Thứ Bảy, 7 tháng 6, 2014

VẪN TRỜI VIỆT NAM (Vũ Cao Phan)

Anh Vũ Cao Phan thì nhiều bạn đọc BT5 đã biết. Tháng 5-2014 khi tôi có dịp sống ở Hà nội thì anh Phan có chuyến công du Trường sa. Từ Trường sa trở về, Phan gửi cho tôi bải viết "Vẫn trời Trường sa". Đọc bài của Anh Phan, là bạn bè nên tôi tán thêm:  "Tiếng gà ở Trường sa thì nghe có vẻ đất liền quá, nhưng, bầy chó (mà quân số nhiều ngang lính đảo) cuồng chân vì thiếu đất phi, phải lao xuống biển bơi một vòng ra cọc phòng thủ rồi lũ lượt quay lại thì thật là đảo xa, thật là Trường sa...". Chưa thấy Phan bình tiếp thế nào, hôm tiễn tôi ra sân bay Nội Bài, Phan tiêng tiếc tặng tôi kỷ niệm quí của chuyến đi Trường sa "Tao chỉ có một cái ảnh này!"...
Xin gửi bài viết của anh Phan lên BTk5 để các bạn cùng đọc, gửi theo kỷ niệm mà anh Phan tặng tôi để bạn đọc của Báo liếp cùng thưởng thức. (Trần Đình, Berlin).

VẪN TRỜI VIỆT NAM
Tặng các bạn trong đoàn công tác số 11 Trường Sa

Tôi chợt thức giấc. Vì một tiếng gáy gà rất gần.
Mình đang ở đâu nhỉ? Sống quen phố thị rồi, thảng hoặc mới nghe tiếng gà mỗi dịp về quê hay đi công tác xa. Đang ở đâu? Giật mình tỉnh hẳn: Trường Sa!
Hoa bàng vuông - kỉ niệm chuyến đi tặng bạn.
Suốt mấy ngày bập bềnh trên sóng, chật chội khung giường hầm hập nóng không dễ ngủ thì lại có được một đêm như đêm qua. Văn nghệ, giao lưu với bộ đội trên đảo đến khuya, kịp ngả lưng xuống thì thông thống gió lành biển Đông ùa vào mát xa mát gần, mát da mát thịt, làm sao không ngủ quên trời quên đất được!
Tiếng gà. Thì tiếng gà chứ sao! Quen thuộc như từng  nghe ở Châu Thành hay Thạch Hà vậy.



Đến với đảo, đá nào, một trong những điều khiến tôi chú ý là gia súc ở đây được chăn thả ra sao. Nó là nguồn thực phẩm đã đành, nhưng có lẽ điều quan trọng chẳng kém là gà, lợn, chó, mèo là những sinh vật, những thực thể sống đem đến không khí và sự giao lưu rất cần thiết cho con người, cho các chiến sĩ nơi đảo xa khó khăn, vất vả. Ở đảo Thuyền Chài, Trung, quê ở Phú Yên mới ra đảo được 5 tháng đã vanh vách như một chuyên gia kể với chúng tôi “quy trình” nuôi gia súc của các anh ra sao. “Ra sao” để mặc dù đây là đảo đá (đảo đá nghĩa là không một ngọn cỏ, không một tấc đất, chỉ vài khoanh đá mà thôi), gia súc vẫn được chăn thả tự do, lớn lên béo tốt, nhanh nhẹn. Đặc biệt gà vịt ở đây vẫn sòn sòn đẻ trứng, cung cấp khoản thực phẩm giàu đạm này cho bộ đội, điều mà nhiều đảo, đá khác không làm được (Ở Phan Vinh chẳng hạn, một đảo đất hẳn hoi, gà vịt