Thứ Bảy, 21 tháng 2, 2015

NHỚ MỘT MÙA XUÂN (Duy Đảo)

Chả hiểu thằng cha tham mưu chết tiệt nào lại chọn vị trí trận địa đơn vị tôi như thế. Tiểu đoàn hỏa lực tên lửa phòng không mà nằm lọt thỏm trong khu thương cảng sầm uất. Sau mới biết nguyên trận địa trước kia là doanh trại của một đơn vị cộng hòa cũ khi giải phóng sư đoàn tiếp quản rồi giao cho tiểu đoàn làm trận địa.
Của đáng tội ngày ấy vật cản, địa hình cũng chưa đến nỗi nào, một vài phương vị lúc bí quá vẫn có thể “ tác chiến ”. Nhưng thôi! thây kệ! đánh đấm được hay không đã có “trển” lo, cánh lính tráng chúng tôi chỉ biết “Alê! rõ…” Vả lại không đánh đấm được thì giữ đất, âu cũng là nhiệm vụ người lính chứ sao.
Bù lại những khiếm khuyết về mặt quân sự chúng tôi có nhiều thế mạnh để phát triển  “kinh tế”.


Bao bọc xung quanh đơn vị là Cảng hoa quả, Xí nghiệp may, xí nghiệp nông sản thực phẩm xuất khẩu, cửa hàng ăn uống, Cảng SG Ship, Xí nghiệp kho vận ngoại thương… Năm ấy có lẽ là cái tết no đủ nhất trong đời quân ngũ của tôi.
Ngay từ những tháng giữa năm, là thằng phó phụ trách niêu cơm của đơn vị tôi đã phải lọ mọ vào cảng liên hệ tìm việc để  kiếm thêm tiền lo cái tết cho anh em.
Tay thương vụ cảng mặt rỗ hoa chằng chịt, quê lúa Thái Bình, lính 65 đã chuyển ngành, nhiệt tình:
- Có ngay! Bốc vác thì hợp với chuyên môn lính tráng các ông nhất rồi còn gì và cũng là việc sẵn nhất mà chúng tôi có.
- Bắt tay! khi nào có nhu cầu thì báo nhé. 
Hàng hóa cuối năm trong cảng dồn về nhiều. Tay thương vụ nhớ ngay. Thế là làm kế hoạch ba, ngoài quân số trực chiến chúng tôi cho lính thay phiên nhau làm thêm. Công việc chủ yếu là chuyển rượu vào công-ten-nơ. Rặt loại rượu Nàng hương, Nếp mới, Lúa mới để xuất khẩu trả nợ Liên Xô. Mỗi công ngoài tiền công được cảng chiết khấu hao hụt vài thùng. Thế là rượu kìn kìn theo anh em về đơn vị. Lúc đầu hai túi quần mỗi chú lính thủ hai chai làm của riêng ra ngoài cổng cảng khi tan ca. Bụng đói hai chai rượu hai túi nặng như muốn kéo quần tuột khỏi những cặp mông đen nhẻm, lép kẹp của lính. Mặt mũi thằng nào thằng ấy đỏ gay vì rượu. Thấy bệ rạc quá nên đơn vị tổ chức cho anh em gom lại rồi dùng xe tải “vọt tiến” vào chở sau mỗi đợt “công tác”. 
 Đơn vị còn  hợp tác với các xí nghiệp và cơ quan xung quanh bảo đảm trật tư an ninh, tuần tra canh gác, phòng chống cháy nổ,  tệ nạn… hỗ trợ cho bạn; ngược lại được bạn nhiệt tình ủng hộ những yêu cầu mà chúng tôi còn thiếu.
Hầu như không chủ nhật nào trên bàn ăn đơn vị là không có chất tươi. Thết đãi cán bộ trên xuống kiểm tra đột xuất chỉ cần cho lính phóng ra cửa hàng ăn kết nghĩa ngay cổng đơn vị là chất cay, đồ nhắm không còn lo nữa. Sổ thực phẩm riêng, giấy giới thiệu tự in triện đỏ trong túi cứ thế  nhân bản cho hậu cần đi liên hệ. Thuốc hút cung cấp tận “lò”,  nhà máy thuốc lá Vĩnh Hội. Nhà máy như người nhà vì tôi quen mẹ tổ chức cán bộ, dân Lạng Sơn không chồng con, to béo phốp pháp, hút thuốc như điên. Nguyên do là một lần thay mặt đơn vị là họ nhà trai đi hỏi vợ cho tay cán bộ đại đội cưới cô dâu làm trong nhà máy, thế là quen. Mỗi lần ghé thăm, mẹ đem loại thuốc VITAB đặc biệt đựng trong hộp bằng cac-tông tròn cao như hộp đựng trà ra thết đãi, rồi chân thành: “Em giữ được nhan sắc vóc dáng cơ thể thế này là nhờ hút, nếu không hút chắc em…”.
Sổ thực phẩm của đơn vị được hậu cần trực tiếp quan hệ với các cửa hàng trong thành phố. Một lần mò vào tận VISSAN tình cờ gặp em thằng bạn Trỗi (dân Hàng Gà) là trợ lý trung đoàn đánh nhau bên Campuchia chuyển ngành phụ trách khâu phân phối. Thế là có tay trong, cứ một kg thịt đánh đổi ba bốn kg lòng mề, đuôi, móng…  thế thì tội quái gì không chơi.
Buổi sáng chủ nhật, cả đơn vị thơm nức mùi café. Đơn vị sân bãi rộng, riêng sân bóng có thể phơi hàng chục tấn. Cứ thế chả phí tổn gì, bên xuất khẩu nông sản đem café  sang phơi nhờ vừa hao hụt ít vừa tận dụng được nhân công cán bộ chiến sỹ. Lính có mánh, chỉ cần đi giầy cao cổ không buộc dây “dũi” một đường hơn chục mét để đảo café khi phơi rồi bước vào nhà tháo giày đổ ra là có cả kg café, hàng tuyển thứ thiệt. Mấy ngày đầu lính tráng còn hăm hở mỡ gà, mỡ vịt tẩm ướp rang xay. Uống mãi cũng chán với lại uống nhiều lấy chó đường đâu mà uống. Ỉa đái thì cứt cứ đen sỳ, táo bón như hòn bi ve, cá tra dưới ao ăn phải bị hóc chết nổi từng đám nên hãi rồi chả ma nào thiết nữa.
Dưa hấu, chuối… xuất khẩu không đạt tiêu chuẩn cơ quan bạn lại phải nhờ đến cánh quân nhân chúng tôi tiêu thụ hộ chả tốn kém xu nào mà lính lại đủ vitamin tha hồ luyện tập.
Chúng tôi có đàn bò gần hai chục con gặm cỏ trong khuôn viên đơn vị, tha hồ tự sản, tự tiêu. Tôi còn nhớ, sáng 28 tết, tay chính trị viên tiểu đoàn quê Thanh Hóa thay mặt cấp ủy  “chỉ đạo”  tôi trông coi đám lính thịt bò:
- Ông phải quản lý bằng được cho cấp ủy cái U bò, bộ phận ấy là ngon và bổ nhất, cả con bò đực chỉ có 2-3 ký thôi, còn quý hơn cả  “súng, đạn” của nó đấy, ông nhớ để mắt nhé. Thế quái nào lính tráng lại nhanh thế, chỉ vắng mặt đi đái một phát thôi mà đi tong cái U bò.
Pha thịt xong hai thằng tiểu đoàn phó mượn được cái Suzuki ghẻ, pha nhớt quá tay, đạp cần khởi động tưởng đến rách cả bẹn mà mãi xe mới nổ, khói phun mù mịt tối thui cả đoạn phố.  Phi vội lên sân bay đem thịt biếu thủ trưởng trung, sư đoàn, mỗi vị một kg. Ngày ấy chân thành, tình cảm lắm, tất cả đều xuất phát từ trái tim, thủ trưởng lính tráng thương nhau như anh em ruột thịt. Thử hỏi bây giờ có còn cấp dưới  nào tết đến biếu xếp kg thịt nữa không? Nếu không muốn quân hàm mốc meo như các cụ nhà mình thời 58-70.
Đơn vị tôi còn có cả ngàn mét vuông mặt nước ao hồ: Người – cá, cá – người cứ thế nuôi nhau. Sản phẩm “đầu cuối” của linh lại là đầu vào của cá. Rồi cá được đưa lên đĩa trong những bữa cơm lính, chu kỳ cứ như động cơ vĩnh cửu, cuôc sống diệu kỳ thật.
Thích nhất cũng là dịp vào cuối năm các cơ quan  hay có màn tặng quà cho cán bộ chiến sỹ. Đồng thời, thời gian này cũng là dịp các đơn vị hội thao văn nghệ, đồng diễn thể dục, tổng kết. Xí nghiệp may bên cạnh hay sang nhờ sân bãi đơn vị tôi để luyện tập. Hàng trăm em thợ may tuổi đôi mươi phơi phới cùng lúc theo hiệu lệnh: Cúi xuống, ngẩng lên, lúc quay sang phải, lúc ngiêng bên trái, lúc ưỡn ra sau lúc cong ra trước… Sao đẹp thế! Hấp dẫn thế không biết! Lính tráng cứ đực mặt ra nhìn rồi nuốt nước bọt khan quên cả nhiệm vụ. Tay lái xe già dân chuyên nghiệp của đơn vị nổi tiếng hay tếu trong một phút không kìm được cảm xúc hắn  oang oang: “Mông thế kia mới gọi là mông chứ, đúng là dân may, ngồi nhiều đít em nào cũng to, cũng hấp dẫn”. Lính tráng xanh mặt, vội lôi thốc đồng chí già xa vợ vào nhà. Không khéo phen này ảnh hưởng tới truyền thống văn hóa của đơn vị thì chết.

Năm tháng ấy nếu bạn tới thăm  đơn vị tôi vào ngày chủ nhật bạn sẽ cảm nhận được sự sung túc của nó. Về trang phục, sỹ quan chúng tôi đồng loạt áo sơ mi kẻ ca-rô xuất khẩu, ô to, ô nhỏ, sọc xanh, sọc tím… do xí nghiệp may trang bị vì có công góp phần đắc lực trong công cuộc bảo vệ trật tự an ninh cũng như giải quyết  phần nào nỗi thiếu thốn tình cảm của chị em. Quần dài Ốt-pho vải Quân khu 7 cho, không là ủi ống lò so gấu kéo tận đầu gối. Những bàn chân to bè của anh em sỹ quan, lính tráng vốn gốc gác nông dân chân đất, nhét đồng loạt trong những đôi hài nhung xuất khẩu màu cổ vẹt có thêu bông hồng đỏ chót. Sau khi đổ đầu mỗi quân nhân hai đôi trong kho đơn vị còn vài bao tải dự trữ. Ngoài ra mũ nan  rộng vành, bị cói xuất khẩu… thu được của bọn trộm cắp trong cảng tuồn ra, hầu như ai ai trong chúng tôi cũng có tiêu chuẩn. Khi lao động, lúc luyện tập khi đựng quà cho cha, cho mẹ dịp về phép thăm quê.
 …

Ở đơn vị một năm, nhưng một năm ấy với tôi chứa chan bao kỷ niệm. Đầu những năm 90, có lần ghé thăm đơn vị cũ, tôi không thể nhận ra nơi mình đã từng sống, chả còn ai thân thuộc, đến ngay cô gái gù bán café trước cổng trận địa khi hỏi thăm thì được biết “nàng” cũng đã ra đi về miền cực lạc từ lâu.
Xin vào thăm phòng truyền thống (Phòng Hồ Chí Minh của đơn vị ngày xưa), kỷ vật cũ chỉ còn một vài tấm hình đã nhòe màu thời gian. Có hình một thượng úy má hóp như đang rít thuốc lào đứng khoác vai nhưng không được tự nhiên cho lắm một cô giáo già, hiệu trưởng trường mà đơn vị kết nghĩa với tập thể giáo viên cùng sỹ quan đơn vị. Dưới tấm hình vẫn còn dòng chữ “Thành phố HCM tháng 12 năm 1984”.
.

  

Không có nhận xét nào: