Chủ Nhật, 8 tháng 2, 2015

ÔNG THỢ CẠO (Đào Duy)

Khi tôi viết câu chuyện này thì nhân vật mà tôi sắp kể với các bạn đã là người thiên cổ từ lâu, thậm chí đã rất lâu rồi. Câu chuyện về kỷ niệm tuổi thơ tôi vào những năm 60 của thế kỷ trước.
Hồi đó, trong khu gia đình chúng tôi bọn trẻ lít nhít cỡ tuổi tôi có khoảng hơn chục đứa. Còn khu phía bên kia đường thì đông lắm tôi không nhớ hết. Có thể do “mải” trận mạc mà các phụ huynh của chúng tôi sau hòa bình mới có thời gian gần vợ, gần con nên “tranh thủ” chăng? vì nếu không  thì làm sao lũ trẻ trong khu tôi sàn sàn cỡ tuổi sinh năm 1954; 55; 56; 57 đông thế?
Hai khu gia đình tuy cách biệt, đối diện nhau qua một con phố nhưng do cùng gia cảnh và lứa tuổi nên bọn chúng tôi cả trai lẫn gái chơi với nhau rất thân. Thân tới mức khi bọn con trai chúng tôi đá bóng với lũ trẻ ở khu công nhân bên cạnh. Lắm khi thiếu người chúng tôi buộc phải huy động cả mấy “thị tẹt” trong khu bắt vào làm hậu vệ hoặc giữ gôn.
Ấm ứ một hồi rồi các “nàng” cũng xắn quần tham gia vì “màu cờ sắc áo” của đội nhà và nể tình bạn hữu, anh em. Chúng tôi thân nhau tới mức ấy.


Còn chuyện cứu “bồ” thoát những trận đòn tưởng như trong gang tấc, tới chuyện chơi lò cò, ô ăn quan, bịt mắt bắt dê … là chuyện nhỏ trai gái đều tham gia tuốt.
Nhân vật mà tôi muốn kể với các bạn đây không phải là lũ trẻ bạn tôi trong khu. Cũng chẳng phải “mối tình” nào đó thời “thò lò” mũi mà là kỷ niệm về ông lão thợ cạo, người bạn vong niên bao nhiêu năm gắn bó và có rất nhiều kỷ niệm với lũ chúng tôi. 
Chả hiểu sao lần mò thế quái nào mà ông thợ cạo “dạo” lại có trong tay được cái “hợp đồng béo bở” trong khu gia binh chúng tôi. Nghĩa là hàng tháng đúng sáng chủ nhật đầu tháng (giống như giao ban café của chúng ta hiện nay) như “ánh trăng rằm đến hẹn lại tròn”, ông thợ cạo lại có mặt ở gốc bàng trong khu tôi triển khai đồ nghề để “tác nghiệp”.
Cứ mỗi sáng như thế là tiếng gọi con ơi ới… Chúng tôi bị các ông bố bà mẹ lùa ra tập trung ở gốc bàng bắt cắt theo đúng mẫu mã đã giao hẹn với ông thợ cạo. Dài ngắn gì đến tháng đều phải cắt hết. "Đầu méo, đầu tròn, đầu gồ gề… một kiểu! Cấm thắc mắc. Tiêu chí cắt cao, cạo trắng cho khỏe, lại mát, dễ gội ngoài ra còn tránh được tật  chốc đầu" - một bác gái trong khu oang oang giải thích cho lũ chúng tôi. (Chả hiểu sao hồi ấy bọn bạn tôi lắm thằng bị “chốc đầu” thế).
Ngồi cạnh tôi trong lớp là một thằng chốc đầu kinh niên, mùi nặng lắm, khó chịu chả khác gì tật thối tai. Tôi thề! Nếu có bác nào xúi quẩy giống tôi thì nhớ đời. Vì vụ này mà tôi xin đổi chỗ trong lớp bao nhiêu lần mà không được).
Ông thợ cạo của chúng tôi năm đó quãng độ trên dưới sáu mươi. Nhưng dưới góc nhìn của chúng tôi ông đã già lắm, tính ông rất vui và hiền. Đồ nghề của ông là một cái hòm gỗ nhỏ bên trong gồm hai cây kéo, một cây dùng để tỉa. Một cái “tông-đơ”, cái lược nhỏ và một cái “chổi” đã cùn dùng để quét xà phòng lên mặt trước khi cạo. Chả biết “cái chổi” ông dùng nó từ khi nào mà tôi thấy nó chỉ còn ngắn cun củn khi quét lên mặt chả khác nào bàn chải rễ tre trà lên quần áo khi giặt, rát hết cả mặt. Tất cả những thứ đó đều già nua cũ kỹ như chính ông chủ của nó, thậm chí con dao cạo tôi thấy hình như chỉ còn có mỗi sống dao còn lưỡi thì có ma mới biết nó ở đâu?
Tôi còn thấy trong hòm của ông có một cái bình giống như cái bình trong chuyện cổ "A-la-đanh và cây đèn thần". Nó có một đoạn ống được nối với một cái núm cao su tròn như  quả bóng nhỏ. Thì ra đó là cái bình xịt nước cho tóc ướt để chải đầu.
Ông nói những đồ này ông sắm từ thời Pháp tốt lắm, tuy cũ nhưng bây giờ đố lùng đâu ra.  Nó đã cùng ông, giúp ông mưu sinh ba bốn chục năm qua. 
Ngoài ra còn một tấm vải loang lổ, màu cháo lòng và mùi vị thì đặc trưng mà cho mãi tới bây giờ khi đi hớt tóc mỗi khi ông thợ cạo quàng tấm vải qua cổ dù đã có tí “thuốc hoa”  nhưng tôi vẫn còn thấy thoang thoảng “hương vị” của ngày xưa. Mùi mồ hôi của đủ hạng người, mùi dầu mỡ của tông-đơ và dao kéo… Tôi lại bỗng nhớ tới ông thợ cạo năm nào da diết.
Ngoài cái hòm gỗ, bên vai ông còn có một cái ghế có thể xếp lại được. Cái ghế gỗ này là nguyên nhân của bao nhiêu lần tôi và lũ bạn bị kẹp đít đau muốn chết.  Tuy thế vẫn còn   may, có thằng còn bị kẹp cả vào “chỗ ấy” nữa đau đến chảy cả nước mắt, nước mũi. Về sau, có tí kinh nghiệm mỗi lần chuẩn bị ngồi xuống ghế chúng tôi đều đưa tay xuống phía dưới cẩn thận vén “nó” lên cho gọn nên tránh được. (Do bị “khiếu nại” nhiều nên sau này ông thợ cạo thay mặt gỗ chiếc ghế bằng miếng vải bạt dày, ngồi vừa êm lại không còn lo bị “kẹp” nữa).
Một lần, trong khi chờ tới lượt mình tôi, và thằng bạn giạng chân ra mắm môi mắm lợi cắt cái thắt lưng da đã cũ, loại dùng đeo súng lục của bố tôi “thải” cho để  làm miếng đệm của súng cao su. “Nhay” mãi không được, chúng tôi đành nhờ ông thợ cạo. Sau khi cắt được  một miếng chiếc dây lưng da còn dài quãng hai ba gang tay ông thợ cạo lên tiếng:
- Cho ông xin! Các cháu cắt nó phí đi. Cho ông, ông cắt tóc miễn phí cho, tiền để dành  mua kẹo bột mà “bồi dưỡng”.
Lời đề nghị quá ư hấp dẫn. Chúng tôi đồng ý ngay. Thế là suất hai thằng cộng lại được hai hào “đánh chén” một trận ra trò.
Chả hiểu sao khi người lớn cắt tóc, tôi thấy các vị ấy nằm lăn ra trên ghế như thư giãn hai mắt lim dim ra chiều thỏa mãn lắm? Còn tôi, thì tôi sợ phát khiếp. Nhất là đoạn khi ông thợ cạo dùng “tông-đơ” húi phía sau gáy. “Tông-đơ” thì cùn, ông cứ dũi ngược lên tóc bị dắt đau không chịu được. Tôi hét toáng lên, ông lão dừng tay chỉnh lại cái vít phía trên “tông-đơ”. Vẫn vậy! chả khác gì trước, vẫn đau như cầm từng nắm tóc mà lôi lên, đau đến độ mồ hôi tôi vã ra như tắm.
Đến đoạn cạo mặt, sau một hồi dùng “chổi” đánh vào cái hũ nhựa đựng miếng xà phòng có cho tí nước. Hũ xà phòng nổi ngầu bọt, chả khác nào bọt của bát mắm tôm mà thực khách vắt chanh vào chuẩn bị cho món thịt cầy một chiều mưa trên quán đê mạn Quảng Bá.
Ông thợ cạo cứ thế dùng chổi “rễ tre”quét xà phòng lên mặt tôi. Nhìn qua chiếc gương chỉ to hơn bàn tay một tí treo trên gốc cây bàng, khuôn mặt tôi trắng phớ chỉ còn hở có hai hốc mắt, hai lỗ mũi cũng bị phủ kín xà phòng.
Từng đợt bong bóng  theo hơi thở qua hai lỗ mũi của tôi to dần lên. Tôi còn “lườm thấy” cả vân màu ngũ sắc trên từng chiếc bóng xà phòng. Rồi nó vỡ toác ra trước mũi tôi bắn cả vào mắt cay ghê gớm.
Có “nhẽ” ông thợ cạo chỉ định quét xà phòng lên trán, tóc mai và phía sau gáy để cạo, còn mặt mũi thì bọn tôi lấy chó đâu ra râu ria cơ chứ. Nhưng có lẽ do bệnh nghề nghiệp và thuận tay nên ông “quét” luôn cả mặt tôi. Được cái chúng tôi cũng dễ tính chả thắc mắc gì.
Cạo một hồi thấy không hiệu quả, tôi thấy ông thợ cạo cúi xuống lấy từ trong hòm ra một “vật” đen đen, dài dài. Ô hay! Tôi phát hiện ra đúng cái thắt lưng da của mình đổi cho ông lần trước.
Cẩn thận buộc một đầu cái dây lưng da vào thân cây bàng, còn đầu kia ông dùng tay kéo căng ra, cứ thế ông miết lưỡi dao cạo lên. Ông nói: làm như vậy cho dao nó sắc.
Được một lúc, tôi  lại thấy ông  thò tay vào túi quần lôi ra một cái “cục”, nó từa tựa như cái “cục” mà bác nào hay thụt bi-da dùng để “vê” đầu cây cơ cho tăng ma sát. Ông chà đi chà lại “viên” đó lên cái thắt lưng  sau đó mới liếc dao lên.
Hiệu quả trông thấy, lưỡi dao sắc hẳn mặt tôi đỡ rát hơn.
Vốn “chân chạy” mà phải ngồi bất động gần tiếng đồng hồ, chân tay tôi ngứa ngáy khó chịu chỉ muốn chuồn. Nhấp nha nhấp nhổm, tôi hỏi ông:
   - Sắp xong chưa hả ông?
   - Sắp xong rồi, còn chải tóc “cân chỉnh” lại tí chút nữa là xong - Ông thợ cạo trả lời, rồi ông lão lên tiếng - Có đứa nào nhà gần? Chạy về nhà cho ông xin ca nước. 
   - Để cháu! 
Thằng bạn tôi nhiệt tình chạy ù ngay về nhà chỉ một loáng đã thấy hắn lễ mễ hai tay bưng chiếc ca men to đầy nước vừa đi hắn vừa nói:
   - Cháu dốc hết cả chai nước lọc nhà cháu đấy.
   - Ấy chết! Phí quá, cứ múc nước bể cho ông cũng được.
   - Uống nước lã đau bụng đấy, ông ơi! - Thằng bạn tôi can ngăn.
Ông già đón lấy ca nước từ tay thằng bạn tôi, đưa lên miệng làm một ngụm to rồi ngửa cổ lên súc miệng òng ọc. Sau đó rồi cứ thế cúi xuống nhè đầu tôi ông phun mù mịt.
Quá bất ngờ, hãi quá tôi la lên thất thanh và giơ cả hai tay ra đỡ, tuy nhiên đầu và mặt tôi nhòe nhoẹt nước.
   - Sao lại thế hả ông? - Hai tay vuốt mặt, tôi ngỡ ngàng.
   - Ông phun cho tóc nó ướt để chải nếp, sửa laị  tóc lần cuối. Cái bình phun của ông bị hỏng nên ông mới phải làm thế.
Thấy ông giải thích có lý, tôi câm bặt không thắc mắc gì nhưng cứ thấy hãi hãi thế nào!!!
Cuối cùng cái đầu tôi cũng hoàn thành. Không dám chạy nhảy, chân tay ngứa ngáy rất khó chịu, tôi chỉ dám đi đứng “khoan thai” vì sợ mất nếp trên cái đầu vừa cắt mới tinh kia.
... Hơn bốn mươi năm trôi qua, trên đầu tôi giờ đã loáng thoáng hai thứ tóc. Hàng tháng đều đặn mỗi khi bước vào tiệm cắt tóc, trái tim tôi lại se thắt  nhớ tới ông lão thợ cạo thưở nào. Trong lòng lại cồn cào nỗi nhớ, nhớ tới lũ bạn cũ ngày xưa đứa còn đứa mất… Tất cả những kỷ niệm của những ngày tháng cũ giờ đây đã trở nên quá vãng xa xôi.
                                                                                 T/p Hồ Chí Minh - 6/2008


1 nhận xét:

QV nói...

Câu chuyện đời thường dưới ngòi bút của DĐ trở nên thật sinh động, hấp dẫn. Văn phong của bạn đầy tính chuyên nghiệp, rất phong phú hình ảnh, âm thanh. Đọc câu chuyện, mình lại nhớ về những năm tháng tuổi thơ, cái thời yên bình trong nghèo khó của XH VN đầu những năm 60 TK trước. Hồi đó Hà Nội yên ả thế. Toàn ăn cơm độn, mặc áo vá mà vẫn thấy cuộc sống thật là tươi đẹp. Chỉ một đôi dép, một manh áo mới, hoặc đôi khi chỉ là mấy cái kẹo vừng chia nhau cũng đủ mang lại niềm vui không nhỏ cho lũ trẻ.
Bao giờ cho đến ngày xưa?