vẫn phải nuôi nhốt khiến con nào con nấy trông buồn bã, xác xơ, trứng cho thưa thớt mà thử nghiệm nhiều lần vẫn không ấp nổi). Con vật điển hình nhất ở đảo chính là các chú khuyển. Có đảo/ đá, “quân số” của khuyển xấp xỉ bộ đội. Chó vốn là loài hiếu động nhưng đành chịu bó chân bó cẳng trên các đảo đá. Diện tích nơi này nhỏ hẹp, thay vì không thể phi, không thể chạy nhảy đi đâu được, chó rủ nhau, thi nhau bơi vậy. Những “mái chèo” chân chó có vẻ “không chuyên nghiệp” vẫn đủ guồng chúng bơi xa tới vài trăm mét, đến những bãi cọc phòng thủ, ôm lấy thân cọc nghỉ ngơi rồi lại thi nhau guồng về. Chó ở đảo tất nhiên còn có chức năng “người lính”. Ai cũng ngạc nhiên là chó nhiều vậy mà khách đất liền ra không hề nghe tiếng sủa, lại còn thân thiện như người nhà. Chớ lầm, chúng được huấn luyện cả đấy! Lảng vảng đến những nơi “không cần thiết đến” vào buổi tối mà xem. Chó luôn là người bạn thân thiết nhất của lính đảo. Mỗi khi phải “xử lý” để giải quyết vấn đề thực phẩm, lính ta  cân nhắc cẩn thận rồi ra “nghị quyết” hẳn hoi. Những chú chó thông minh, "bản lĩnh” nhất luôn ở ngoài “danh sách”.
Nghe nói đến bàng vuông đặc sản Trường Sa lâu rồi, nay mới kiến diện. Điều bất ngờ là được nhìn thấy hoa của loại cây này, không hương mà sắc thì giản dị nhưng tuyệt đẹp. Đẹp như người lính đảo, đẹp như chưa bao giờ thấy, còn đẹp như thế nào thì  chịu, không mô tả được. Xin mời bạn đọc đến Trường Sa một lần để yêu thêm đất nước mình. Ngoài bàng vuông bàng dẹt, lính đảo còn trồng tra – một thứ cây thân gỗ có quả chùm như nho – và cây nhàu. Những thứ này thích hợp với thổ ngơi. Nơi nào có thể tận dụng, bộ đội đều tạo nên màu xanh. Bởi vậy ở nhiều đảo các cuộc gặp gỡ làm việc, giao lưu đều diễn ra dưới tán cây mát rượi, thay vì hội trường. Nhiều đảo, thực sự là một công viên cây xanh như Phan Vinh, An Bang… Ở Trường Sa Đông, chúng tôi được đón ngay từ bến thuyền lên một vườn cây rợp bóng, khắp nơi đã bày sẵn những dãy bàn trà, nước cứ như một quán trà vườn lý tưởng vậy, rất ấn tượng!
Tháng 5 vốn là đỉnh điểm khô hạn. Giờ đã cuối tháng 5 rồi mà mới có vài giọt mưa, và cũng chỉ trên một vài đảo. Ở An Bang, tôi cứ bùi ngùi thương nhất một gốc bàng. Trước đó mươi ngày nửa tháng, mưa lướt ào đến dăm bảy phút, đúng là nắng hạn gặp mưa rào, cây bàng vội vội vàng vàng bật ra vài mươi chồi biếc đầy sức sống. Nhưng từ bấy lại chang chang nắng, nắng bắt đầu thiêu những búp bàng. Ông trời ơi ông trời,ông làm ơn mưa xuống cho bàng tôi lên với!
Khô hạn vậy mà vẫn mướt mát những vườn rau xanh lính ta đủ cách tạo nên. Lạ thay, chính các đảo đá, nhà giàn, những nơi không thể trú ngụ một ngọn cỏ mới là chỗ có những vườn rau ngon lành nhất. Nhà giàn DK20, chông chênh trên tít vòm thượng tương đương lầu 6, lầu 7, ớt xanh ớt đỏ vẫn trĩu cành, lại trồng được cả khoai lang cho lá cho củ nữa. Ở Tốc Tan, nắng như thiêu đốt, không một ngọn gió (có vẻ là nơi nóng nhất Trường Sa?), cái áo mặc trên người thành nơi tạm trú của đám mồ hôi trước khi giọt giọt thả xuống nền xi măng, có một “vườn” rau cải mà chúng tôi nhất trí giơ tay “bầu” là “Hoa hậu rau của Trường Sa”. Nó như thế nào để được gọi là vậy? Vườn treo mà phổng phao, mà non tơ xanh mướt, chẳng khác gì vườn rau ở đầu hồi nhà bạn. Nghe nói một số đảo ở phía bắc, đất liền đang chi viện thử nghiệm trồng rau trong nhà kính cho kết quả rất tích cực. Nếu giải quyết được vấn đề rau xanh thì thực sự làm nên cuộc cách mạng cho đảo xa.
*        *
*
Nói về rau, về gà ở Trường Sa, tôi nghĩ là đã nói về những chiến sĩ anh hùng nơi đầu sóng ngọn gió của chúng ta. Nhưng vẫn phải nói về chính họ. Chúng tôi đi Trường Sa đúng vào dịp Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan 981 ở phụ cận Hoàng Sa, ngay vùng đặc quyền kinh tế, trên thềm lục địa Việt Nam. Đến đâu cũng thấy một không khí bức xúc, cũng nghe những cuộc trao đổi, nghị luận để hiểu thêm tình hình quanh vụ việc này. Thiếu uý Tùng, sĩ quan trên tàu HQ – 996 chở chúng tôi ra đảo bảo rằng, tại sao Trung Quốc cứ nay thế này mai thế khác, sớm nắng chiều mưa trong quan hệ với Việt Nam, họ thực sự muốn gì vậy? Ngoài các thủy thủ trên tàu, Bộ đội Hải quân còn cử thêm tổ trách nhiệm rút từ một đơn vị chiến đấu để phục vụ đoàn công tác. Số anh em này sốt ruột được trở về đơn vị, trong khi vẫn tích cực hoàn thành nhiệm vụ lâm thời được giao. Trung uý Trọng ở Trường Sa Lớn thì cho chúng tôi biết, ở đây ai cũng sẵn sàng làm nhiệm vụ của người lính. Hơn nữa, Trọng nói, Trường Sa với Hoàng Sa là anh em sinh đôi mà. Đến thăm các gia đình ngư dân tại Trường Sa Lớn, tôi gặp cậu bé 6 tuổi Lê Đức Tính. Bảo cháu ghi đôi chữ vào cuốn sổ của bác để làm kỷ niệm đi, cháu nắn nót viết: “Con tên Lê Đức Tính. Con mong mau lớn ở Trường Sa để bảo vệ biển đảo của Tổ quốc Việt Nam”.
Trường Sa thiếu thốn đủ thứ, nhưng thứ thiếu nhất vẫn là tình cảm. Những năm trước đây thì mong mỏi tin thư, còn bây giờ có điện thoại di động rồi thì mong được gặp người. Tùng kể rằng hồi anh đóng ở đảo Sơn Ca, năm 2008, thì bất ngờ được tin cả bố lẫn mẹ cùng mất trong một tai nạn giao thông lấy đi 14 mạng người. Tùng là anh cả, còn lại mấy em gái bé. Hồi đó tàu bè ra đảo hiếm hoi, đơn vị cho nghỉ phép cũng chẳng biết làm cách nào, rồi cũng chẳng thể nghe ngóng thêm tin nhà. Đau đớn về tin cha mẹ, thương các em, cứ đứng ngồi không yên, lòng nặng trĩu buồn lo. Nhưng rồi vẫn vượt qua, kiên quyết bám đảo, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Bây giờ, phương tiện thông tin liên lạc đã giải quyết được rồi thì niềm mong được gặp gỡ người từ đất liền luôn trở nên háo hức nơi mỗi người lính trẻ, nhất là nếu lại được thông báo đoàn ra có mang theo văn công. Ở Trường Sa Đông, các chiến sĩ ra ra vào vào ngóng đoàn chúng tôi từ sớm. Chiều đến, cơm nước vừa xong bộ đội đã lục tục mang ghế trật tự xếp chỗ ngồi dưới những tán bàng. Văn công chưa chuẩn bị xong, anh em tự động hát vang những bài ca quen thuộc của mình. Rồi khi chương trình chính thức bắt đầu, bài hát nào các cô ca sĩ cất lên cũng kéo theo một lô các anh lính thủy tràn lên sân khấu nhảy giữ nhịp, nhưng rồi phá nhịp vì mỗi người tùy hứng nhảy theo cách của mình,nhảy hết cỡ, như chiếc lò so bị kìm nén đến lúc bung ra vậy. Thật vui và nhộn và cũng thật bộ đội. Sớm hôm sau tiễn đoàn ra bến, những câu hát vẫn còn vương theo: "Biển này là của ta, đảo này là của ta, chiến sĩ Trường Sa, hát tiếp bài ca..."
Tôi rời khỏi quân ngũ đã 24 năm. 24 năm trở lại vẫn gặp chính mình trong những người lính trẻ. Những người lính ấy vẫn là anh bộ đội Cụ Hồ từ bản chất: giản dị, vô tư nhưng cũng đầy tính kỷ luật và sức chiến đấu. Đảo có nhỏ, có ít người, bộ đội vẫn xếp thành đội ngũ bước đều khi thay gác, lúc ăn cơm. Hỏi, đứng gác dưới nắng chói chang thế kia sao không dựng chòi canh cho đỡ vất vả. Đáp, nhưng nó lại hạn chế tầm quan sát.
Ở các đảo đá, bộ đội "vào kiềng" ngay từ cách bố trí doanh trại, tạo thế phòng ngự vững chắc. Tính kỷ luật làm nên sức chiến đấu cho bộ đội được thấy rõ trong việc chấp hành nghiêm chỉnh các điều lệnh nội vụ, điều lệnh đội ngũ...
Đến nơi nào, đoàn công tác và úy lạo bộ đội của chúng tôi cũng được nhiệt tình đón tiếp. Nhưng có lẽ ấn tượng nhất, để lại nhiều cảm xúc nhất là ở Trường Sa Lớn, thủ phủ của quần đảo. Một lễ chào cờ và diễu binh của các lực lượng hải, lục, không quân, bao gồm cả bộ đội đặc công và dân quân tự vệ trên đảo đã diễn ra hoành tráng. Sự kiện này nói lên nhiều điều. Và buổi chia tay ở đây đã khiến tất cả chúng tôi cảm động. Các chàng lính thủy xếp thành hàng dài trên bến dọc thân tàu, vỗ nhịp hát hết bài ca này đến bài ca khác, từ "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng", đến "Nối vòng tay lớn". Hết sạch cả vốn liếng mà tàu vẫn dường như lưu luyến không chịu rời bến, bộ đội bắt đầu ca "Em bé bòng bong..." rồi "Mẹ yêu con vì con giống ba...". Bộ đội hát, những người trên tàu cũng hát, nước mắt rơi mà nụ cười vẫn giữ: “ Hẹn gặp lại!”, “ Hẹn gặp ở nơi Tổ quốc cần!”
*
Một ngàn hải lý đi qua 13 điểm đảo trong một hải trình hơn chục ngày để lại bao nhiêu trải nghiệm, bao nhiêu cảm xúc thì có lẽ đến lúc này tôi vẫn chưa đong đếm hết được. Nước biển từ màu xanh lục gần bờ chuyển sang màu xanh nước biển (xanh dương) như vẫn gọi hóa ra lại chỉ người ở đất liền cảm nhận, còn với người đi trên đại dương thì nước biển có màu xanh tím ngắt. Đơn giản thế thôi nhưng có ra biển lớn mới hiểu tại sao áo của người lính thủy lại có màu như vậy. Nhà hàng hải vĩ đại Christophe Columbus từng nói: Tôi suốt đời lênh đênh trên biển, nhưng nào đã biết biển là ai. Còn thủy thủ Sinbat thì cầu nguyện, thêm một lần, một lần nữa, một lần nữa dong buồm ra khơi. Chúng tôi khởi hành đúng vào ngày rằm, trăng vằng vặc trên trời nhưng dường như không ôm nổi biển. Ánh trăng bàng bạc mặt đại dương, lấp lánh phản chiếu từ những lớp sóng lăn tăn, biển lặng. Tôi thường treo võng trên boong ngắm biển, một hôm chợt thấy không có trăng, biển sẫm một màu đen kịt. Hóa ra hạ huyền, trăng muộn. Ngả lưng xuống võng, lại phải trỗi dậy: Cả một trời sao dâng trước mặt, muôn ngàn ánh sao. Rồi đến một lúc sao trồi lên từ biển. Những đóa sao lung linh mặt nước ấn tôi vào giữa vũ trụ, giữa hằng hà vì sao... Cái cảm giác cánh võng của mình treo giữa vũ trụ ấy rất thật, cho đến khi những vì sao trồi lên từ biển rõ dần, to dần rồi rực rỡ cả một góc trời: dàn khoan Bạch Hổ, thành phố biển kéo dài hàng chục hải lý thắp lên những đuốc khí đồng hành làm phấn khích con tim không chỉ với những người lần đầu ra biển...
Biển của ta thật giàu tôm cá. Nhiều đêm, chúng tôi thả câu rồi giật lên đủ loại, có con thu ngừ nặng đến bảy, tám cân. Còn buổi ngày, nhìn thấy dưới tầng sâu những đàn cá lớn hay rào rào trên mặt nước những bày cá cơm phóng đuổi nhau. Nhưng tôi thích nhất rình ngắm những "phi đội" cá chuồn, chúng bay là là hàng trăm mét trên mặt nước, có khi còn giỡn sóng, thật đẹp mà chẳng bao giờ đưa được vào ống kính.
Đoàn công tác chúng tôi đến từ nhiều ngả. Ngoài nhiệm vụ riêng có nhiệm vụ chung là uý lạo thăm hỏi bộ đội. Hai trăm con người để không hẹn mà trở thành đại gia đình Việt Nam ở đây, cùng một mục đích, cùng một ý chí vì Tổ quốc, vì biển đảo của mình. Tôi biết, rồi mình sẽ rất nhớ Khán, Thủy, Thanh, Thành… đến từ Long An; Páo Mỳ, Anh Hừ, Sa Môi, Hương…đến từ Lai Châu; Ngọc Anh từ TP.Hồ Chí Minh cùng bao nhiêu bạn bè khác đến từ Sơn La, Đăk Lăk, Tây Ninh… Nhóm chúng tôi 10 người: Mỹ, Thành, Phương, Nga, Tấn, Khanh, An, Minh Hanh, Văn Hanh và tôi, từ Viện Hàn lâm KHXH, Tổng cục dân số & KHHGĐ và Uỷ ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương, ai cũng cố gắng hết sức mình hoàn thành nhiệm vụ. Thu Phương bị bệnh tim mà không chỗ nào không có mặt. Cô bảo, bộ đội vất vả thế, công việc mình làm đã thấm gì.
Nhưng trong đoàn, những người lao động cật lực nhất có lẽ là văn công. Không ở điểm đến nào không có chương trình giao lưu với bộ đội; có ngày hai suất vì đến hai nơi. Lại luôn luôn là những người rời đảo sau cùng trong bối cảnh hối hả vì thủy triều xuống rất nhanh, chậm chân một chút là cả người trên đảo lẫn dưới tàu kẹt lại một đêm luôn! Văn công đi cùng đoàn chúng tôi đến từ Đăk Lăk, mang hơi thở của cao nguyên xuống biển mà lại rất hợp ở chất phóng khoáng. Đăk Lăk cử đến toàn những chiến sĩ văn nghệ gái trai khỏe mạnh, nhanh nhẹn, xông xáo (và tất nhiên, xinh đẹp nữa) do ca sĩ chủ lực Y Den dẫn đầu. Âm hưởng trong giọng hát của anh khiến người ta không thể không nhớ tới Y Moan.
                                   *       *
                                      *
Người lính Trường Sa đầu tiên mà tôi quen biết trong chuyến đi này chính là thiếu úy Tùng. Buổi sớm ngày đầu tiên trên tàu ra đảo, tôi vác ống nhòm trèo lên boong thượng. Đã thấy Tùng ngồi đấy. Anh có hơn 4 năm trên các đảo Trường Sa, bây giờ được biên chế về con tàu này, HQ-996, làm nhiệm vụ vận chuyển bộ đội và đưa đón các đoàn ra thăm đảo. Anh đã đi chuyến thứ tư từ đầu năm đến nay. Tùng bảo chuyến nào nếu chưa đến phiên trực anh đều leo lên đây khi tàu vừa khởi hành. Ở đây anh ngắm sông Sài Gòn cùng cảnh quan đôi bờ không bao giờ biết chán. Ở đây có dãy nhà - tổ chim yến kéo dài hàng cây số. Có những địa danh không thể nào quên: Nhà Bè, Cần Giờ, Rừng Sác... Cặp hai bên sông là ngút ngàn dừa nước, mắm, bần, đước... Tùng bảo nước non mình đẹp quá và cứ ước một lần được bay trên trực thăng hay đơn giản là lái chiếc xuồng lá đi trong những ngóc ngách vô cùng của đước để xem bộ đội mình thời chiến tranh đã ngâm mình trong đó ra sao khi phục kích những con tàu của địch. Cao lớn, khỏe mạnh, dân vùng biển Tĩnh Gia, ngoài công việc chuyên môn của mình, Tùng luôn được phân công thêm những công việc khó khăn, nặng nhọc, chẳng hạn nâng dắt khách lên xuống xuồng, một công việc không cẩn thận dễ xảy tai nạn. Nói chuyện gia đình, Tùng bảo vợ con anh giờ đã ở gần, đứa em gái út tốt nghiệp đại học đã có được công việc ngay tại Thủ đô. Thế là ổn.
Lượt về, cả tôi và Tùng lại chạm trán nhau trên boong thượng. Tàu băng băng lướt về thành phố. Chuyến đi của chúng tôi đã không thể thành công đến như vậy nếu không có sự giúp đỡ, phục vụ hết mình của tàu HQ-996 và thủy thủ đoàn. “ Tâm sáng, lòng trong, vía lành, biển lặng”, không quên câu châm ngôn ấy của những người lính thủy.
Tạm biệt nhé, con tàu thân yêu đã 20 năm tuổi mà vẫn đầy sung sức.
Tạm biệt trung tá thuyền trường Đoàn, người chỉ huy hầu như không lúc nào rời buồng lái; tạm biệt đại úy chính trị viên Vĩnh mà tôi gọi đùa là "quốc vương" vì nhìn nghiêng anh rất giống vị quốc vương Thái Lan thời trẻ, giống hình ảnh của ông được in trên đồng bạt từ bốn, năm mươi năm trước.
Tạm biệt đại úy Quân, thượng úy Hiền, trung uý Minh, trung uý Dương, thiếu uý Phòng... Các bạn đã giúp đỡ chúng tôi rất nhiều, xin cảm ơn.
Tạm biệt Tùng.
Tôi cúi xuống ghi dòng cuối vào nhật ký:
Trường Sa đâu có xa xôi
Sớm, trưa, mưa, nắng... vẫn trời Việt Nam.
5/2014

V.C.P

Không có nhận xét nào: