Thứ Tư, 26 tháng 2, 2014

MỘT LẦN TƯỚNG LÊ TRỌNG TẤN NỔI GIẬN (Khánh Tường)

Tướng Lê Trọng Tấn.

Đầu thập kỷ 70, chiến tranh trên bán đảo Đông Dương trở nên quyết liệt.  Bên nào cũng ráng hết sức để dành thế mạnh trên bàn đàm phán. Sau chiến thắng Đường 9 – Nam Lào, mùa khô năm 1971-1972, Tổng hành dinh và Bộ chỉ huy Quân đội giải phóng nhân dân Lào quyết định mở chiến dịch lớn ở chiến trường Cánh đồng Chum-Xiêng Khoảng, Lào, với mật danh là chiến dịch “Z”. Quân tình nguyện VN đảm nhiệm hướng chính Cánh đồng Chum; Quân đội Pa-thét Lào và hai tiểu đoàn trung lập của Đại tá Đươn giải quyết hướng Xa-la Phu Khun – Mường Xủi. Ngoài các cán bộ BTL 959 (Đại tá Vũ Lập làm TL, Đại tá Huỳnh Đắc Hương làm Chính ủy), Bộ tăng cường một đại tá xuất sắc của quân đội là ông Hữu An (Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, ông là Quân đoàn trưởng Quân đoàn 2) làm Phó Tư lệnh. Chiến dịch sắp mở màn, Bộ cử Thiếu tướng Tổng tham mưu phó Lê Trọng Tấn sang trực tiếp chỉ huy. (Vị Tướng này được cấp dưới đặt cho biệt danh “Tướng Chiến Thắng” hay “Giucốp VN”, thường chỉ huy các chiến dịch lớn). Ông có đặc điểm là rất nghiêm, nóng tính và quyết đoán.


