Cuộc sống thay đổi, có những nghề
truyền thống trong dân gian được lưu truyền sáng tạo và người đời gìn giữ mãi. Như
nghề mộc, nghề gốm, nghề sơn mài, nghề thợ may, nghề làm bún, nghề làm giò chả,
thậm chí cả nghề cô đầu, nghề tẩm quất… Có những nghề mai một dần theo năm
tháng như nghề vẽ truyền thần, nghề làm guốc mộc, nghề làm mắm rươi, mắm cáy (vì
rươi, cáy ngày dần tuyệt chủng)… Có những nghề
phát sinh theo từng thời kỳ và cũng chết khi giai đoạn lịch sử đó chấm
hết, như nghề nhuộm răng đen đầu thế kỷ 20, nghề chạy xe tay, nghề bơm bút bi,
nghề hàn dép nhựa, nghề khắc bút máy, nghề làm và sửa chữa dép cao su…
Thời bao cấp đói kém, ở miền bắc phát
sinh ra cái nghề bơm bút bi, nghề hàn dép nhựa. Ngày ấy ra đường thấy tay nào
túi ngực nhòe nhoẹt xanh đỏ là biết ngay tay ấy không giáo sư, trí thức thì chí
ít cũng cánh sinh viên, học sinh. Bút bi có thể bơm dùng nhiều lần cho tới khi
hở “bạc” mới thôi. Bút đã hở “bạc” rồi thì chỉ có vứt, vì nếu không túi thầy,
túi cô… có tài thánh cũng không thể giặt sạch được loại mực tự chế của cái anh bút bi này.
Đầu những năm 1960, tôi có ông
anh đem từ Đức về cái bút bi nhìn thấy “khiếp”. Mấy chú trong khu tập thể có hiểu
biết còn gọi nó là bút “nguyên tử”.
*
Nghề hàn dép nhựa, đôi dép “khéo
đi” có thể xài được vài năm. Đứt quai hả? hàn, lại tốt ngay. Mòn đế hả? hàn, kéo
lê thêm được dăm bảy tháng. Mà đồ nghề tác nghiệp của mấy bác thợ này có quái
gì đâu, ngoài lưỡi dao cùn, cái bếp dầu và dăm ba miếng nhựa phế thải. Có những
đôi dép nguyên thủy màu trắng như dép Tiền phong (của này hiếm, dân có sổ A, sổ
B mới có tiêu chuẩn, ngoài ra phải lùng ngoài chợ đen) khi thanh lý bán ve chai
thì hình hài của nó chỗ nâu, chỗ vàng vì được hàn bằng nhiều nguyên liệu khác
nhau, trông vui mắt. Bà ve chai dứt khoát đánh giá đôi dép cũ tôi bán là hàng
nhựa tái sinh nên đòi giảm giá, còn tôi thì ngược lại vì đôi dép của tôi nguyên
thủy là nhựa Tiền phong cơ mà. Nhưng rồi lý lẽ thuộc về kẻ nắm “khìn” trong túi
nên tôi đành hập hực cầm đôi ba hào tiền lẻ của bà ve chai hào phóng dúi cho. Dép
làm bằng nhựa tái sinh mùa đông cứng như guốc gỗ, đi thì kêu lộp cà lộp cộp, còn
quai thì cứng quèo, cứa vào chân như lưỡi dao cùn của lão thợ cạo ngoài phố, đau
điếng nhưng vẫn thấy oai vì dù sao cũng thuộc đẳng cấp khác, có dép nhựa đi.
*
Nghề sửa và bán dép cao su.
Tôi dám chắc không 100% thì cũng
99%: trong túi quần sau của cánh lính ta bao giờ cũng có một cái rút dép làm
bằng sắt lấy từ đai kiện hàng. Vì thời anh em ta, đa số chỉ “thuần chủng” đôi
dép cao su bạn đường.
Tôi nhớ có một lần, khi học ở Đại
học KTQS, trốn về HN nhân chiều thứ bảy. Lính binh nhì, binh nhất thì làm quái
gì có tiền nên bọn tôi phải “lụi” vé, nhảy tầu.
Thường tôi hay “tiếp đất” ở ga đầu cầu cho chắc ăn vì đoạn này mới qua
cầu Long Biên, tàu chạy còn chậm. Lần ấy không hiểu sao qua cầu rồi mà tốc độ tàu
chạy lại cao hơn thường lệ. Kệ! Tôi quyết định nhảy. Hai mắt dáo giác quan sát
phía trước rồi buông người chạy đà theo hướng tàu chạy. Nhưng tốc độ tàu và đà chạy
của tôi không đồng bộ, thế là chân nọ đá chân kia. Tôi ngã quay đơ, lăn long
lóc như cái bao tải hàng trên sân ga vắng (tàu không đỗ ga này) trong ánh sáng
vàng vàng èo uột của vài ngọn đèn trên sân ga Long Biên trong một chiều đông
chạng vạng. Nằm cong queo dưới đất, định thần nghe ngóng “cơ quan đoàn thể” xem
có chỗ nào bị “sứt mẻ” không, bỗng thấy tiếng bước chân thình thịch chạy về
phía tôi. Bỏ mẹ rồi! Nhảy tàu trốn vé, chứng cứ pháp lý lù lù ra đấy, có mà cãi
“giời”. Bị phạt là may, không khéo còn làm
mồi cho lũ muỗi đói ở “bót” Hàng Đậu đêm nay cũng nên, tôi nghĩ trong đầu và
nằm im giả như bị thương nặng lắm. Hy vọng nỗi thương cảm lay động trái tim tay
nhân viên kiểm vé nào đó đang chạy lại phía tôi. Khi tới sát bên tôi, cúi xuống
nhìn rồi như chưa thật tin vào mắt mình hắn còn đá đá vào mông tôi mấy phát đau
điếng (như kiểm tra xem nó là cái giống gì) rồi hắn vội vã quay đi, miệng làu
bàu chửi: “Mẹ nó chứ, không khéo bao hàng trốn thuế của mình thuế vụ nó thu bố
nó rồi cũng nên. Thằng cha bộ đội chết tiệt làm mình tưởng bao đồ của bạn hàng vứt
xuống, mất hết cả thời gian”.
Nhẹ cả người, nhưng vừa bực, vừa
tức, vừa cám cảnh cho cái tình người thời “đói kém”. Cũng may người ngợm chẳng
hề hấn gì, chỉ toạc tý đầu gối quần. Tôi lồm cồm vừa phủi quần áo vừa đứng dậy.
Quái! Lại văng mẹ nó đi đâu mất toi
chiếc dép cao su Tầu vừa được phát quân
trang đợt vừa rồi? Đôi dép mà tôi nâng niu gìn giữ còn hơn giữ “mả tổ”. Ở mũi
hai chiếc dép tôi đã cẩn thận dùng dao khoét một miếng để đánh dấu cho khỏi lộn
với dép của những thằng khác trong phòng. Tiếc ngẩn ngơ, tôi lần mò tìm hết
đoạn đường ke, xem có rơi đâu không. Gần hai chục phút công toi. Thế là tôi
thất thểu chân dép, chân không, đi bộ xuống phía đầu cầu.
Đang đi tự dưng thấy cồm cộm nơi
bắp vế. Dừng lại, kéo ống quần lên xem sao. Thật kinh ngạc, các bác có biết gì
không?, tôi thấy chiếc dép cao su mà tôi tưởng đã mất chả hiểu sao lại tuột lên
tới tận bắp vế. Nó ôm chặt lấy bắp chân tôi như con Koala (gấu túi) ở xứ Úc(1) châu ôm chặt lấy thân cây bạch đàn. Mừng như vớ được vàng. Chả hiểu lý cú ra
làm sao? Mãi sau này tôi mới biết nguyên do. Số là tôi bị chứng phong thấp, hay
đổ mồ hôi chân nên giày dép tôi đi lúc nào cũng ướt nhẹp, nhất là vào mùa hanh
khô. Cộng với tính lười cố hữu, mùa đông có khi cả tuần mới rửa chân một lần
nên mồ hôi cộng với bụi ghét ở chân tạo ra một dung dịch nhờn nhờn, dinh dính và cực trơn. Tôi thề, nó còn trơn hơn cả loại dầu
nhớt mà hãng BP hay quảng cáo trên ti-vi. Khi ngã bị vướng, thế quái nào mà
chiếc dép lại trượt lên tới tận “trển”! Chả trách tôi không phát hiện ra.
Nói các bác đừng cười, đi dép còn
đỡ, chứ tôi mà đi cả giày, khi ngủ trưa tháo chân ra mà trong phòng chật nhét
tới tám thằng thì cứ gọi là cóc chết phải lạy bằng cụ. Bọn bạn tôi từng chửi
tôi như hát hay vì cái tội chân thối tra tấn lỗ mũi chúng nó.
Dông dài với các bạn về một kỷ niệm của tôi với đôi dép
cao su, nó liên quan tới những nghề mà chỉ ở xứ ta mới có.
---
(1): Koala, hay gấu túi (tên khoa học Phascolarctos cinereus) là một loài thú có túi ăn thực vật sống tại Úc và là loài vật duy nhất hiện còn sống trong họ Phascolarctidae, và họ hàng gần gũi nhất còn sinh tồn của nó là wombat.[1] Koala được tìm thấy ở vùng dọc theo bờ biển phía đông và nam đảo chính, chính xác là ở Queensland, New South Wales,Victoria và Nam Úc. Nó có chiều dài cơ thể khoảng 60–85 cm (24–33 in) và khối lượng 4–15 kg (9–33 lb). Màu lông từ xám bạc đến nâu sô-cô-la. Koala ở các quần thể phía bắc nói chung nhỏ hơn và sáng màu hơn hơn các cá thể sống ở phía nam. Có thể các quần thể này thuộc các phân loài riêng biệt, nhưng điều này không được công nhận.
(1): Koala, hay gấu túi (tên khoa học Phascolarctos cinereus) là một loài thú có túi ăn thực vật sống tại Úc và là loài vật duy nhất hiện còn sống trong họ Phascolarctidae, và họ hàng gần gũi nhất còn sinh tồn của nó là wombat.[1] Koala được tìm thấy ở vùng dọc theo bờ biển phía đông và nam đảo chính, chính xác là ở Queensland, New South Wales,Victoria và Nam Úc. Nó có chiều dài cơ thể khoảng 60–85 cm (24–33 in) và khối lượng 4–15 kg (9–33 lb). Màu lông từ xám bạc đến nâu sô-cô-la. Koala ở các quần thể phía bắc nói chung nhỏ hơn và sáng màu hơn hơn các cá thể sống ở phía nam. Có thể các quần thể này thuộc các phân loài riêng biệt, nhưng điều này không được công nhận.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét