Thứ Hai, 8 tháng 9, 2014

Tôi phấn đấu vào Đảng (2) - Đỗ Thành Hưng

NHỮNG CÚ SỐC ĐẦU ĐỜI

Cú sốc đầu tiên
Lớp B5 của tôi một số được đi học lái xe hơi ở trường 255, trong đó có tôi và Hồ Tiến. Hoàn thành khóa học, bọn tôi tạm về cục Quản lý xe chờ phân công cụ thể. Sau Tết 1971-1972, tôi và Hồ Tiến được điều về Bộ tư lệnh Tăng-Thiết giáp (BTL-TG). 
Tại đây, chúng tôi gặp Bùi Hữu Thích, anh Kim Hiển và một anh nữa cùng về BTL-TG. Năm chúng tôi chờ ít ngày rồi mỗi thằng về một đơn vị. Trời xui đất khiến thế nào tôi và Hồ Tiến lại cùng về đại đội 11 - sửa chữa tăng thiết giáp của trung đoàn 201 ở Xuân Mai.
Khi chúng tôi về đại đội 11, đơn vị này có hai sĩ quan:
-         Thiếu uý Phạm Ngọc Thực-đại đội trưởng.
-         Chuẩn uý Đoan-chính trị viên phó.
Nay bổ sung thiếu uý-kỹ sư-Hồ Tiến: đại đội phó kỹ thuật và chuẩn uý-kỹ sư-Đỗ Thành Hưng: kỹ thuật viên (người giúp việc cho đại đội phó Hồ Tiến).
Chắc các bạn hiểu được sự chạnh lòng của tôi thế nào khi nhận quyết định này vì tôi đã từng được phân công giúp Hồ Tiến, Vũ Đức Bang trong học tập. Tôi thực sự tỉnh ngộ và hiểu lý do vì sao! Dù đây là sự phân công ngẫu nhiên của cơ quan cán bộ BTL-TG.
Dẫu sao Hồ Tiến cũng là bậc đàn anh của tôi về tuổi đời, tuổi quân, tuổi Đảng và kinh nghiệm sống, nhưng đây vẫn là cú sốc đầu tiên của tôi khi thực sự bước vào đời…



Cú sốc thứ hai - Đoàn viên mới!
Rồi một tối sinh hoạt Đoàn diễn ra, chuẩn uý-kỹ sư-Hưng được mời ngồi hàng ghế đầu. Tôi liếc nhìn nhanh cả hội trường, mấy chục anh em tuổi 18, 19, 20, có người nhập ngũ chưa đủ sáu tháng tuổi quân! Hàng ngày họ vẫn gọi tôi là thủ trưởng, một ý nghĩ hiện nhanh trong đầu “Ôi! Chẳng nhẽ đây là cái ghế dành cho chuẩn uý?” Tôi ngồi xuống ghế mà chết lặng người. Tai tôi ù đi khi nghe bí thư giới thiệu Đoàn viên mới! Tôi ngồi như trời trồng khi tiếng vỗ tay rần rần vang lên chào mừng thủ trưởng Hưng-Đoàn viên mới!!! Giá như có phép thần thông chắc tôi không kịp thăng thiên thì cũng độn thổ! Dưới ánh đèn tròn đỏ quạch chắc không ai phát hiện ra sắc mặt của tôi đỏ nhừ hay tái ngắt!
Tôi nhận ra rằng cái ghế của chuẩn uý-kỹ sư thuộc nhóm ghế của các tân binh kém tôi 6-7 tuổi đời.
Một thảm họa tinh thần thật sự đang xảy ra trong tôi. Đầu óc quay cuồng, cả buổi họp tôi chẳng biết bí thư chi Đoàn nói gì, triển khai nội dung gì. Tan họp lòng tôi nặng trĩu, chân không buồn bước, rồi tôi cũng về được giường ngủ của mình. Đêm ấy tôi đã thức trắng đêm vì xấu hổ đến tột cùng. Tôi đã tự kiểm điểm, tự trách, tự dằn vặt mình và thực sự hối tiếc đã bỏ qua những lời tâm sự chân tình của Công Sơn, Hồ Tiến, Vũ Đức Bang và nhiều anh em khác, để bây giờ phải đối mặt với một thảm hoạ tinh thần- “thật là một đòn trời giáng!”.
Từ đây, mỗi kỳ sinh hoạt Đoàn là thảm hoạ tinh thần đối với tôi. Nếu không muốn nói rằng lòng tự trọng của tôi bị tổn thương trầm trọng. Phải chăng đây là cái giá của sự kiêu ngầm, ngu ngốc của tôi, của một thời trai trẻ nghĩ suy nông cạn?
Rồi tôi đã phác thảo trong đầu một kế hoạch với động cơ cực kỳ mạnh mẽ, một quyết tâm sắt đá không cần một lời động viên, tâm sự, giúp đỡ của ai để mau chóng thoát khỏi cái thảm hoạ tinh thần này!

Ngày hôm sau tôi phải tự uốn nắn lại mình từ bước đi, lời nói, ánh mắt, nụ cười,… trong mọi sinh hoạt cá nhân và công việc. Nói không ngoa chứ từ đi ăn, vệ sinh, đến hơi thở của mình, trong đầu tôi luôn văng vẳng “xấu hổ quá Hưng ơi! Phải chững chạc, điềm đạm, mẫu mực, không được quên nhé!”. Trước tiên tôi phải khẳng định được mình trong đơn vị bằng những việc làm cụ thể.

ĐẶT DẤU ẤN ĐẦU TIÊN
Tôi đề xuất với ban chỉ huy (BCH) đại đội là cần bảo dưỡng tất cả bốn chiếc xe công trình Zil-157 vì quá lâu chưa được bảo dưỡng. Được sự chấp thuận của BCH, tôi chọn ba cậu thợ nhanh nhẹn vào tổ bảo dưỡng và mang tất cả kiến thức từ lý thuyết đến thực hành mà mình tiếp thu được chỉ cho anh em nội dung cùng cách thức thực hiện. Cũng may là ở đại đội có đủ loại thợ nhưng họ chỉ được huấn luyện sửa chữa xe tăng, động cơ dầu, còn về xe hơi-động cơ xăng thì hầu như họ không biết.
Đây là cơ hội để tôi vừa ôn luyện, vừa nâng cao tay nghề của mình, cũng là nâng cao uy tín chuyên môn trong đơn vị. Sau gần một tháng, việc bảo dưỡng toàn diện bốn xe công trình đã xong. Nhờ sự chỉ huy kỹ thuật khá thành thạo, chu đáo của mình; được tổ thợ tin, phục; BCH và anh em nhìn tôi có chút gì đó tin tưởng, thân thiện hơn nhiều; không còn ánh mắt thăm dò, nghi hoặc “đồng chí kỹ sư đầu tiên của đơn vị”…
Dấu ấn đầu tiên đã thành công!

