Thứ Sáu, 28 tháng 3, 2014

KỶ NIỆM ĐỜI LÍNH (Phần III) - (Việt Dũng)


4- Chuyện về nụ hôn vĩnh biệt ở trạm quân y tiền phương.

        Đầu năm 1974, đang ở đơn vị pháo hỏa tiễn 122 ly thuộc Tỉnh đội Quảng Trị, tôi cùng hai chục anh em được điều động bổ sung cho Tỉnh đội Thừa Thiên để làm nòng cốt xây dựng đại đội pháo độc lập. Chúng tôi hành quân bằng ô tô vào đến binh trạm thuộc địa bàn huyện Hương Thủy, rồi lại bị điều về một đại đội bộ binh độc lập thuộc huyện đội Hương Thủy. Trong một lần bị sốt rét nặng, tôi được đơn vị đưa lên trạm quân y tiền phương của Tỉnh đội Thừa Thiên đóng tại thượng nguồn sông Hai Nhánh. Trong chiến trường, các trạm quân y thường được lính ta gọi là PHẪU TIỀN PHƯƠNG, chắc vì chữ PHẪU là phẫu thuật.


Việt Dũng (ngồi, trái) cùng 3 bạn lính gặp nhau tháng 12/1975 tại HN.

         Lên đến PHẪU, ngoài những cảnh thương binh bị thương do đạn bắn thẳng, mìn… bị què, cụt, tôi còn không khỏi giật mình vì thấy mấy “ông” không biết bị bệnh gì mà gầy lêu đêu, môi xanh tím, đầu trọc lốc như sư, tay chống gậy đi lại run rẩy trong các lán điều trị. Hỏi ra mới biết họ bị sốt rét ác tính, mới mười tám, đôi mươi, sức trai là thế, vậy mà bị sốt rét “quật” đến nỗi đầu trọc lóc, đi phải chống gậy, khiếp thật. Anh em ở trạm quân y cho biết, vào mùa mưa, lính bị sốt rét nhiều, khi đưa lên đây thì nhiều ca đã bị nặng đến mức hôn mê, một hai ngày sau là “ra đi”. Anh em chỉ tay ra phía rừng bảo: “Khối thằng chết vì sốt rét đã được chôn ở nghĩa trang của trạm phẫu đấy”.


         Nhưng có một câu chuyện mà tôi nghe anh em ở trạm phẫu kể rất ấn tượng, đến nay vẫn không thể quên, xin kể lại để độc giả BẠN TRỖI cùng chia sẻ. Chuyện như sau: Trong một trận đánh, nhiều thương binh dưới đồng bằng được đồng đội cáng lên PHẪU TIỀN PHƯƠNG. Trong số thương binh đó, có một cậu rất đẹp trai, trẻ măng, thuộc ca rất nặng. Bác sĩ phụ trách trạm khám thương rồi phân loại thương binh để cứu chữa. Đến lượt khám cho cậu thương binh trẻ, ông bác sĩ lặng đi, khi biết là không thể cứu được, ông đến bên người thương binh khẽ hỏi: “Em quê ở đâu? Năm nay bao nhiêu tuổi?”. Người thương binh trẻ trả lời: “Em là lính Hà Nội. Mới vừa tròn mười tám thôi ạ”. Bác sĩ khẽ hỏi: “Em có cần viết thư cho gia đình không?”. Cậu thương binh biết rằng tình trạng vết thương của mình rất nặng, nên thều thào trả lời: “Vâng, nhờ thủ trưởng gọi cho một hộ lý viết thư giúp em”, rồi cậu ngập ngừng như muốn nói một điều gì đó. Vị bác sĩ ghé sát xuống khuôn mặt tái nhợt vì mất máu của thương binh: “Em có đề xuất gì không?”. Người lính Hà Nội nói trong tiếng nấc: “Em… em biết là sắp đi, nhưng em muốn đề nghị thủ trưởng một điều. Tụi em nhập ngũ khi mới học xong cấp III, chưa biết yêu, chưa biết nụ hôn của người con gái thế nào. Nên em mong muốn là trước khi em chết, thủ trưởng cử một y tá hay hộ lý đồng ý cho em một nụ hôn, được như thế, thì em ra đi cũng thanh thản”. Vị bác sĩ mắt nhòe lệ, gọi một cô y tá trẻ, rất xinh của TRẠM PHẪU đến nói ý nguyện của người trai Hà Nội. Cô y tá nghe xong câu chuyện, mắt đỏ hoe, nhẹ nhàng ngồi xuống bên cạnh người thương binh nặng, nâng đầu anh lên, và khe khẽ đặt lên đôi môi đã chuyển sang mầu tím của người lính Hà Nội một nụ hôn dịu dàng, tiễn đưa người bạn chưa một lần quen biết về thế giới bên kia.
      Chắc trước đây, khi đọc những câu chuyện về chiến tranh, chúng ta thường được nghe về những trận đánh dũng cảm, những hy sinh oanh liệt của người lính cách mạng. Còn những câu chuyện như tôi vừa kể bạn nghe chắc thuộc loại “ủy mỵ”, “không có chất anh hùng ca”, nên không được đưa lên trang sách. Nhưng các bạn biết đấy, những năm tháng đó, nhập ngũ hầu hết là thanh niên tuổi mười tám, đôi mươi, họ chưa một lần yêu, chưa một lần nắm tay con gái, thậm chí đến khi khoác bộ quân phục lên người mới được các cô thôn nữ nơi đóng quân gọi bằng “Anh!”. Vậy nên những người lính – trai tân đó khi hy sinh đều chưa biết mùi hương của đàn bà, con gái. Và câu chuyện người trai Hà Nội trước khi vĩnh biệt cuộc đời xin một nụ hôn đã làm tôi vô cùng ấn tượng và xúc động. Chuyện là như vậy, nếu có hơi buồn thì các bạn đừng trách tôi nhé.


5- Quà của lính.
       Vâng, quà cáp với nhau thì thời nào cũng có, tuy nhiên, trong chiến tranh, quà của lính với nhau cũng thật đặc biệt. Tôi nhớ, trong một chặng hành quân trên miền Tây Thừa – Thiên, khi đơn vị tôi nghỉ chân gần một binh trạm, thì anh em ở binh trạm ra hỏi thăm và nhận đồng hương. Loanh quanh thế nào, có một lính Hà Nội nhà ở đầu phố Bà Triệu lại nhận ra tôi là bạn học cùng trường từ hồi…cấp I. Vậy là hai đứa cứ “quấn” lấy nhau nói đủ chuyện trên trời, dưới bể. Trước lúc chia tay, tôi lần trong ba-lô lấy ra hộp dao cạo râu “kỷ niệm” anh bạn 2 lưỡi dao mới và một chiếc áo may-ô của dệt kim Đông Xuân. Đáp lại “thịnh tình” của tôi, anh bạn “đồng hương” cùng trường cấp I lôi trong túi quần ra hai phong lương khô loại 702 đưa cho tôi và bảo: “Mày cầm lấy mà bồi dưỡng, tao mới “múc” trong kho ra đấy. Loại này ngon hơn loại 701 của tụi mày”.
Viếng LS HN ở NTLS Quảng Trị.

Viếng NTLS Đường 9.

       Còn chuyện đồng đội bị thương được đi “Uống thuốc Bắc”, tức là được ra Bắc, thì anh em trong đơn vị gom góp gói thuốc lá, phong lương khô, thậm chí có khi tặng bạn cả cái đài National ba băng là chuyện thường. Vào chiến trường, tình đồng đội, tình đồng hương nó thiêng liêng lắm.
        Tôi nhớ, hôm chia tay các “chiến hữu” cùng tiểu đội lên PHẪU điều trị sốt rét, mấy thằng cứ “lèo nhèo”: “Mày đi để lại cho bọn tao mấy quả lựu đạn mỏ vịt US nhé? Loại lựu đạn “quả na” của Liên Xô nặng quá, lên chốt mang khổ lắm”. Thằng thì xin con dao găm… Đấy, quà của lính nó giản dị như thế, nhưng mà không hiểu sao lại nhớ rất lâu.
        Còn chuyện “quà” của thằng chết cho thằng sống nữa chứ. Chắc đó cũng là chuyện bình thường của lính trong chiến tranh, ở mặt trận nào cũng có. Thời đó, bộ đội ta được trang bị vũ khí khá tốt, còn quân trang thì nhiều đơn vị thiếu, nhất là những đơn vị ở mặt trận vùng sâu, việc tiếp tế khó khăn. Vậy là sau mỗi trận đánh, khi có đồng đội hy sinh, ở các đơn vị vùng sâu, anh em đành “chia nhau” cái quần, cái áo, đôi dép cao su hay cái tăng, cái võng của bạn để lại. Bây giờ hòa bình rồi, nghe chuyện đó thì đau lòng, nhưng trong hoàn cảnh chiến tranh, người lính sống thường trực trong hiểm nguy lại thấy bình thường. Việc chia nhau một số đồ dùng của đồng đội đã mất để tiếp tục sống và chiến đấu cũng thấy không phải là việc làm thuộc phạm trù đạo đức, mà thấy là không có cách nào khác cả. Vì chẳng ai biết ngày mai, ngày kia mình có sống sót không.

6- Hình ảnh tôi nhớ ngày rời chiến trường.
        Đến tháng 12 năm 1975, trong khi đang làm tiểu đội trưởng rà phá bom mìn tại thị xã Quảng Trị, tôi được nhận quyết định ra quân. Còn đọng lại mãi trong tôi khi cùng đồng đội ngồi trên xe ô tô quân sự ra miền Bắc, là hình ảnh dọc Quốc lộ 1 A từ sông Thạch Hãn ra đến thị xã Đông Hà rải rác các khu mộ chí liệt sỹ hy sinh tại mặt trận Quảng Trị được qui tập tạm thời. Đó là liệt sĩ thuộc đủ các đơn vị đã tham chiến tại chiến trường thuộc các Sư 304, 325, 312, 320… và các đơn vị thuộc Tỉnh đội Quảng Trị, Tỉnh đội Vĩnh Linh, Tỉnh đội Thừa Thiên – Huế.  Trên mỗi nấm mồ liệt sĩ là một tấm bia bằng tôn, cắt ra từ thùng lương khô quân đội, trên đó có các dòng chữ được đục bằng đinh, ghi họ tên, quê, quán, đơn vị ngày nhập ngũ, ngày hy sinh. Hầu hết tuổi đời các liệt sỹ hy sinh tại Quảng Trị những năm 1971 – 1972 đều còn rất trẻ, chỉ trong độ tuổi mười tám, đôi mươi. Chắc chắn là còn hàng ngàn liệt sĩ chưa qui tập được, hoặc bị bom, pháo, mìn làm cho tan xác.
      Ai đã từng tham gia chiến trường Trị - Thiên nói chung, Quảng Trị nói riêng những năm tháng đó, chắc mãi mãi không thể quên mức độ ác liệt và sự hy sinh của hàng vạn đồng đội đã ngã xuống.
      Năm 2012, trong dịp trở lại thăm chiến trường xưa nhân kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng, bồi hồi nhớ lại một thời trai trẻ tại mặt trận Quảng Trị, tôi có làm bài thơ “Tháng Tư – nỗi nhớ”.

     - Có trăm ngàn nỗi nhớ
      Ùa về trong tháng Tư
       Những bông lau Thành Cổ
      Trầm mặc trong gió ru…

      Cúi mình trong hương khói
      Nghe tiếng vọng âm thầm
      Đồng đội tôi trong đất
      Có còn hô: “Xung phong….!”

      Trời tháng Tư màu lam
      Đất Trị Thiên màu đỏ
      Ngàn vạn bông hoa sứ
      Rải trắng khắp Cổ Thành

      Thắp hương nhớ các Anh
      Bốn mươi năm rồi đó
      Quân phục xanh màu cỏ
      Tóc ngả màu thời gian…

       Tháng Tư, lúa nồng nàn
       Phủ xanh hào, lũy cũ
       Tháng Tư, ngàn nỗi nhớ
       Về đồng đội thân yêu…       
      Mỗi khi có dịp đến viếng thăm các nghĩa trang lớn ở nơi đất lửa anh hùng như: Nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn, nghĩa trang Đường 9, nghĩa trang Khe Sanh, nghĩa trang Thị xã Quảng Trị… tôi không khỏi rưng rưng muốn khóc. Bất cứ ai đã từng đến viếng và chứng kiến hình ảnh hàng ngàn bia mộ liệt sỹ có tên và chưa có tên trong các nghĩa trang rộng mênh mông ở đất lửa Quảng Trị, mới thấu hiểu giá trị của cuộc sống hôm nay và thấu hiểu câu nói của một nhà văn: “Chiến tranh đã đến rồi không đi”. Vâng, cho đến nay, chiến tranh trên đất nước ta đã lùi xa gần nửa thế kỷ, nhưng những vết thương do chiến tranh để lại vẫn hằn sâu trong tâm tưởng và vẫn hiện diện trong cuộc sống của hàng triệu gia đình trên cả nước. Cầu mong hòa bình vĩnh viễn trên mảnh đất này.          



10 nhận xét:

TranKienQuoc nói...

Bác Đoàn Mạnh Giao vào chiến trường đầu 1971 cũng bị sốt rét ác tính, nằm liệt giường, lâu quá thối cả lưng. Chiến trường ác liệt quá.

TranKienQuoc nói...

Nụ hôn đầu, sao mà thiêng liêng thế. Còn bao người lính chưa có được hạnh phúc như anh.
Xúc động quá khi đọc bài này. Cảm ơn Dũng!

NH nói...

Việt Dũng ơi! Cảm ơn cậu về những dòng Kỷ niệm đời lính. Chẳng lạ gì với lính chiến bọn ta, nhưng mỗi khi nhắc lại tự nhiên cảm động vô cùng vì hình ảnh cách đây hơn 40 năm mà mới như hôm qua. Mình nhớ lại khi 18 tuổi ra chiến trường có viết thư cho cô bạn học phổ thông có đoạn: "Tớ chưa từng được nắm tay một bạn gái nếu ra trận hy sinh thì thiệt thòi quá!" Cô ấy viết lại: " Nếu gặp được cậu tớ sẵn sàng tặng người lính nụ hôn, chúc cậu may mắn trở về". Dòng này cũng làm mình vui suốt dọc đường hành quân đấy. Chuyện hy sinh, bị thương ở chiến trường quá bình thường với chúng mình. Đọc nụ hôn được y tá tặng cho người lính trước khi "ra đi" thật cảm động, khi đó hình ảnh y tá hộ lý chiến trường đẹp đẽ cao thượng làm sao! Trời hãy phù hộ cho các chị các em được hạnh phúc trong đời thường hiện nay!

dathb136 nói...

Đọc mà rớt nước mắt.Vâng,chúng tôi ra trận chỉ mới 17,18,đôi mươi.Nhiều người ra đi chưa từng biết cầm tay con gái,chứ đừng nói nụ hôn.Cám ơn Việt Dũng đã làm nhớ lại một thời tuổi trẻ.

TranKienQuoc nói...

VD cũng là trại viên Trại NĐMB đấy, mẹ làm ở Hội LHPN.

QV nói...

Viết thay lời liệt sỹ đã hy sinh trong bài viết đầy xúc động và bi tráng của Việt Dũng:

Em,
Đã mấy chục năm rồi,
Mình xa nhau
Sau nụ hôn nồng cháy,
Nụ hôn yêu thương,
Nụ hôn đầy tình đồng dội.
Cám ơn em,
Người con gái xứ nào,
Tên là gì,
Anh cũng chưa hề biết.
Phút giây ly biệt,
Em trao anh nụ hôn thiêng liêng,
Để thỏa lòng anh,
Người con trai Hà Nội
Trước khi đi về nơi ấy,
Về chốn hư vô…

Xin em hiểu cho
Nỗi lòng người lính,
Thèm lắm,
Nhưng chưa bao giờ dám
Nắm tay bạn gái một lần.
Sau những chặng hành quân,
Sau những trận mưa bom, bão đạn,
Anh tự hào
Đã không hổ với Non Sông, Đất Nước.
Đã góp máu xương
Làm nên những chiến công,
Để Đất Nước có ngày mai tươi sáng.
Anh hoàn toàn xứng đáng
Nhận nụ hôn thiên thần ấy,
Phải không em?

Dù đã đi xa,
Anh giữ mãi trong tim
Tình đồng đội
Qua nụ hôn ngày ấy
Của em – người con gái vô danh.

Cầu cho em
Luôn Hạnh phúc,Yên bình.

Chè tươi. nói...

Cảm ơn anh VD . Đoc xong bài anh viết thật cảm động .Tuy là thế hệ sau lớn lên thi chiến tranh đã kêt thúc. nhưng đôc xong không cầm đươc nước mất. vì các anh đã hy sinh ra đi nhe nhàng và thầm lặng. đơn giản như cuộc sống ngắn ngủi của các anh khi mói đôi mươi.

Nặc danh nói...

"Nụ hôn",một câu chuyện rất cảm động. Tôi đã rơi nước mắt sau khi đọc song.Cám ơn tác giả.KC

Phạm Hồng Phương nói...

Cảm ơn bạn Việt Dũng đã kể lại các câu chuyện rất xúc động và thấm đậm tình đồng đội của những người lính. Tháng 7 -2013 tôi cũng đã vào nghĩa trang Quảng Trị để thắp hương cho các bạn. Tổ quốc và nhân dân không bao giờ quên công ơn các bạn.

Nặc danh nói...

Cảm động rơi nước mắt khi đọc truyện của anh Việt Dũng. Chiến tranh vô cùng khốc liệt, mãi mãi ghi nhớ sự hi sinh anh dũng của các anh.HP