nên cứ đầu xuân là có lệ “đón” một tuổi mới. Trẻ
em thì phong bao lì xì, thanh niên thì du xuân cho thỏa thuê khi tuổi đang trẻ,
sức đang mạnh, trung niên thì kiểm đếm thành quả thu được để chúc nhau “nhất
bản vạn lợi”, lão niên thì con cháu quây quần chúc thọ bách niên, đúng là chỉ
có mùa xuân nhất là những ngày đầu xuân con người mới cởi mở, hồn hậu như thế,
nên người ta tôn Xuân là Chúa.
Lại theo lối xưa, khi bước vào năm mới ta xem
một chút thiên thời, xét tương quan về
địa lợi để rồi luận cho nhân hòa trong năm Giáp Ngọ này.
Khí hậu năm Giáp Ngọ: Không kể đến cách xem thiên văn cổ để luận tìm sự tương ứng của
khí hậu cả một năm mà ngày nay không mấy khi được nhắc đến, rồi người ta cho
rằng đã thất truyền, trong nhà y vẫn giữ một nếp cổ là xét khí hậu của một năm
dựa vào vận - khí mà chuẩn bị trước tinh thần, dược vật để sẵn sàng đón trị các
loại bệnh hay dịch do thời khí tạo ra.
Xét Vận (chủ vận - khách vận) với Khí (chủ khí
- khách khí) để tìm cái riêng rồi tổng hợp lại trong cái chung. Khí hậu năm
Giáp Ngọ là thuận hòa, không có đột biến hay sự biến thường của bốn mùa xuân –
hạ - thu - đông vì khí sinh vận, khí như người khách còn Vận là người chủ nhà,
khách đến chơi mà lại phù cho chủ nhà thì còn gì bằng! Nửa đầu năm là thời tiết
sẽ ấm áp và vào hạ sẽ nóng sớm. Sang thu sẽ khô hanh sớm và ít mưa, mảng nông
nghiệp lại phải chuẩn bị trữ sẵn nước cho trồng cấy, tưới tắm lúa, ngô, khoai
màu.
Cổ nhân cứ dùng kiến thức này qua nhiều nghìn
năm để bảo vệ cuộc sống, chỉ sợ rằng cái mất cân bằng của hành tinh do con
người tạo ra sẽ biến con người trở thành nạn nhân mà người ta gọi là cơn giận
dữ của thiên nhiên thôi.
Những điều cần biết khi vào năm mới: Mọi việc chuẩn bị cho mấy ngày Tết đã xong như
bánh trưng, khúc giò, nồi măng hầm, hành củ muối, nồi cá kho… tùy theo từng gia
đình, mâm ngũ quả đã đặt lên ban thờ gia tiên cùng với lọ hoa nhỏ, cây quất,
cành đào, cành mai cũng đã xếp vào nơi ngồi đón khách đến chúc Tết, ta chuẩn bị
đón Tết.
-Cúng giao thừa: mâm cúng đặt ở ngoài trời, khi giờ Tý của năm
Giáp Ngọ đã điểm là lúc gia chủ có thể thắp hương làm lễ được rồi. Trước khi
phát tâm nguyện cầu những điều tốt lành, cần nhớ khấn tiễn vị vua cai quản năm
Tỵ là Ngô Vương để đón rước vị Tần vương trị vì cho cả một năm mới. Cần có một
lá sớ viết tên tuổi từng thành viên gia đình, địa chỉ nơi gia đình ở rồi khi cúng
gia chủ phải “tuyên sớ” cho nghiêm trang bên cạnh những lời khấn nôm. Thế là
được rồi.
-Xông đất: nên chọn các cậu bé trai từ 7 đên 13 tuổi, tính tình vui vẻ,
khuôn mặt xinh tươi, hóm hỉnh hay cười đùa, ngoan ngoãn lại thông minh là hay
nhất. Hài đồng là sứ giả của trời đất mang lại sự tốt lành và sinh khí cho gia
đình. Còn không có, nhất là chọn người xông đất cho nhà máy, cửa hàng, công ty
thì ta chọn con trai hợp tuổi với năm Giáp Ngọ này cũng tốt. Đó là:
Ø Giáp Dần - Mậu Dần - Nhâm Dần.
Ø Giáp Ngọ - Bính Ngọ - Canh Ngọ.
Ø Bính Tuất - Canh Tuất - Nhâm Tuất.
Tuổi là quy ước, còn tính tình, nhân cách, khẩu
khí tươi vui, sởi lởi, dễ mến vẫn là yếu tố quyết định. Lại cần nhớ 11 giờ đêm
là bắt đầu bước vào năm mới rồi đấy! đừng để người khác bước vào khuôn viên
cổng nhà của mình trước người đã chọn xông đất.
-
Xuất
hành: Lấy hướng tốt trong lần xuất hành đầu tiên ra
khỏi nhà ngày Mùng 1 đầu năm cũng là một cách cầu sự thuận lợi cho cả năm. Năm
nay ngày Mùng 1 là Nhâm Dần, ngày Dần rơi vào tháng Dần lại hợp với năm mới,
năm nay ngày Mùng 1 sẽ dễ dàng hanh thông rồi. Tìm Hỷ thần thì từ nhà mình đi
ra chọn đường nào theo hướng chính Nam để đi một đoạn quãng một hai trăm mét là
được rồi. Còn tìm Tài thần nữa chứ! Kết hợp trong lần xuất hành đầu tiên này,
ta đi một đoạn theo hướng Tây Nam. Người xưa quan niệm sự yên vui, mức tài lộc
cũng có những linh lực phù trợ, đi theo hướng đã định là đi vào con đường của
những linh lực tạo ra mà được hưởng
thành quả nếu ta sống và cư xử thiện tâm, lao động làm ăn kinh doanh chân
chính.
-
Mở hàng: Từ “mở hàng” rất hay, nó vừa cho ta cảm giác
cụ thể như đồng quà, tấm bánh, lại vừa bao hàm một kế hoạch, một chương trình
hay chiến lược của cả năm mới. Đúng là “nhất niên chi kế tại ư Xuân” mà đức
Khổng Tử đã nói.
Ngày mở hàng tốt đầu năm là
Mùng 4 Ất Tỵ, giờ mở hàng là 8 giờ sáng, 11 giờ trưa hay 1 giờ chiều đều được.
Ngày mùng 5 năm nay rơi vào
ngày Lập Xuân cũng rất tốt cho việc khai trương tiền hàng nên mở vào 11 giờ
trưa, 3 giờ chiều trở ra.
-
Thú ngày
Tết: Bận rộn cả năm rồi, được mấy ngày nhàn nhã
nghỉ ngơi mà lại gặp nhau là vui là quý lắm, gia đình đoàn tụ, con cháu quây
quần, nhưng có lẽ “đời” nhất vẫn là sự thăm thú của bằng hữu, thầy trò. Rượu
ngon để dành cho những dịp này, chuyện hay lượm lặt đây đó hay được để lại từ ngàn
xưa cũng đem ra kể cho nhau nghe những lúc này, mà phải có “tửu nhập” đến độ
nhất định thì “ngôn xuất” mới có hồn để hòa vào hồn Xuân.
Trong thập
hình của võ thuật được tổng hợp một thời là Long - Xà - Hổ - Báo - Hạc - Sư -
Tượng - Mã - Hầu - Mưu, thì Ngựa cũng chiếm một vị trí để người xưa rút ra mà
tu luyện các đặc điểm rồi lại đưa vào chiến đấu. Ngựa quý là phải có sức bền
bỉ, có tốc độ nhanh, sức vóc mạnh. Quan sát con ngựa đầu đàn khi lâm chiến, nó
sử dụng những đòn chồm lên cao mà dùng hai vó trước bổ vào đối phương, sức mạnh
truyền ra chính là từ hai chân sau. Những đòn đá hậu của ngựa là rất nặng và
nguy hiểm, những “dũng sỹ” đi săn mồi trên thảo nguyên là sói cũng phải kiêng
nể tránh các đòn đá hậu này. Các đòn đánh ngắn chính là vận dụng các miếng
“cắn” vào đối phương khi đã giáp chiến mà người ta đã biến thành tay “trảo” hay
nắm quyền. Và rồi 4 cước của ngựa là tiêu biểu cho “lượng” đòn cước nhiều xuất
ra liên lục một lối riêng biệt theo kiểu “ngựa xéo”.
Người
xưa còn học con ngựa nhiều điều: trí nhớ, sự cảnh giác, lòng trung thành, đức
chia sẽ tình cảm với chủ. Khi Quan Công lâm nạn mà lìa trần thì con chiến mã
Xích Thố cũng nhớ chủ mà chết theo. Người trọng chữ tín ở đời thì phải biết giữ
lấy lời hứa vì “Nhất ngôn kỷ xuất, tứ mã nan truy”…
Thế đấy,
ngày Tết ngắm cành mai hưởng chén rượu thơm cùng tri kỷ kể cho nhau nghe những
chuyện hay ở đời theo nếp cũ thì còn gì thanh tao bằng.
Thanh Trần
5 nhận xét:
cám ơn anh Thanh trần
rất gần với tam bảo
rất hảo với mọi người
Đón xuân mới qua bài viết này
Em Thắng lpz
Thanh Trần hiểu biết sâu sắc về phong thủy và Tết quá! Tết là cái gì rất thiêng liêng nhất là người châu Á. Hy vọng năm con ngựa chúng ta phát huy nhiều cái tốt: Sự trung thành, sự thẳng thắn....
Năm rồi con rắn trườn qua
Ấm êm thì ít, phong ba thì nhiều
Đời thường vất vả liêu xiêu
Vận nước có biết bao điều ngổn ngang.
Năm nay cầu chúc an khang
Dân tình không phải cưu mang ngựa già
Già thì thải ốm thì tha
Mới mong mã đáo để mà thành công!
Thanh Trần viêt:
@ Thắng KHỔ ơi : nhớ lắm những ngày này của những năm 80 , em đến với nhà 99 ! Thắng là con nhà CẦN LAO thì đã đành ,nhà 99 còn CẦN LAO hơn thế nữa ,khi MẸ anh một bực lão thành cách mạng ,phu nhân của 1 cán bộ cao cấp về nghỉ vẫn đi nhặt rau ngoài chợ để nuôi lợn ,rồi bán đi vào dịp TẾT này cho con cháu và bạn của các con có chút cải thiện .Kí ức đó đẹp và sâu sắc gắn chúng ta với nhau mãi.Tết này là mấy chục Tết Thắng không về rồi ? Thắng đọc bài thơ TẾT của tác giả Ngô Hạnh trên BT sẽ thấy rất hay .Đọc Quyền Sư anh Quốc gửi chưa ?
@ Bác Ngô Hạnh : dạ ,cũng mon men theo học được chút chữ thừa của Thánh Hiền để lại ,mỗi năm lại viết 1 chút để mọi người cùng vui thôi ạ .Thơ bác NH đọc thấy vui mà phảng phất tâm sự thế cuộc , Gìa thì thải Ôms thì tha là đúng rồi !thế mà họ già lắm rồi mà chẳng chịu thải mới nực cười bác NH nhỉ ! kệ nó ,năm mới các thi bút sẽ viết nhiều bác nhé .
Thanh Trần
Bác Thanh Trần ơi, "tuyên sớ" nghĩa là gì vậy ạ ?
Còn cái vụ ốm tha già chẳng chịu thải là đúng rồi, sao lại nực cười? Chẳng lẽ con thải bố, bác NH nhỉ ? !
Cám ơn Thanh Trần về những thông tin bổ ích và lý thú.
Đăng nhận xét