Lực lượng địch ở Cánh đồng Chum khá mạnh và thiện chiến. Ngoài các “Zem” (GM) của Tướng Vàng Pao còn có các tiểu đoàn chính qui Thái Lan, dưới sự chi viện tối đa của không quân Mỹ, kể cả B52 và F111.
Lực lượng ta: Trước chiến dịch “Z”, địa bàn Cánh đồng Chum-Xiêng Khoảng có các đơn vị tình nguyện: f316, e866 và d42, d25, d26 …Vào chiến dịch, trên tăng cường thêm f312, Lữ 335, một tiểu đoàn pháo mặt đất, một tiểu đoàn pháo cao xạ hạng nặng, một tiểu đoàn tank-thiết giáp, 2 tiểu đoàn đặc công và một số đơn vị kỹ thuật. Chiến dịch được ấn định vào giáp tết năm Nhâm Tý (1972).
Sau khi nghe báo cáo tình hình địch – ta, vị Tướng phán một câu xanh rờn: “Đánh trận này, ba đời sau Thái Lan còn sợ”. Và thực tế đúng là như thế!
Đúng giờ G, các trận địa pháo lớn đồng loạt gầm vang. Rồi hỏa tiễn A72. Rồi cối 120 ly…. Pháo giã 2 ngày liền. Lần đầu tiên trên chiến trường Cánh đồng Chum-Xiêng Khoảng xảy ra giông bão, sấm sét dữ dội như thế. Trung đoàn 165 (f312) do trung tá Nguyễn Chuông chỉ huy dứt điểm Phu Tha-nêng do một tiểu đoàn quân Thái Lan đóng giữ. Trung đoàn 141 đánh trung tâm chỉ huy của quân Thái Lan ở Phu Tôn. Ông Trung tá trung đoàn  trưởng bị địch lừa, nằng nặc đòi xe tăng trong lúc xe đang bị sa lầy. Trên trời, OV10 thả đèn và bắn trọng liên như mưa quanh điểm cao. Hỏa lực địch trong căn cứ vẫn bắn ra.
Ở hang chỉ huy Phu Nhu, không khí cực kỳ căng thẳng. Bộ Tư lệnh, cán bộ các cục, các trưởng phòng của Mặt trận 959 và phái viên của Bộ đều có mặt, chăm chú nhìn vị Tướng. Ông Lê Trọng Tấn mặt đỏ phừng phừng, đi quanh bàn, khi thì chăm chú nhìn vào tấm bản đồ treo trên vách đá, lúc quay qua chăm chú ngó sa bàn, rồi nhìn ai đó trong số “bá quan văn võ”. Bất chợt, ông dừng lại, chộp tổ hợp máy điện thoại gọi xuống e141 và nói như quát:
- Tài đâu, lệnh cho bộ đội xung phong ngay. Địch chạy hết rồi.
Hình như ông Tài nói gì đó làm vị Tướng phật ý. Ông Tấn quát:
-   Mày không lên, tao cách cổ bây giờ.
Bộ đôi xông lên. Đúng là chỉ còn mấy thằng súng máy bắn nghi binh.
Nhưng địch chạy đường nào về hang ổ Long Chẹng? Nghe dưới báo cáo, đường phía Bắc vào Cửa Rừng nhiều đèn pháo sáng. Đường phía Nam chỉ có lưa thưa. Tư lệnh Vũ Lập, các Phó tư lệnh: Nam Hà, Huỳnh Nhật Hùng, Tham mưu trưởng Dũng Mã, Trưởng phòng tác chiến Huỳnh Lê…đều phân vân. Đa số phán đoán địch chạy hướng Bắc, có người đề nghị chia đôi pháo, bắn đạn chụp cho chắc ăn. Ông Tấn lừ lừ nhìn mọi người. Bỗng nhiên ra lệnh: Tập trung hỏa lực chần dọc theo con đường phía Nam, ít đèn dù hơn. Không ai dám nói ra nhưng nửa tin nửa ngờ. Nếu phán đoán sai thì phần lớn quân địch ở Phu Tôn và Cánh đồng Chum sẽ thoát, và như vậy không thực hiện được mục tiêu “đánh tiêu diệt” của chiến dịch.Và do đó, khi tiến vào giải phóng Xảm Thông – Long Chẹng sẽ cực kỳ khó khăn.
Ngay hôm sau, ông Tấn cho người đi kiểm tra.. Đúng như ông Thiếu tướng dự đoán, dọc con đường phía Nam, quân Thái chết như rạ, người toàn đổ về phía tây. Bấy giờ tôi mới hiểu vì sao bộ đội đặt cho ông nhiều mỹ từ nổi bật như thế. Một lần nữa, câu nói của cổ nhân lại vang lên bên tai tôi: “Nhất tướng thành danh vạn cốt khô”!
Giải phóng Cánh đồng Chum-Xiêng Khoảng ngày hôm trước, hôm sau, Đại úy Nguyễn Tư Đương, PV báo QĐND, và tôi, PV báo Chiến Sỹ Miền Tây, mang theo một vệ binh ra đi luôn. Chúng tôi ngủ ở Phu Tôn một đêm. Tổ chốt ở đây là lính 316. Các em chiêu đãi xôi đỗ xanh Thái và thịt ngỗng. Công nhận lính Thái Lan căn cơ, hầm hào kiên cố và sạch sẽ. Có hẳn những vạt rau thơm và ớt. Bọn nó phòng ngự bài bản và không thể không nói là khá kiên cường. Nếu không có pháo lớn dập cho tơi bời và xe tăng đột kích thì có húc đổ được căn cứ này cũng sầy vây tróc vẩy.
Trong chiến dịch này, báo QĐND bị tổn thất khá nặng do dính bom ở sân bay Dừa (Nghệ An). Trưởng phòng Quân sự Tô Ân và PV Trần Tuấn hy sinh. PV Nguyễn Đức Toại bị trọng thương./.


                                                                           Ngày 10-9-2012
                                                                           Khánh Tường




4 nhận xét:

TranKienQuoc nói...

Khánh Tường - bút danh của thầy Phạm Đình Trọng.

dathb136 nói...

Những tư liệu như thế này mới hay và bổ ích!Cám ơn thầy Trọng.

Minh Tâm nói...

Vietj nam ko thiếu người TÀI và TÂM ĐỨC. Cám ơn tác giả bài viết và BÁO LIẾP K5.

TranKienQuoc nói...

KHông chỉ có tấn công, a la xô mà tư liệu này rất sống, rất thực.