Kính gửi anh chị em bantroik5
Đã lâu lắm rồi, mình không tham gia blog vì mắt bị kém, không thể tra cứu tư liệu được.
Muốn tham gia với anh chị em để blog thêm phong phú, cứ đăng mãi tin buồn thì... mệt mỏi.
Gửi anh chị em bài thơ của ông thân mình bàn về cuộc đời mà nhiều người tự huyễn hoặc hay ảo tưởng.
Bài thơ gồm 4 tứ, phần mở nói về con cá nhầm tưởng mặt trăng là miếng mồi, phần dẫn nói đến bức tranh cá chép đớp trăng, phần thực gồm 2 khổ thơ, từ bức tranh cá nói lên ảo tưởng của một số người và cuối là phần kết, nói tới sự ảo tưởng đó còn tồn tại đến nay.
Trong dòng tranh "Đông Hồ", bức "Lý ngư Vọng Nguyệt" là nổi tiếng nhất với tài vẽ Chân và Ảo kì vĩ, vậy mà các cụ nhận ra cái ảo ảnh cuộc đời để răn dạy cháu con thì thật lạ.
Người thường bao giờ cũng thích được khen và ghét người chê, bậc trí giả thì tôn vinh cái tốt và ngăn ngừa cái xấu. Người đại nhân thì phải thấy trong tốt có xấu và trong xấu có tốt, ví như thấy hoa thì phải biết khi hoa rụng và phân thì bẩn nhưng bón cây thì tốt vậy.
Trong triết học của người Việt, giá trị chân thực của cuộc sống mới giá trị, nhưng
tìm ra chân giá trị thì rất khó nhưng đầy hạnh phúc:
..."Hữu không như thuỷ nguyệt
Vật trước hữu không không"
..." Nhìn xem ánh nguyệt, lòng sông
Ai hay không có, có không là gì?"
Khi xưa, nhà thơ Lý Bạch vồ ánh trăng dưới hồ rồi chết đuối mà tưởng mình đã lên cung trăng; có thể như thế, nhưng có lẽ Lý Bạch chết vì ngộ nhận Đường Huyền Tông là minh quân (Cung Quảng Hàm)thì đúng hơn.
"Lý ngư vọng Nguyệt"? thật lạ vì có hình bóng của Lý Bạch với ảo ảnh cuộc đời của chính ông - Một tay kiếm giỏi nhất đời Thịnh Đường nhưng chưa bao giờ được dùng; một nhà thơ, nhà văn hoá lớn đời Thịnh Đường nhưng chưa bao giờ được đỗ đến Cử nhân; ông được Hoàng đế triệu đến chỉ để làm thơ vịnh Dương Quý Phi - người vợ yêu của Hoàng đế - các quan chấm thi bấy giờ được lệnh phải đánh trượt các thí sinh nhằm ca ngợi Triều đình đã tuyển dụng hết người tài, đức trong thiên hạ.
Con người bao giờ cũng có sai lầm, do chủ quan đôi khi không phù hợp với thực tiễn, tuy nhiên sai thì sửa, nhưng vì vậy sai mãi một việc suốt đời thì Ngu quá.
Nhầm lẫn ánh trăng thành mặt trăng đã là đáng sợ, nhưng đáng sợ nhất là đôi lúc ánh trăng tưởng nhầm mình là mặt trăng???
Xin gửi anh em bài thơ để thưởng thức và đừng như Lão Lý Ngư kia.
ẢO ẢNH CUỘC ĐỜI
Thơ Viễn Chi
Cá chép bơi trong hồ
Thấy ánh trăng đáy nước
Cá rình đớp mặt trăng
Nhưng làm sao đớp được?
Có lẽ tự ngày xưa
Cá vẫn còn nuối tiếc
Như trong tranh Đông Hồ
Có "Lý ngư vọng nguyệt"
Ngắm bức tranh cá chép
Treo trên tường nhà ai
Mặt trăng hay "ảo ảnh"
Cá chép hay cuộc đời?
Cá hay người đó vậy?
Theo ảo ảnh suốt đời
Dù ngàn năm trăn trở
Mơ mặt trăng trên trời?
Nhớ xưa phiên chợ Tết
Tìm xem tranh Đông Hồ
Thấy bức tranh cá chép
Trông trăng đến bây giờ.
20/12/1992
TRẦN QUỐC VIỆT
Bài đăng Phổ biến
- Bài hát chế "HN - niềm tin và hy vọng"
- Nguồn Gốc Chữ Nôm của Đỗ Thành (ST: Quốc Việt)
- Làng Cổ Nhuế qua bài viết của Phạm Thế Việt (ST: KC)
- Thơ gửi từ Úc: THƯỜNG DÂN (Ngô Hà, dân Guilin 1950)
- Hồ Xuân Hương và bài thơ Vịnh cái quạt (Huỳnh Văn Úc)
- TẠI SAO GIỚI TUYẾN HAI MIỀN LẠI LÀ VĨ TUYẾN 17? (Việt Dũng)
- CÂU CHUYỆN TẬP KẾT RA BẮC (1954 – 1956) - (Việt Dũng)
- Bài thơ Xứ Quảng (Phan Hoài Thuận)
- Tiệc mừng Ts Bs Văn Công Phước nhận nhiệm vụ mới
- Bức tranh sơn dầu "Bắc Kinh 2008", họa sĩ Lưu Dật có ý gì?
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét