Thứ Hai, 20 tháng 4, 2015

Chuyện nhà ông anh tôi (Duy Đảo)

Năm 1957, anh tôi từ Quế Lâm về nước. Nghe tin báo, bố tôi lấy xe của đơn vị từ Hải Phòng lên Hà Nội đón anh. Cả nhà mừng vui gặp lại anh sau những ngày chiến tranh rồi đi học xa cách.
Anh tôi học tiếp cấp ba ở trường Ngô Quyền. Hết lớp chin, gia cảnh khó khăn quá, bố tôi bàn với anh, thế là anh bỏ học rẽ ngang đi làm thợ trong sự bất ngờ, bịn rịn của những người bạn cùng trường, cùng lớp.
Cánh phượng hồng của người bạn gái tặng ghép ở trang cuối trong cuốn lưu bút khi năm học kết thúc vô tình như một dấu chấm hết cho tuổi học trò sôi nổi và đầy lãng mạn của anh.


Sáu năm thợ, giấy khen, bằng khen dán kín bức vách căn hộ tập thể trong nhà máy, rồi chiến sỹ thi đua toàn quốc… Giấy khen, bằng khen chả khi nào anh đem về nhà. Thứ duy nhất anh đem về nhà hàng tháng là gần hết số tiền lương ít ỏi, dấm dúi đưa mẹ phụ giúp các em ăn học.
Năm 1964, anh được nhà máy chọn về trường VHQĐ học văn hóa. Cũng năm này anh cưới vợ.  Anh thi Bách Khoa. Học được một hai năm thì chuyển sang Đại học KTQS.     Năm 1970 tốt nghiệp, anh vào thẳng chiến trường Quảng Nam, cho tới đầu năm 1978 thì được bạn ông già xin cho về đơn vị của ông, ở Quân khu 3, cho gần nhà.
Anh lấy vợ quê. Vợ là một phụ nữ nông dân, đẹp, chất phác. Cả nhà đều mừng, riêng bố tôi, ông không còn lo không có ai trông coi mảnh đất hương hỏa và nhang khói bàn thờ ông bà nữa.
Năm tháng đằng đẵng cách xa cuối năm 1978, anh chị tôi mới sinh được cháu gái đầu lòng. Trong câu chuyện này tôi muốn kể với các bạn về cô cháu gái của mình.
*
Anh chị tôi là gia đình bộ đội. Cũng như bao gia đình khác trong làng vào những năm 80 của thế kỷ trước, đời sống rất khó khăn. Cháu tôi sinh ra và lớn lên trong bối cảnh chung ấy, tuổi thơ là cả một chuỗi những thiếu thốn vất vả. Ngoài một buổi đi học, thời gian còn lại cũng phải theo mẹ ra đồng gập mình phơi lưng cho sương, cho nắng. Bố ở xa thỉnh thoảng mới về.    
Một lần về quê thăm anh chị. Nhà vắng không thấy cháu, tôi có hỏi thì chị bảo: “Cháu ở ngoài ruộng”. Chỉ tay ra mảnh ruộng xa xa: “Đấy nó đấy!”. Nhìn theo hướng tay chị, tôi thấy dáng một cô bé liêu xiêu, phía sau lưng trâu, đang cày ruộng. Cái cày thập thõm lên xuống theo mặt ruộng gồ gề nhiều lúc cao hơn cả đầu.
Vẫn biết là phụ nữ có thể cày ruộng, nhưng nhìn dáng đứa cháu gái nhỏ nhoi, gầy yếu,  kéo lê cái cày mỗi khi tới đầu bờ mà tim tôi nhói đau, không cầm nổi nước mắt. Tuổi thiếu nữ mười sáu, tuổi của mộng mơ, tuổi của gương lược, của quần nọ áo kia… Còn cháu tôi!!!
Tuy vất vả nhưng như quyển vở sang trang, tuổi thơ của cháu cứ lớn dần lên vượt qua từng lớp, từng lớp, cho tới hết cấp ba. Hình như những đói khổ vật chất không ngăn nổi sự trỗi dậy của tuổi trẻ. Năm lớp12 cháu bỗng nhớn vổng lên, cao ráo, trắng trẻo.
Thi đại học lần đầu, rớt! Còn được thi bận nữa, bố đã giao hẹn. Thế là hai mẹ con lỉnh kỉnh rau dưa đưa nhau lên tỉnh, chui vào lò luyện. “Phải vào lò may ra mới đỗ”, hai mẹ con động  viên nhau.
