Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm Nghiệp-Nguyễn Tạo, cùng đoàn cán bộ tháp tùng đ/c Tổng Bí Thư Lê Duẩn đi thăm Động Người Xưa (rừng Cúc Phương) -
|
Tôi không được may mắn
làm việc cùng ông Nguyễn Tạo, nhưng cũng có được vài ba lần tiếp xúc với Ông,
và mỗi lần được nói chuyện với Ông, tôi lại học được từ người cộng sản lão
thành nhiều điều bổ ích cho công việc mình.
Ông
Nguyễn Tạo cùng quê với tôi ở Huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh. Nhà gia đình Ông chỉ cách
nhà tôi vài ba cây số, nhưng mãi đến đầu năm 1950, tôi mới được gặp Ông lần đầu
tiên. Khi đó, tôi đang dạy tại trường Trung học cấp II tư thục Liên Việt Hà Tĩnh, tại xã Yên Hồ, quê
tôi, do bố tôi là Chủ tịch xã và ông Hoàng Xuân Hồng, người cùng xã xây dựng
Trường theo chỉ đạo của Tỉnh ủy tỉnh Hà Tĩnh để rút kinh nghiệm và cho con em
trong xã có nơi học tập.
Ông
Nguyễn Tạo là một chiến sỹ cách mạng chống Pháp lừng danh tại vùng đất Nghệ -
Tĩnh từ những năm 20 thế kỷ trước. Trong thời kỳ thuộc Pháp, nhiều người quanh
vùng ở quê tôi đều biết đến ông với tên “Cậu Thốc” con cụ Tú Tấn làm cách mạng,
từng bị Pháp bắt bỏ tù hai lần. Cả hai lần vào tù, Ông đều tổ chức vượt ngục
thành công cùng nhiều đồng chí khác. Sau mỗi cuộc vượt ngục thành công, ông Tạo
lại tiếp tục hoạt động tại nhiều vùng trong nước, nên luôn bị mật thám truy bắt
ráo riết. Vào thời ấy, tôi được nghe kể lại là thỉnh thoảng ông Tạo cũng bí mật
ghé về quê Hà Tĩnh và thường đến xã tôi, là nơi có nhiều người tham gia hoạt
động chống Pháp cùng ông và được nhân dân che dấu, bảo vệ.
Sau
Cách mạng Tháng Tám (1945), ông Nguyễn Tạo được Đảng và Nhà nước giao nhiều
công tác quan trọng ở tỉnh Nghệ An và Trung Ương. Đầu năm 1950, ông về Hà Tĩnh
công tác, có ghé qua xã Yên Hồ và đến thăm trường Liên Việt, lúc ấy đã được
Tỉnh ủy Hà Tĩnh chọn làm Trường điểm để chỉ đạo về giáo dục. Tuy tôi đã biết
đến tên Ông từ trước, nhưng đây là lần đầu tiên tôi được gặp mặt. Ông nói
chuyện với tất cả thầy giáo của trường về công tác cách mạng, về kháng
chiến chống Pháp, về vai trò của thanh
niên, nhất là những người có chút hiểu biết về khoa học trong cuộc chiến đấu
hào hùng của dân tộc. Vào lúc bấy giờ, thầy giáo trường Liên Việt chỉ có 12
người, tất cả đều là các thầy giáo trẻ, hầu hết là người Hà Tĩnh và Bình Trị
Thiên vừa tốt nghiệp Trường Chuyên khoa Huỳnh Thúc Kháng (là trường Quốc học
Huế chuyển ra vùng tự do Hà Tĩnh), được Khu ủy Liên khu IV và Tỉnh Ủy Hà Tĩnh
điều động về dạy trường Liên Việt. Ông đã chụp cho chúng tôi, các thầy giáo của
trường, một bức ảnh kỷ niệm mà tôi còn giữ đến ngày nay. Chúng tôi hết sức ngạc
nhiên vì chiếc máy ảnh của ông rất nhỏ, mà chúng tôi chưa từng thấy, vì lúc đó
các hiệu ảnh đã sử dụng loại máy ảnh lớn có hộp tối bằng gỗ, đặt trên giá, lấy
ánh sáng qua ống kính đóng mở bằng tay.
Bẵng đi đến hơn chục năm sau, tôi mới
được gặp lại ông Nguyễn Tạo tại Hà Nội. Đó là vào cuối năm 1954, lúc đang dạy
tại trường cấp III Lam Sơn (tỉnh Thanh Hóa), tôi được điều về Hà Nội, nhận công
tác tại Nha Giáo dục phổ thông, thuộc Bộ Giáo dục. Đầu năm 1955, tôi được phân
công về trường Đại học, vừa từ khu học xá Trung ương (Nam Ninh, Trung Quốc)
chuyển về Hà Nội, để chuẩn bị mở trường Đại học Tổng hợp và trường Đại học Sư
Phạm vào năm 1956. Tôi được phân công dạy tại khoa Sinh học - Đại học Tổng hợp
(nay là đại học Quốc Gia Hà Nội ) suốt từ đó đến nay. Cũng nhờ thế mà tôi lại
có dịp được gặp lại ông Tạo, lúc ấy đang giữ trọng trách tại Bộ Nông - Lâm, phụ
trách lâm nghiệp và sau đó là Tổng cục Trưởng Tổng cục Lâm nghiệp.
Vào năm 1957, khi đang là giảng viên tại Khoa
Sinh học, tôi và một số cán bộ của Khoa được phân công tìm địa điểm thực tập
cho sinh viên. Chúng tôi đã tìm đến nhiều vùng rừng núi gần Hà Nội và đã phát
hiện ra Cúc Phương, là một khu rừng nhiệt đới trên vùng núi đá vôi rất hiểm trở
còn khá nguyên vẹn, nằm gọn giữa một vùng đồng bằng, chỉ cách Hà Nội hơn 100
km, rất thuận lợi cho việc tổ chức thực tập cho sinh viên, đồng thời cũng là
địa điểm rất tốt cho công tác nghiên cứu và đào tạo cán bộ khoa học về sinh vật
học. Sau khi hai thầy trong Ban Chủ nhiệm Khoa Sinh là giáo sư Dương Hữu Thời
và giáo sư Đào Văn Tiến khảo sát lại rừng Cúc Phương, đã xác nhận Cúc Phương
không những là địa điểm tốt cho sinh viên thực tập, mà còn có thể xây dựng khu
bảo tồn rừng cho cả nước. Một nhóm cán bộ được cử nghiên cứu viết dự thảo Đề án
xây dựng Khu bảo tồn rừng Cúc Phương. Tôi
cũng may mắn được tham gia nhóm cán bộ đó.
Sau một năm nghiên cứu thực địa, và
soạn thảo, bản Dự án đề nghị xây dựng Khu bảo tồn rừng Cúc Phương hoàn thành,
nhưng làm thế nào để có thể chuyển được lên Văn phòng Chính phủ. Với quen biết
từ trước và đồng thời có chút tình bà con xa, tôi đến gặp ông Nguyễn Tạo để xin
ý kiến. Ông Tạo hết sức hoan nghênh và ủng hộ, không những thế Ông còn nhận đó
là trách nhiệm của Ông với tư cách là Thứ trưởng Bộ Nông - Lâm, phụ trách Lâm
nghiệp. Ông cũng đã ngăn cản kịp thời không cho tỉnh Ninh Bình khai thác gỗ tại
Cúc Phương. Ông còn nói với tôi là: “Nếu
Chính phủ không đồng ý, sẽ trình lên Chủ tịch Hồ Chí Minh xem xét”. Nhờ
lòng nhiệt tình và sự hiểu biết của bản thân về giá trị rất to lớn của rừng đối
với đất nước, mà ngay trong thời gian chiến tranh phá hoại miền Bắc nước ta
bằng không quân của Mỹ còn ác liệt, ông Nguyễn Tạo đã nhận trọng trách trình Dự
án bảo tồn rừng Quốc gia Cúc Phương và thuyết phục những vị đứng đầu Chính phủ
hiểu và ủng hộ. Vì lẽ đó, Dự án thành lập khu bảo tồn rừng Cúc Phương được
Chính phủ ký quyết định thành lập vào ngày 20-12-1962 và sau được chuyển thành
Vườn Quốc gia Cúc Phương. Khu Bảo tồn rừng Cúc Phương là khu bảo tồn thiên
nhiên đầu tiên của Việt Nam và cũng được đánh giá là rất sớm cho cả vùng Đông
Nam Á. Trong công việc này công lao của ông Tạo rất lớn.
Sau này, trong nhiều lần có dịp gặp
ông Nguyễn Tạo tại nhà riêng, qua câu chuyện, tôi được biết, Ông luôn trăn trở
về công việc bảo vệ rừng, bảo vệ thiên nhiên ở nước ta sao cho hữu hiệu, khi mà
rừng của chúng ta đang bị tàn phá một cách mãnh liệt và nhanh chóng. Ông thường
nói: “Rừng của nước ta rất có giá trị,
nhưng lại sử dụng quá lãng phí, một cây gỗ quý chặt ra chỉ sử dụng được khoảng
30% giá trị của nó. Đó là chưa nói đến nguồn cây thuốc và nhiều sản phẩm rất
quý của rừng nhiệt đới chưa được khai thác, còn để lãng phí”. Trước thực
trạng rừng bị chặt phá bừa bãi, nhất là rừng nguyên sinh đầu nguồn, hiện tượng
biến đổi môi trương ngày càng tác hại như hiện tượng lũ ống, lũ quét… ảnh hưởng
không nhỏ đến đời sống của hàng triệu người, ông Nguyễn Tạo hết sức đau xót và
băn khoăn. Từ yêu cầu thực tiễn trong công tác bảo vệ rừng, Ông đã kiên trì đề
nghị Chính phủ cho thành lập Cục Kiểm lâm, thực tế cho thấy, Cục Kiểm lâm đã
đóng vai trò nòng cốt trong việc bảo vệ rừng. Đến nay, lực lượng Kiểm lâm đã
lớn mạnh và chuẩn bị kỷ niệm 40 năm ngày thành lập (21/5/1973 - 21/5/2013).
Qua những dịp
được trò chuyện và cộng tác cùng ông, tôi đã học được từ ông rất nhiều ý tưởng
hay về công tác bảo vệ rừng, bảo vệ thiên nhiên và cả lòng nhiệt tình, tinh
thần trách nhiệm rất cao, luôn lo cho dân nghèo. Tôi luôn nhớ đến ông và xem
ông như một người anh và người thầy rất kính mến.
Hà Nội, tháng 3 năm 2013
2 nhận xét:
Lớp cán bộ cách mạng đầu tiên của đất nước thật là những KHỐI VÀNG RÒNG. Họ thật sự quên mình vì mục tiêu giải phóng Tổ quốc khỏi ách cai trị của ngoại bang, họ thực sự hy sinh vì nước, vì dân. Mỗi khi đọc lại những TẤM GƯƠNG như các Cụ lão thành, trong đó có Cụ Nguyễn Tạo, chúng ta lại suy nghĩ rất nhiều điều. Cam ơn BÁO LIẾP BANH TRỖI K5.
Các cụ đúng là lớp người Vì nhân dân thực sự quên mình.
Đăng nhận xét