ĐẶT DẤU ẤN THỨ HAI
Ngày còn học ở trường, tôi như con sáo sống vô tư, vô lo, vô nghĩ, học hành theo hứng của riêng mình. Mỗi khi sắp đến giờ ăn cơm, còn thiếu 15-20 phút, tôi đã dừng học, bát đũa đã leng keng chuẩn bị. Ăn xong mâm của mình, tôi vô tư đi vét những thìa cơm, thức ăn, nước chấm thừa của 3-4-5 mâm khác để thêm cho cái dạ dày đang tuổi ăn, tuổi ngủ của tôi. Hôm nào cơm hơi sống, các anh lớn tuổi bỏ lại là tôi được một bữa no nê, không một chút xấu hổ với triết lý lính “cháng” mà! Thế mà bụng dạ tôi chịu được, chẳng xảy ra chuyện gì bao giờ.
Vậy mà giờ đây, khi kẻng cơm đã điểm, phải 5-7 phút sau, “chuẩn uý” mới thư thái vào nhà ăn, nhỏ nhẹ, nhường nhịn, từ tốn và luôn nhớ để lại chút cơm, chút đồ ăn, không bao giờ vét sạch sành sanh! Dù dạ dày vẫn còn vơi lắm!
Kẻng hết giờ làm việc, bao giờ “chuẩn uý” cũng là người rời khỏi xưởng sau cùng! Đã hết rồi một thời được làm người lính vô tư!
Trong một lần giao ban đại đội, tôi có báo cáo thật với mọi người: tôi với anh Tiến học về ô tô-xe xích, nhưng thiên về ô tô, có học và thực hành về xe xích ATC-59, ATL, nhưng thực tập không nhiều. Về xe tăng, chúng tôi không được học, về đây mới được biết, được chui vào xe tăng thiết giáp. Vì vậy, trong những thời gian có thể, chúng tôi sẽ tự học cả lý thuyết lẫn thực hành sửa chữa. Hiện tại chưa thể chỉ huy công tác kỹ thuật độc lập được.
Từ hôm đó tôi rất chịu khó đọc các cuốn về cấu tạo, nguyên lý, tháo lắp, giám định, sửa chữa các bộ phận trong xe tăng thiết giáp; rồi từ đó đối chiếu với thực tế tại xưởng. Tôi tự học cả ngày nghỉ, không đi chơi, không đánh bài, tán gẫu bao giờ. Cũng rất may là phần cơ khí của xe tăng T-54, T-59 rất giống với xe ATC-59. Xe thiết giáp bánh hơi DM-2 khá giống Zil-157. Xe thiết giáp K-63 thì đơn giản, đọc và đối chiếu thực tế là hiểu ngay. Với sự nghiêm túc trong tự học của tôi, chỉ sau chưa đầy bốn tháng, tôi đã nắm khá chắc chắn về cấu tạo, giám định, sửa chữa các loại xe tăng thiết giáp có trong đơn vị.
Sau bốn tháng, tôi đã tham gia huấn luyện thợ sửa chữa, bảo dưỡng các loại xe tăng thiết giáp (đương nhiên là hệ thống súng, pháo, điện, đài, đạn không thuộc lĩnh vực tôi đảm nhiệm). Nhờ khiếu sư phạm vốn có do làm cán sự trong một vài môn học trước đây, kết hợp với kiến thức tiếp thu được khi còn học ở trường; cùng những câu chuyện khoa học, xã hội dí dỏm học lỏm được của các Thầy, các bạn, kể cả bịa ra để kể xen vào chỗ thích hợp trong bài giảng, tôi đã tạo được không khí tiếp thu bài sinh động, giúp họ nhớ lâu.
Tôi tự nghiệm ra từ thời làm cán sự môn học ở trường: nếu tự học rất lâu thuộc- thuộc rồi lại rất mau quên; nhưng cầm phấn lên bảng giảng bài thì dù còn ngắc ngứ nhưng rất mau thuộc, thuộc rồi thì rất lâu quên.
Nhờ tham gia huấn luyện thợ mà kiến thức về xe tăng thiết giáp trong tôi được củng cố ngày càng chắc chắn. Uy tín về chuyên môn của tôi được BCH đại đội, cán bộ trung đội, anh em thợ tin phục và khen ngợi. Như vậy việc đặt dấu ấn thứ hai của tôi đã thành công!
Tôi đã lờ mờ hiểu rằng với tấm giấy giới thiệu là “đối tượng Đảng lụi” của mình, chắc mình sẽ là “số một” được chi bộ chú ý, khi đủ một năm ở đơn vị mới tôi sẽ được kết nạp vào Đảng. Dù quãng thời gian tới đó còn khá xa…

1 nhận xét:

TranKienQuoc nói...

Kĩ sư QS được khen là thâm nhập vào thực tế nhanh vì phương pháp đào tạo ở trường không chỉ lí thuyết mà học viên được thực hành rất nhiều.