Cày cật lực. Lần này là cày trên cánh đồng chữ, chứ không còn cày trên cánh đồng ở quê như năm nào.  Thế mà đỗ! Đỗ thật! Mừng rơi nước mắt cả mẹ, cả con.
Học luật 4 năm ở Hà Nội. Bốn năm không biết ti vi. Bốn năm chuyên trị bớt xén tiền ăn bố mẹ cho để học thêm ngoại ngữ, vi tính. Bốn năm rau muống xoắn ruột, gỡ không ra. Bốn năm không biết Tháp rùa, Bờ Hồ nằm ở chỗ  “mô”. Mơ một lần vào Lăng Cụ cũng chả thành. Cơ hội hết, khi tốt nghiệp đại học về quê chờ xin việc. Bốn năm sống nhờ, ở đậu đất Hà Thành, duy nhất biết ba địa danh: Ga Hàng Cỏ, nhà bà béo lắm mồm - nơi trọ học (mà cũng chả nhớ số nhà) và giảng đường.
Ra trường hai bằng hẳn hoi: Tốt nghiệp đại học trung bình khá; Bằng C Anh văn, vi tính văn phòng cũng  khá nốt. Về làng khoe, cô bác trong họ ai cũng khen tài và có chí.
Tôi có thằng bạn cũ làm cán bộ Hải quan Hà Nội. Khi cháu học hết 12, mò đến nhờ xin việc. Bạn nói phải có bằng đại học. Hắn còn cẩn thận: “Nhớ là phải học ngành có liên quan tới chuyên môn của Hải quan mới được”.
Bây giờ có bằng, có ngoại ngữ hẳn hoi thì thằng bạn ngãng ra: Khó lắm ông ơi!
Nghĩ chán cảnh đời. Từ trong Nam tôi điện ra:
-         Có dám vào  “Sài Goòng” không?
-         Có!
-         Lên tầu vào ngay, chú xin việc cho. Hàng không hẳn hoi, đang có đợt tuyển.
Thế là con bé sấp sấp, ngửa ngửa, khăn gói quả mướp lên tầu, lần đầu tiên vô nam. Đón cháu ở ga, đưa về nhà. Nghỉ ngơi ăn uống mấy ngày, con bé lại người, vẫn trắng trẻo, cao ráo nhưng béo ra, cũng đẹp chứ không xấu, khối đứa tiếp viên hàng không không bằng.
Hôm thi tuyển, vợ xin nghỉ ở nhà trang điểm và đưa cháu đi thi. Nhìn cô cháu sau một hồi son phấn tôi không nhận ra.
- Không trang điểm, cứ để tự nhiên lại đẹp. - Tôi nhận xét.
Cô cháu nghe tôi, lừa lúc vợ không để ý, lao vào toa-let sửa sang lại. Lúc sau ra, mặt mũi nhòe nhoẹt như thị mầu.
Sau buổi thi, vợ hỏi dò một  “mẹ” trong ban giám khảo tiếng Anh: “Con cháu em nó thi thế nào?”. Chưa dứt lời mẹ này đã oang oang như chửi vào mặt vợ: “Nó học ngoại ngữ ở đâu mà tệ thế? Giọng nhà quê ngọng líu ngọng lô đã tính bỏ qua cho nhưng đến ngữ pháp thì hỏng hẳn. Chịu! Sai be bét như cháo loãng, thế mà cũng đi thi cho nó tốn lệ phí ra”.
Hai ba đận thi vào hàng không trượt cả. Vợ tôi động viên “kiến thức là một chuyện, tiền bạc không có thì “thi giời”, thôi tìm cách khác”. Đành xin cho cháu làm ở phòng kế hoạch của một xí nghiệp.
Cháu tôi có đứa bạn trai, học cùng lớp hồi đại học. Chúng nó yêu nhau dấm dúi từ bao giờ chả ai hay. Cu cậu dân Bắc Ninh. Khi còn sinh viên đã làm thêm như thụi. Ra trường ở lại Hà Nội làm thuê cho công ty chuyên quảng cáo. Thấy người yêu vào Nam, cu cậu cũng vội vã chuyển vùng.
Được 2 năm thì hai đứa ra Bắc tổ chức lễ cưới.
Sau những năm đi học cố tranh thủ làm thêm, rồi ra trường lăn lộn, đứa cháu rể tích lũy được nghề rồi mở doanh nghiệp cũng chuyên về quảng cáo. Chả biết chúng nó kiếm tiền ở đâu mà trước khi cưới đã mua được xe hơi bốn chỗ. Thằng cháu rể còn nổ với gia đình “đỡ tốn tiền thuê xe cô dâu”. Cưới xong chồng một mạch đánh xe vào Nam (vợ đi tàu Thống nhất, vì không chịu được mùi xăng).
Bây giờ sau sáu, bảy năm, hai vợ chồng đã khấm khá vẫn ở căn hộ ba phòng trên tầng hai nhưng mua thêm đất xây văn phòng, xây thêm nhà. Chồng quản lý công ty, đứa em ruột quản lý văn phòng ngoài Hà Nội, công việc làm ăn tốt.
Cháu tôi sau khi sinh thằng con thứ hai thì ở nhà. Chồng thiết kế cho cái nhà hàng Café kiêm cơm văn phòng ở gần nhà, vừa chăm con vừa trông coi, tiện cả đôi đường. Đỡ buồn mà lại có thu.
- Đã bảo là có bao giờ đụng đến buôn bán đâu mà trông mới coi. - Cô vợ miễn cưỡng nhăn nhó.
- Nghề dạy nghề, cứ làm khắc quen. - Chồng động viên.
Chân trong chân ngoài, thế là lỗ chỏng gọng, phá sản mất toi tiền thuê nhà, tiền sửa sang mua bán nội thất, tiền thuế má, thuê mướn nhân công… Tiếc của vợ mất ngủ mấy đêm. Chồng vỗ về: “Thôi đợi con lớn một chút rồi về quản lý tài chính cho công ty ”.
- Em ỉa vào cái công ty của anh, em chỉ thích đi làm nhà nước, em chả thích kinh doanh. Cháu gái tôi vẫn giọng nhà quê thẳng tuột.
- Thế thì đi làm nhà nước. - Chồng lại chiều.
Làm đúng chuyên môn trong một ngân hàng mà chồng xin cho.
*
Hai vợ chồng một hôm đến nhà chơi  thấy chạy cái BMW mới. Ngồi ăn cơm chuyện trò tôi góp ý: “Xe xịn nhỉ, có tới bạc tỷ không cháu? Sao không để vốn làm ăn mà lăn một đống tiền trên đường cho nó phí đi”. Thế là cu cậu cà kê giải thích.
Hôm cháu đi Vũng Tàu cùng với mấy anh bên đài truyền hình, khi về các bố say cả. Cháu không uống được nên cầm vô lăng, chiếc xe BMW của đài mới mua. Chạy sướng thật, tranh thủ chiều muộn biết mấy chú công an giờ này đi nhậu cả, nhấn ga 120 km êm ru. Tới gần Long Thành bỗng chiếc xe chạy phía trước tự dưng lao vào dải phân cách, cứ thế chữ chi rồi ệch bụng giữa đường. Bên là dải phân cách, bên cạnh là giới hạn hàng rào kim loại với làn xe thô sơ. Chả còn phương án nào khác, thế là cháu cứ ôm chặt vô lăng, nhấp nhấp mấy cái rồi thắng hết cỡ. Chiếc xe như ép sát mặt đường lết đi. Khi hoàn hồn, xe dừng, cháu mở cửa bước xuống, nhìn. Chỉ còn cách đít chiếc xe đổ phía trước đúng gang tay. Hết hồn. Thế mới biết hệ thống an toàn của loại xe này xịn thật. Thế là cháu mê. Với lại cháu cũng muốn có cái xe kha khá một chút để giao dịch, chứ bỏ ra ngần ấy tiền cũng xót lắm.
Xe chỉ ba bố con đi, vợ cháu nó không thèm vì không chịu được mùi xăng. Đi siêu thị vợ xe máy đi trước, mua bán xong điện về cháu cho xe tới chở rồi vợ lại một mình vi vu trời đất với chiếc Honda lao về nhà.
Nhìn chung vợ chồng đứa cháu tôi chúng nó cơ bản được học hành. Thằng cháu rể kinh doanh giỏi và rất chuẩn mực, không rượu, bia, thuốc xái, thích thể hình, tập tạ, Boxing như điên. Vợ không màng kinh doanh, chân chỉ hạt bột, làm nhà nước, chăm con không xe xua ăn diện. Chúng nó vẫn chất phác giản dị như xưa. Hiện tại nhà lầu xe hơi nhưng chưa thấy có biểu hiện chuyển “giai tầng” chả biết mấy năm nữa ra sao.
Mong cháu đừng quên gốc rễ và những ngày gian khó của ông bà, bố mẹ cũng như của chính mình.

 

   

Không có nhận xét nào: